5 nhóm người nên tránh vitamin D bất chấp lợi ích giảm nguy cơ ung thư
Vitamin D rất quan trọng trong việc duy trì xương khỏe mạnh, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh mạn tính và giảm nguy cơ ung thư.
Trong chương trình sức khỏe “Health 1+1” của The Epoch Times, tiến sĩ Ou Han Wen là bác sĩ về y học và dinh dưỡng tích hợp tại Đại học University of Maryland đã giải thích về chức năng của vitamin D, cách bổ sung vitamin D và những hạn chế trong việc sử dụng loại vitamin này.
Tổ chức Loãng xương Quốc tế (IOF) khuyến nghị những người từ 70 tuổi trở lên nên tiêu thụ 1,200mg calcium mỗi ngày. Ngoài ra, những người từ 60 tuổi trở lên nên bổ sung 800 đến 1,000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D hàng ngày để tăng cường sức khỏe của xương và giảm khả năng bị té ngã.
Công dụng của vitamin D
Tiến sĩ Ou giải thích rằng vitamin D có nhiều chức năng:
- Tăng sức đề kháng
Vitamin D trợ giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn. Theo một nghiên cứu được công bố trên Lưu trữ Nội khoa (Archives of Internal Medicine) năm 2009, việc thiếu vitamin D làm tăng khả năng bị các bệnh như cảm lạnh và cúm.
Vitamin D cũng có thể điều hòa các bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh đa xơ cứng và viêm tuyến giáp tự miễn.
- Ngăn ngừa các bệnh mạn tính
Nghiên cứu cho thấy việc thiếu vitamin D có liên quan đến một số bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì.
Bằng cách bổ sung vitamin D, khả năng phát triển các tình trạng mạn tính này có thể giảm.
- Giảm nguy cơ ung thư
Năm 2019, Biên niên sử Ung thư (Annals of Oncology) đã công bố một nghiên cứu chứng minh rằng việc bổ sung vitamin D có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do ung thư.
Hơn nữa, tiến sĩ Ou cho biết, liệu pháp điều trị ung thư thường dẫn đến các tác dụng phụ như mệt mỏi và giòn xương, vốn có thể giảm nhẹ bằng cách bổ sung vitamin D với liều lượng phù hợp.
Tiến sĩ Ou lưu ý rằng trong khi một số nghiên cứu đã gợi ý rằng việc tăng lượng vitamin D có thể làm giảm nguy cơ bị chứng mất trí nhớ thì hiện tại không có thử nghiệm ngẫu nhiên hay kiểm soát đáng kể nào để xác nhận hiệu quả của vitamin D trong việc ngăn ngừa chứng mất trí nhớ. Khía cạnh này vẫn là một chủ đề của nghiên cứu đang diễn ra.
Cách bổ sung vitamin D
Vitamin D chủ yếu được hấp thu từ ánh sáng mặt trời, được cơ thể tổng hợp thông qua tiếp xúc với ánh nắng. Tuy nhiên, lượng ánh sáng mặt trời cần thiết để duy trì đủ lượng vitamin D khác nhau tùy thuộc vào vị trí, mùa, khí hậu và thời gian trong ngày.
Điều quan trọng cần lưu ý là việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể gây hại vì bức xạ tia cực tím là một chất gây ung thư đã được biết đến, vì vậy việc bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là điều cần thiết.
Làm thế nào có thể bảo đảm chúng ta nhận đủ vitamin D từ bữa ăn hàng ngày?
Tiến sĩ Ou gợi ý rằng chúng ta nên bổ sung lượng vitamin D bằng thực phẩm có hàm lượng calcium cao, như các sản phẩm từ sữa, đậu, rau xanh đậm, hạt vừng, nấm kim châm, nấm đông cô, rong biển, cá khô và các loại hạt.
Trái cây dồi dào vitamin C, như trái cây họ cam quýt, cam, kiwi và ổi, có thể tăng hấp thụ calcium và vitamin D.
Tiến sĩ Ou cho biết dùng thực phẩm bổ sung là một giải pháp thay thế nếu bạn không thể hấp thụ đủ vitamin D từ thực phẩm. Bạn cũng nên kiểm tra nồng độ vitamin D trong cơ thể trước khi bổ sung vitamin D. Ngoài ra, nên có xét nghiệm sau ba tháng bổ sung để xác định xem liều lượng hiện tại là đủ hay quá cao.
Càng nhiều Vitamin D càng tốt?
Bổ sung thêm vitamin D không nhất thiết là tốt. Bởi vì vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo, có thể được lưu trữ trong các mô mỡ của cơ thể nên nếu tiêu thụ quá mức, cơ thể sẽ khó chuyển hóa.
Khi lượng vitamin D vượt quá lượng cần thiết, nồng độ vitamin D tích lũy trong cơ thể có thể vượt ngưỡng an toàn. Điều này có thể dẫn đến chứng tăng calcium máu với các triệu chứng sau:
- Thờ ơ, mệt mỏi
- Nhức đầu, chóng mặt
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn ói mửa
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Đi tiểu thường xuyên hoặc tiểu lắt nhắt
- Đau xương hoặc cơ
Tăng calcium máu mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng như sỏi thận, suy thận, huyết áp cao, bệnh tim và những rối loạn ở xương.
Để ngăn ngừa những tác dụng phụ này, tiến sĩ Ou khuyên bạn nên xét nghiệm lượng vitamin D trong cơ thể và chỉ bổ sung vitamin D nếu được bác sĩ chỉ định.
Ai nên tránh bổ sung vitamin D?
Tiến sĩ Ou nhấn mạnh rằng việc bổ sung quá nhiều vitamin D có thể không phù hợp với một số người bị các bệnh sau:
- Tăng calcium máu: Những người có nồng độ calcium cao trong máu có thể cần phải hạn chế lượng vitamin D hấp thụ, điều này có thể góp phần làm tăng thêm nồng độ calcium.
- Bệnh thận: Thận rất quan trọng trong việc duy trì nồng độ calcium thích hợp. Bệnh nhân có chức năng thận kém nên tránh bổ sung quá nhiều vitamin D để tránh tăng calcium máu.
- Bệnh gan: Vitamin D cần được chuyển hóa thành dạng hoạt động ở gan, vì vậy bệnh nhân rối loạn chức năng gan cần thận trọng khi sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin D.
- Tăng calcium niệu: Những bệnh nhân này sẽ tạo ra nhiều calcium trong nước tiểu. Nếu bổ sung thêm vitamin D có thể làm thận quá tải. Do đó, những người có quá nhiều calcium trong nước tiểu nên tránh tiêu thụ quá nhiều vitamin D.
- Các bệnh cụ thể: Bệnh nhân viêm gan, lao, bệnh bạch cầu, ung thư hạch và cường giáp và một số bệnh khác nên cẩn thận khi sử dụng các chất bổ sung vitamin D.
Tiến sĩ Ou cũng lưu ý những người đang dùng các loại thuốc sau đây cũng nên tránh bổ sung quá nhiều vitamin D:
- Nhôm: Vitamin D có thể làm tăng sự hấp thụ nhôm trong cơ thể. Do đó, bệnh nhân mắc bệnh thận chỉ nên uống chất tạo acid có chứa nhôm hai giờ trước hoặc bốn giờ sau khi uống vitamin D.
- Calcipotriene: Tránh dùng vitamin D khi sử dụng calcipotriol vì vitamin D có thể làm tăng tác dụng tích cực và tiêu cực của thuốc. Calcipotriene và vitamin D không nên được sử dụng cùng nhau.
- Digoxin: Digoxin là một loại thuốc tăng sức co bóp của tim. Tuy nhiên, kết hợp digoxin với vitamin D có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.
- Diltiazem: Hiệu quả của Diltiazem có thể giảm khi dùng vitamin D.
- Verapamil: Vitamin D rất quan trọng đối với sự hấp thụ calcium của cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng cả verapamil và vitamin bổ sung thì điều quan trọng là nên tránh tiêu thụ quá nhiều vitamin D vì điều này có thể ảnh hưởng đến tim do tương tác với calcium và các vitamin khác.
- Thuốc lợi tiểu: Một lượng lớn vitamin D dùng cùng với thuốc lợi tiểu cụ thể có thể dẫn đến lượng calcium quá mức trong cơ thể, có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề về thận. Các loại thuốc lợi tiểu có thể gây ra các vấn đề sức khỏe này là chlorothiazide, hydrochlorothiazide, indapamide, metolazone và chlorthalidone.
- Thuốc trị đau bao tử Cimetidine: Cimetidine làm giảm hiệu quả của vitamin D.
(Ảnh: Ms.Alarika/Shutterstock)
Nên chọn Vitamin D2 hay Vitamin D3?
Hai lựa chọn cho vitamin D là D2 (ergocalciferol) và D3 (cholecalciferol). Theo tiến sĩ Ou, vitamin D3 hiệu quả hơn trong việc tăng nồng độ vitamin D trong máu so với vitamin D2. Điều này là do vitamin D3 được cơ thể hấp thụ và chuyển hóa dễ dàng hơn, đồng thời có tác dụng kéo dài hơn.
Vitamin D3 chủ yếu thu được từ mỡ lông cừu (lanolin), tảo và chiết xuất kiều
mạch. Vitamin D3 được hấp thụ hiệu quả hơn ở dạng lỏng. Để bảo đảm chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, tiến sĩ Ou khuyên nên chọn nhà sản xuất chuyên nghiệp có chứng nhận bằng sáng chế và sự kiểm tra của bên thứ ba.
Tiến sĩ Ou cũng đề nghị dùng vitamin D với vitamin K2. Vitamin K2 giúp máu huyết mạch lưu thông và đàn hồi thành mạch đồng thời đưa calcium vào xương giúp xương chắc khỏe. Vitamin K2 cũng giữ lượng calcium dư thừa tránh xa các mô mềm, như mạch máu và thận, để ngăn sự lắng đọng nội mô có thể dẫn đến vôi hóa thành mạch máu. Khi kết hợp với nhau, vitamin D3 và vitamin K2 có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn là dùng riêng rẽ.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times