Ai không nên sử dụng thuốc giảm đau Ibuprofen
Uống một viên ibuprofen có thể giúp giảm cơn đau đầu dữ dội hoặc giảm đau chỗ trật mắt cá chân nhanh chóng. Mặc dù loại thuốc không kê đơn dễ mua này có thể tạm thời che đậy sự khó chịu hay đôi khi loại bỏ cơn đau, nhưng các chuyên gia cho rằng của ibuprofen không thúc đẩy quá trình chữa lành thực sự.
Hơn nữa, đối với năm nhóm người này, tác dụng phụ của ibuprofen gây ra những nguy cơ trầm trọng về sức khỏe vượt xa các lợi ích tiềm năng.
1. Người có vấn đề về gan và thận
Tiến sĩ Joseph Maroon, giáo sư phẫu thuật thần kinh tại Trung tâm Y tế University of Pittsburgh, nói với The Epoch Times, Những người bị suy gan hoặc suy thận nên tránh dùng ibuprofen vì thuốc có thể làm tổn thương các cơ quan quan trọng này.
Theo một phân tích gộp 22 nghiên cứu, cho dù ibuprofen được coi là một trong những loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) an toàn hơn cho gan, nhưng vẫn có thể gây tổn thương tế bào gan, còn được gọi là nhiễm độc gan hoặc viêm gan nhiễm độc. Tổn thương gan xảy ra trong vòng 12 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị và phổ biến hơn ở phụ nữ.
Gan là cơ quan thải độc của cơ thể, phân hủy và hấp thu các hợp chất. Tiến sĩ Maroon cho biết gan gặp khó khăn trong quá trình hấp thu Ibuprofen.
“Gan rất quan trọng trong việc loại bỏ chất thải và phân hủy thuốc. Ibuprofen có thể gây tổn hại cho các quá trình này.”
Ibuprofen liều tiêu chuẩn từ 200 – 400mg ba lần mỗi ngày sẽ là gánh nặng cho gan. Mặc dù quá liều ibuprofen rất hiếm nhưng sẽ có thể gây tổn thương gan.
Một nghiên cứu năm 2020 của University of California–Davis cho thấy rằng ngay cả liều lượng vừa phải của ibuprofen cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ của ibuprofen đáng kể cho gan hơn những gì bác sĩ nhận ra.
Nghiên cứu trên chuột cho thấy việc điều trị bằng ibuprofen đã làm thay đổi con đường trao đổi chất, bao gồm cả những acid amin điều hòa, hormone và vitamin.
Ibuprofen cũng gây độc cho thận do làm tổn thương các mạch máu lọc chất thải. Dùng quá liều ibuprofen có thể dẫn đến bệnh thận. Theo Tiến sĩ Maroon, bệnh này phổ biến hơn ở những người trên 45 tuổi và có vấn đề về thận hoặc gan, và những người đó nên tránh dùng ibuprofen.
2. Người bị bệnh hen suyễn
Bệnh hen suyễn ảnh hưởng đến 1/13 người Mỹ. Bệnh gây viêm đường hô hấp, tiết ra nhiều chất nhầy, dẫn đến các vấn đề về hô hấp. Những người bị bệnh hen suyễn nên tránh dùng NSAID như ibuprofen.
Ibuprofen ngăn chặn các con đường gây viêm nhưng có thể làm tăng các hợp chất gọi là leukotriene, gây co thắt phế quản, co thắt các cơ dọc theo đường dẫn khí.
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tập san Medicine (Dược phẩm) đã liên kết việc sử dụng ibuprofen, aspirin và diclofenac trong thời gian ngắn với tình trạng trầm trọng của bệnh hen suyễn.
Các nhà nghiên cứu viết: “Nghiên cứu này kêu gọi các bác sĩ đánh giá lại chiến lược điều trị sốt ở trẻ bị hen suyễn”.
Một nghiên cứu khác năm 2019 từ Đài Loan cho thấy ibuprofen có nguy cơ khởi phát cơn hen suyễn cao hơn acetaminophen ở trẻ nhỏ nếu chúng phải đến phòng cấp cứu hoặc nhập viện vào năm trước.
3. Người bị tăng huyết áp hoặc suy tim
Các nghiên cứu cho thấy ibuprofen và NSAID như naproxen có thể làm tăng huyết áp.
Theo một nghiên cứu tổng quan được công bố trên Tập san Drug Safety (An toàn Dược phẩm) hai phân tích tổng hợp cho thấy việc sử dụng NSAID gây ra sự gia tăng đáng kể huyết áp trung bình, đặc biệt ở những bệnh nhân tăng huyết áp. Một báo cáo lưu ý rằng người dùng NSAID có nguy cơ cần dùng thuốc hạ áp cao hơn 1.7 lần so với người không dùng. Việc sử dụng NSAID cũng có liên quan đến nguy cơ chẩn đoán tăng huyết áp tăng 40%.
Ibuprofen cũng có thể làm giảm tác dụng của thuốc huyết áp.
Một nghiên cứu đăng trên Tập san Journal of Clinical Hypertension (Tăng huyết áp Lâm sàng) viết, “Vì nhiều bệnh nhân bị các bệnh như viêm xương khớp cần điều trị đồng thời cũng bị tăng huyết áp, [dùng] thuốc chống viêm không steroid có thể ức chế hiệu quả của thuốc hạ áp hoặc thậm chí gây tăng nhẹ huyết áp có thể có ý nghĩa đáng kể trên lâm sàng và sức khỏe cộng đồng.”
Do mối liên hệ giữa tăng huyết áp và bệnh tim, Tiến sĩ Maroon cho biết những người bị bệnh tim nên tránh dùng ibuprofen. Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tập san British Medical Journal (Y khoa Anh Quốc) liên quan đến việc sử dụng NSAID với sự gia tăng nguy cơ suy tim do tăng huyết áp, ức chế tiểu cầu và các đặc tính khác.
4. Phụ nữ mang thai
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, phụ nữ mang thai nên tránh dùng NSAID sau 20 tuần vì thuốc có thể dẫn đến giảm lượng nước ối. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy NSAID cũng có thể gây hại cho em bé trong thời kỳ đầu mang thai.
Một nghiên cứu cho thấy ibuprofen làm giảm số lượng tế bào, giảm tăng sinh và số lượng tế bào mầm bất kể giai đoạn trong thai kỳ. Các tác dụng phụ của ibuprofen không được khắc phục hoàn toàn sau khi ngừng thuốc trong 5 ngày, cho thấy tác dụng phụ [tồn tại] lâu dài.
Các nhà nghiên cứu lưu ý: “Những phát hiện này xứng đáng được xem xét dựa trên các khuyến nghị hiện tại về việc sử dụng ibuprofen [trong] thai kỳ.”
Một nghiên cứu bên ngoài cơ thể sống năm 2021 cho thấy NSAID đã thay đổi sự phát triển của thận thai nhi ngay từ tuần thứ 7 theo nhiều cách, bao gồm cả việc chết tế bào.
Nghiên cứu bổ sung đã liên kết việc dùng ibuprofen khi mang thai với việc trẻ nhẹ cân khi sinh và gây chảy máu cho mẹ nhiều hơn cũng như nguy cơ hen suyễn cao hơn.
5. Người có tiền sử đột quỵ
Đau dây thần kinh sau đột quỵ là phổ biến. Tuy nhiên, theo bác sĩ Maroon, việc dùng NSAID để giảm đau là không nên. Một tổng quan hệ thống 15 nghiên cứu cho thấy việc sử dụng NSAID làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do xuất huyết.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nguy cơ đột quỵ tăng lên là do co mạch (thu hẹp mạch máu) và bài tiết potassium, khiến huyết áp trở nên xấu hơn.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy phụ nữ bị đau bụng kinh khi sử dụng NSAID có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Và việc sử dụng NSAID trong suốt thời kỳ kinh nguyệt là phổ biến.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times