Bạn cảm thấy như thế nào về lão hóa? Cách giữ tâm thái tích cực khi về già
Lão hóa có thực sự chỉ là một trạng thái của tâm trí? Có lẽ lão hóa không chỉ đơn giản là số tuổi, mà còn là cách chúng ta già đi thế nào. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cách suy nghĩ — cách mọi người cảm nhận về việc tuổi tác tăng lên — có thể dự đoán tuổi thọ và tình trạng sức khỏe qua năm tháng.
Một số nghiên cứu trong hơn 20 năm qua cho thấy rằng người có thái độ tích cực hơn về lão hóa sống thọ hơn và có sức khỏe tốt hơn những người có nhận thức tiêu cực. Một nghiên cứu lớn trên toàn quốc bao gồm gần 14,000 người trên 50 tuổi đã cho thấy một cái nhìn sâu sắc hơn đối với cách mà những suy nghĩ tích cực về lão hóa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, các hành vi sức khỏe và tinh thần hạnh phúc của một người.
Nghiên cứu này công bố trên JAMA Network Open, phát hiện những người có mức độ hài lòng cao nhất với sự lão hóa có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân trong bốn năm tiếp theo thấp hơn 43% so với những người có mức độ hài lòng thấp nhất. Họ cũng giảm nguy cơ bị các bệnh kinh niên như tiểu đường, đột quỵ, ung thư, bệnh tim, và có chức năng nhận thức tốt hơn. Ngoài ra, họ cũng có nhiều khả năng tham gia hoạt động thể chất thường xuyên và ít gặp vấn đề về giấc ngủ hơn, ít cô đơn, ít bị trầm cảm, lạc quan hơn và có mục đích sống mạnh mẽ hơn.
Tiến sĩ Eric Kim, điều tra viên cấp cao của nghiên cứu, giáo sư tâm lý tại Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada cho biết: “Có một mối quan hệ nhân quả giữa cách suy nghĩ và các hành vi sức khỏe.”
Ví dụ, trong khi người cao tuổi có xu hướng dùng các dịch vụ y tế dự phòng ít hơn người trẻ tuổi hoặc trung niên, thì người trên 50 tuổi càng hài lòng với quá trình lão hóa, thì càng có nhiều khả năng họ sẽ đi kiểm tra mức cholesterol hoặc tầm soát ung thư vú, cổ tử cung hoặc tuyến tiền liệt hơn.
“Tin tốt là, những quan điểm trước đây của chúng ta về quá trình lão hóa có thể thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi cách suy nghĩ của mình,” cô Hannah Giasson, đồng tác giả cho biết. Cô là giáo sư tại Đại học Điều dưỡng và Đổi mới Y tế Edson thuộc Đại học Tiểu bang Arizona ở Phoenix và chuyên [tìm hiểu] mối liên quan giữa các quan điểm về lão hóa với sức khỏe và hạnh phúc của một người.
Dưới đây là một số điều Tiến sĩ Kim và Tiến sĩ Giasson cho biết có thể giúp mọi người phát triển cách tiếp cận tích cực hơn đối với quá trình lão hóa.
Duy trì ý thức về mục đích sống
Tiến sĩ Eric Kim nói, một số người không biết phải làm gì với bản thân sau khi nghỉ hưu. Vì vậy, anh khuyên rằng mọi người nên tìm các dự án phù hợp với các giá trị của bản thân.
Ông nói, “Mỗi người đều có các mục tiêu khác nhau. Nếu gia đình là ưu tiên hàng đầu, bạn hãy tìm những điều cần làm để đóng góp cho gia đình, chẳng hạn như chia sẻ việc chăm sóc cháu. Nếu bảo vệ môi trường là một điều rất ý nghĩa với bạn, hãy thử tìm các dự án đóng góp cho sức khỏe môi trường.”
Công việc tình nguyện là một cách tuyệt vời để làm điều này.
Nhận ra và loại bỏ các thông điệp tiêu cực về lão hóa
Nghiên cứu cho thấy những định kiến tiêu cực về lão hóa được hình thành trong suốt cuộc đời và có thể gây hại đến sức khỏe thể chất và nhận thức khi một người già đi.
Tiến sĩ Giasson gợi ý: “Hãy nâng cao nhận thức về những thông điệp này và hiểu được cách những điều đó ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào.”
Ví dụ, một người có thể tin rằng sức khỏe thể chất kém là điều không thể tránh khỏi đối với người cao tuổi, vì vậy việc cố gắng sống tích cực cũng sẽ không giúp ích gì. Nhưng theo Viện Quốc gia về Lão hóa, tập thể dục có thể giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, cao huyết áp và tiểu đường loại 2, đồng thời có thể cải thiện giấc ngủ và giảm nguy cơ té ngã.
Mọi người cần nhận thức ra rằng việc thực hiện các hành vi lành mạnh có thể trợ giúp cho sức khỏe ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Duy trì hoạt động xã hội
Khi có tuổi, mọi người có thể mất đi những người thân yêu như vợ/chồng, các thành viên trong gia đình hoặc những người bạn. Họ sẽ trở nên cô đơn và bị cô lập hơn với xã hội.
Cảm giác cô đơn và cô lập xã hội ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Từ đó góp phần dẫn đến sự kém hài lòng đối với cuộc sống. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy duy trì các mối quan hệ xã hội có thể có tác động tích cực đối với sức khỏe.
Tiến sĩ Eric Kimcho biết, “Thông thường mọi người ngừng kết bạn mới. Vì vậy, hãy cố gắng tạo dựng lại các mối quan hệ để gặp gỡ những người quen trước đây, chẳng hạn như việc tham gia vào một câu lạc bộ hoặc các tổ chức cộng đồng. Hãy tiếp cận với mọi người nhiều hơn, thay vì trở nên bị động.”
Hãy thử điều gì đó mới mẻ
Theo tiến trình lão hóa, đôi khi mọi người sẽ mất khả năng vận động và không thể tham gia vào các hoạt động có thể mang lại niềm vui như khi còn trẻ. Đối với vấn đề này, Tiến sĩ Eric Kim gợi ý rằng hãy cố gắng “tái tạo nguồn năng lượng theo một cách mới,” chẳng hạn như dạy một kỹ năng hoặc dạy nghề thủ công thay vì tự mình đi thực hành.
“Hoặc bạn cũng có thể học một điều gì mới mẻ ít đòi hỏi về mặt thể chất hơn,” Tiến sĩ Giasson nói. Nghiên cứu cho thấy người cao tuổi học các kỹ năng mới có thể cải thiện trí nhớ và chất lượng cuộc sống.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times