Bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm? Estrogen thực vật giúp giảm triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh?
Trong khi một số phụ nữ chỉ nhẹ nhàng lướt qua thời kỳ tiền mãn kinh thì hơn 85% người còn lại trải qua một hoặc nhiều triệu chứng khó chịu, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, các hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống.
Bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm ảnh hưởng đến 75% phụ nữ tiền mãn kinh. Những vấn đề khác bao gồm thay đổi cân nặng và thành phần cơ thể, da thay đổi, khó ngủ, đau đầu, đau khớp, khô âm đạo, trầm cảm và sương mù não(*).
Mặc dù nhiều bác sĩ coi liệu pháp hormone thay thế là phương pháp điều trị hiệu quả nhất nhưng đôi khi liệu pháp này không được khuyến nghị, vì có bằng chứng không an toàn.
Ở Úc, người ta ước tính rằng hơn 1/3 phụ nữ tìm kiếm các loại thuốc bổ sung hoặc thay thế để kiểm soát các triệu chứng tiền mãn kinh.
Nhưng các liệu pháp này có tác dụng không hay chỉ gây lãng phí thời gian và tiền bạc?
Có gì trên thị trường?
Những liệu pháp bổ sung hoặc thay thế hormone để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh cũng đa dạng như chính các triệu chứng này, bao gồm mọi thứ, từ thực hành thân-tâm (thôi miên, liệu pháp hành vi nhận thức và thiền định) đến các phương pháp y học thay thế (Trung y và châm cứu) và các sản phẩm tự nhiên (thảo dược và thực phẩm bổ sung).
Có một số bằng chứng ủng hộ liệu pháp thôi miên và liệu pháp hành vi nhận thức để điều trị các cơn bốc hỏa. Những liệu pháp này thậm chí còn được khuyến nghị trong các hướng dẫn điều trị lâm sàng.
Còn lợi ích của các loại thuốc bổ sung và thay thế hormone thì ít chắc chắn hơn, đặc biệt là các chất bổ sung dinh dưỡng.
Các chất bổ sung dinh dưỡng phổ biến nhất cho các cơn bốc hỏa là phytoestrogen, còn gọi là estrogen thực vật. Loại chất này được thúc đẩy bởi nhà sản xuất luôn ra sức quảng bá như là giải pháp thay thế an toàn hơn hoặc tự nhiên hơn cho liệu pháp hormone thay thế.
Phytoestrogen là gì?
Phytoestrogen là những chất có nguồn gốc từ thực vật có thể hoạt động giống như estrogen khi được tiêu hóa.
Có nhiều loại phytoestrogen gồm isoflavone, coumestans và lignans. Phytoestrogen có thể được tiêu thụ dưới dạng thực phẩm, chẳng hạn như đậu nành nguyên hạt, thực phẩm làm từ đậu nành như đậu phụ và sữa đậu nành, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, hạt lanh, trái cây và rau quả và các chất bổ sung được sản xuất thương mại.
Chiết xuất từ đậu nành và cỏ ba lá đỏ tạo ra isoflavone, và hạt lanh cung cấp lignans.
Vì mức estrogen giảm dẫn đến các triệu chứng tiền mãn kinh, cho nên lý thuyết rằng tiêu thụ một chất hoạt động như estrogen sẽ giúp giảm triệu chứng.
Bằng chứng nói gì về phytoestrogen?
Bằng chứng ban đầu đến từ dữ liệu dịch tễ học cho thấy phụ nữ Á châu với thực đơn truyền thống có nhiều phytoestrogen (nghĩa là thực đơn ăn bao gồm đậu phụ, miso và đậu nành lên men hoặc luộc) ít gặp các triệu chứng tiền mãn kinh hơn so với phụ nữ Tây phương.
Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tác dụng của phytoestrogen đối với các triệu chứng tiền mãn kinh chẳng hạn như hệ vi sinh vật đường ruột. Nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 30% phụ nữ Tây phương có hệ vi sinh vật đường ruột có thể chuyển isoflavone thành dạng hoạt động, trong khi con số này ở phụ nữ Nhật Bản là 50% đến 60%.
Nồng độ estrogen lưu thông giảm đáng kể trong thời kỳ tiền mãn kinh và thời gian ăn đậu nành đều có ảnh hưởng đến tác dụng của phytoestrogen trên các triệu chứng tiền mãn kinh.
Tại Úc châu, các hướng dẫn lâm sàng không ủng hộ việc sử dụng phytoestrogen thường xuyên.
Các hướng dẫn của Vương quốc Anh lưu ý một số lợi ích của isoflavone nhưng nhấn mạnh rằng nhiều chế phẩm không chắc chắn về tính an toàn và có tương tác với các loại thuốc khác.
Tại Hoa Kỳ, Ban Sức khỏe Phụ nữ lưu ý rằng nhiều phụ nữ thấy giảm các triệu chứng tiền mãn kinh bằng các thảo dược như cỏ ba lá đỏ và đậu nành, cả hai đều chứa phytoestrogen.
Phytoestrogen có thể giúp cải thiện các triệu chứng tâm lý thời kỳ tiền mãn kinh không?
Có ít nghiên cứu hơn về hiệu quả của phytoestrogen trong việc cải thiện các triệu chứng tâm lý thời kỳ tiền mãn kinh, như trầm cảm, lo lắng và sương mù não.
Một phân tích gộp gần đây đã phát hiện rằng phytoestrogen làm giảm trầm cảm ở phụ nữ sau tiền mãn kinh chứ không phải phụ nữ trước tiền mãn kinh. Tuy nhiên, một thử nghiệm lâm sàng gần đây không tìm thấy sự cải thiện nào.
Một số nghiên cứu cho thấy phytoestrogen làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ nhưng không có phát hiện kết luận nào về tác dụng của phytoestrogen đối với chứng sương mù não ở thời kỳ tiền mãn kinh.
Kết luận
Hiện tại, chúng ta vẫn chưa chắc chắn về lợi ích của phytoestrogen đối với các triệu chứng tiền mãn kinh.
Nếu bạn muốn xem liệu phytoestrogen có hiệu quả với mình hay không, hãy bắt đầu bằng cách bổ sung nhiều thực phẩm chứa phytoestrogen hơn vào thực đơn ăn uống.
Đó là tương nén tempeh, đậu nành, đậu phụ, miso, sữa đậu nành (từ đậu nành nguyên hạt), yến mạch, lúa mạch, hạt diêm mạch, hạt lanh, hạt vừng, hạt hướng dương, hạnh nhân, đậu xanh, đậu lăng, đậu đỏ và cỏ linh lăng.
Những thực phẩm này tốt cho sức khỏe tổng thể, chưa kể đến các triệu chứng tiền mãn kinh.
Hãy thử ăn các thực phẩm kể trên một đến hai lần mỗi ngày trong khoảng ba tháng và theo dõi các triệu chứng.
Trước khi bạn thử bất kỳ chất bổ sung nào, hãy thảo luận trước với bác sĩ (đặc biệt nếu bạn có tiền sử ung thư vú); nếu các triệu chứng không cải thiện sau ba tháng, hãy ngừng dùng chúng.
Bài viết này được đăng lại từ The Conversation.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times