Ăn lẩu sao cho không tăng cân? Bí quyết giữ ấm cơ thể trong đêm giao thừa

Món lẩu rất ngon và hấp dẫn mọi người - một số mẹo giúp chuẩn bị, thưởng thức món lẩu bổ dưỡng nhất, và làm giữ ấm cơ thể.

Lẩu rất được ưa chuộng vào mùa đông, đặc biệt là vào đêm giao thừa. Tuy nhiên, lẩu có lượng calorie rất cao và có thể gây đầy hơi, khó tiêu, thậm chí ảnh hưởng đến cân nặng và sức khỏe của bạn. Bài viết này chia sẻ một số mẹo ăn lẩu để bạn có thể ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe mà không bị tăng cân.

Món lẩu có lịch sử lâu đời bắt nguồn từ nền văn minh Trung Hoa cổ xưa. Vào những ngày Đông lạnh giá, món lẩu có thể giúp chống lạnh, làm ấm dạ dày và bổ dưỡng.

Nguồn gốc của nồi lẩu

Có nhiều loại nồi lẩu hiện đại, như các loại nồi làm bằng đá, gốm, đồng và inox. Hương vị mà mỗi loại nồi mang lại thậm chí còn phong phú và đa dạng hơn. Hãy cùng khám phá nguồn gốc xa xưa của món lẩu truyền thống.

‘Đỉnh’ có từ thời triều đại nhà Thương và nhà Chu – theo dân gian, món lẩu có nguồn gốc từ triều đại nhà Thương và nhà Chu. Vào thời điểm đó, “đỉnh” là một chiếc vạc Trung Hoa được dùng đặc biệt để tế lễ và ăn mừng. Đó là một loại nồi đựng thức ăn được những người cao quý nhất sử dụng, do đó có câu nói “”Lư diêm phác địa, chung minh đỉnh thực chi gia” (tạm dịch: cửa nhà giăng đầy mặt đất, đó là những nhà giàu sang rung chuông bày vạc khi ăn). Thức ăn được cho vào một chiếc “đỉnh” cỡ lớn và được chia cho mọi người sau khi nấu. Đây có lẽ là nguồn gốc của món lẩu.

‘Món lẩu Shabu-Shabu’ của triều đại nhà Tần và nhà Hán – có ghi chép về cách “tạc gà” và “tạc heo” trong “Khiển sách” của Mã Vương Đôi Hán mộ. “Tạc” ở đây có nghĩa là trần thịt trong nước sôi. Đây có thể là nguồn gốc của món “lẩu shabu-shabu.”

‘Nồi nấu bằng củi’ của thời Đông Hán – đã được nhà sử học Trung Hoa Tư Mã Thiên ghi lại trong cuốn “Sử Ký” rằng vào thời xa xưa khi binh lính dùng bữa thì mỗi người sẽ ăn trong một nồi. Những người lính này ăn tất cả các đồ ăn có trong nồi, được nấu bằng củi.

‘Nồi Uyên ương’ có từ thời nhà Ngụy – “Ngũ thục phủ” (Nồi năm ngăn) xuất hiện trong thời Tam quốc. Một chiếc nồi đồng được chia thành năm ngăn, mỗi ngăn đựng một loại nước lẩu có hương vị khác nhau để nấu các món ăn khác nhau, giống như chiếc nồi Uyên ương (nồi lẩu thập cẩm) hiện nay.

‘Nồi đồng’ từ thời Nam Bắc triều – ở thời Bắc và Nam triều, nồi lẩu đồng xuất hiện. Người ta cho rằng những nồi lẩu thời này có miệng nồi rộng, đáy rộng, thành mỏng và nhẹ nên nấu rất nhanh.

Nhà Tống phát minh ra ‘nước chấm Lẩu’ – cuốn sách “Sơn Gia Thanh Cung” của nhà Tống ghi lại chi tiết cách luộc thịt với nước dùng và cách ăn lẩu.

Các hoàng đế đời nhà Thanh thích món lẩu – Hoàng đế Càn Long của nhà Thanh rất thích món lẩu và đã từng tổ chức tiệc lẩu với 530 người tại Cung điện Càn Thanh để chiêu đãi hoàng gia. Sau này, khi Hoàng đế Gia Khánh lên ngôi, ông từng tổ chức “Tiệc dành cho người cao niên,” trong đó dùng 1,550 chiếc nồi lẩu làm bằng bạc, thiếc và đồng.

