5 bài tập giúp kiểm soát bệnh Parkinson

Tập thể dục là một trong các liệu pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh Parkinson.

Đây là phần 2 trong loạt bài “Các bài tập chuyên biệt cho từng loại bệnh mạn tính

Trong loạt bài này, nhà trị liệu nghề nghiệp Kevin Shelley tập trung vào các bài tập đơn giản để giúp kiểm soát các bệnh mạn tính thông thường.

Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến các tế bào não sản xuất dopamine, dẫn đến rối loạn vận động như run, chậm chạp, cứng khớp và các vấn đề về thăng bằng. Đây là một căn bệnh mạn tính và có tiến triển lâu dài, có thể gây táo bón, trầm cảm và các vấn đề về trí nhớ. Các triệu chứng khác nhau ở mỗi bệnh nhân và thường khó tiên lượng thời điểm bệnh trở nặng hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Mặc dù nguyên nhân chính xác của bệnh Parkinson vẫn chưa được biết rõ nhưng các nhà khoa học tin rằng đó là sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường.

Khi người bệnh có 2 hoặc nhiều hơn 4 triệu chứng sau đây có thể hướng đến chẩn đoán bệnh Parkinson:

  • Mất ổn định tư thế: khó giữ thăng bằng, có thể làm tăng nguy cơ té ngã
  • Bradykinesia (Vận động chậm) : sự chậm chạp của các chuyển động tự phát và tự động, khiến các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn
  • Run: cử động nhịp nhàng tới lui, thường ở bàn tay
  • Độ cứng: đề kháng với chuyển động do cơ bị co và cứng

Tập thể dục có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân Parkinson nhưng cần phải có giám sát cẩn thận. Điều quan trọng là tránh các chuyển động nhanh, tương hỗ, nhảy hoặc thay đổi hướng nhanh chóng và phải cẩn thận để tính đến việc đốt cháy thêm năng lượng liên quan đến độ cứng.

“Tập thể dục là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh Parkinson. Nhiều người hỏi về thói quen tập thể dục ‘tốt nhất’ cho bệnh Parkinson. Hầu hết các bác sĩ đều cho rằng một phương pháp điều trị an toàn, thú vị giúp kiểm soát các triệu chứng của cá nhân bạn là cách tiếp cận tốt nhất,” the Michael J. Fox Foundation for Parkinson’s Research (Quỹ Nghiên cứu bệnh Parkinson của Michael J. Fox) cho biết.

Mặc dù không có bài tập thể dục đơn lẻ chính xác nào có tác dụng với bệnh nhân Parkinson, nhưng các bài tập sau đây đã giúp ích cho nhiều bệnh nhân.

5 bài tập cho bệnh Parkinson

Loại bài tập phù hợp nhất tùy thuộc vào các triệu chứng và thách thức của người bệnh. Nếu bạn đang có lối sống ít vận động, bạn nên bắt đầu bằng các bài tập cường độ thấp như đi bộ. Khi bạn phát triển thêm sức chịu đựng và sức mạnh, bạn có thể tăng dần cường độ và số lần tập luyện. Luôn lắng nghe cơ thể của bản thân và hãy dừng lại nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu.

1. Đi bộ tới/ đi giật lùi

Đi bộ có thể là một thách thức đáng kể đối với bệnh nhân Parkinson tiến triển. Kỹ thuật này có thể cải thiện chất lượng dáng đi và giảm nguy cơ té ngã.

  • Bước 1: Bắt đầu bằng việc đứng trong phòng hoặc hành lang dài nhất có thể. Bạn cũng có thể thực hiện bài tập này bên ngoài.
  • Bước 2: Từ từ đi về phía trước khoảng khoảng 15m với tốc độ bình thường nếu không gian cho phép.
  • Bước 3: Cẩn thận đi lùi về điểm xuất phát. Di chuyển chậm để tránh bị ngã, vì việc đi lùi đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn đáng kể và sẽ không có cảm giác tự nhiên.
  • Bước 4: Hãy thử đi tới đi lui ba lần trước khi nghỉ ngơi và thực hiện 3 lần một ngày nếu có thể.

Chú ý kiểm soát tốc độ đi bộ và tránh tăng tốc để ngăn ngừa té ngã.

2. Squat ghế

Tôi thích những bài tập này bởi tính an toàn và khả năng điều chỉnh để đưa ra mức độ thử thách phù hợp. Bài tập có thể được thực hiện một cách từ từ, từ đó trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho bệnh nhân Parkinson. Việc chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng có thể trở nên khó khăn, nhưng nếu luyện tập thường xuyên, bài tập này có thể giúp giảm bớt những khó khăn đó.

5 bài tập giúp kiểm soát bệnh Parkinson
(Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)
  • Bước 1: Ngồi thẳng, sát vào mặt trước của ghế.
  • Bước 2: Hai tay duỗi thẳng trước mặt, từ từ đứng dậy, mất khoảng 2 đến 3 giây. Khi bạn đứng dậy, hãy thả tay sang hai bên.
  • Bước 3: Từ từ ngồi xuống và tránh những tác động đến cột sống. Khi ngồi, hãy duỗi thẳng cánh tay về phía trước. Chuyển động này sẽ trở nên tự nhiên hơn khi luyện tập.
  • Bước 4: Tất cả những bước trên được tính là 1 lần. Cố gắng thực hiện 3 hiệp, mỗi hiệp 15 lần, có thể điều chỉnh nếu cần.

Tư thế ngồi-đứng ban đầu có thể khá khó khăn nhưng hãy kiên trì và cơ thể sẽ tự điều chỉnh để thích nghi.

3. Dậm chân tại chỗ

Dậm chân tại chỗ tuy đơn giản nhưng lại mang lại hiệu quả cao. Các bước dậm cao góp phần tăng cường sức mạnh cốt lõi và ổn định tư thế, đồng thời cung cấp các chuyển động tinh tế khắp tủy sống giúp chống lại tình trạng cứng khớp.

bài tập giúp kiểm soát bệnh Parkinson
(Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)
  • Bước 1: Đứng dang hai tay sang hai bên, hai chân rộng bằng vai.
  • Bước 2: Dậm chân tại chỗ, nâng đầu gối lên cao nhất có thể. Di chuyển chậm, mỗi bước dậm phải kéo dài từ 1 đến 2 giây đồng thời tập trung vào độ chính xác của chuyển động.
  • Bước 3: Thực hiện bài tập này trong 2 phút mỗi hiệp và 3 hiệp mỗi ngày, có thể thay đổi bài tập một chút nếu cần.

Bài tập dậm chân tại chỗ có thể được làm chậm lại đáng kể để phù hợp với tình trạng cứng cơ và vận động chậm.

4. Nâng chân sang bên

Động tác nâng chân sang bên mang lại một bài tập luyện tuyệt vời cho cơ giạng ở hông và cũng tăng cường sức mạnh cơ bắp của bản thân. Đây là những bài tập ổn định có thể được thực hiện một cách từ từ, có lợi cho việc phục hồi chức năng của bệnh Parkinson.

bài tập giúp kiểm soát bệnh Parkinson
(Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)
  • Bước 1: Đứng và bám vào ghế hoặc mặt bàn để tối đa hóa sự an toàn của bản thân.
  • Bước 2: Từ từ đưa một chân thẳng sang một bên, không gập đầu gối. Di chuyển chân của bạn ra xa nhất có thể một cách thoải mái, sau đó đưa trở lại. Lặp lại động tác với chân còn lại.
  • Bước 3: Tất cả các bước trên được tính là 1 lượt. Cố gắng thực hiện tổng cộng 3 hiệp, mỗi hiệp 30 lượt.

5. Đứng thẳng và đá ngược về sau

Đứng đá ngược là một cách tuyệt vời để tăng cường cơ bắp ở phía sau cơ thể. Bí quyết của những bài tập này là tránh việc cố gắng thực hiện động tác mà thay vào đó hãy thực hiện một cách thoải mái.

bài tập giúp kiểm soát bệnh Parkinson
(Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)
  • Bước 1: Đứng thẳng và dựa vào tường, ghế hoặc mặt bàn để tối đa hóa sự an toàn và thăng bằng.
  • Bước 2: Từ từ nâng một chân thẳng về phía sau, vươn ra xa nhất có thể trong khi vẫn giữ đầu gối duỗi thẳng. Sau đó, đưa chân trở lại.
  • Bước 3: Lặp lại động tác với chân còn lại.
  • Bước 4: Tất cả những bước trên được tính là 1 lần lặp lại. Cố gắng thực hiện 3 hiệp, mỗi hiệp 30 lần.

Ban đầu, người tập có thể thấy những bài tập này khó và gây đau nhức cho phần lưng dưới, nhưng hãy kiên trì thực hiện và bạn sẽ nhanh chóng trở nên khỏe mạnh. Luôn thoải mái thực hiện các điều chỉnh khi cần thiết.

Loạt bài tập này có chủ ý tập trung nhiều vào đôi chân. Khi bệnh Parkinson tiến triển, việc di chuyển có thể trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Từ góc độ phục hồi, việc khôi phục những kỹ năng này có thể gặp khó khăn một khi đã bị mất đi. Tuy nhiên, người bị bệnh cũng có thể chủ động ngăn ngừa tiến triển của bệnh.

Thể lực của bạn sẽ quyết định thói quen tập thể dục của bạn, nhưng trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động nào, bước đầu tiên là thảo luận điều gì tốt nhất cho bản thân với bác sĩ. Điều này có thể bao gồm việc làm việc với chuyên gia vật lý trị liệu để nhận được “đơn tập thể dục” từ chuyên gia sau khi đánh giá những gì bạn có thể làm một cách an toàn.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Kevin Shelley
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Kevin Shelley là một nhà trị liệu có chứng nhận hành nghề với hơn 30 năm kinh nghiệm trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn. Ông tham gia vào chuyên mục sức khỏe cho thời báo The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn