8 thói quen đơn giản để có sức khỏe tốt

Việc áp dụng tám thói quen lành mạnh vào trong cuộc sống có thể có tác động lớn đến sức khỏe lâu dài. Bỏ qua các thói quen này có thể gây nguy hại đến sức khỏe của bạn.

Trong nhiều năm, tôi đã điều trị cho nhiều người dường như gặp nhiều khó khăn, khiến họ gặp phải các vấn đề sức khỏe mà lẽ ra ở độ tuổi của họ thường không phải lo lắng.

Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân mà tôi gặp có vấn đề sức khỏe mạn tính đã để bệnh phát triển suốt một khoảng thời gian dài trong khi xem nhẹ sự quan trọng của việc phòng ngừa. Lối suy nghĩ phòng ngừa có thể ngăn những vấn đề nhỏ không trở nên nghiêm trọng hơn và trở thành vấn đề sức khỏe mạn tính.

Việc thực hành tám thói quen sau đây có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe lâu dài của bạn. Bỏ qua các thói quen này có thể gây nguy hại đến sức khỏe của bạn.

1. Uống đủ nước

Khoảng 55% đến 60% cơ thể người trưởng thành là nước. Hiện tượng mất nước xảy ra khi chúng ta sử dụng lượng dịch nhiều mức đưa vào, và cơ thể không thể thực hiện các chức năng bình thường.

Cô Kristen Harbin, y tá có giấy phép hành nghề ở Lynchburg, Virginia, nói với The Epoch Times rằng, “Mất nước có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm giảm chức năng thận và tổn thương thận, các vấn đề về da, nhiễm trùng, tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp, giảm động lực và thậm chí giảm kỹ năng sống tổng thể.”

Cô nói, “Đó là lý do phổ biến khiến bệnh nhân phải nhập viện và có thể gây tử vong ở giai đoạn nặng.”

Điều cần thiết là phải luôn mang theo nước và thậm chí xem nước như một toa thuốc để bảo đảm việc tiêu thụ đủ nước. Cô Harbin nói, “Nhiều người không thích ‘vị’ của nước, nhưng bạn không nhất thiết phải thích uống nước để hấp thụ đủ lượng.” Cô Harbin khuyên bạn nên sử dụng hương liệu để làm cho nước ngon hơn nếu cần.

Các nguồn tài liệu đưa ra lượng nước cần uống khác nhau, nhưng có một công thức đơn giản phù hợp với nhiều người: Chia trọng lượng cơ thể làm đôi để xác định số ounce nước bạn nên uống mỗi ngày. Ví dụ, một người khỏe mạnh nặng 200 pound (91kg) sẽ cần uống khoảng 100 ounce (3000l) hoặc 12.5 ly nước mỗi ngày.

(Ảnh: Freepik)

2. Duy trì tư thế đúng

Tư thế đúng giống như một nền tảng tốt cho ngôi nhà của bạn: Mọi thứ đều được xây dựng trên đó. Về mặt lâm sàng, chúng ta thường phải giải quyết những hạn chế do tư thế xấu gây ra. Một vấn đề mà chúng tôi thường gặp phải là chứng gù lưng, hay phần lưng trên bị cong vẹo về phía trước.

Nhiều nguyên nhân có thể góp phần gây ra chứng gù lưng, nhưng yếu cơ và thói quen tư thế xấu là những nguyên nhân phổ biến. Có tới 40% số người trên 60 tuổi gù lưng ở một mức độ nào đó.

Gù lưng có thể khiến đầu cúi về phía trước, gây áp lực lớn lên cổ và lưng, gây cứng cơ và đau lưng, đôi khi đến mức phải phẫu thuật.

Các bài tập được thiết kế làm săn chắc các cơ duy trì tư thế có thể giúp ngăn ngừa chứng gù lưng, tránh đau đớn và duy trì sức khỏe tư thế tốt.

3. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ ngon là điều cần thiết để có sức khỏe tốt, nhưng hàng triệu người không ngủ đủ giấc. Công nghệ đang ngày càng hủy hoại giấc ngủ của nhiều người, phổ biến nhất là ở trẻ em.

Ngủ không đủ giấc không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe mạn tính, bao gồm cao huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường loại 2, hội chứng chuyển hóa, bệnh thận, bệnh tim, đột quỵ, béo phì, ung thư đại trực tràng và trầm cảm. Ngủ không đủ giấc cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập và hiệu suất làm việc.

Việc ngủ đủ giấc có thể giúp ngăn ngừa các căn bệnh mạn tính. Hầu hết người lớn cần ngủ ít nhất bảy tiếng mỗi đêm, nhưng thời gian ngủ được khuyến nghị sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi. Việc thiết lập một lịch trình đi ngủ cố định có thể giúp bảo đảm việc ngủ đủ giấc.

Tránh sử dụng thiết bị điện tử vào buổi tối muộn có thể giúp bạn tránh được bẫy thời gian và bảo đảm đúng giờ đi ngủ. Tóm lại, đừng tiết kiệm giấc ngủ. Đó là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho cơ thể mình.

4. Giảm căng thẳng

Căng thẳng mạn tính là một căn bệnh giết người theo nhiều cách khác nhau. Căng thẳng có thể khiến chúng ta lo lắng và không thể ngủ được, đồng thời có thể làm tăng huyết áp, gây đột quỵ và đau tim.

Các bác sĩ thường hỏi về sự căng thẳng khi đến khám tại phòng khám, và lúc đầu, điều này nghe có vẻ hơi nhầm lẫn. Tuy nhiên, căng thẳng rất nghiêm trọng và có thể khá phức tạp về mặt bản chất. Căng thẳng ảnh hưởng đến nhiều vùng trên cơ thể con người đến mức phải mất một bài viết hoàn toàn riêng biệt mới có thể nói hết.

Có nhiều cách để giải quyết căng thẳng, bao gồm tư vấn, tập thể dục và vận động, hít thở, đi chơi, thực hành lòng biết ơn và các chương trình trợ giúp nhân viên tại nơi làm việc, nhưng bước đầu tiên để giải quyết căng thẳng là dành thời gian để xác định nguyên nhân và sau đó xác định các hành động có thể giúp giải quyết vấn đề.

5. Ăn uống lành mạnh

Béo phì có thể là một vấn đề nhạy cảm, nhưng rõ ràng rằng thừa cân gây ra nhiều hệ luỵ, thậm chí đến mức tử vong. Chất béo có thể “đè bẹp” sức khỏe của bạn.

Ngoài béo phì, nhiều người không hiểu được những hậu quả do ăn uống không lành mạnh, đặc biệt là khi việc này có thể góp phần làm các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, trầm cảm và chứng mất trí nhớ trầm trọng thêm.

Ăn uống lành mạnh không phải là điều dễ dàng trong một thế giới tràn ngập thức ăn ngon nhưng lại thiếu dinh dưỡng. Một số yếu tố khác ảnh hưởng đến thói quen ăn uống, bao gồm căng thẳng, di truyền, và sang chấn tâm lý. Trong khi một số người có đủ ý chí và động lực để giành lại quyền kiểm soát thói quen ăn uống và cân nặng của mình thì hầu hết chúng ta đều cần một chút trợ giúp.

Các phương pháp tiếp cận tốt nhất thường bắt đầu bằng cách tham khảo ý kiến của các chuyên gia như bác sĩ, huấn luyện viên sức khỏe, chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên cá nhân. Những chuyên gia được đào tạo này có thể giúp cung cấp kiến thức, kỹ năng và động lực để giúp bạn thực hiện thành công khẩu phần ăn uống và tập luyện lành mạnh.

6. Tập thể dục

Ngồi là một chất gây nghiện mới, và chúng ta đang ngồi rất nhiều. Người trưởng thành trung bình có khoảng 7.7 tiếng mỗi ngày ít vận động. Trong môi trường phục hồi chức năng, chúng tôi thường phải phục hồi chức năng cho những bệnh nhân ít vận động ngay cả trước khi nhập viện.

một hiệu ứng tầng về mặt sinh lý liên quan đến việc không tập thể dục thường xuyên. Hành vi ít vận động dẫn đến ba vấn đề: giảm chức năng tim, mạch máu và cơ. Hành vi này dẫn đến sức khỏe tim mạch suy giảm, mệt mỏi liên tục, giảm sức mạnh cơ bắp tổng thể và các bệnh mạn tính.

Viện Y tế Quốc gia (NIH) khuyến nghị mọi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần. Khuyến nghị của tôi là 30 phút mỗi ngày. Mặc dù lúc đầu có vẻ khó khăn nhưng tập thể dục thường xuyên là một trong những điều tốt nhất cho sức khỏe lâu dài.

7. Sức khỏe răng miệng

Hầu hết mọi người đều sợ sâu răng và cuộc gặp không thể tránh khỏi với nha sĩ. Tuy nhiên, ngoài sâu răng, việc vệ sinh răng miệng kém có thể dẫn đến hậu quả trầm trọng và lâu dài. Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến bệnh nha chu, cuối cùng dẫn đến mất răng và phải làm răng giả.

Răng giả có thể rất có vấn đề từ góc độ lâm sàng. Giữ lại hàm răng ban đầu là một trong những khoản đầu tư tốt nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống lâu dài.

Vệ sinh răng miệng kém cũng có thể gây ra các vấn đề khác. Shannon Keesee, một nhà vệ sinh răng miệng có giấy phép hành nghề, nói với The Epoch Times, “Nghiên cứu ngày càng liên kết việc vệ sinh răng miệng kém với bệnh tim, tiểu đường, chứng mất trí nhớ và cân nặng khi sinh thấp.” Vệ sinh răng miệng tốt không chỉ bảo vệ răng mà còn cả sức khỏe tổng thể.

Cách tốt nhất để bảo đảm sức khỏe răng miệng tốt là lên lịch khám răng định kỳ và làm theo khuyến nghị của nha sĩ, đặc biệt là khi đánh răng.

8. Thăm khám bác sĩ

Nhiều người chỉ hẹn gặp bác sĩ khi có điều gì đó không ổn. Mặc dù các bác sĩ có thể có kỹ năng khắc phục vấn đề nhưng họ cũng có thể giúp chúng ta ngăn ngừa các căn bệnh rất tốt.

Tôi chưa bao giờ làm việc với một bác sĩ mà không mong muốn một số bệnh nhân đến sớm hơn. Hàng trăm bệnh nhân ước gì họ đã chủ động đến gặp bác sĩ trước khi vấn đề tiến triển.

Bỏ qua việc thăm khám sức khỏe tại văn phòng bác sĩ là một ý tưởng tồi. Việc bỏ qua các vấn đề có thể khiến các bệnh nặng như ung thư, tiểu đường và cao huyết áp phát triển một cách âm thầm và không được kiểm soát. Cuối cùng, thiệt hại có thể không thể đảo ngược, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng hoạt động độc lập của bạn.

Ngay cả huyết áp cao nghiêm trọng cũng có thể không có triệu chứng. Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể gây tổn thương rộng rãi cho các cơ quan, mạch máu, dây thần kinh. Và tất cả chúng ta đều biết ung thư có thể gây ra những gì.

Vì vậy xin đừng chờ đợi.

Lên kế hoạch đến gặp bác sĩ ngay hôm nay và đồng hành cùng các bác sĩ để bảo đảm một sức khỏe tốt nhất có thể.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Kevin Shelley
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Kevin Shelley là một nhà trị liệu có chứng nhận hành nghề với hơn 30 năm kinh nghiệm trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn. Ông tham gia vào chuyên mục sức khỏe cho thời báo The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn