Bạn bị đau họng? Hãy thử các phương pháp đơn giản mà hiệu quả này
Bạn đã bao giờ thức dậy với cơn đau họng, giọng khàn khàn và tự nghĩ rằng: “Ồ không, mình sắp bị cảm lạnh mất!”? Bạn có thể làm gì? Dưới đây là một số phương pháp Trung y đơn giản giúp giảm đau họng hiệu quả.
Bấm 2 huyệt quanh lỗ tai để giảm đau họng
Khi bị đau họng, hãy ấn 2 huyệt này quanh tai để giảm đau.
Hai huyệt liên quan là “hầu họng” và “cổ họng,” có thể nhìn thấy rõ ràng khi bạn nhẹ nhàng kéo bình tai (sụn che ống tai) ra để lộ phần ống tai ngoài sẫm màu. Vị trí chính xác là huyệt họng ở vị trí khoảng 12 giờ phía trên ống tai ngoài và huyệt họng nằm ở vị trí từ 11 giờ đến 10 giờ cạnh ống tai ngoài. Hai huyệt này hoạt động song song, một cho hầu họng và một cho thanh quản.
“Hầu họng” là lỗ trên của thực quản và “thanh quản” là lỗ trên của khí quản. Khi đang bị đau họng, bạn sẽ cảm thấy đau khi ấn vào hai huyệt này, và giảm đau ở họng.
Theo Trung y, kinh tuyến là kênh năng lượng của cơ thể con người, có nhiệm vụ vận chuyển khí và máu đi khắp cơ thể. Khí và máu là những chất cơ bản cấu thành nên cơ thể con người và duy trì mọi hoạt động sinh lý. Cơ thể có 12 kinh chính tương ứng với 12 cơ quan nội tạng, các cơ quan nội tạng kết nối với bề mặt cơ thể thông qua các kinh tuyến. Một số điểm trên kinh tuyến có chức năng đặc biệt được gọi là huyệt. Kích thích các huyệt tương ứng thông qua châm cứu và/hoặc xoa bóp có thể điều trị các bệnh về nội tạng tương ứng.
3 dung dịch nước giúp giảm đau họng
Ngoài ra còn có một số cách khắc phục hữu ích nhanh chóng để giúp giảm đau họng:
1. Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày. Nước muối không giúp giảm đau họng ngay lập tức nhưng có thể tiêu diệt vi khuẩn và giảm bớt sự khó chịu ở cổ họng.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy súc miệng bằng nước muối có hiệu quả trong việc giảm mảng bám và quần thể vi khuẩn đường miệng khi kết hợp với các phương pháp kiểm soát mảng bám thông thường. Điều này cho thấy súc miệng bằng nước muối có thể là một giải pháp bổ trợ cho việc kiểm soát mảng bám cơ học thông thường để ngăn ngừa bệnh răng miệng.
2. Nước mật ong
Tôi đã có kinh nghiệm uống mật ong để giảm đau họng. Khoảng hai năm trước, tôi đang trên đường đến Singapore để phát biểu. Vừa lên máy bay, cổ họng tôi đột nhiên trở nên căng cứng, ngứa ngáy và đau nhức. Tôi bắt đầu ho và khó nói. Trên đường đi không có thuốc để mua và tôi cũng không mang theo bất kỳ thiết bị y tế nào – vì vậy tôi tự hỏi mình có thể làm gì để khắc phục tình trạng này.
Sau khi đến nơi, tôi không còn cách nào khác ngoài việc cắn răng chịu đựng và phát biểu. Khi tôi đang nói, một quý ông điều hành một doanh nghiệp kinh doanh mật ong rừng ở Indonesia nhận thấy giọng nói của tôi có điều gì đó không ổn. Vì vậy, ông ấy mang một ít nước với mật ong rừng cho tôi uống. Sau khi uống, các triệu chứng khó chịu đã giảm bớt đến mức tôi có thể hoàn thành bài phát biểu một cách dễ dàng.
Flavonoid và polyphenol là hai phân tử hoạt tính sinh học chính có trong mật ong, là các chất chống oxy hóa mạnh. Các nghiên cứu đã xác nhận rằng mật ong có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa, do đó có tác dụng bảo vệ chống lại nhiều bệnh như bệnh hô hấp, tim mạch và thần kinh, đường tiêu hóa và tiểu đường.
Mật ong chứa các thành phần sát trùng tự nhiên có thể giảm đau và giảm viêm. Tuy nhiên xin lưu ý: Trẻ dưới một tuổi không nên ăn mật ong.
3. Nước chanh
Nước chanh chứa nhiều vitamin C và có vị chua giúp làm dịu cơn khát. Uống nước chanh với một chút mật ong là một công thức kỳ diệu giúp giảm bớt những khó chịu ở cổ họng và dạ dày.
Ông Linus Pauling, người đoạt hai giải Nobel về hóa học, cho biết vitamin C giúp ngăn ngừa và làm giảm bớt các đợt cảm lạnh thông thường.
Mặc dù chưa được chứng minh đầy đủ nhưng vitamin C liều cao có thể giúp rút ngắn thời gian bị cảm lạnh. Vitamin C cũng có thể cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa cảm lạnh đối với những người tập luyện cường độ cao trong thời gian ngắn.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.