Bữa ăn giàu trái cây và rau quả là chìa khóa dự phòng tiểu đường thai kỳ
Bạn đã nghe nói nhiều về lợi ích của việc ăn trái cây và rau quả, nhưng bạn có biết rằng loại thực phẩm tự nhiên này có thể là chìa khóa để có một thai kỳ khỏe mạnh?
Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 07/2019 trên tập san Nghiên cứu vitamin và dinh dưỡng quốc tế , một nhóm các nhà khoa học đa ngành ở Tehran, Iran, đã khảo sát mối liên hệ giữa việc tiêu thụ trái cây, rau quả và các sản phẩm từ sữa với các trường hợp bị bệnh tiểu đường thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ xảy ra trong thời gian mang thai trên những thai phụ trước đó không bị bệnh lý này. Tiểu đường thai kỳ thường khởi phát vào khoảng giữa của thai kỳ, từ 24 đến 28 tuần, và có thể tái phát trong những lần mang thai tiếp theo. Các bác sĩ thường khuyên bạn nên áp dụng cách ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên để kiểm soát tiểu đường thai kỳ.
Nghiên cứu tiền cứu này được thực hiện trong thời gian 17 tháng trên toàn bộ phụ nữ mang thai từ 18 đến 45 tuổi đang trong nửa đầu của thai kỳ và những người đã đồng ý đi khám tiền sản tại bất kỳ bệnh viện nào trong số năm bệnh viện liên kết với các trường đại học, khoa học y tế ở các quận khác nhau của Tehran, Iran.
Cách ăn uống của những người tham gia được đánh giá trong tuần thứ 6 của thai kỳ bằng cách sử dụng bảng câu hỏi tần suất thực phẩm bán định lượng gồm 168 món ăn đã được xác thực. Giữa 24 và 28 tuần tuổi thai, tất cả những người tham gia đều trải qua một bài kiểm tra dung nạp đường bằng đường uống theo lịch trình để xác định xem họ có bị bệnh tiểu đường thai kỳ hay không. Việc chẩn đoán tiểu đường thai kỳ dựa trên các tiêu chí do Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đưa ra.
Trái cây và rau làm giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ
Trong số 1,026 người tham gia nghiên cứu, 71 người có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh tiểu đường thai kỳ. Dựa trên chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) và kết quả của bảng câu hỏi về thực phẩm, các nhà nghiên cứu xác định rằng bữa ăn nhiều trái cây và rau quả “có liên quan đáng kể và tỷ lệ nghịch với nguy cơ tiểu đường thai kỳ”.
Những thai phụ tiêu thụ 2.1 phần ăn mỗi ngày hoặc ít hơn thì có tỷ lệ chênh lệch đối với tiểu đường thai kỳ cao hơn đáng kể so với những người tiêu thụ ít nhất 4.9 phần mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng ăn trái cây và rau quả ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể giúp ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ.
Các nghiên cứu khác cũng đưa ra những phát hiện tương tự.
Một nghiên cứu thuần tập tiền cứu được công bố vào tháng 11/2018 đã theo dõi 1,337 phụ nữ mang thai ở miền Tây Trung Quốc, đánh giá khẩu phần ăn khi thai được 15-20 tuần bằng bảng câu hỏi tần suất thực phẩm đã được xác thực và xác định tiểu đường thai kỳ bằng các xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống khi thai được 24–28 tuần. Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng bữa ăn nhiều protein ít tinh bột có liên quan đến nguy cơ tiểu đường thai kỳ thấp hơn ở những phụ nữ thừa cân trước khi mang thai.
Ngoài nguy cơ tái phát tiểu đường thai kỳ trong những lần mang thai tiếp theo, thai phụ có tiền sử tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn. Một nghiên cứu vào tháng 03/2019 được công bố trên tập san Dinh dưỡng Âu châu đã tìm ra mối liên quan giữa bữa ăn ít trái cây rau củ và sự dung nạp glucose bất thường ở những thai phụ có tiền sử tiểu đường thai kỳ.
Một nghiên cứu thuần tập của Canada trên tổng cộng 281 thai phụ có tiền sử tiểu đường thai kỳ cho thấy đối tượng có khả năng dung nạp glucose bất thường thì tiêu thụ ít trái cây, rau quả và có xu hướng ăn trái cây ít hơn so với những phụ nữ dung nạp glucose bình thường.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng lượng trái cây và rau quả nhiều hơn có thể làm giảm khả năng dung nạp glucose bất thường và giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 trên thai phụ có tiền sử tiểu đường thai kỳ.
Rau lá xanh và rau màu vàng đậm giúp giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường
Các nhà nghiên cứu từ Harvard và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã hợp tác để khám phá mối liên hệ giữa bữa ăn nhiều trái cây và rau quả và nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2 . Đây là căn bệnh từng được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn nhưng hiện nay cũng xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ em.
Một nghiên cứu năm 2004 do bệnh viện Brigham and Women tại Trường Y Harvard chủ trì, được thực hiện trong trung bình 8.8 năm đã cho thấy “mối quan hệ nghịch đảo đáng kể giữa nguy cơ tiểu đường và tổng lượng trái cây và rau quả.” Kết quả này có ý nghĩa trợ giúp thêm cho kết quả của các nghiên cứu tương tự.
Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả các loại trái cây và rau quả đều như nhau về tác động tích cực đối với sức khỏe. Trong đó, các loại rau củ lá xanh đậm và màu vàng sẫm có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2, trong khi các loại rau giàu tinh bột như khoai tây cho thấy mối liên quan đáng kể với nguy cơ tiểu đường loại 2.
Trúc Đoàn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times