Bảy loại thuốc có thể gây bệnh tổn thương thận. Dấu hiệu sớm cảnh báo thận bị tổn thương

Thận có chức năng quan trọng trong việc bài tiết chất thải, lượng dịch dư thừa và độc tố sản sinh trong cơ thể. Tuy nhiên, thận là cơ quan dễ bị tổn thương. Bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tự miễn đặc biệt có nguy cơ cao bị bệnh tổn thương thận.

Việc dùng thuốc lâu dài cũng gây tổn thương cho thận. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu bảy loại thuốc có khả năng gây ra bệnh tổn thương thận. Bệnh nhân có vấn đề sức khỏe cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này và cần được bác sĩ hướng dẫn kỹ lưỡng.

Bảy loại thuốc có thể gây hại cho thận

1. Thuốc kháng viêm và giảm đau

Thuốc giảm đau kháng viêm như ibuprofen, naproxen sodium và acetaminophen làm giảm lưu lượng máu đến thận, ảnh hưởng đến khả năng lọc chất độc và loại bỏ lượng dịch dư thừa, từ đó gây hại cho thận.

Do đó, nếu bị đau đầu thông thường hoặc sốt, bạn không nên vội dùng thuốc kháng viêm và giảm đau. Bệnh nhân đau khớp mạn tính cũng cần thận trọng vì nguy cơ bệnh tổn thương thận liên quan đến việc sử dụng lâu dài các loại thuốc này.

2. Thuốc hạ huyết áp

Mặc dù việc hạ huyết áp nói chung có lợi cho thận, nhưng sử dụng một số loại thuốc hạ huyết áp kéo dài làm tăng gánh nặng cho thận. Đặc biệt, dùng quá mức thuốc lợi tiểu có thể dẫn đến giảm lưu lượng máu đến thận, kết quả làm thận bị tổn thương.

Ngoài ra, cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển angiotensin, đặc biệt là trong khi cơ thể đang mất nước hoặc khi sử dụng đồng thời với các loại thuốc khác.

3. Thuốc kháng sinh

Đôi khi bác sĩ kê kháng sinh không phù hợp cho bệnh nhân bị cảm lạnh hoặc sốt. Tuy nhiên, những loại thuốc này chỉ hiệu quả đối với các nhiễm trùng vi khuẩn cấp tính và không có hiệu quả khi bị nhiễm virus.

Sử dụng quá mức kháng sinh là nguyên nhân các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển. Trong trường hợp như vậy, một số loại kháng sinh như vancomycin và aminoglycosides có thể làm thận nhiễm độc.

4. Thuốc kháng virus

Bệnh nhân HIV/AIDS cần sử dụng thuốc kháng virus, thường kết hợp nhiều loại thuốc. Phương pháp điều trị này có thể gây bệnh tổn thương thận, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài hoặc ở liều lượng cao, có nguy cơ dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Tất nhiên, các loại thuốc kháng virus khác cũng có tác dụng phụ tương tự.

Gần đây, một người bạn của tôi bị bệnh zona đã quyết định không sử dụng thuốc kháng virus. Thay vào đó, ông ấy đã chọn dùng Trung y và điều trị bằng châm cứu, sau đó tình trạng của ông đã cải thiện đáng kể. Có lẽ quyết định này đã giúp ông ấy tránh khỏi nguy cơ bệnh tổn thương thận liên quan đến thuốc kháng virus.

5. Thuốc chống loãng xương

Người cao tuổi dễ mắc bệnh loãng xương, thường được kê đơn thuốc chống loãng xương. Tuy nhiên, thuốc chống loãng xương dẫn đến lắng đọng calcium trong ống thận, gây rối loạn chức năng thận và gây hại cho thận.

6. Thuốc ức chế miễn dịch

Những bệnh nhân được ghép tạng thường cần sử dụng các thuốc ức chế men calcineurin, giúp giảm phản ứng thải loại thải của các tế bào lympho. Tuy nhiên, những loại thuốc này có gây độc đối với ống thận và cầu thận. Liều lượng càng cao và thời gian sử dụng càng dài, độc tính càng lớn.

Do đó, việc ưu tiên sức khỏe cơ quan nội tạng trong cuộc sống hàng ngày là rất quan trọng để phòng ngừa các bệnh liên quan. Nếu cần phải ghép tạng, bạn cần không chỉ đặt ra một loạt các câu hỏi về đạo đức y học mà quan trọng hơn, bạn cũng cần hiểu về các biến chứng tiềm ẩn sau ghép thận có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như thế nào.

7. Chất tương phản trong chẩn đoán hình ảnh

Trong quá trình chụp CT (chụp cắt lớp vi tính), chất tương phản được bơm vào tĩnh mạch để giúp cho hình ảnh cơ thể trên phim rõ ràng hơn. Tuy nhiên, một số chất tương phản có tính phóng xạ, gây tổn thương trực tiếp thận ở một số người. Một số người báo cáo đã trải qua bệnh tổn thương thận sau khi hoàn thành quá trình chụp cắt lớp vi tính.

Các triệu chứng bệnh tổn thương thận

Bệnh tổn thương thận có thể không có triệu chứng. Làm thế nào chúng ta đánh giá tình trạng của thận hiện tại?

Đầu tiên, nên chú ý đến các triệu chứng sớm hoặc thậm chí là triệu chứng nhẹ khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc nào được nêu trên. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau, có thể là dấu hiệu của bệnh tổn thương thận, và bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

1. Nước tiểu có máu hoặc có bọt

Nước tiểu có máu có thể là do bệnh tổn thương thận hoặc tổn thương hệ tiết niệu. Cụ thể, tổn thương ở cầu thận hoặc các bộ phận khác, khiến máu lẫn vào nước tiểu.

Nước tiểu có bọt thường là do tiểu đạm, hậu quả của bệnh tổn thương thận.

2. Thay đổi màu sắc nước tiểu

Thay đổi màu sắc nước tiểu có thể do có máu hoặc lượng chất thải tăng lên trong nước tiểu.

3. Tiểu lắt nhắt hoặc tiểu khó

Tiểu lắt nhắt hoặc tiểu khó do nhiễm trùng đường tiểu, viêm nhiễm hoặc vấn đề về tuyến tiền liệt và cũng nên được coi là một dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh tổn thương thận.

4. Đau lưng hoặc đau vùng bụng dưới

Đau ở vùng gần thận là dấu hiệu rõ ràng của viêm nhiễm.

5. Bí tiểu

Mất khả năng đi tiểu có thể phải cần đặt ống thông cho dẫn lưu nước tiểu ra. Bí tiểu là dấu hiệu của bệnh tổn thương thận nặng hơn.

Trong thời gian học y, thầy của tôi từng nói rằng, khi một người khỏe mạnh bỗng nhiên xuất hiện các triệu chứng, việc đầu tiên là xem xét các tác dụng phụ của thuốc. Một số bệnh tổn thương thận không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, khi sử dụng các loại thuốc nêu trên, việc theo dõi chặt chẽ mọi thay đổi của chức năng thận là rất quan trọng.

Nếu các triệu chứng trên xuất hiện, bệnh nhân cần thông báo ngay lập tức cho bác sĩ của mình. Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành các đánh giá và kiểm tra kỹ lưỡng hơn để xác định các vấn đề về thận và quyết định liệu pháp điều trị. Có thể bác sĩ sẽ ngừng hoặc điều chỉnh liều thuốc để giảm thiểu nguy cơ tổn thương thận.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn