Cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson
Nghiên cứu mới khám phá khả năng bảo vệ thần kinh tiềm tàng của caffeine.
Một tách cà phê buổi sáng không chỉ giúp bạn tiếp thêm năng lượng để bắt đầu một ngày mới. Bằng chứng mới cho thấy rằng caffeine trong cà phê còn có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.
Caffeine có thể làm giảm 40% nguy cơ mắc bệnh Parkinson
Trong khi nghiên cứu trước đây nhấn mạnh những lợi ích của caffeine như tăng mức năng lượng và nâng cao hiệu suất nhận thức, một nghiên cứu gần đây trên Neurology (Tập san Thần kinh học) đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy rằng caffeine có thể giúp ngăn ngừa bệnh Parkinson, một chứng rối loạn vận động tiến triển.
Nghiên cứu mới đã kiểm tra lượng cà phê tiêu thụ và nguy cơ mắc bệnh Parkinson trong tương lai ở 184,024 người tham gia đến từ sáu quốc gia Âu Châu.
Không giống như các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu mới này đã định lượng các dấu ấn sinh học của caffeine nhiều năm trước khi bệnh Parkinson khởi phát. Kết quả cho thấy rằng mức tiêu thụ caffeine cao hơn và sự hiện diện của các chất chuyển hóa quan trọng [của caffeine] như paraxanthine và theophylline có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Paraxanthine và theophylline đã được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa. Căng thẳng oxy hóa giữ một vai trò nhất định trong quá trình thoái hóa thần kinh ở bệnh Parkinson. Vì vậy các hợp chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ tế bào thần kinh khỏi thương tổn. Ngoài ra, bệnh Parkinson có liên quan đến sự chết của các tế bào thần kinh dopamine. Một số nghiên cứu cho thấy paraxanthine và theophylline có thể làm tăng tín hiệu của thụ thể dopamine, bù đắp cho sự thiếu hụt tế bào thần kinh.
Tác dụng bảo vệ thần kinh phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ, trong đó nhóm tiêu thụ nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh Parkinson thấp hơn gần 40% so với những người không uống cà phê.
Tiến sĩ Jack Wolfson, bác sĩ tim mạch được hội đồng chứng nhận ở Scottsdale, Arizona, không tham gia nghiên cứu, nói với The Epoch Times rằng “mức tiêu thụ cà phê lý tưởng nhất” có lẽ là từ 2 đến 4 tách mỗi ngày. Ông nói thêm rằng việc uống thêm cà phê “có lẽ không có nhiều lợi ích.”
Một mối liên kết đầy hứa hẹn nhưng thiếu đi chứng minh
Tiến sĩ Hwai Ooi, nhà thần kinh học tại Weill Cornell Medicine ở New York, người không tham gia nghiên cứu, nói với The Epoch Times rằng bằng chứng khoa học liên quan đến việc tiêu thụ cà phê với việc giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson là khá mạnh mẽ. Bà nói, “Nhiều nghiên cứu trong 20 năm qua đã chứng minh một “mối liên quan rõ ràng.”
Tuy nhiên, mối liên quan không hàm ý quan hệ nhân quả. Tiến sĩ Ooi cho biết thêm, cơ chế chính xác mà caffeine có thể mang lại khả năng bảo vệ thần kinh và giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson vẫn chưa được biết rõ.
Ngoài ra, Tiến sĩ Ooi lưu ý rằng các thử nghiệm lâm sàng cho đến nay vẫn chưa cho thấy lợi ích của caffeine hoặc các chất chuyển hóa của caffeine trong việc làm chậm sự tiến triển hay cải thiện các triệu chứng bệnh.
Mặc dù bằng chứng trông có vẻ đầy hứa hẹn nhưng Tiến sĩ Ooi cho biết rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ về mối quan hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Điều này bao gồm việc xác định loại cà phê và số lượng tiêu thụ tối ưu để mang lại lợi ích tối đa.
Chuyên gia: Không nên lạm dụng cà phê
Tiến sĩ Ooi cảnh báo không nên uống quá nhiều cà phê để giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Bà nói, “Giống như hầu hết mọi thứ chúng ta đưa vào cơ thể, điều độ là yếu tố quan trọng.”
Lượng caffeine dư thừa có liên quan đến việc làm gia tăng lo âu, khó ngủ, các vấn đề về đường tiêu hóa như ợ chua, tăng nhịp tim và huyết áp (một vấn đề quan trọng đối với những người mắc bệnh tim hoặc cao huyết áp), giảm mật độ xương và khả năng tương tác thuốc.
Việc tiêu thụ lượng lớn cà phê thường xuyên có thể dẫn đến các triệu chứng phụ thuộc và cai nghiện như đau đầu, mệt mỏi và khó chịu khi giảm lượng tiêu thụ.
Tiến sĩ Ooi khuyên rằng mọi người nên tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc y tế nếu có bất kỳ lo ngại nào về việc tiêu thụ caffeine.
Những cách khác để giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson
Ngoài việc tiêu thụ cà phê, các chuyên gia cho biết những yếu tố và thói quen về lối sống khác có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Tiến sĩ Ooi cho biết, điều quan trọng nhất là tập aerobic, “điều này đã được chứng minh rõ ràng là có tác dụng bảo vệ thần kinh đối với bệnh Parkinson và có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh.” Các hướng dẫn hiện tại khuyến nghị tập aerobic tối thiểu 2.5 tiếng mỗi tuần đối với những người mắc bệnh Parkinson.
Các yếu tố khác liên quan đến sức khỏe bộ não tối ưu và giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson bao gồm duy trì cách ăn uống cân bằng, lành mạnh. Tiến sĩ Wolfson khuyến nghị một khẩu phần ăn nhiều hải sản hoang dã, đồng thời lưu ý rằng việc tiêu thụ hải sản nhiều hơn có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Nam Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times