Bạn chưa biết cách điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới? Trung y có giải pháp
8 huyệt, 1 bài tập, 1 loại trà thảo mộc
Các tĩnh mạch giãn nằm ngay dưới da và có thể dẫn đến bệnh lý ở phần sâu hơn. Trung y có cách phòng ngừa, cải thiện bệnh thông qua bấm huyệt, tập luyện và thực đơn ăn uống.
Giãn tĩnh mạch chi dưới là một bệnh lý mạch máu phổ biến có thể khiến tĩnh mạch vùng chân giãn to, ngoằn ngoèo và lồi lên. Bệnh lý này ảnh hưởng đến thẩm mỹ và trong một số trường hợp nặng có thể dẫn đến các biến chứng như loét da, chảy máu, nhiễm trùng, huyết khối. Trung y sử dụng châm cứu, tập luyện, điều chỉnh cách ăn uống để phòng ngừa và điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới một cách hiệu quả.
Nguyên nhân chính gây giãn tĩnh mạch chi dưới là đứng và ngồi lâu. Sự rối loạn chức năng các van của tĩnh mạch khiến dòng máu khó hồi lưu, làm máu tích tụ và tăng áp lực tĩnh mạch, từ đó khiến mạch máu giãn và biến dạng.
Nhiều yếu tố nội sinh và ngoại sinh góp phần vào sự phát triển của giãn tĩnh mạch, trong đó bao gồm tuổi tác, giới tính, mang thai, béo phì, chiều cao, sắc tộc, cách ăn uống, nghề nghiệp, tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu và di truyền.
Các triệu chứng của giãn tĩnh mạch bao gồm tức nặng, cảm giác ngứa và bỏng rát, tăng lên khi đứng lâu.
Ba mức độ giãn tĩnh mạch chi
Giãn tĩnh mạch chi nhìn chung được chia làm ba mức độ:
1. Nhẹ: nhìn lờ mờ tĩnh mạch ở bắp chân, kèm theo phù nhẹ. Bệnh cải thiện thông qua điều chỉnh lối sống, tăng hoạt động thể chất.
2. Trung bình: phù bắp chân, căng, tê và đau đi kèm với tĩnh mạch nổi như búi giun, đổi màu da. Da có thể ngứa khi tiếp xúc với nước nóng và chuột rút trong lúc ngủ. Tại giai đoạn này nên đi khám bác sĩ.
3. Nặng: giãn lớn tĩnh mạch chi dưới, ngứa và có thể loét, đôi khi chảy máu.
Phòng ngừa và điều trị
Bất kể mức độ giãn tĩnh mạch nặng đến đâu, việc cải thiện tuần hoàn máu và giảm áp lực trong tĩnh mạch là điểm cốt yếu của phòng ngừa và điều trị. Để điều trị giãn tĩnh mạch chi, Trung y thường dùng các biện pháp sau:
1. Đi nhón chân
Tập luyện nhìn chung là biện pháp cải thiện giãn tĩnh mạch chi tốt. Bên cạnh đó, việc tập đi nhón chân có thể tăng sức co bóp và đàn hồi của cơ bắp chân, tăng tốc dòng máu trở về tĩnh mạch, hỗ trợ việc đối kháng lại trọng lực làm đẩy dòng máu về phía thấp.
Cơ bắp chân thường được coi là trái tim thứ hai của cơ thể, nhờ sức co bóp mạnh đẩy máu trở về tim. Chúng giúp đẩy máu từ phần thấp của chân lên tim, do đó ngăn ngừa và cải thiện giãn tĩnh mạch.
2. Điều trị bấm huyệt
Bấm huyệt là kỹ thuật độc đáo của Trung y, liên quan đến vị trí đặc trưng nơi thần kinh và mạch máu dồi dào. Trung y quan sát thấy các huyệt vị nằm dọc theo kênh năng lượng trên bề mặt cơ thể người. Những huyệt này là nơi năng lượng tụ họp, lưu chuyển, thoát và hoạt động như các điểm tụ hợp năng lượng trên cơ thể. Bấm huyệt có thể điều trị nhiều bệnh nhờ kích thích các điểm đặc biệt trên kênh năng lượng, thông qua bấm, vỗ, châm cứu.
Kinh lạc là các kênh năng lượng vận chuyển khí và huyết khắp cơ thể. Có 12 đường kinh lớn tương ứng với 12 cơ quan, kết nối cơ quan với bề mặt cơ thể.
Trung y sử dụng tám huyệt để điều trị giãn tĩnh mạch: huyệt Thái xung (LR 3), Thừa sơn (BL 57), Hành gian (LR 2), Đại đô (SP 2), Kinh Cừ (LU8), Phục lưu (KI 7), Thương khâu (SP 5) và Thái bạch (SP 3).
Các huyệt khác nhau có công năng khác nhau và nên được lựa chọn tùy theo chẩn đoán Trung y và bệnh cảnh từng người. Cần lưu ý là bất kể bấm huyệt hay thời gian bấm đều không nên quá mạnh hay quá lâu.
Chẳng hạn, bấm huyệt Thái xung có thể cải thiện tuần hoàn chi dưới và có ích cho các bệnh phụ khoa như đau bụng kinh. Bấm huyệt Thừa sơn có thể cải thiện tuần hoàn chi dưới, giảm chuột rút, táo bón và bệnh trĩ.
Bấm đồng thời hai huyệt Thái xung và Thừa sơn có thể tăng tác dụng điều trị giãn tĩnh mạch chi.
Bên cạnh đó, bấm huyệt Hành gian (LR2), Đại đô (SP 2) và Kinh cừ (LU 8) cũng có ích. Huyệt Hành gian (LR 2) và Đại đô (SP 2) nằm trên kinh tỳ, còn huyệt Kinh cừ (LU 8) nằm trên kinh phế. Kích thích các huyệt trên kinh phế, tỳ, can đều có tác dụng giảm nhẹ giãn tĩnh mạch.
Cũng có loại giãn tĩnh mạch sâu hơn gây phù bóng bắp chân. Trung y coi đây là do thận hư và tỳ yếu. Trong bệnh cảnh này, bấm huyệt Phục lưu (KI 7), Thương khâu (SP 5) và Thái bạch (SP 3), vốn tương ứng với kinh thận và tỳ, có thể rất hiệu quả.
Bên cạnh việc bấm huyệt, cũng có thể châm cứu trực tiếp vào những huyệt này để điều trị giãn tĩnh mạch.
3. Liệu pháp trích huyết
Một kỹ thuật độc đáo khác là liệu pháp trích huyết, nghĩa là châm kim vào da để dòng máu ứ trệ lưu chuyển, khôi phục tuần hoàn.
Điều trị trích huyết giãn tĩnh mạch chi thường áp dụng cho các mạch máu nhỏ nằm cạnh tĩnh mạch giãn. Cần sát trùng và cầm máu cẩn thận để phòng ngừa nhiễm trùng và chảy máu. Chỉ nên thực hiện thủ thuật này bởi thầy thuốc Trung y.
Theo kinh nghiệm lâm sàng của tôi, máu chảy ra lúc đầu thường màu đen. Dần dần máu chuyển màu đỏ, khi đó sẽ tự dừng chảy. Khi kết hợp với bài thuốc thảo dược, phương pháp này có thể cho kết quả đầy hứa hẹn.
4. Bài thuốc thảo dược
Trung y thường có bài thuốc bôi và uống điều trị giãn tĩnh mạch. Trong bài báo này, chúng tôi giới thiệu một công thức đường uống dùng để điều trị gọi là trà đan sâm và đường đỏ, rễ hoàng kỳ và sơn tra.
Công thức: Dùng 24g rễ Hoàng kỳ, 12g Sơn tra, 12-20g rễ Đan sâm. Rửa bằng nước và cho vào bình thủy. Thêm 600ml nước nóng cùng một ít đường đỏ để tăng hương vị. Sau khi dùng hết bạn có thể thêm nước và uống tiếp.
Lời khuyên giúp giảm triệu chứng giãn tĩnh mạch
1. Không nên gãi
Nếu tĩnh mạch sưng và ngứa, đừng nên gãi. Gãi có thể làm nứt da, dẫn đến chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm, loét, thậm chí huyết khối.
Nghiêm trọng hơn, huyết khối hình thành có thể đi lên các cơ quan trọng yếu như ngực, tim qua dòng máu, gây tắc mạch phổi và thậm chí nhồi máu cơ tim.
2. Thận trọng với vớ áp lực
Vớ áp lực dùng để che và kiểm soát tĩnh mạch giãn, nhưng chỉ nên dùng tạm thời, không dùng trong thời gian dài hay mặc quá chặt. Dù đeo những đôi vớ này có thể giảm nhẹ giãn tĩnh mạch chi trên bề mặt, nhưng dùng kéo dài như đeo nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày lại có thể cản trở tuần hoàn máu bình thường và gây tổn thương thêm.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times