5 loại thực phẩm phổ biến ở Mỹ nhưng bị cấm trên thế giới vì các lo ngại về sức khỏe
Bất chấp những lo ngại tiềm ẩn về sức khỏe, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục sản xuất và tiêu thụ một số loại thực phẩm mà các quốc gia khác đã cấm.
Người Mỹ đang ăn 5 loại thực phẩm mà các quốc gia khác đã cấm do tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe. Mặc dù chưa có bằng chứng thuyết phục nhưng những thực phẩm này có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch hoặc làm tăng nguy cơ ung thư.
1. Thực phẩm biến đổi gene (GMO)
Tại Hoa Kỳ, các sinh vật biến đổi gene (GMO) bao gồm bắp, đậu nành và cải dầu, nhưng nhiều loại khác đang được giới thiệu. Cà chua GMO dự kiến sẽ sớm có mặt trên thị trường.
GMO không phải chịu những hạn chế nghiêm ngặt ở Hoa Kỳ, dẫn đến tranh cãi đáng kể về việc sử dụng. Những người ủng hộ cho rằng GMO an toàn và cho phép chúng ta sản xuất số lượng thực phẩm lớn hơn, trong khi nhiều nhà phê bình cho rằng GMO gây ra những rủi ro cho sức khỏe.
Vậy tại sao Châu Âu và các nước khác lại áp đặt các hạn chế đối với các sản phẩm GMO? Người ta tin rằng các sản phẩm tự nhiên thường tốt cho sức khỏe hơn. Ngoài ra, tác động lâu dài đến sức khỏe của các sản phẩm biến đổi gene vẫn chưa chắc chắn.
Một nghiên cứu về độc tính của GMO ở động vật, phát hiện ra rằng GMO có thể ảnh hưởng đến gan, thận, tuyến tụy và hệ sinh sản và có thể làm thay đổi các thông số về huyết học, sinh hóa và miễn dịch. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật và thử nghiệm lâm sàng hiện nay về tính an toàn của GMO vẫn chưa đầy đủ.
Một nghiên cứu về tác động của đậu nành biến đổi gene đối với động vật cho thấy chuột không biểu hiện tác dụng phụ sau khi tiêu thụ đậu nành biến đổi gene trong 90 ngày. Tuy nhiên, thời gian nghiên cứu bị giới hạn trong 90 ngày nên tác dụng lâu dài chưa rõ ràng. Cần có nghiên cứu mạnh mẽ hơn về tác động của GMO đối với con người.
2. Thịt gà được rửa bằng chlorine
Gà ở cửa tiệm thường có màu trắng, tươi và sạch. Trên thực tế, phần lớn số gà này đã được rửa bằng chất kháng khuẩn gốc chlorine. Quá trình này loại bỏ và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời làm cho thịt gà trông đặc biệt sạch sẽ và hấp dẫn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Southampton ở Anh cho thấy thịt gà được rửa bằng chlorine có thể không an toàn. Nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp khử trùng này không tiêu diệt mầm bệnh một cách hiệu quả. Thay vào đó, chlorine có thể khiến vi khuẩn chuyển sang trạng thái “sống sót nhưng không thể nuôi cấy (VBNC)”, cho phép vi khuẩn tránh bị phát hiện.
Do những lo ngại về an toàn thực phẩm này, Liên minh Âu Châu đã cấm thịt gà được rửa bằng chất khử trùng chlorine, ngăn chặn gần như toàn bộ hoạt động nhập khẩu gà từ Mỹ.
3. Sữa được sản xuất bằng hormone tăng trưởng tái tổ hợp của bò
Hormon tăng trưởng tái tổ hợp của bò (rBGH) được tạo ra thông qua công nghệ tái tổ hợp di truyền. rBGH bắt chước hormone tăng trưởng tự nhiên của bò và tăng sản lượng sữa bằng cách kích thích sự phát triển và hoạt động của tế bào vú.
rBGH có thể tác động đến nồng độ hormone của con người, có khả năng ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
Năm 2007, Liên minh Phòng chống Ung thư đã đưa ra một bản kiến nghị yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm sử dụng rBGH. Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng, FDA đã bác bỏ đơn thỉnh cầu vào năm 2016, tuyên bố rằng rBGH “an toàn và hiệu quả cho mục đích sử dụng đã định” và “không có sự khác biệt đáng kể giữa sữa từ bò được điều trị bằng rbGH và bò không được điều trị”.
Mặc dù vậy, Canada, Liên minh Âu Châu và Úc đã cấm sử dụng rBGH vì nhiều lý do. Tuy nhiên, họ chưa xác nhận rằng sữa và thịt từ bò được điều trị bằng rBGH gây ra bất kỳ nguy cơ sức khỏe nào cho con người. Các khu vực này chưa cấm nhập khẩu các sản phẩm sữa từ các quốc gia được phép sử dụng rBGH.
4. Thịt bò từ bò được cho ăn hormone giới tính
Vấn đề thứ tư liên quan đến thịt bò từ gia súc được cho ăn hormone giới tính, bao gồm testosterone, estradiol và progesterone, nhằm mục đích kích thích sự tăng trưởng nhanh chóng ở gia súc, do đó làm tăng sản lượng thịt bò. Tuy nhiên, những hormone giới tính này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Liên minh Âu Châu đã cấm các hormone này ở động vật trang trại từ năm 1981, với lý do tác dụng kích thích khối u của estradiol-17-beta. Liên minh Âu Châu cũng cấm nhập khẩu thịt từ gia súc được cho ăn các hormone này.
5. Thức uống chứa dầu thực vật brom hóa (BVO)
Dầu thực vật brom hóa (BVO) là một loại dầu thực vật được biến đổi bằng brom, một chất nhũ hóa được sử dụng chủ yếu trong thức uống có hương vị cam quýt. FDA có quy định nồng độ tối đa cho phép của chất này.
Năm 2022, một nghiên cứu của FDA cho thấy BVO có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là chức năng tuyến giáp.
Vào tháng 11/2023, FDA đề xuất thu hồi quy định cho phép sử dụng BVO trong thực phẩm và lấy ý kiến của công chúng về đề xuất mới.
Từ năm 2008, Châu Âu và các nước như Nhật Bản đã cấm BVO làm phụ gia thực phẩm và cấm nhập khẩu thức uống của Mỹ có chứa BVO. Vào ngày 02/07/2024, FDA đã cấm BVO làm phụ gia thực phẩm. Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 02/08/2024.
Ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ ung thư
Tiêu thụ thời gian dài các loại thực phẩm có chứa chất phụ gia, hormone và thuốc kháng sinh có thể gây hại cho sức khỏe tổng quát.
Khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn điều hòa, khả năng phản ứng với các mầm bệnh bên ngoài có thể trở nên quá mức hoặc thiếu hụt, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Ví dụ, nó có thể làm tăng khả năng xảy ra phản ứng dị ứng. Sau khi tiếp xúc với một số loại thực phẩm, cơ thể có thể trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích hóa học khác nhau, dẫn đến các tình trạng như viêm mũi dị ứng, hen suyễn và dị ứng da.
Nếu vẫn hoạt động quá mức, hệ miễn dịch có thể gây ra phản ứng thái quá dẫn đến các bệnh tự miễn.
Ngoài ra, các thực phẩm này có thể có tác động xấu đến đường tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như khó tiêu, mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, táo bón, tiêu chảy và đau bụng. Nguyên nhân chính là các tổn thương niêm mạc ruột do thực phẩm này gây ra.
Khi hệ miễn dịch bị tổn hại, nguy cơ ung thư sẽ tăng lên. Những thực phẩm này cản trở khả năng điều chỉnh tình trạng viêm mạn tính và stress oxy hóa của cơ thể, vốn là những yếu tố cơ bản để ngăn ngừa ung thư, kiểm soát các bệnh mạn tính và làm chậm lão hóa. Do đó, việc tiêu thụ lâu dài những thực phẩm này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nghiên cứu đã cho thấy mối tương quan giữa các bệnh qua trung gian miễn dịch và nguy cơ ung thư cục bộ và toàn thân. Trong số các bệnh thông thường qua trung gian miễn dịch, bệnh hen suyễn làm tăng nguy cơ ung thư phổi lên 34%; viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ ung thư phổi lên 71% và ung thư hạch tăng 101%; và bệnh tiểu đường loại 1 làm tăng nguy cơ ung thư gan lên 182%, ung thư thực quản lên 113% và ung thư amidan lên 257%.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times