Bốn loại gạo có tác dụng bổ thận, bảo vệ phổi, và tốt cho tiêu hóa
Các loại gạo khác nhau có các tác dụng chữa bệnh khác nhau, góp phần nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể và tốt cho sức khỏe.
Cuốn y văn cổ nhất của Trung Hoa “Hoàng Đế Nội Kinh” hay “Kinh điển về nội khoa của Hoàng đế,” chỉ ghi lại 13 công thức thảo dược, một trong số đó là chất lỏng làm từ Ngũ hạt (ngũ cốc). Thuở xưa, cháo gạo được dùng làm thuốc để chữa bệnh. Các loại gạo khác nhau có các tác dụng chữa bệnh khác nhau, góp phần nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể và tốt cho sức khỏe. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm lại những lợi ích chính của các loại gạo khác nhau.
Bốn loại gạo phổ biến bao gồm gạo trắng, gạo lứt, gạo đen, và gạo tím. Niềm tin cổ xưa về “ngũ cốc bổ dưỡng” cho rằng ngũ cốc có thể nuôi dưỡng cơ thể. Quan niệm này phù hợp với các nguyên tắc dinh dưỡng hiện đại.
Lầm tưởng: Bệnh nhân tiểu đường nên tránh ăn cơm
Gạo trắng tốt cho lá lách và dạ dày, giúp cung cấp năng lượng tràn đầy cho cơ thể. Theo Trung y, lá lách không chỉ có chức năng miễn dịch mà còn chi phối hệ tiêu hóa. Năng lượng sống (khí) lưu thông trong cơ thể và máu vận chuyển các chất dinh dưỡng – tất cả đều phụ thuộc vào chất dinh dưỡng được lá lách và dạ dày hấp thụ. Điều cần lưu ý là tạng phủ (các cơ quan) trong Trung y không nhất thiết phải tương ứng với các cơ quan theo giải phẫu y học Tây phương hiện đại.
Nhiều người cho rằng bệnh nhân tiểu đường không nên ăn cơm vì sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, không cần thiết phải làm như vậy. Trên thực tế, lá lách và dạ dày của bệnh nhân tiểu đường tương đối yếu hơn hoặc dễ bị tổn thương hơn. Vì vậy, điều quan trọng hơn là phải nuôi dưỡng lá lách và dạ dày đúng cách để lấy lại sức mạnh và năng lượng cho hoạt động thể chất. Tăng hoạt động thể chất có thể giúp ổn định lượng đường trong máu. Việc tránh ăn cơm và không tham gia hoạt động thể chất có thể dẫn đến lượng đường trong máu sẽ càng mất cân bằng hơn. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường nên tiếp tục ăn cơm đồng thời tập thể dục thường xuyên.
Gạo trắng là nguyên liệu làm thuốc
Gạo trắng được xem là dược liệu trong Trung y. Gạo trắng được kê trong nhiều bài thuốc khác nhau, như Bạch hổ thang, Mạch môn đông thang và Bổ phế A Giao tán, có tác dụng bảo vệ hệ tiêu hóa và phổi.
Theo Trung y, kinh mạch là các kênh năng lượng của cơ thể con người. Cơ thể con người bao gồm 12 kinh mạch chính, mỗi kinh mạch tương ứng với một cơ quan nội tạng. Trong ngày, mỗi kinh mạch sẽ có một thời điểm hoạt động mạnh nhất.
Những người có xu hướng thức dậy từ 3 đến 5 giờ sáng có thể gặp vấn đề liên quan đến phổi vì đây là thời điểm kinh phổi hoạt động. Bác sĩ Hồ Nãi Văn, là bác sĩ Trung y nổi tiếng ở Đài Loan, chia sẻ rằng trước đây ông từng gặp những bệnh nhân như vậy, họ thường thức dậy vào khung giờ này. Bác sĩ sẽ thêm một chút gạo nếp trắng vào toa thuốc cho bệnh nhân. Khi quay lại tái khám, những bệnh nhân này cho biết rằng chất lượng giấc ngủ đã được cải thiện trong cả tuần.
Gạo đen: Bổ thận, làm đen tóc
Gạo đen hay còn gọi là gạo nếp cẩm hay gạo lứt nếp đen, là loại gạo nguyên hạt, có kết cấu thô, không dính khi nấu chín và thường được mệnh danh là “gạo vua của y học” do có nhiều lợi ích sức khỏe. Gạo đen có tác dụng bổ thận, làm khỏe và đen tóc, dưỡng huyết, làm ấm lá lách và dạ dày. Gạo đen đặc biệt thích hợp cho những người tiêu hóa kém, đau đầu gối, người già, trẻ em và người bị tiểu đường.
Phần có giá trị nhất của gạo đen là lớp vỏ đen, chứa một lượng lớn anthocyanin như trong trái việt quất. Anthocyanin được biết đến với đặc tính chống oxy hóa, khả năng bảo vệ mắt, chống lão hóa và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.
Các thí nghiệm trên động vật đã phát hiện ra rằng bổ sung anthocyanin trong gạo đen cho chuột bị bệnh tiểu đường không chỉ có thể làm giảm đường huyết mà còn cải thiện chức năng thận và làm giảm chứng xơ cứng cầu thận, từ đó giúp ngăn ngừa bệnh thận do tiểu đường.
Gạo tím: Bổ máu và dưỡng nhan
Gạo tím, hay còn gọi là gạo nếp tím, có độ dẻo cao, nhưng nếu ăn riêng thì khó tiêu và ăn quá nhiều có thể có thể gây chướng bụng.
Tuy nhiên, gạo tím cũng chứa một lượng lớn anthocyanin. Nghiên cứu cho thấy rằng gạo tím thường có hàm lượng anthocyanin cao hơn gạo lứt đen. Ngoài hàm lượng anthocyanin, gạo tím còn có thể cải thiện thị lực và lưu thông máu. Gạo tím được mệnh danh là “gạo bổ máu,” ăn thường xuyên có thể làm đẹp da và trì hoãn quá trình lão hóa.
Gạo lứt và gạo trắng: loại nào bổ dưỡng hơn?
Sự khác biệt giữa gạo lứt, gạo trắng và gạo nảy mầm là gì? Gạo lứt là loại gạo sau khi đã được loại bỏ lớp vỏ trấu, để lại mầm và cám gạo. Gạo lứt nảy mầm là loại gạo lứt đã được loại bỏ lớp cám, chỉ còn lại mầm. Mặt khác, gạo trắng là loại gạo đã được loại bỏ mầm.
Gạo lứt có hàm lượng chất xơ cao và có nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng hơn. Chẳng hạn như hàm lượng acid gamma-aminobutyric (GABA) của gạo lứt gấp 10 lần gạo đánh bóng. GABA có thể làm giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho biết rằng ăn gạo lứt nảy mầm non có thể làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể và cải thiện lượng lipid máu cũng như đường huyết lúc đói.
Nhìn chung, gạo lứt có hàm lượng chất xơ và dinh dưỡng cao hơn nhiều so với gạo trắng. Nhưng từ góc độ tiêu hóa và hấp thu thì gạo trắng dễ tiêu hóa hơn nhiều do kết cấu mịn hơn. Điều quan trọng cần lưu ý là không có câu trả lời tuyệt đối về loại gạo nào là bổ dưỡng nhất; việc lựa chọn nên dựa trên sự cân nhắc về sức khỏe và sở thích cá nhân.
Ba cách chế biến gạo lứt để dễ tiêu hóa hơn
Gạo lứt dai hơn, đối với những người có vấn đề về đường tiêu hóa như đầy hơi hoặc loét dạ dày, ăn quá nhiều có thể gây khó chịu bụng.
Làm thế nào để gạo lứt dễ tiêu hóa hơn? Bạn chỉ cần cho gạo vào tủ đông để làm nứt hạt gạo, khiến gạo dễ nấu hơn. Việc đông lạnh cũng cải thiện kết cấu hạt gạo, giúp dễ nhai hơn. Dưới đây là một số cách giúp gạo lứt mềm hơn:
1. Gạo trắng + Gạo lứt
Trộn gạo trắng và gạo lứt theo tỷ lệ 4:1 rồi nấu. Bắt đầu bằng cách ngâm gạo lứt khoảng 40 phút, sau đó nấu cùng với gạo trắng. Cơm sẽ dai và mềm, có mùi thơm phức và ngon miệng.
2. Gạo trắng + Gạo lứt + Khoai lang
Trộn gạo trắng, gạo lứt và một ít khoai lang rồi nấu cùng nhau. Bạn có thể thái khoai lang thành từng miếng vuông hoặc cắt nhỏ. Khoai lang sẽ làm cơm mềm hơn và có vị ngọt, tạo cảm giác no và kích thích tiêu hóa. Cơm nấu bằng nồi áp suất hoặc nồi đất sẽ có hương vị thơm ngon hơn.
3. Cháo gạo lứt cá măng
Nếu lo lắng người cao tuổi và trẻ em không nhai được gạo lứt dễ dàng thì bạn cũng có thể nấu cháo gạo lứt. Dưới đây là các bước nấu cháo gạo lứt với cá măng:
- Nấu gạo lứt trước, để riêng.
- Rửa sạch và cắt phần bụng cá măng thành từng miếng.
- Đun sôi nước, cho bụng cá vào, đun nhỏ lửa. Sau đó, cho gạo lứt đã nấu chín vào nấu chung.
- Sau khi nấu chín hoàn toàn, thêm một ít cần tây và ngò cắt nhỏ rồi nêm muối và hạt tiêu.
Cách chọn gạo ngon
Khi mua gạo nên chọn loại gạo còn nguyên hạt, ít bị vỡ hoặc ít bột trắng. Nếu gạo bị vỡ và có nhiều bột nghĩa là gạo kém chất lượng, có thể đã bị oxy hóa hoặc hỏng. Không nên mua loại gạo này.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times