Bản tin đặc biệt

Âm nhạc cổ điển thay đổi bộ não như thế nào

Sự khác biệt chủ yếu giữa âm nhạc cổ điển và nhạc pop là nhạc cổ điển có những quy tắc riêng – và bộ não thích điều này.

Một người phụ nữ lớn tuổi có mái tóc hoa râm ngồi bất động với ánh mắt cụp xuống. Ở giai đoạn cuối của bệnh mất trí nhớ, bà không còn giao tiếp với người khác hay nói chuyện bằng mắt nữa.

Khi nghệ sĩ Ayako Yonetani bắt đầu chơi violin, người phụ nữ này từ từ ngẩng đầu lên.

Bà Yonetani, nghệ sĩ hòa nhạc và giáo sư violin và viola tại Trường Nghệ thuật biểu diễn thuộc University of Central Florida kể lại, “Miệng bà ấy cử động, và đôi mắt bà ấy sáng lên như thể bà ấy nghe thấy tiếng nhạc của tôi và đang cố gắng hiểu.”

Những người đi cùng với người phụ nữ lớn tuổi này đều rất ngạc nhiên. Bà Yonetani nói, “Họ chưa bao giờ thấy bà phản ứng như thế này trước đây.” Nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều lần nghệ sĩ Yonetani chứng kiến việc như vậy.

Bằng chứng rõ ràng

Nghiên cứu được công bố vào những năm 1990 trong Nature (Tập san Tự nhiên) đã thu hút sự chú ý của mọi người.

Ba nhóm người tham gia được hướng dẫn ngồi im lặng, nghe băng nhạc thư giãn, hay lắng nghe Bản Sonata cho 2 đàn Piano cung Rê trưởng (K448). 10 phút sau, nhóm nghe nhạc Mozart cho thấy sự cải thiện đáng kể về chỉ số IQ không gian – cao hơn gần 10 điểm so với 2 nhóm còn lại.

Âm nhạc cổ điển thay đổi bộ não như thế nào

Kể từ đó, các nhà khoa học đã dùng âm nhạc cổ điển Mozart và các loại nhạc cổ điển khác trong nhiều thí nghiệm khác nhau trên động vật và con người, xác nhận các kết quả tương tự: Nghe nhạc cổ điển hoặc học chơi nhạc cụ giúp đạt điểm cao hơn và kỹ năng suy luận không gian tốt hơn, giảm nguy cơ teo não và làm chậm quá trình suy giảm nhận thức.

“Hiệu ứng Mozart” thật sự tồn tại, theo Kiminobu Sugaya, tiến sĩ dược lý và là giáo sư y khoa tại Trường Y khoa và là trưởng khoa học thần kinh tại Trường Khoa học Y sinh Burnett của University of Central Florida cho biết trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times. Trong các thí nghiệm với cư dân cộng đồng địa phương, ông phát hiện rằng khi loại nhạc cổ điển này được chơi, “chúng tôi thấy chức năng não tăng 50%.”

Âm nhạc cổ điển thay đổi bộ não như thế nào

Một số loại nhạc cổ điển không chỉ được dùng nhằm mục đích nâng cao khả năng nhận thức mà còn để điều trị các chứng rối loạn thần kinh như bệnh động kinh hoặc bệnh Parkinson. Tiến sĩ Michael Trimble, giáo sư danh dự về thần kinh học và tâm thần kinh tại Viện Thần kinh thuộc Đại học College London và là thành viên của Đại học Bác sĩ Hoàng gia, nói với The Epoch Times rằng, “Hiệu ứng Mozart là bằng chứng rõ ràng cho thấy bạn có thể thay đổi chức năng não và những bất thường bằng âm nhạc.“ Đôi khi, bệnh động kinh khó kiểm soát hơn bằng thuốc và việc dùng nhạc cổ điển được lựa chọn và chỉnh sửa cẩn thận để “huấn luyện” bộ não của bệnh nhân động kinh có thể bình thường hóa sóng não và các bất thường về điện não đồ của họ.

Nghiên cứu được công bố trên Interdisciplinary Science Reviews (Tập san Khoa học Liên ngành) vào năm 2022 cho thấy rằng “tính đến nay, K448 và K545 vẫn là những lựa chọn âm nhạc chống động kinh duy nhất đã được xác minh bằng các thí nghiệm lặp đi lặp lại.” Nghiên cứu cũng trích dẫn dữ liệu từ phân tích tổng hợp năm 2020, cho thấy “khoảng 84% người tham gia các nghiên cứu cho thấy hoạt động não bị động kinh giảm đáng kể sau khi nghe K448 của Mozart.”

Bộ não muốn gì

Từ góc độ tác động của âm nhạc lên bộ não người, sự khác biệt chính giữa âm nhạc cổ điển và dòng nhạc pop nằm ở “sự phức tạp và cấu trúc,” bà Clara James, tiến sĩ về khoa học thần kinh và giáo sư tại Đại học Nghệ thuật và Khoa học Ứng dụng tại Geneva, Thụy Sỹ, và Privatdozent tại Đại học Geneva, nói với The Epoch Times.

Âm nhạc cổ điển của thời kỳ trung đại (1600-1900) tuân theo các quy tắc hài hòa và cấu trúc chặt chẽ. Bà James nói, ngay cả những người không phải là nhạc sĩ cũng sẽ nhận thấy có vấn đề với cấu trúc nếu người biểu diễn mắc một lỗi nhỏ.

Nghệ sĩ Yonetani nói thêm, “Nhạc cổ điển nhấn mạnh đáng kể vào tỷ lệ, sự cân bằng và hài hòa.”

Ngược lại, các hình thức âm nhạc khác có thể không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc cấu trúc này.

Tiến sĩ Trimble giải thích, bộ não người “thích các quy luật của âm nhạc. Có một số thanh âm nhất định đã kết nối sâu sắc với khả năng bị âm nhạc lay động của hệ thần kinh.” Ông nhấn mạnh rằng âm nhạc chứa đựng những quy luật tự nhiên và logic toán học, đặc biệt là âm nhạc cổ điển, nơi có mối liên hệ chặt chẽ với toán học. Vì vậy, âm nhạc cổ điển được bộ não công nhận và chấp nhận rộng rãi.

Ký hiệu âm nhạc cho ấn bản đầu tiên của Bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Âm nhạc cổ điển tuân theo các quy tắc cấu trúc nghiêm ngặt và nhấn mạnh đáng kể về tỷ lệ, sự cân bằng và hòa âm. (Ảnh: Ian Waldie/Getty Images)
Ký hiệu âm nhạc cho ấn bản đầu tiên của Bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Âm nhạc cổ điển tuân theo các quy tắc cấu trúc nghiêm ngặt và nhấn mạnh đáng kể về tỷ lệ, sự cân bằng và hòa âm. (Ảnh: Ian Waldie/Getty Images)

Tiến sĩ Trimble lưu ý rằng Mozart đã phát triển phong cách âm nhạc thực sự khác biệt, rời xa thời kỳ Baroque trước đó. K448 của Mozart, tác phẩm đầu tiên được dùng để nghiên cứu hiệu ứng bộ não và tác động của âm nhạc Mozart lên bộ não nói chung, “có thể liên quan đến những cân nhắc về quang phổ – đặc biệt là sự hiện diện của các tần số hài hòa thấp hơn.”

Ông nói tiếp, “Âm nhạc cổ điển và nhạc pop khác nhau về nhiều mặt.” Nhạc pop chứa đựng sự lặp đi lặp lại quanh cùng một chuỗi âm nhạc, truyền tải thông tin thường mơ hồ và tầm thường mà không có sự phát triển và chuyển biến tinh tế xảy ra như quá trình phát triển của âm nhạc cổ điển.

Bà James chứng minh rằng một bản nhạc cổ điển điển hình có sự biến thiên về tiết tấu khá rộng, với cường độ âm thanh khác nhau từ rất to đến rất nhỏ và các chương/đoạn vô cùng chậm và nhanh – tất cả đều được tích hợp liền mạch. Để so sánh, một bản nhạc pop đơn có sự biến thiên hạn chế và tiết tấu khá đều đặn.

Ngoài ra, các tác phẩm âm nhạc cổ điển có thời lượng tương đối dài, thường từ 20 đến 25 phút; một số thậm chí còn dài hơn, như các tác phẩm của Gustav Mahler, có thể kéo dài hơn 1 tiếng. Những bản nhạc này mang thông tin phong phú và cho phép não có nhiều thời gian để hấp thụ, giống như việc thưởng thức từ từ một quả táo, trái ngược với việc ngấu nghiến một viên kẹo dẻo có hương vị táo.

Hơn nữa, âm lượng âm thanh trực tiếp tại các buổi hòa nhạc pop hiện đại có thể chói tai và hành vi của ca sĩ và người hâm mộ có thể khá cuồng loạn. Tiến sĩ Trimble nói, “Bạn không thể nghe thấy tiếng nhạc vì mọi người liên tục la hét.”

Âm nhạc cổ điển giúp tăng khối lượng chất xám

Khi người ta lão hóa, bộ não của họ dần dần co lại, dẫn đến mất dần các tế bào thần kinh. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy ở các nhạc sĩ trong dàn nhạc, một số phần nhất định trong não của họ không co lại theo thời gian và thậm chí có thể tăng kích thước.

Các phim chụp MRI được thực hiện dưới sự giám sát của ông Sugaya cũng cho kết quả tương tự.

Các nhạc sĩ trong dàn nhạc giao hưởng có khối lượng chất xám cao hơn đáng kể so với người bình thường và khối lượng não của họ hầu như không giảm theo tuổi tác. (Ảnh: The Epoch Times)
Các nhạc sĩ trong dàn nhạc giao hưởng có khối lượng chất xám cao hơn đáng kể so với người bình thường và khối lượng não của họ hầu như không giảm theo tuổi tác. (Ảnh: The Epoch Times)

Bộ não được cấu tạo từ chất xám và chất trắng. Chất xám, bao gồm các tế bào thần kinh, đã được quan sát thấy có sự tăng về khối lượng sau các hoạt động âm nhạc. Bà James giải thích rằng sự gia tăng này không phải do khối lượng tế bào thần kinh tăng lên mà là vì “các kết nối giữa các tế bào thần kinh trở nên mạnh mẽ hơn.” Mặt khác, chất trắng đề cập đến các sợi trục thần kinh ngắn hoặc dài, hoạt động cùng nhau như mạng lưới liên lạc của não, tương tự như cách các con đường địa phương và đường cao tốc kết nối các thành phố khác nhau. Khi nghe nhạc, mạng lưới này được xây dựng và định hướng tốt hơn.

Ngoài ra, vùng hồi hải mã – là cấu trúc não sâu – “sáng lên” khi mọi người chăm chú nghe nhạc, bà James cho biết. Hồi hải mã đóng vai trò quan trọng trong nhận thức, trí nhớ, và cảm xúc.

Ký ức về âm nhạc của chúng ta dường như tồn tại lâu hơn ký ức về các sự kiện hoặc trải nghiệm hàng ngày trong những giai đoạn nhất định của cuộc đời. Hiện tượng này giải thích tại sao có một số người lớn tuổi có thể dễ dàng nhớ lại và hát những bài hát hoặc giai điệu mà họ yêu thích khi còn trẻ. Hồi hải mã cũng giúp con người hiểu được âm nhạc. Nếu phần não này không hoạt động, người ta sẽ không hiểu được những gì họ nghe thấy – giống như nghe một ngôn ngữ khác.

Âm nhạc cổ điển tác động đến cảm xúc

Cuộc khảo sát quốc tế cho thấy trên 80% chúng ta khóc khi nghe nhạc, nhưng chỉ có 18% người thưởng lãm các tác phẩm điêu khắc và 25% người thưởng thức hội họa rơi lệ. Tiến sĩ Trimble nói, “Âm nhạc lay động cảm xúc của chúng ta.”

Âm nhạc cổ điển gắn liền với cảm xúc. Tiến sĩ Trimble tin rằng “đáp ứng thực sự mà chúng ta có đối với âm nhạc gần như siêu việt.”

Âm nhạc cổ điển có thể có hiệu quả hơn các loại nhạc khác trong việc giảm căng thẳng và lo lắng, vì giai điệu mang lại những giây phút thư giãn và bình tĩnh. Bà James nói, “Mỗi tác phẩm đều có những đoạn tiết tấu chậm rãi giúp bạn thư thái. Trong một số môi trường trị liệu nhất định, như bệnh viện, đặc biệt là trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, các tác phẩm của Mozart, Bach, và một số nhà soạn nhạc cổ điển người Ý thường được ưa chuộng hơn vì tác dụng giảm căng thẳng và giảm đau vượt trội.

Ông Jonathan Liu, bác sĩ Trung y và nhà châm cứu ở Canada, nói với The Epoch Times rằng âm nhạc cổ điển đã đóng vai trò quan trọng trong chữa bệnh trong suốt lịch sử. Âm nhạc cũng có thể gợi lên cảm giác thiêng liêng, truyền cảm hứng về lòng biết ơn và sự tôn kính.

Âm nhạc cổ điển có thể cải thiện chức năng não và giảm căng thẳng. Âm nhạc cũng có thể gợi lên cảm giác thiêng liêng, truyền cảm hứng về sự biết ơn và lòng tôn kính. Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun biểu diễn tại Nhà hát Giao hưởng Boston vào ngày 13/10/2018. (Ảnh: NTD Television)
Âm nhạc cổ điển có thể cải thiện chức năng não và giảm căng thẳng. Âm nhạc cũng có thể gợi lên cảm giác thiêng liêng, truyền cảm hứng về sự biết ơn và lòng tôn kính. Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun biểu diễn tại Nhà hát Giao hưởng Boston vào ngày 13/10/2018. (Ảnh: NTD Television)

Nghệ sĩ Yonetani được kể câu chuyện sau khi biểu diễn tại buổi hòa nhạc lớn ở nhà thờ Âu Châu. Đang chơi được nửa chừng, một người phụ nữ lớn tuổi ngồi giữa khán giả đã dần chuyển từ ngồi sang quỳ trên mặt đất, nhắm mắt cầu nguyện thành kính. Nghệ sĩ chia sẻ, “Cá nhân tôi, việc biểu diễn những kiệt tác như bản concerto cho vĩ cầm của Beethoven hay Bach Chaconne đều gợi lên cảm giác kinh ngạc.”

Đằng sau sự khuấy động của cảm xúc là một loạt chất được sản sinh trong não.

Âm nhạc thúc đẩy bộ não tiết ra các hóa chất endorphin, enkephalin, dopamine, và serotonin. Mỗi loại đều có tác dụng sinh học khác nhau, từ tạo ra niềm vui và thư giãn đến giảm bớt sự khó chịu về thể chất và thúc đẩy giấc ngủ.

Ông Sugaya đề cập rằng việc tham dự buổi hòa nhạc cổ điển là lý tưởng cho những buổi hẹn hò vì dopamine được tiết ra trong não có thể khiến bạn quyến rũ hơn trong mắt đối phương. Giai điệu đẹp cũng có thể làm tăng oxytocin, là loại hormone tình yêu.

Ông Liu nhận xét, “Bộ não có rất nhiều tiềm năng mà nhân loại chưa khám phá hết.”

Việc phóng thích dopamine tạo ra hạnh phúc và khơi dậy những tia lửa trong hệ thống nhận thức và khen thưởng của não. Bà James giải thích rằng khi con người cảm thấy ớn lạnh hoặc rùng mình dọc sống lưng khi đắm mình trong âm nhạc cổ điển, họ đang trải qua hiện tượng trong đó hệ thống khen thưởng của não được kích hoạt hoàn toàn và bị kích thích bởi trải nghiệm thú vị như vậy.

Âm nhạc cổ điển thay đổi bộ não như thế nào

Trái ngược với tác dụng giảm lo âu và trầm cảm của nhạc cổ điển, một số thể loại nhạc rock hiện đại mang lại sự phấn khích và u sầu quá mức. Khi thảo luận về sở thích âm nhạc của giới trẻ, Tiến sĩ Trimble nói, “Tôi không tin điều đó sẽ giúp ích cho trạng thái cảm xúc của bạn.” Thay vào đó, ông tin rằng dòng nhạc này khơi dậy sự tức giận và những cảm xúc tiêu cực.

Một số thể loại nhạc New Age hiện đại cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc.

Trong một nghiên cứu trước đây, 144 người tham gia với nhiều lứa tuổi lắng nghe các thể loại nhạc khác nhau trong 15 phút, điền vào cùng một bảng câu hỏi trước và sau khi nghe. Kết quả cho thấy âm nhạc cổ điển làm giảm đáng kể cảm giác căng thẳng. Ngược lại, dòng nhạc New Age, vừa làm giảm cảm giác căng thẳng và thù địch, vừa làm giảm tinh thần minh mẫn và sức sống của con người. Nhạc rock không chỉ làm tăng đáng kể cảm giác thù địch, mệt mỏi, buồn bã và căng thẳng mà còn làm giảm tinh thần minh mẫn và sức sống cũng như cảm giác quan tâm và thư thái của con người.

Âm nhạc cổ điển thay đổi bộ não như thế nào

Lợi ích của âm nhạc cổ điển không còn là bí ẩn

Bà James khuyến khích mọi người nên đưa âm nhạc cổ điển vào cuộc sống hàng ngày.

Đối với người bình thường, âm nhạc cổ điển không hề huyền bí hay khó hiểu; nhiều tác phẩm cổ điển thật sự khá dễ tiếp cận. Bà nói, “Một người chưa từng học nhạc có thể đánh giá âm nhạc rất cao.”

Bà Yonetani cũng lưu ý rằng âm nhạc cổ điển từ thời Cổ điển ban đầu được dùng với mục đích giải trí cho giới quý tộc, khiến các tác phẩm của các nhà soạn nhạc như Mozart và Joseph Haydn trở nên khá dễ tiếp cận và thú vị. Hơn nữa, âm nhạc cổ điển thời kỳ Baroque của các nhà soạn nhạc như Bach và Handel là sự mở đầu tuyệt vời để thưởng thức âm nhạc mặc dù lúc này, tác phẩm âm nhạc thời này có phức tạp hơn một chút. Âm nhạc cổ điển từ thời Romantic, tiêu biểu là các tác phẩm của các nhà soạn nhạc như Brahms và Robert Schumann, mang đến vẻ đẹp và chiều sâu vô cùng.

Nghệ sĩ Yonetani đã chia sẻ về một chi tiết đáng yêu về thói quen hàng ngày của bà. “Tôi và chồng tôi vừa nghe nhạc vừa ăn sáng.” Ngoài ra, bà tin rằng nghe nhạc cổ điển trong khi đi làm có thể là cách bổ ích để thưởng thức vẻ đẹp và chiều sâu vốn có của âm nhạc.

Đáng chú ý, cả nghệ sĩ Yonetani và bà James đều nói về sức hấp dẫn to lớn của các buổi hòa nhạc trực tiếp.

“Không gì có thể so sánh được với buổi hòa nhạc trực tiếp,” bà James nhấn mạnh, và nói rằng cách tốt nhất để thưởng thức âm nhạc là tại buổi hòa nhạc. Mọi người có thể tập trung mà không bị phân tâm, hòa mình vào âm nhạc và màn trình diễn sống động của các nhạc sĩ, từ đó nhận được “niềm vui, trải nghiệm, và sự khích lệ cao nhất.”

*Chú thích của dịch giả

K545: Bản Sonata cung Đô trưởng cho đàn Piano được Mozart sáng tác ngày 26/6/1788 tại Vien

Privatdozent: giảng sư ngoại ngạch

Nhóm biên dịch Anh ngữ chuyên mục Sức khỏe

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times