Bệnh tăng nhãn áp: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên
Bệnh tăng nhãn áp là bệnh về mắt có thể gây mất thị lực hay mù lòa do tích tụ dịch ở phía trước mắt.
Được xem xét về mặt y tế bởi Tiến sĩ Bác sĩ y khoa Yuhong Dong
Bệnh tăng nhãn áp (Glaucoma) là một nhóm bệnh về mắt có thể gây mất thị lực hoặc mù lòa do tổn thương dây thần kinh thị giác. Tổn thương này thường do tích tụ dịch ở phần trước mắt, làm tăng áp lực và dần phá hủy dây thần kinh. Glaucoma là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai trên thế giới (sau bệnh đục thủy tinh thể).
Phân loại bệnh tăng nhãn áp
Gồm 2 loại chính: nguyên phát và thứ phát. Glaucoma nguyên phát thường không rõ nguyên nhân. Glaucoma thứ phát xảy ra khi trước đó có một bệnh lý gây tăng nhãn áp.
Nguyên phát
- Góc mở nguyên phát: Phổ biến nhất, đặc trưng bởi sự phá hủy dây thần kinh thị giác, góc tiền phòng rộng (khoảng trống giữa giác mạc và bề mặt mống mắt) và áp lực nội nhãn (IOP) trên 21 mmHg.
- Nhãn áp bình thường: Một dạng glaucoma góc mở với nhãn áp dưới 21 mmHg.
- Góc đóng: Còn được gọi là góc hẹp hay glaucoma cấp, một trường hợp cấp cứu y tế. Chiếm khoảng 10%. Bệnh xảy ra khi mép ngoài của mống mắt cản trở dịch thoát ra ở phía trước mắt, dẫn đến ứ đọng dịch và tăng áp lực đột ngột. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến mất thị lực nghiêm trọng hoặc mù lòa trong vòng vài ngày. Glaucoma góc đóng mạn tính tiến triển từ từ và có thể không có triệu chứng ngoài mất thị lực.
- Bẩm sinh nguyên phát: Là tình trạng hiếm gặp do hệ thống dẫn lưu dịch phát triển bất thường trước khi sinh.
Thứ phát
Các bệnh lý như đục thủy tinh thể, khối u, tiểu đường, biến chứng phẫu thuật mắt và một số loại thuốc có thể gây ra tăng nhãn áp:
- Tân mạch: Xảy ra khi có sự phát triển quá mức của mạch máu làm tắc nghẽn vùng thoát nước của mắt, thường do các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường hoặc cao huyết áp.
- Sắc tố: Hội chứng phân tán sắc tố xảy ra khi sắc tố bong ra từ phía sau mống mắt, làm tăng áp lực trong mắt và dẫn đến glaucoma sắc tố.
- Bong bao: Còn được gọi là tăng nhãn áp giả bong bao, một dạng glaucoma góc mở thứ phát xảy ra ở người mắc hội chứng bong bao.
- Viêm màng bồ đào: Khoảng 20% những người bị viêm màng bồ đào phát triển bệnh tăng nhãn áp. Các chuyên gia tin rằng tình trạng viêm và hình thành mô sẹo ở vùng giữa của mắt có thể ngăn chặn sự thoát dịch, gây tăng áp lực trong mắt, dẫn đến tăng nhãn áp màng bồ đào và cuối cùng là mất thị lực.
- Thứ phát ở trẻ em: Do sự phát triển bất thường của mắt không liên quan đến hệ thống thoát dịch, hội chứng hoặc bệnh lý mắt khác.
Một số người có thể có nhãn áp cao mà không có tổn thương rõ ràng. Họ được gọi là những người “có nguy cơ bị tăng nhãn áp.” Ngay cả người có nhãn áp bình thường cũng có thể bị glaucoma khi dây thần kinh thị giác có dấu hiệu tổn thương. Tuy nhiên, hầu hết những người này đều không có triệu chứng, do đó mọi người nên đi khám bác sĩ nhãn khoa định kỳ.
Triệu chứng và dấu hiệu ban đầu của tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp thường bắt đầu mà không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, tình trạng mất thị lực thường xuất hiện ở vùng ngoại vi. Nếu không được can thiệp, người bệnh có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.