Sau đây là 6 bí quyết giúp bạn yên tâm ăn lẩu mà không lo tăng cân

1. Chọn nồi

Khi làm món nấu lẩu, việc chọn nồi và nước dùng rất quan trọng vì có thể ảnh hưởng đến mùi vị cũng như giá trị calorie và dinh dưỡng. Nên dùng nồi hầm hoặc nồi chống dính để giữ hương vị của nguyên liệu và duy trì nhiệt độ của nước lẩu mà không cần tăng nhiệt hoặc thêm quá nhiều chất béo.

2. Chọn nước lẩu

Việc lựa chọn nước lẩu thường dựa trên sở thích cá nhân và thể trạng. Có nhiều loại nước lẩu khác nhau với các vị khác nhau như cay, nhạt và chay. Nước lẩu cay có thể làm ấm người nhưng không phù hợp với người có dạ dày nhạy cảm hoặc bị bệnh tim mạch. Nước lẩu nhạt (không nhiều dầu mỡ hoặc hương vị quá mạnh) có thể giúp sảng khoái nhưng hãy cẩn thận về lượng sodium nạp vào. Nước lẩu chay tốt cho sức khỏe nhưng những người ăn chay nên chú ý bổ sung vitamin B12.

Ăn lẩu sao cho không tăng cân? Bí quyết giữ ấm cơ thể trong đêm giao thừa
(Ảnh: Shutterstock)

3. Thứ tự ăn lẩu

Khi ăn lẩu, nên chú ý đến thứ tự ăn các nguyên liệu khác nhau. Nguyên tắc chung là nên ăn những nguyên liệu ít béo trước, sau đó mới ăn những nguyên liệu nhiều béo. Điều này có thể làm giảm lượng chất béo hấp thụ, đồng thời ngăn nước lẩu trở nên quá béo.

Ăn rau trước

Nên ăn các loại rau như rau củ, nấm, củ trước. Những thành phần này rất dồi dào chất xơ và vitamin, có thể làm tăng cảm giác no, thúc đẩy tiêu hóa, cung cấp nước và chất dinh dưỡng.

Tiếp theo uống canh

Nếu muốn uống nước lẩu thì tốt nhất là uống sau khi nhúng rau vì lúc này nước lẩu còn loãng và không bị nhiễm mỡ.

Ăn protein và tinh bột sau cùng

Những thực phẩm có nhiều protein và tinh bột như thịt, mì có hàm lượng calorie cao, ăn quá nhiều dễ dẫn đến béo phì nên tốt hơn là nên ăn sau những món ăn nhẹ hơn. Nếu muốn kiểm soát cân nặng thì đừng uống quá nhiều nước lẩu sau khi protein và tinh bột đã được nấu chín vì lúc này nước lẩu đã trở nên béo và đặc, hàm lượng chất béo và muối tăng lên. Đặc biệt người bị bệnh gout và chức năng thận kém không nên uống nước lẩu vào thời điểm này.

4. Lựa chọn nước sốt

Nước sốt và các món ăn kèm cũng không thể thiếu cho một bữa lẩu trọn vẹn. Nước sốt có thể tăng thêm hương vị cho món ăn, còn món ăn kèm có thể cân bằng tính chất và mùi vị của món ăn. Nhưng nước sốt và món ăn kèm cũng nên được lựa chọn cẩn thận để tránh dư thừa chất béo và sodium.

Nên chọn các loại nước sốt tự làm như tiêu băm, sốt thịt heo nướng, nước sốt thịt nướng, v.v… Những loại nước sốt này có thể được chế biến theo sở thích cá nhân, đồng thời cũng có thể kiểm soát được hàm lượng chất béo và sodium. Nếu muốn làm nước sốt thịt nướng, bạn có thể chọn chế phẩm chay để giảm lượng mỡ động vật ăn vào. Nếu muốn dùng trứng sống, nên chú ý đến độ tươi của trứng để tránh nhiễm khuẩn salmonella.

5. Kết hợp các món ăn kèm

Khi chọn món ăn kèm, có thể chọn dứa sấy, dưa chuột muối, kim chi, v.v… Những món ăn kèm này giúp tiêu hóa, đồng thời cung cấp enzyme và men vi sinh nhưng nên ăn ở mức độ vừa phải vì những món ăn kèm này cũng chứa natri và đường.

6. Xoa bóp huyệt trước và sau bữa ăn

Nếu muốn kiềm chế cảm giác thèm ăn quá mức trước khi ăn lẩu, có thể ấn vào huyệt Đói trên tai. Nếu cảm thấy khó chịu như đầy hơi hoặc khó tiêu sau khi ăn lẩu, có thể ấn vào huyệt Nội quan (PC-6) trên tay.

