6 thời điểm tốt nhất để uống nước và 2 thức uống bổ sung nước tốt hơn nước lọc
Vào mùa hè, nền nhiệt ngoài trời cao có thể dẫn đến say nắng và kiệt sức. Vì vậy, việc duy trì đủ nước trong cơ thể là rất quan trọng. Đáng ngạc nhiên là các nghiên cứu cho thấy nước có thể không phải là thức uống hiệu quả nhất để bổ sung nước. Kết luận này có hợp lý không? Giáo sư Trung y Jonathan Liu chia sẻ chi tiết các phương pháp bổ sung nước thích hợp, đồng thời thảo luận về thời điểm tối ưu để uống nước. Ông cũng chia sẻ một số công thức đồ uống bổ sung nước hoàn hảo cho mùa hè.
Năm 2016, Tập san The American Journal of Clinical Nutrition (Dinh Dưỡng Lâm Sàng) của Mỹ công bố 13 loại thức uống theo thứ tự về hiệu quả cung cấp nước cho cơ thể:
- Sữa nguyên kem (full-fat milk).
- Dung dịch bù nước dạng uống.
- Sữa tách kem (skimmed milk).
- Nước cam.
- Nước ngọt Cola.
- Nước Cola dành cho người ăn kiêng.
- Trà đá.
- Trà nóng.
- Nước uống thể thao bù điện giải.
- Nước lọc.
- Nước khoáng có gas.
- Bia Lager.
- Cà phê.
Điều thú vị là, sữa nguyên kem, dung dịch bù nước đường uống, sữa tách kem và nước cam đều có chỉ số hydrat hóa [là quá trình bổ sung các phân tử nước vào các hợp chất hữu cơ] cao hơn nước lọc.
Tại sao sữa và một số thức uống có đường lại có khả năng bổ sung nước cao hơn nước lọc?
Ông Liu giải thích rằng, cơ thể mất nước hàng ngày chủ yếu qua bốn đường: nước tiểu (qua thận), mồ hôi (qua da), hô hấp (qua phổi) và phân trong đại tràng.
Ông Liu cho biết, quá trình hấp thụ và bài tiết nước trong cơ thể người nhìn chung ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, do quá trình trao đổi chất nên tốc độ bài tiết [nước tiểu] của thận có thể thay đổi khi tiêu thụ các loại thức uống khác nhau. Cơ thể hấp thụ và đào thải các phân tử nước nhanh hơn do kích thước nhỏ hơn; trong khi các protein sữa phải trải qua quá trình thuỷ phân, tạo thành các hợp chất phân tử lớn hơn. Kết quả là, như nghiên cứu cho thấy, sữa được chuyển hóa chậm hơn và tồn tại lâu hơn trong cơ thể so với nước.
Vậy việc một loại thức uống ở lâu trong cơ thể hơn có đồng nghĩa với việc giữ nước tốt hơn? Ông Liu cho biết, điều này vẫn chưa chắc chắn và cũng chưa rõ liệu chất lỏng được bổ sung có đến được các cơ quan bị mất nước một cách hiệu quả hay không.
Hậu quả của việc giữ nước quá nhiều trong cơ thể
Một số người lo lắng việc giữ nước kéo dài có thể dẫn đến phù nề, sưng tấy. Ông Liu cho biết, cơ thể con người có cơ chế tự điều chỉnh, cho phép loại bỏ lượng nước dư thừa qua thận, phổi, và hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, ở một số người có vấn đề về sức khỏe (Á kiện khang), các chất lỏng được hấp thụ có thể tích tụ ở một số cơ quan nhất định. Trung y gọi tình trạng này là hội chứng giữ nước.
Theo Trung y, sự phân phối nước trong cơ thể được ví như dòng chảy tự nhiên của sông hồ. Giống như một số khu vực trong tự nhiên có thể khan hiếm nước, trong khi những nơi khác thì lại giữ nước, cơ thể cũng có thể gặp phải sự mất cân bằng này. Đôi khi, vấn đề không nhất thiết là do uống không đủ nước, mà chính là kết quả của việc tuần hoàn kém hoặc rối loạn chức năng của các cơ quan. Do đó, để giải quyết tình trạng thiếu nước, không phải lúc nào cũng nên bổ sung thêm nước; điều quan trọng là xác định nguyên nhân căn bản của vấn đề.
Ông Liu giải thích, tình trạng ứ nước quá nhiều ở tim và phổi có thể dẫn đến đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, tức ngực. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là dấu hiệu của bệnh tim. Trong khi đó, nước ứ quanh thận có thể gây ra tình trạng tiểu tiện bất thường, các vấn đề về đường tiết niệu, và phù nề. Việc giữ nước trong hệ tiêu hóa có thể dẫn đến đầy hơi, khó chịu ở dạ dày và nôn ra chất lỏng trong. Ngoài ra, việc giữ nước ở tứ chi có thể dẫn đến các triệu chứng như đau khớp hoặc hội chứng chân không yên (restless leg syndrome – RLS).
Ông Liu có một nữ bệnh nhân bị chóng mặt và mặc dù Tây y đã kiểm tra nhưng vẫn không xác định được nguyên nhân. Sau đó, ông Liu nhận thấy màng lưỡi của cô ẩm quá mức cho thấy cơ thể cô tích quá nhiều chất lỏng. Sau khi ông giúp cô loại bỏ chất lỏng dư thừa, cơn chóng mặt biến mất. Bệnh Ménière [với triệu chứng gồm chóng mặt, ù tai và giảm thính lực] là do chất lỏng tích tụ ở tai trong. Đây là ví dụ điển hình về hội chứng do ứ nước cục bộ gây ra.
Ông Liu cho biết, Trung y sử dụng ba phương pháp chính để điều chỉnh và loại bỏ độ ẩm của cơ thể:
1. Kích thích đổ mồ hôi: Đổ mồ hôi giúp loại bỏ lượng nước dư thừa để điều trị phù nề.
2. Điều hòa chức năng của lá lách: Trong Trung y, khái niệm lá lách là chỉ hệ thống tiêu hóa và hấp thụ của cơ thể, chứ không đơn giản là một cơ quan như quan niệm của y học hiện đại. Lá lách đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa nước và thức ăn thành năng lượng cần thiết. Nếu chức năng của lá lách bị suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh lượng nước trong cơ thể.
3. Điều hòa chức năng thận: Nước đi qua cầu thận và đi vào bàng quang, tại đây lượng nước dư thừa sẽ được thải ra ngoài. Ngoài nhiệm vụ thải nước qua nước tiểu, thận còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa quá trình trao đổi chất, bài tiết dịch theo nhu cầu nước của cơ thể.
Mẹo dưỡng ẩm và chăm sóc da mùa hè
Vào mùa hè, làn da cần được bổ sung nước do đổ mồ hôi nhiều. Ông Liu chia sẻ bốn mẹo cần thiết để duy trì độ ẩm cho da:
1. Dùng xịt dưỡng ẩm để bổ sung nước cho da, đồng thời thoa kem dưỡng ẩm để giữ ẩm và ngăn ngừa mất nước.
2. Uống đủ nước mỗi ngày. Ngoài các bữa ăn chính, nên uống từ 1.2 đến 1.5 lít nước để duy trì độ ẩm cho da.
3. Có thể dùng máy tạo độ ẩm không khí trong môi trường khô.
4. Khi đi ngoài trời nắng nên mặc quần áo bảo hộ và dùng kem chống nắng nếu cần thiết.
Thời điểm tốt nhất để uống nước
Theo ông Liu, có sáu thời điểm tốt nhất để uống nước trong ngày. Trung y cho rằng kinh mạch là đường dẫn năng lượng trong cơ thể con người, có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể. Khí và huyết là các chất cơ bản giúp tạo nên và duy trì sự sống của con người. Cơ thể bao gồm 12 kinh mạch chính, mỗi kinh tương ứng với một cơ quan cụ thể. Mỗi ngày được chia thành 12 canh giờ (thời thần) gồm: Tý (23 giờ đêm – 1 giờ sáng), Sửu (1-3 giờ sáng), Dần (3-5 giờ sáng), Mão (5-7 giờ sáng), Thìn (7-9 giờ sáng), Tỵ (9-11 giờ sáng), Ngọ (11-13 giờ chiều), Mùi (13-15 giờ chiều), Thân (15-17 giờ chiều), Dậu (17-19 giờ tối), Tuất (17-19 giờ tối) và Hợi (21-23 giờ đêm). Trong mỗi canh giờ, khí huyết ở các kinh mạch tương ứng trở nên lưu thông mạnh mẽ, đưa đến gia tăng hoạt động ở các cơ quan và nội tạng liên quan.
Sau đây là những thời điểm tốt nhất để uống nước:
- 7 giờ sáng: Kinh đại tràng hoạt động mạnh nhất vào khoảng thời gian từ 5 đến 7 giờ; kinh dạ dày hoạt động mạnh nhất từ 7 đến 9 giờ. Vì vậy uống một ly nước lọc (có thể thêm chút muối) vào khoảng 7 giờ sáng, giúp kích thích nhu động ruột và tạo thuận tiện cho việc loại bỏ độc tố.
- 9 giờ sáng: Quá trình trao đổi chất trong cơ thể trở nên tích cực hơn vào thời điểm này và việc bổ sung chất lỏng có thể giúp tăng quá trình trao đổi chất.
- 11:30 sáng hoặc trước bữa trưa: Người ta thường nói, “Uống súp trước bữa ăn giúp bạn giữ dáng và khỏe mạnh.” Uống nước trước bữa ăn có thể làm loãng acid dạ dày và giảm cảm giác đói, từ đó giúp kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ.
- 3 giờ chiều: Bổ sung chất lỏng là điều cần thiết khi cơ thể chuyển hóa và hấp thụ thức ăn từ bữa trưa.
- 7 giờ tối: Uống nước sau bữa tối kích thích quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, cải thiện sự co bóp của dạ dày.
- 9 giờ tối hoặc trước khi đi ngủ: Uống nước vào thời điểm này giúp làm loãng máu, cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và đột quỵ vào ban đêm. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều nước để tránh phải đi vệ sinh thường xuyên ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ.
Công thức đồ uống giải khát cho mùa hè
Ông Liu chia sẻ hai công thức đồ uống hoàn hảo cho mùa hè.
1. Nước giải khát Sa sâm và Mạch môn
Chuẩn bị: Rửa sạch 10g rễ Sa sâm và 10g Mạch môn. Cắt nguyên liệu thành từng miếng nhỏ, cho vào nồi đất với nước và đun sôi trong 30 phút. Lọc bỏ phần bã, thêm 5g đường phèn và thưởng thức.
Tác dụng: Giúp giảm đau cho những người thường xuyên bị khô da, miệng, và cổ họng.
2. Nước giải khát ô liu và mận chua
Chuẩn bị: 60g ô liu tươi nguyên hạt rửa sạch và 10g mận chua. Giã nát nguyên liệu, thêm khoảng 750ml nước và nấu cho đến khi lượng nước còn lại khoảng 250ml thì bỏ đi phần bã. Có thể thêm đường, tùy khẩu vị.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, kích thích sinh dịch giúp giải khát, dưỡng ẩm cổ họng.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times