Các triệu chứng cụ thể khác nhau tùy vào từng loại tăng nhãn áp:
- Góc mở nguyên phát: Thường không có triệu chứng cho đến khi thị lực bị tổn thương nghiêm trọng với các điểm mù xuất hiện ở một mắt. Triệu chứng bao gồm tăng áp lực nội nhãn và tầm nhìn kiểu đường hầm.
- Nhãn áp bình thường: Thường không có triệu chứng đáng chú ý cho đến khi bệnh ở giai đoạn muộn. Có thể có dấu hiệu xuất huyết ở lớp sợi thần kinh đĩa thị.
- Góc đóng: Đau mắt dữ dội, buồn nôn, đỏ mắt và mờ mắt. Cần điều trị y tế ngay lập tức khi gặp các triệu chứng này.
- Bẩm sinh nguyên phát: Trẻ em có đốm đục ở mắt, nhạy cảm với ánh sáng, tiết nước mắt nhiều và mắt lớn hơn bình thường
- Thần kinh: Đau mắt, đỏ mắt và mất thị lực.
- Sắc tố: Có thể thấy quầng sáng khi nhìn vào bóng đèn hoặc bị mờ mắt sau tập thể dục.
- Bong bao: Triệu chứng tương tự như góc mở nguyên phát nhưng có thể tiến triển nhanh hơn.
- Viêm màng bồ đào: Bệnh nhân có các triệu chứng của cả viêm màng bồ đào và tăng nhãn áp, bao gồm đỏ mắt, đau, nhạy cảm với ánh sáng, có các đốm trong tầm nhìn và mờ mắt.
Nguyên nhân gây tăng nhãn áp
Trong bệnh glaucoma, các tế bào hạch võng mạc và sợi thần kinh của dây thần kinh thị giác bị phá hủy từ từ. Mất thị lực kiểu ngoại vi là đặc điểm chính giúp phân biệt glaucoma với các bệnh mắt khác.
Các nhà nghiên cứu tin rằng glaucoma xảy ra khi có quá nhiều thủy dịch (chất lỏng nuôi dưỡng mắt) trong mắt dẫn đến tăng áp suất nội nhãn.
Thông thường, thể mi tạo ra thủy dịch và các xoang tĩnh mạch dẫn lưu dịch giúp cân bằng lượng dịch trong mắt. Khi các xoang bị tắc, dịch không thoát ra được, gây tăng áp lực nội nhãn. Khi áp lực tăng cao bất thường sẽ làm tổn hại đến dây thần kinh thị giác, gây ra bệnh tăng nhãn áp.
Glaucoma có thể xảy ra ở những người có nhãn áp thấp hoặc bình thường do giá trị nhãn áp này vẫn đủ cao để phá hủy dây thần kinh thị giác.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh:
- Tuổi: Trên 60 tuổi. Nam giới ở độ tuổi 30 có nguy cơ bị tăng nhãn áp sắc tố cao nhất, với tỷ lệ nam/nữ dao động từ 2:1 đến 5:1
- Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ cao gấp khoảng sáu đến tám lần so với người da trắng. Người Nhật Bản thường hay gặp thể glaucoma nhãn áp bình thường. Nguy cơ glaucoma góc đóng cao hơn ở người Á Châu và Inuit, thấp hơn ở người Âu Châu và Phi châu.
- Áp lực nội nhãn cao: Yếu tố nguy cơ hàng đầu
- Tiền sử gia đình có người bị tăng nhãn áp
- Cấu trúc mắt: Giác mạc mỏng, thần kinh thị giác mỏng, mống mắt lõm là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng nhãn áp sắc tố.
- Các bệnh về tim mạch: Bệnh tim và huyết áp bất thường.
- Các bệnh về mắt: Giảm mô thần kinh thị giác, bong võng mạc, khối u ở mắt và viêm mắt, thiếu máu cục bộ võng mạc và các bệnh mạch máu hệ thống
- Viễn thị hoặc cận thị.
- Chấn thương mắt.
- Bệnh tiểu đường: Yếu tố nguy cơ của glaucoma góc mở.
- Cân nặng khi sinh thấp: Có nguy cơ mắc tăng nhãn áp bẩm sinh nguyên phát.
- Tiền sử động kinh của mẹ: Nguy cơ mắc tăng nhãn áp bẩm sinh nguyên phát.
- Thuốc: Dùng steroid hoặc các loại thuốc điều trị rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD).
- Lối sống: Chơi nhạc cụ cần thổi hơi mạnh, uống cà phê, một số tư thế yoga, đeo cà vạt chật và nâng tạ nặng, các vấn đề về giấc ngủ và căng thẳng
- Độc tính kim loại nặng: Coban, chì, thủy ngân.
- Bức xạ ion hóa
Chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp
Khi nghi ngờ bệnh tăng nhãn áp, bác sĩ sẽ tiến hành khám mắt toàn diện để xác định chẩn đoán. Các phương pháp thăm khám bao gồm:
- Đo áp lực nội nhãn (Tonometry): Nhãn áp bình thường dao động từ 11 đến 21 mmHg, với chỉ số trên 21 mmHg được coi là cao. Nên đo nhiều lần trong ngày để theo dõi biến động của nhãn áp.
- Đánh giá dây thần kinh thị giác: Bằng cách soi đáy mắt hoặc chụp cắt lớp quang học, giúp phát hiện sớm các tổn thương do bệnh tăng nhãn áp gây ra.
- Kiểm tra thị trường: Còn gọi là đo chu vi hoặc kiểm tra thị lực ngoại vi, đánh giá khả năng nhìn rõ ở các vùng xung quanh tầm nhìn chính. Tầm nhìn này thường bị ảnh hưởng đầu tiên bởi bệnh tăng nhãn áp.
- Soi góc tiền phòng: Kiểm tra các kênh thoát nước của mắt để xác định xem bệnh tăng nhãn áp là góc mở hay góc đóng.
- Đo độ dày giác mạc: Giác mạc mỏng có thể làm tăng nguy cơ bị tăng nhãn áp. Độ dày giác mạc cũng ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả đo nhãn áp.
- Kiểm tra thị lực: Đánh giá khả năng nhìn rõ ở các khoảng cách khác nhau.
- Kiểm tra chức năng cơ vận động mắt: Đánh giá các cơ xung quanh mắt
- Khám đèn khe: Đánh giá cấu trúc phía trước của mắt như mí mắt, giác mạc, kết mạc, củng mạc và mống mắt bằng kính hiển vi chuyên dụng.
Khám mắt định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị bệnh tăng nhãn áp. Những người trên 40 tuổi và có nguy cơ bị bệnh nên khám mắt toàn diện 1-2 năm một lần.
Biến chứng của tăng nhãn áp
- Mất thị lực
- Đau mắt
- Mất thị trường.
- Mất nhận thức ánh sáng: Loại mất thị lực nghiêm trọng nhất, thường gặp ở giai đoạn nặng
Các phương pháp điều trị tăng nhãn áp
Hiện nay, không có phương pháp nào có thể đảo ngược tình trạng mất thị lực do tăng nhãn áp. Tuy nhiên, việc điều trị có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tùy vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong một số trường hợp, thuốc nhỏ mắt có thể không kiểm soát được nhãn áp và bệnh nhân cần dùng thêm thuốc đường uống.
Mục tiêu điều trị là giảm nhãn áp bằng cách tăng dẫn lưu hoặc giảm sản xuất thủy dịch.
1. Thuốc nhỏ mắt
Thuốc nhỏ mắt là phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh tăng nhãn áp, cần sử dụng thường xuyên để kiểm soát áp lực trong mắt. Thông thường, thuốc ban đầu được nhỏ ở một bên mắt, nếu có sự cải thiện trong vòng một đến bốn tuần thì sẽ nhỏ cả 2 mắt.
Trước khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, cần thông báo cho bác sĩ về loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung mà bạn đang dùng để tránh tương tác.
Các loại thuốc giúp tăng dẫn lưu thủy dịch:
- Prostaglandin: Latanoprost, travoprost, tafluprost và bimatoprost. Có thể gây kích ứng mắt nhẹ, thay đổi màu mắt và lông mi dài ra.
- Thuốc ức chế Rho kinase: Netarsudil và ripasudil. Có thể gây đỏ mắt và khó chịu ở mắt.
- Oxit nitric:Bunod latanoprostene và NCX 470.
- Thuốc co đồng tử hoặc cholinergic: Pilocarpine, không còn được sử dụng phổ biến vì gây đau đầu, đau mắt và thay đổi thị lực.
Các loại thuốc làm giảm sản xuất thủy dịch:
- Thuốc chủ vận alpha-adrenergic: Apraclonidine và brimonidine, thường dùng hai hoặc ba lần mỗi ngày, có thể gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, mắt đỏ hoặc ngứa, khô miệng và mệt mỏi.
- Thuốc chẹn beta: Betaxolol và timolol, có thể gây giảm nhịp tim, huyết áp, khó thở và mệt mỏi.
- Thuốc ức chế anhydrase carbonic: Dorzolamide và brinzolamide, dùng hai hoặc ba lần mỗi ngày, có thể gây vị kim loại, tăng tần suất đi tiểu và cảm giác ngứa ở ngón tay và chân.
2. Điều trị bằng Laser
Khi cả thuốc nhỏ mắt và thuốc uống đều không hiệu quả, điều trị bằng laser có thể là phương pháp phù hợp đối với một số loại tăng nhãn áp. Các loại phương pháp bao gồm:
- Phẫu thuật tạo hình mô bè
- Laser Cyclodiode
- Cắt mống mắt bằng laser
Trong quá trình điều trị bằng laser, người bệnh có thể nhìn thấy ánh sáng xanh lục hoặc đỏ nhấp nháy. Thủ thuật này hầu như không gây đau hoặc khó chịu.
Sau khi điều trị, người bệnh có thể bị sưng, đau nhức mắt và thỉnh thoảng ngứa giác mạc. Tuy nhiên, cơn đau thường giảm đi nhanh chóng khi giác mạc lành lại và bác sĩ có thể kê thuốc nhỏ mắt để giảm đau. Hầu hết mọi người trở lại cuộc sống bình thường sau một ngày phẫu thuật. Tuy nhiên, cần 4 đến 6 tuần để đánh giá hiệu quả điều trị. Ngoài ra, sau khi điều trị thành công, hầu hết mọi người vẫn phải dùng thuốc suốt đời.
3. Phẫu thuật
- Cắt bè củng mạc (Trabeculectomy): Là loại phẫu thuật phổ biến nhất, thường được cân nhắc khi các phương pháp khác thất bại, có thể gây ra biến chứng như mất thị lực, đục thủy tinh thể, nhiễm trùng và sụp mí mắt.
- Trabeculotomy: Tương tự cắt bè củng mạc, nhưng sử dụng dòng điện để cắt.
- Tạo hình ống Schlemm bằng chất nhầy (Viscocanalostomy): Loại bỏ một phần của củng mạc để tạo điều kiện cho chất lỏng thoát ra khỏi mắt dễ hơn.
- Phẫu thuật cấy ghép tăng nhãn áp: Bác sĩ sẽ chèn một ống dẫn lưu nhỏ vào củng mạc để giúp thoát dịch dư thừa.
- Phẫu thuật tăng nhãn áp xâm lấn tối thiểu (MIGS): Phương pháp mới dành cho bệnh tăng nhãn áp nhẹ với ít rủi ro và tác dụng phụ cũng như giúp phục hồi nhanh hơn. Mặc dù có nhiều hứa hẹn, MIGS hiện chưa được coi là phương pháp vượt trội so với các phương pháp khác.
- Cắt củng mạc sâu: Mở rộng các kênh thoát nước trong mắt bằng cách đưa một thiết bị nhỏ vào bên trong.
- Phẫu thuật đục thủy tinh thể: Làm giảm nhãn áp ở những người bị đục thủy tinh thể, có thể được coi là phương pháp tiềm năng trong điều trị tăng nhãn áp.
4. Các phương pháp điều trị mới
Các nhà nghiên cứu đang phát triển một số phương pháp mới như liệu pháp dựa trên tế bào để tái tạo thần kinh thị giác. Mặc dù đầy hứa hẹn nhưng những phương pháp này vẫn đang ở giai đoạn ban đầu và chưa sẵn sàng để thử nghiệm lâm sàng trên người.
Nghiên cứu cũng đang hướng đến việc chỉnh sửa gen để thay thế các gen đột biến liên quan đến tăng nhãn áp, nhưng hiện tại chỉ mới thử nghiệm trên mô hình động vật và chưa tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người.
Tư duy ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tăng nhãn áp?
Tư duy tích cực có vai trò quan trọng trong quản lý bệnh tăng nhãn áp theo nhiều cách.
Duy trì tư duy tích cực giúp giảm căng thẳng, vốn là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tăng nhãn áp, đồng thời giúp giảm nhãn áp, yếu tố quan trọng trong kiểm soát bệnh và làm giảm rối loạn chức năng mạch máu.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy lo lắng làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh tăng nhãn áp và cũng liên quan đến tăng áp lực nội nhãn và xuất huyết đĩa đệm. Tư duy tích cực có thể làm giảm lo lắng bằng cách tăng khả năng phục hồi và tự điều chỉnh, từ đó có lợi cho quản lý bệnh tăng nhãn áp.
Tư duy tích cực cũng giúp cải thiện việc tuân thủ thuốc và điều trị, từ đó làm chậm tiến triển của bệnh. Ngoài ra, thái độ tích cực có thể khuyến khích người bệnh lựa chọn lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, ăn uống cân bằng và tránh hút thuốc, từ đó cải thiện sức khỏe của mắt và giảm nguy cơ tăng nhãn áp.
Các phương pháp tiếp cận tự nhiên
Có một số phương pháp tự nhiên giúp điều trị bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên, trước khi thử bất kỳ phương pháp nào dưới dây, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
1. Dược liệu
- Bạch quả (Ginkgo biloba): Chiết xuất bạch quả giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện tình trạng mất thị lực.
- Việt quất đen (Vaccinium myrtillus): Chứa anthocyanin, giúp bảo vệ và cải thiện lưu lượng máu đến các tế bào thần kinh và giảm viêm mắt.
- Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis): Dạng chiết xuất và các hoạt chất chính, gồm baicalin, baicalein và wogonin, có độc tính thấp và giúp bảo vệ thần kinh, chống stress oxy hóa, giảm viêm và chống ung thư. Những chất này giúp chống lại tổn thương do giảm lưu lượng máu đến võng mạc.
- Nghệ tây (Crocus sativus): Chứa crocin, crocetin và safranal có tác dụng chống viêm và bảo vệ các tế bào mắt.
- Erigeron breviscapus: Chiết xuất của Erigeron breviscapus (Scutellarin) giúp bảo vệ các tế bào thần kinh võng mạc, duy trì cấu trúc võng mạc và thị lực.
- Hạt Qing Guang An (QGAG): Một loại thuốc Trung Quốc đã được nghiên cứu và có tiềm năng trong điều trị tăng nhãn áp.
2. Thực phẩm bổ sung
- Vitamin C: Bảo vệ chống lại tổn thương võng mạc trong bệnh tăng nhãn áp.
- Axit alpha-lipoic (ALA): Có trong thịt đỏ, củ cải đường, cà rốt, khoai tây, rau bina và bông cải xanh.
- Melatonin
3. Khác
- Châm cứu: Làm giảm nhẹ áp lực trong mắt, tăng lưu lượng máu ở những người mắc glaucoma góc mở nguyên phát.
- Thay đổi tư thế ngủ: Tư thế ngẩng đầu 20 độ giúp giảm nhãn áp vào ban đêm so với tư thế nằm thẳng.
- Tập thể dục: Giúp giảm nhãn áp tạm thời.
- Chỉ số BMI lý tưởng: Chỉ số thấp có thể liên quan đến tăng nhãn áp, trong khi người có chỉ số BMI trên 30 thường dễ mắc glaucoma góc mở nguyên phát.
- Kỹ thuật thư giãn: Thiền định và các kỹ thuật thư giãn khác có thể giúp giảm căng thẳng và giúp tối ưu hóa việc điều trị bệnh.
Phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp không thể hoàn toàn phòng ngừa được do một số trường hợp là bẩm sinh và di truyền, nhưng có thể giảm nguy cơ bằng các giải pháp sau:
Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected]
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.