Hunger acupoint: Huyệt đói: kiểm soát cảm giác thèm ăn

Ăn lẩu sao cho không tăng cân? Bí quyết giữ ấm cơ thể trong đêm giao thừa
Vị trí của huyệt Đói. (Ảnh: Epoch Times)

Huyệt đói nằm ở điểm giữa phía trước gờ bình tai. Nhấn vào huyệt đói có thể kiểm soát sự thèm ăn và giảm lượng thức ăn ăn vào. Nếu muốn giảm cân hoặc tránh ăn quá nhiều, có thể dùng ngón tay ấn vào huyệt này trên tai trước khi ăn 15 phút trong 30 giây cho đến khi cảm thấy hơi đau.

Huyệt Nội quan: giảm bớt cảm giác khó chịu

Ăn lẩu sao cho không tăng cân? Bí quyết giữ ấm cơ thể trong đêm giao thừa
Huyệt nội quan. (Ảnh: Epoch Times)

Huyệt Nội quan (PC-6) nằm ở mặt trong của cổ tay, rộng 5cm hoặc khoảng 3 ngón tay, phía trên giữa lòng bàn tay và nếp gấp cổ tay, giữa hai gân cổ tay. Nếu cảm thấy đầy hơi hoặc đau sau bữa ăn, có thể dùng ngón cái xoa bóp huyệt Nội quan trên cả hai cổ tay trong 1 phút hoặc cho đến khi cảm thấy đỡ hơn.

Chú ý giữ ấm cơ thể và an toàn trong đêm giao thừa khi ở ngoài trời: Nguyên tắc ‘ẩn’ ba phần

Vào đêm giao thừa, nhiều người ra ngoài xem pháo hoa hoặc đi ăn tối với bạn bè, vì vậy nên chú ý giữ ấm cơ thể để tránh bị cảm lạnh hoặc bị các bệnh về tim mạch. Nên mặc thêm quần áo dày hơn, khăn quàng cổ, áo khoác ấm để giữ ấm cơ thể và không để gió lạnh thổi vào – đặc biệt khi vừa ăn xong món lẩu ở một nhà hàng ấm áp.

Trung y cho rằng nên tuân theo nguyên tắc “ẩn” vào mùa Đông, tức là bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể để tránh các cơ quan nội tạng tiếp xúc với gió và lạnh sẽ ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan nội tạng.

Điều quan trọng là phải giữ ấm cổ, bụng và lòng bàn chân. Việc “ẩn” ba vùng này có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ và đau tim.

Cổ

Có các huyệt Phong trì (GB-20), Phong môn (BL-12) và Phong phủ (GV-16) trên cổ. Đây là những cửa mà khí lạnh có thể xâm nhập dễ dàng nhất nên cổ cần được giữ ấm. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa đột quỵ mà còn bảo vệ cổ họng khỏi gió và lạnh, khiến bạn ít bị ho hơn.

Bụng

Bụng là nguồn năng lượng của con người. Giữ ấm bụng giúp tăng khả năng tiêu hóa của lá lách và dạ dày, tránh bị nhồi máu cơ tim.

Lòng bàn chân

Lòng bàn chân là vùng cuối cùng của vòng tuần hoàn của cơ thể, xa tim nhất và là nơi tập trung nhiều huyệt đạo. Lòng bàn chân lạnh có thể gây co mạch ngoại vi, tăng huyết áp và dẫn đến nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Người lớn tuổi, người bệnh cao huyết áp, tim mạch thì càng nên cẩn thận hơn. Hệ thống tim mạch của những người này đang bị giảm độ đàn hồi nên khi gặp nhiệt độ thấp, sẽ dễ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Những người này có thể cân nhắc tổ chức các hoạt động tại nhà hoặc trong nhà để tránh bị ảnh hưởng bởi gió và lạnh.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Hồ Nãi Văn
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Tiến sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Ông là giáo sư tại Đại học Y khoa Nine Star ở Sunnyvale, California, Hoa Kỳ. Ông cũng là nhà nghiên cứu khoa học đời sống tại Viện nghiên cứu Standford. Trong hơn 20 năm hành nghề y, ông đã điều trị hơn 140,000 bệnh nhân. Ông nổi tiếng với việc chữa trị thành công bệnh nhân ung thư hắc tố thứ năm trên thế giới bằng Trung y. Bác sĩ Hồ hiện đang dẫn chương trình sức khỏe trên YouTube với hơn 700,000 người đăng ký. Ông cũng được biết đến với chương trình trình diễn lưu động về sức khỏe nổi tiếng được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau ở Úc và Bắc Mỹ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn