8 cách tự cải thiện chức năng thần kinh phế vị

Dây thần kinh phế vị hoạt động như con đường giao tiếp quan trọng giữa bộ não và các cơ quan lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Bí quyết để có sức khỏe tối ưu có thể không chỉ nằm ở cách ăn uống và tập thể dục, mà còn nằm ở một yếu tố ít được biết đến hơn: dây thần kinh phế vị.

Dây thần kinh sọ não này là cơ quan chính điều chỉnh sự cân bằng mong manh của cơ thể, điều khiển mọi thứ từ quản lý căng thẳng đến tiêu hóa và miễn dịch. Bằng cách giải phóng sức mạnh của dây thần kinh này, bạn có thể cải thiện sức khỏe và khả năng phục hồi của mình.

Dây thần kinh phế vị là gì và tại sao lại quan trọng?

Là dây thần kinh sọ dài nhất, dây phế vị hoạt động như một con đường giao tiếp quan trọng giữa bộ não và các cơ quan chính và các chức năng khác nhau của cơ thể.

1. Thức ăn

Dây thần kinh phế vị đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng thức ăn ăn vào, duy trì cân bằng nội môi năng lượng, tạo cảm giác no và điều chỉnh tình trạng viêm. Dây phế vị cũng tham gia vào việc truyền tín hiệu từ ruột đến não, thông báo cho não về độ căng của dạ dày và sự hiện diện của các chất dinh dưỡng trong đường tiêu hóa. Những tín hiệu này giúp điều chỉnh cảm giác đói và no, ảnh hưởng đến lượng thức ăn ăn vào.

2. Căng thẳng

Dây thần kinh phế vị cũng có liên hệ đến sự khởi đầu của các rối loạn tâm thần và các tình trạng liên quan đến viêm và căng thẳng. Kích thích dây thần kinh phế vị đã được chứng minh là có tiềm năng điều trị, phần lớn là do đặc tính chống viêm và thư giãn.

Kích thích dây thần kinh phế vị tạo ra các tín hiệu an toàn, từ đó có thể huy động các trạng thái cân bằng về mặt trao đổi chất, chẳng hạn như làm chậm nhịp tim, tối ưu hóa sức khỏe, tăng trưởng và phục hồi.

3. Cảm xúc

Dây phế vị còn có vai trò như một công cụ giúp mọi người quan hệ và kết nối với những người khác một cách lành mạnh và trưởng thành.

Dây thần kinh phế vị có liên hệ đến việc điều hòa hệ thống thần kinh phó giao cảm, chịu trách nhiệm về phản ứng “nghỉ ngơi và tiêu hóa.” Dây thần kinh phế vị hoạt động tốt giúp điều hòa trạng thái sinh lý, từ đó tạo điều kiện cho việc quản lý cảm xúc tốt hơn và tạo khả năng đối phó với căng thẳng hay cảm xúc mãnh liệt.

4. Bổ sung nước

Dây thần kinh phế vị giống như một dòng sông, cung cấp nước và chăm sóc hiệu quả toàn bộ cơ thể. Dòng sông này có thể phân nhánh, cung cấp lượng nước hoặc năng lượng phù hợp cho các cơ quan khác nhau, bao gồm thận, tim và phổi.

Cách tự cải thiện chức năng thần kinh phế vị

Mặc dù đã có thuốc và các phương pháp điều trị xâm lấn như kích thích dây thần kinh, nhưng cũng tồn tại những cách tự nhiên để cải thiện chức năng của dây thần kinh này.

1. Chạm vào

Dây thần kinh phế vị chạy qua mặt, tai và cổ. Việc xoa bóp và chạm vào những khu vực này có thể kích thích dây thần kinh một cách tự nhiên.

2. Duy trì tư thế đúng và tập thể dục cột sống

Chứng lệch cột sống có thể làm căng hệ thần kinh và ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan trọng yếu.

Cách hiệu quả để tăng chức năng của hệ thống thần kinh thực vật là vận động nhằm kích thích sự linh hoạt của cột sống và điều chỉnh sự mất cân bằng thông thường.

3. Chuyển động của mắt

Đôi mắt giúp chúng ta nhìn sâu vào cảm xúc của một người bởi vì cơ quan này có mối gắn kết với hệ thống thần kinh phế vị.

Khi phản ứng căng thẳng được kích hoạt, đồng tử sẽ giãn ra để giúp bạn quan sát môi trường. Khi bạn cảm thấy an toàn, đôi mắt có xu hướng lấp lánh và thể hiện sự ấm áp, báo hiệu rằng hệ thống tương tác xã hội của bạn đang hoạt động.

2 bài tập cơ mắt kích thích dây thần kinh phế vị:

  • Kéo căng và thả lỏng các cơ mắt bằng cách đưa liếc mắt sang trái và phải mà không quay đầu.
  • Một cách khác là đưa cả hai tay ra sau đầu, sau đó đưa ánh mắt về phía khuỷu tay phải. Giữ nguyên tư thế đó trong vài nhịp thở và quan sát những tín hiệu tinh tế cho thấy cơ thể bạn đang thư giãn. Sau 10 nhịp thở, lặp lại tương tự và đưa ánh mắt về phía khuỷu tay trái.

4. EMDR

Giải mẫn cảm và tái nhận thức chuyển động nhãn cầu (EMDR) là một dạng chuyển động ngang, nhưng cũng là một chuyển động của mắt, có khả năng kích thích dây thần kinh phế vị mạnh hơn.

EMDR sử dụng chuyển động của mắt hai bên để tạo điều kiện giao tiếp giữa bán cầu não trái và phải, giúp tạo ra trạng thái hệ thần kinh mạch lạc, cho phép mọi người đưa ra quyết định, giải quyết xung đột và ứng phó với căng thẳng một cách tổng hợp và hiệu quả hơn.

5. Hơi thở

Tim và phổi có mối liên hệ sâu sắc với nhau và với hệ thần kinh phế vị, khiến việc điều hòa hơi thở thành điều cần thiết để duy trì sự cân bằng của hệ thần kinh.

Việc thở ra dài và chậm sẽ kích thích dây thần kinh phế vị, bắt đầu phản ứng thư giãn phó giao cảm giúp làm dịu cơ thể. Thở bằng mũi luân phiên cũng được chứng minh là có ảnh hưởng đáng kể đến hệ thần kinh phó giao cảm.

Bằng cách tìm một không gian yên tĩnh, ngay cả hít một hơi thật sâu cũng có thể giúp bạn trở lại trạng thái bình tĩnh.

6. Âm thanh an toàn

Khi chúng ta nghe thấy một mối đe dọa tần số thấp, chẳng hạn như tiếng gầm gừ của động vật, phản ứng tức thời của hệ thần kinh giao cảm sẽ được kích hoạt để bảo vệ cơ thể.

Ngược lại, những âm thanh an toàn như âm nhạc, sóng biển, tiếng vo ve, tiếng cồng chiêng sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh xã hội, tạo cảm giác thoải mái toàn thân.

Ca hát cũng đã được chứng minh là có tác dụng điều chỉnh dây thần kinh phế vị.

7. Tiếp xúc với nước lạnh

Dây thần kinh phế vị có thể hoạt hoá thông qua tăng hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, chẳng hạn như tắm nước lạnh.

Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy mặc dù hệ thống thần kinh giao cảm ban đầu sẽ hoạt hoá khi tiếp xúc với nước lạnh, nhưng nếu tiếp xúc nhiều lần sẽ thích nghi với nhiệt độ, dẫn đến sự thay đổi theo hướng tăng hoạt động phó giao cảm.

8. Cười to

Tiếng cười kích thích kiểu thở nhịp nhàng, kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, từ đó kích thích dây thần kinh phế vị.

Nhịp thở nhịp nhàng và hoạt động cơ bắp liên quan đến tiếng cười sẽ kích hoạt các đường phó giao cảm của dây thần kinh phế vị. Điều này giúp cân bằng các phản ứng căng thẳng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” giao cảm và cải thiện trương lực phế vị, để điều hòa và thư giãn toàn bộ cơ thể.

Phương Vy biên dịch

Đại Hải và Thu Anh biên tập

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Zena le Roux
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Zena le Roux là nhà báo sức khỏe (MA) và huấn luyện viên sức khỏe & thể chất được chứng nhận, chuyên về dinh dưỡng chức Học Thuyết Ứng Dụng Đa Thần Kinh Phế Vị. Cô hành nghề tư nhân và là nhà giáo dục dinh dưỡng cho một trường y tế có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn