7 cách giảm viêm đường ruột và tăng sức đề kháng cho cơ thể
Đường ruột là cơ quan bảo vệ chủ yếu của cơ thể và đường ruột khỏe mạnh có thể giúp giảm tình trạng viêm mạn tính.
Viêm mạn tính làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể dễ bị virus và vi khuẩn xâm nhập, đồng thời là tiền đề cho nhiều căn bệnh khác nhau.
Nhiều căn bệnh có liên quan đến chứng viêm mạn tính, bao gồm béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao, lượng đường trong máu cao, bệnh tim mạch và thậm chí là ung thư. Viêm mạn tính có thể được kích hoạt bởi các yếu tố từ lối sống như căng thẳng kéo dài, chất lượng giấc ngủ kém, tiêu thụ chất béo không lành mạnh, hút thuốc và uống quá nhiều rượu – tất cả đều dẫn đến hệ miễn dịch suy yếu.
Hệ miễn dịch suy yếu có thể dẫn đến sự phát triển của một số căn bệnh nhất định, chẳng hạn như phát ban, chàm dị ứng, viêm mũi dị ứng và các căn bệnh tự miễn nghiêm trọng như viêm khớp dạng thấp và tắc nghẽn mạch máu. Theo thời gian, khi cơ thể trong tình trạng phải vất vả loại bỏ những kẻ xâm nhập một cách hiệu quả hết ngày này đến ngày khác, có thể dẫn đến sự hình thành các tế bào khối u, cuối cùng dẫn đến sự phát triển của ung thư.
4 kiểu cơ địa dễ bị viêm
Theo Trung y, có bốn kiểu cơ địa đặc biệt dễ bị viêm mạn tính như sau
1. Thiếu khí huyết
Đây là một ví dụ điển hình về tình trạng viêm mạn tính khiến cho người ta thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
Trong Trung y, “khí” là năng lượng hoặc sức mạnh cấu tạo nên sự sống trong cơ thể và tất cả các chất dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể được gọi chung là “huyết”. Sự lưu thông của khí và huyết duy trì sự cân bằng và ổn định của các mô và cơ quan khác nhau. Khi khí huyết trong cơ thể mất cân bằng hoặc thiếu hụt thì bệnh tật có thể xảy ra.
2. Đàm thấp
Đàm thấp thường liên quan đến những người thừa cân vốn có thể bị các bệnh như cholesterol cao, huyết áp cao, lipid máu cao và nồng độ acid uric cao. Họ thường có hệ miễn dịch yếu hơn và dễ bị nhiễm trùng hơn.
3. Khí trệ
Điều này đề cập đến những người gặp phải mức độ căng thẳng cao và chất lượng giấc ngủ kém, dẫn đến khí và huyết trong cơ thể không được lưu thông. Ngoài ra, việc tích tụ những cảm xúc dồn nén có thể làm suy yếu hệ miễn dịch theo thời gian.
4. Huyết trệ
Huyết trệ là tình trạng huyết lưu thông kém, cản trở tế bào bạch cầu kịp thời tiếp cận các vùng viêm trong cơ thể để loại bỏ những kẻ xâm lược từ bên ngoài. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tình trạng ứ đọng ở những vùng bị ảnh hưởng, khiến dễ bị viêm mạn tính hơn.
Vai trò của đường ruột với khả năng miễn dịch
Hệ vi sinh đường ruột của con người đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Cộng đồng vi khuẩn, virus, nấm và các vi sinh vật khác trong đường ruột tương tác chặt chẽ với hệ miễn dịch niêm mạc, tác động đến các phản ứng miễn dịch cục bộ trong đường ruột và phản ứng miễn dịch của toàn bộ cơ thể.
Vì vậy, tối ưu sức khỏe đường ruột là rất quan trọng để giảm viêm mạn tính.
Sau đây là 7 cách giảm viêm đường ruột, tăng sức khỏe đường ruột và tăng khả năng miễn dịch.
1. Tiêu thụ rau và trái cây dồi dào chất xơ
Các loại rau và trái cây chứa rất nhiều chất xơ cung cấp prebiotics cần thiết để nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột có lợi. Cần uống đủ nước khi ăn rau và trái cây nhiều chất xơ, để hạn chế tình trạng táo bón, giúp giảm viêm đường ruột.
2. Tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt
Tinh bột chứa nhiều chất xơ rất cần thiết cho sức khỏe đường ruột. Nên chọn ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt và hỗn hợp nhiều loại gạo tận dụng chất xơ hòa tan. Loại chất xơ này không chỉ giúp cho lợi khuẩn đường ruột phát triển mà còn giúp tăng nhu động ruột, từ đó giúp giảm viêm đường ruột
3. Dùng thảo dược cải thiện hệ tiêu hóa
Nhiều loại thảo dược đóng vai trò là prebiotic, cung cấp thực phẩm cơ bản cho probiotics trong đường ruột.
Các văn bản y học cổ xưa đã có ghi chép về các loại thảo mộc như Bạch truật, Hoài sơn, Phục linh về khả năng cải thiện hệ tiêu hóa. Ngoài ra, táo gai và vỏ quýt có thể giúp đường tiêu hóa thu chất dinh dưỡng tốt hơn.
Thành phần chính của bài thuốc Sâm linh bạch truật tán (SLBZS) gồm Bạch truật, Phục linh và Hoài sơn. Một thí nghiệm được tiến hành vào năm 2021 sử dụng mô hình chuột bị viêm loét đại tràng cho thấy SLBZS đã cải thiện các tổn thương ở đại tràng bằng cách giảm các tổn thương ở đại tràng, tăng khả năng chống oxy hóa và điều hòa hệ vi sinh vật đường ruột, cuối cùng là cải thiện các tổn thương ở đại tràng.
4. Tiêu thụ chất béo lành mạnh
Bữa ăn Địa Trung Hải, một cách ăn uống lành mạnh được thiết lập rất tốt, chú trọng vào việc tiêu thụ chất béo chất lượng cao, chẳng hạn như dầu ô liu.
Nếu bạn thích các phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ cao như chiên và xào, hãy dùng các loại dầu như dầu cám gạo hoặc dầu hoa trà. Các loại dầu này không chỉ có khả năng chịu nhiệt mà còn chứa các thành phần chống viêm, là lựa chọn lành mạnh hơn so với mỡ động vật vốn dồi dào acid béo bão hòa.
5. Tiêu thụ dầu cá
Dầu cá có lợi cho sức khỏe tim mạch vì có thể làm giảm nguy cơ tắc nghẽn tim mạch và có đặc tính chống viêm. Nên chọn dầu cá ở biển sâu không bị ô nhiễm kim loại nặng trong đại dương.
6. Châm cứu
Châm cứu là một phương pháp hiệu quả khác để cải thiện sức khỏe đường ruột. Châm cứu làm tăng lưu thông khí và huyết, từ đó giảm viêm đường ruột, giúp đường ruột khỏe mạnh.
7. Tập thể dục
Tập thể dục có hiệu quả tăng khả năng miễn dịch. Những người làm việc trong môi trường căng thẳng nên giải tỏa đầu óc bằng cách chạy bộ trong nửa tiếng, để cho trí óc và cơ thể được thư thái. Trong quá trình tập luyện, nhiều suy nghĩ và hiểu biết sâu sắc có thể xuất hiện.
Ngoài ra, các hoạt động như đi dạo trong công viên, thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa lá chim chóc, thực hành thiền định hoặc thực hiện các hoạt động chánh niệm cũng là những cách tuyệt vời để giảm căng thẳng và tăng khả năng miễn dịch.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times