Bạn không phải là người xuất chúng? Hãy thử tập trung vào điểm mạnh của mình

Trân trọng những điều bạn làm tốt nhất, cũng như ghi nhận và trợ giúp điểm mạnh của người khác sẽ tạo ra cộng đồng mạnh mẽ và gắn kết hơn.

Bạn đã bao giờ cảm thấy tệ hại vì kém hơn người khác về mọi mặt chưa?

Tôi không chỉ nói đến [phạm vi trên] toàn thế giới, bởi vì điều đó tất nhiên là đúng. Nhưng ngay cả trong nhóm bạn bè hoặc cộng đồng xung quanh, bạn có thể nhận ra rằng mình khá bình thường ở hầu hết mọi điều.

Đối với kiểu người có tính cạnh tranh hoặc khả năng tự nhận thức cao, điều này có thể thật đáng buồn.

Một chàng trai bình thường

Ở trường trung học, tôi đạt điểm cao và đứng thứ 2 trong lớp. Tôi cũng đạt điểm cao trong một số bài kiểm tra tiêu chuẩn. Điều này đã khiến tôi nảy ra suy nghĩ rằng có lẽ tôi khá đặc biệt.

Tất cả chúng ta đều biết loại kiêu ngạo này sẽ dẫn tới thất bại. Trong trường hợp của tôi, đó là do thực tế khắc nghiệt của thế giới này và có rất nhiều khía cạnh quyết định thành công hơn là chỉ năng khiếu học tập. Hóa ra, trong phần lớn các phạm trù có thể so sánh được, tôi chỉ là một chàng trai bình thường.

Tất nhiên, trở nên bình thường không đến nỗi xấu. Theo định nghĩa, hầu hết chúng ta đều như vậy, và thành công gần như không phải là cách quan trọng nhất để đo lường cuộc sống.

Nhưng điều gì sẽ xảy đến nếu bạn là kiểu người muốn tạo ra tác động tích cực lớn nhất có thể? Có hy vọng nào cho những người bình thường muốn làm nên sự khác biệt?

Câu trả lời đương nhiên là có!

Frank hạng nhất và larry hạng chót

Hãy tưởng tượng một siêu nhân hư cấu tên Frank hạng nhất. Frank tài năng hơn bất kỳ ai trong mọi việc. Anh ấy chỉ có một “khuyết điểm” – vẫn là một con người và bị ràng buộc bởi sự khan hiếm thời gian với 24 tiếng một ngày.

Một nhân vật hư cấu khác, Larry hạng chót, là người dở nhất trong mọi việc. Anh ấy có thể làm được mọi việc – chỉ là chậm hơn và kém hơn rất nhiều. Larry cũng có 24 tiếng mỗi ngày.

Bây giờ, bằng trực giác, bạn có thể nghĩ rằng trong thế giới năng suất nhất, Frank sẽ làm mọi việc và Larry sẽ né tránh.

Tuy nhiên, trong cuốn sách nổi tiếng “The Principles of Political Economy and Taxation” (Tạm dịch: Các Nguyên Tắc Chính trị về Kinh Tế và Thuế), được công bố năm 1817, nhà kinh tế học David Ricardo lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về lợi thế so sánh. Nói một cách đơn giản, ông lập luận rằng ngay cả khi một người (hoặc một nhóm) kém hơn ở mọi khía cạnh, tất cả chúng ta sẽ tốt hơn nếu tập trung vào những kỹ năng tốt nhất của bản thân và cùng trao đổi để có mọi thứ. Bằng cách đó, không ai dành quá nhiều thời gian cho các kỹ năng tốt thứ 2, thứ 3, hoặc thứ 4. Tóm lại, đây là lý lẽ ủng hộ sự chuyên môn hóa của họ.

Mặc dù có vẻ khô khan, nhưng ý nghĩa thực tiễn của khái niệm này lại là nguồn động viên to lớn đối với tôi.

Tất cả mọi người, bất kể trình độ kỹ năng như thế nào, đều có thể tạo ra sự khác biệt tích cực trên thế giới. Và con đường tốt nhất là tập trung vào những việc bạn giỏi nhất (ngay cả khi những người khác tốt hơn).

Bởi vì với con người, động lực là yếu tố quan trọng tạo nên kết quả lâu dài, nên chúng ta cần tìm ra điểm cân bằng giữa những kỹ năng tốt nhất và niềm vui cá nhân. Vì vậy, trên thực tế, hãy thoải mái làm điều “thích nhất” thay vì “tốt nhất” nếu bạn có thể thấy mình tốt hơn theo thời gian.

Hãy hành động

Nếu ý tưởng trên gây ấn tượng với bạn, hãy thử hành động. Dưới đây là một số gợi ý thực tiễn mà bạn có thể cân nhắc trong cuộc sống của chính mình.

1. Đừng nản lòng nếu bạn không xuất sắc

Sự xuất sắc là điều may mắn nhưng hiếm có. Tất cả chúng ta đều giúp cho gia đình, cộng đồng, và ngay cả thế giới trở thành nơi thậm chí tốt đẹp hơn bằng cách làm những việc bản thân tốt nhất. Điều này giúp mỗi người có thể tự do làm những gì họ giỏi và có những đóng góp hữu ích nhất.

2. Giúp người khác xác định tài năng của họ

Xã hội nhấn mạnh việc xác định số ít , nhưng 95% còn lại thì sao? Một nỗ lực xứng đáng và đáng khen ngợi là giúp người khác thấy được những gì họ giỏi nhất và khuyến khích họ dùng kỹ năng đó vì lợi ích của người khác.

3. Tập trung vào điểm mạnh của bạn

Đừng để bị phân tâm bởi việc so sánh với người khác hoặc lo lắng về những điều đột ngột xảy đến. Quy luật lợi thế so sánh cho thấy rằng tất cả sẽ hữu ích nhất nếu chỉ tập trung vào điểm mạnh cá nhân. Điều này không chỉ thú vị hơn sự đố kỵ hay tự hạ thấp bản thân mà còn tốt hơn cho tất cả mọi người.

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mike Donghia
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mike (và vợ anh ấy, Mollie) viết blog tại This Evergreen Home. Đây là nơi họ chia sẻ những kinh nghiệm sống đơn giản, có chủ đích và có tương quan trong thế giới hiện đại này. Bạn có thể theo dõi bằng cách đăng ký nhận bản tin hai lần một tuần của họ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn