Bạn không cần phải là người giỏi nhất

Ngày nay, những lời tán dương trên mạng xã hội đang đặt ra tiêu chuẩn cao cho những người bình thường.

Trong thời đại truyền thông xã hội và điện thoại thông minh, gần như tất cả mọi người đều liên tục được tiếp xúc với những tài năng đang thực hiện những việc thu hút cho cuộc sống của họ. Bạn có thể theo dõi một nhà văn vĩ đại, người luôn viết ra các tác phẩm mới, một thợ làm bánh đẳng cấp thế giới luôn đổi mới với những công thức nấu ăn hoa mỹ hoặc một người nào đó giống như bạn kiếm được rất nhiều tiền thông qua một công việc kinh doanh phụ đơn giản.

Thật dễ dàng để ai đó cảm thấy cuộc sống của họ hơi nhàm chán và tầm thường so với những người nổi tiếng được truyền thông xã hội ngày nay thổi phồng.

Mặc dù trong đầu chúng ta thừa nhận rằng những gì ta đang thấy chỉ là một phần nhỏ trong số những người đặc biệt tài năng trên thế giới — và chỉ chọn lọc và đánh bóng những điểm nổi bật trong cuộc đời họ vào thời điểm đó — nhưng trái tim chúng ta vẫn trải nghiệm điều gì đó khác biệt. Chúng ta khao khát sự quyến rũ và khác biệt như vậy trong cuộc sống của chính mình – và sự khao khát đó có thể khiến chúng ta đánh mất mục đích sống cũng như cảm giác biết ơn và niềm vui đối với bản thân mình.

Đòn bẩy truyền thông xã hội

Gần đây tôi đã cảm thấy như vậy và nếu thành thật mà nói thì tôi có cảm giác như vậy được một thời gian rồi. Điều tham vọng thúc đẩy tôi làm được những công việc tuyệt vời là trở nên giỏi hơn những người khác — để sánh ngang với tầng lớp những người mà tôi đã tìm kiếm trên internet. Vấn đề với điều này là danh tính và ý thức về giá trị bản thân bạn bị ràng buộc trong một trò chơi cấp bậc tương đối và bạn chắc chắn thua. Cho dù bạn leo cao đến đâu, những tiêu chuẩn xã hội vẫn tiếp tục tăng. Bạn càng tiếp xúc nhiều với những người được các phương tiện truyền thông xã hội đánh giá là giỏi nhất trong số những người giỏi nhất, bạn càng có thể nhận ra – như tôi đã nhận ra – rằng tài năng của bạn đang ở gần mức trung bình hơn so với những gì bạn mong đợi.

Nếu bạn để việc này xảy ra, đây có thể là một nhận thức đáng buồn. Nó có thể đưa bạn vào một vòng xoáy cảm xúc nhảy qua lại giữa sự tuyệt vọng, điên cuồng và sự tự mãn bơ phờ — tùy thuộc vào trạng thái giá trị bản thân mong manh hiện tại của bạn.

Giá trị của bạn

Nhưng chúng ta có những tin tốt! Bạn không cần phải là người giỏi nhất. Bạn thậm chí còn không cần phải giỏi. Để sống một cuộc sống có giá trị, có ý nghĩa và hạnh phúc, bạn không cần những phẩm chất như vậy. Tôi biết đó là điều hiển nhiên, nhưng không phải luôn là chúng ta cảm nhận như thế nào, mà là học cách cảm nhận những gì chúng ta tin là một phần không thể thiếu trong cuộc chiến giành quyền tự quyết.

Hãy để tôi chia sẻ một số lời khuyên đã giúp tôi điều chỉnh cuộc sống của mình từ những định nghĩa thành công một chiều sang một điều gì đó phong phú hơn mà bất kì ai cũng có thể làm được, bất kể tài năng bẩm sinh của bạn là gì.

1. Hãy coi cuộc đời bạn như một bức tranh thay vì một cuộc thi

Hình ảnh của một người thợ thủ công hoặc một người nghệ sĩ sẽ mang lại một bức tranh lành mạnh về cuộc sống hơn là hình ảnh của một đối thủ cạnh tranh. Thay vì tưởng tượng rằng cuộc đời tôi phải là một danh sách những thành tựu có thể đo lường được và hữu hình, tôi nghĩ cuộc đời mình như một bức tranh mà trên đó tôi muốn vẽ nên bức tranh phong phú nhất, đẹp nhất, gợi lên suy ngẫm nhất mà mình có thể làm được. Vẽ nên bức tranh này khiến tôi bớt bị ám ảnh bởi kết quả và quan tâm nhiều hơn đến con người tôi đang trở thành cũng như những hoạt động mà tôi đang khám phá.

2. Thay vì kết quả, hãy để niềm đam mê thúc đẩy bạn

Nhu cầu thành công sâu bên trong thúc đẩy một số người – họ cảm thấy có một lỗ hổng lớn trong cuộc sống của mình cho đến khi họ đạt được điều gì đó – và thậm chí sau đó, họ vẫn không bao giờ hài lòng. Tôi không nói rằng thành tích không phải là một động lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, thành tích gây nguy hiểm vì có thể hao tổn gần như mọi thứ khác trong cuộc sống của bạn. Thay vào đó, hãy nuôi dưỡng đam mê yêu thích công việc. Hãy phát triển niềm đam mê đối với tính nghệ thuật, sự cẩn thận và siêng năng của một người quan tâm đến công việc và kết quả sẽ đến theo cách bất ngờ.

3. Trở thành một con cá lớn trong cái ao nhỏ

Một trong những cách mạnh mẽ nhất mà mạng xã hội đã định hình thế giới quan của chúng ta là mở rộng vòng tròn so sánh của bản thân. Trong quá khứ không xa, một đứa trẻ đạt thành tích cao có thể rất hào hứng và tràn đầy động lực khi trở thành một trong những học sinh giỏi nhất ở trường trung học cỡ trung, một trong những cầu thủ giỏi nhất trong đội, hoặc một trong những nghệ sĩ violin giỏi nhất trong dàn nhạc. Thanh tiêu chuẩn này đủ thấp để nhiều người có thể tìm thấy thứ gì đó khiến họ cảm thấy độc đáo và có giá trị.

Nhưng giờ đây — từ khi còn trẻ — chúng ta đã được tiếp xúc với những người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực và để trở nên nổi bật (ít nhất là trên mạng), bạn cần phải có tài năng cực cao. Lời khuyên của tôi là hãy gắn kết bản thân với cộng đồng địa phương, nơi những kỹ năng của bạn, dù bình thường đến đâu, cũng có thể được coi là có giá trị vì việc này thực sự có giá trị. Điều này có thể đơn giản như việc nhận ra rằng đối với ai đó, bạn là người anh trai, cha mẹ hoặc vợ/chồng tốt nhất mà họ biết — và đó là điều đáng hướng tới trong cuộc sống!

Niềm vui đến từ những cống hiến thông thường

Để mang tính cá nhân hơn nữa, hãy để tôi chia sẻ cách tôi nhìn nhận bản thân với tư cách là một nhà văn. Tôi không có bằng cấp chính thức về viết lách và tôi biết rằng mình không tài năng như nhiều nhà văn mà tôi yêu thích nhất. Tôi biết tôi có thể sẽ không viết cho hàng triệu khán giả hoặc giành được giải thưởng. Nhưng tôi đánh giá cao sự khéo léo và thách thức trong việc truyền tải ý tưởng một cách rõ ràng, và — trên hết — tôi thích nghe nhiều người trong số các bạn nói hàng tuần rằng các bạn đã được khuyến khích hoặc được truyền cảm hứng bởi những điều tôi viết. Hóa ra bạn không cần phải là người giỏi nhất để để lại dấu ấn trên thế giới, và tôi đang học được rằng chỉ cần khá giỏi thôi cũng đủ vui rồi. Vậy nên thật cảm ơn bạn vì đã theo dõi!

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mike Donghia
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Mike Donghia và vợ, cô Mollie, viết blog trên trang This Evergreen Home, nơi họ chia sẻ kinh nghiệm sống tối giản, có chủ đích, và sự gắn kết trong thế giới hiện đại. Bạn có thể theo dõi các bài viết của họ bằng cách ghi danh nhận bản tin hai lần một tuần.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn