Bạn cảm thấy lo lắng vào buổi sáng?
Bạn có thể giải thích tại sao cảm giác lo âu lại tệ hơn khi thức dậy hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong ngày không? Đây đã là tình huống thường xuyên của vợ tôi trong nhiều năm.
Lo âu vào buổi sáng dường như là điều bình thường vì nhiều người cũng có cảm giác lo lắng vào những thời điểm khác trong ngày. Tôi có một người bạn luôn lo lắng vào lúc mặt trời lặn. Trừ khi có một loạt tình huống cụ thể xảy ra vào mỗi buổi sáng, bạn có thể mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), khác với cảm giác căng thẳng và lo lắng về những tình huống cụ thể.
Những người mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa dường như không thể rũ bỏ mối lo lắng của mình, mặc dù họ thường nhận ra rằng sự lo lắng của họ mãnh liệt hơn mức mà tình huống cho phép. Họ dường như cũng không thể thả lỏng cơ thể và thường trằn trọc khó ngủ hoặc ngủ không sâu. Tâm trạng lo lắng đi kèm với các triệu chứng thể chất, đặc biệt là run rẩy, co giật, căng cơ, nhức đầu, khó chịu, đổ mồ hôi hoặc bốc hỏa, chóng mặt và cảm thấy khó thở.
Để thay thế cho thuốc kiểm soát chứng rối loạn lo âu, tôi có một số gợi ý về việc thay đổi lối sống có thể hữu ích cho bạn. Nổi bật trong số đó là các bài tập thở mà tôi thấy rất hiệu quả. Nhiều người cảm thấy lo lắng có xu hướng nín thở hoặc thở gấp mà không ý thức được hành động của mình. Bởi vì kiểm soát hơi thở có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm ngay lập tức cũng như cảm giác được tự do, cho nên các bài tập thở có lẽ là phương tiện tốt nhất để sử dụng nhằm giải quyết chứng rối loạn lo âu lan tỏa và là điều tôi khuyên bạn nên lấy làm nền tảng cho bất kỳ chương trình thư giãn nào.
Các liệu pháp hiệu quả khác bao gồm tập thể dục, thiền định, loại bỏ caffeine (từ tất cả các nguồn), trị liệu hành vi nhận thức, viết nhật ký và xem “tin tức nhanh” bằng cách tránh sự công kích hàng ngày từ các tin tức (chủ yếu là xấu) trực tuyến, trên truyền hình, báo và tạp chí.
Phương Vy biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
CHUYÊN ĐỀ