4 phương pháp tự nhiên để giảm dị ứng

Dị ứng không có nghĩa là phải đi kèm với sự khó chịu và thuốc men. Có rất liệu pháp tự nhiên ở ngay tại khu vườn sau nhà hoặc tiệm thực phẩm tốt cho sức khỏe ở địa phương. Dưới đây là bốn cách phổ biến, ít tốn kém để chống lại sự khó chịu do dị ứng.

Butterbur (Cây bơ gai)

Butterbur là một loại cây bụi có nguồn gốc từ châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Từ xưa đến nay, người ta dùng lá của cây bơ gai để bọc bơ sữa với mục đích giúp bơ không bị tan chảy khi tiết trời ấm áp. Đây cũng là lý do đằng sau tên gọi của loại cây này. Cây bơ gai từ lâu đã được sử dụng trong các loại thuốc truyền thống, phổ biến nhất là để điều trị đau đầu và đau nửa đầu, giảm đau, chữa lành vết thương và điều trị cảm lạnh, hen suyễn, và các triệu chứng dị ứng.

Theo Trung y, cây bơ gai được xem là thảo dược với công dụng nâng cao sức khỏe hệ tim mạch, loại bỏ độc tố và loại bỏ giun.

Đặc tính chống viêm của cây bơ gai làm giảm các triệu chứng dị ứng, chẳng hạn như ngứa mắt, ho và nghẹt mũi.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được công bố trên BMJ (Tập san Y khoa Anh Quốc) đã so sánh với butterbur và cetirizine – một loại thuốc kháng histamine để điều trị dị ứng ở những người tham gia bị viêm mũi dị ứng theo mùa. Kết quả cho thấy cây bơ gai có tác dụng tốt như cetirizine, với lưu ý rằng 2/3 số người dùng cetirizine báo cáo các tác dụng phụ liên quan đến tác dụng an thần (buồn ngủ và mệt mỏi) mặc dù đây là thuốc kháng histamine không gây buồn ngủ.

Cả rễ và lá của cây bơ gai đều được sử dụng làm thuốc, nhưng lá có tác dụng chữa dị ứng tốt hơn. Thảo dược này có chứa các alcaloid pyrrolizidine (PA) có thể gây độc cho gan nên cần được chế biến và không được ăn sống. Khi mua chất bổ sung bơ gai, hãy bảo đảm rằng bạn tìm thấy loại đã loại bỏ PA.

Cây tầm ma

Cây tầm ma là một loại thảo mộc mạnh mẽ có lịch sử lâu dài trong nhiều loại thuốc truyền thống. Cây có nguồn gốc từ châu Âu, châu Phi và Tây Á nhưng hiện nay đã phổ biến trên toàn thế giới. Theo truyền thống, cây tầm ma sử dụng làm thuốc lợi tiểu để điều trị rối loạn hệ tiết niệu, bệnh gout nhờ tác dụng đào thải acid uric, điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt) và các tình trạng viêm như viêm khớp. Cây tầm ma cũng nổi tiếng trong việc điều trị dị ứng theo mùa và tất cả các triệu chứng kèm theo. Trong Trung y, cây tầm ma được dùng để thanh lọc độc tố trong máu, điều hòa quá trình trao đổi chất và bổ trợ phổi, thận và gan.

Cây tầm ma là chất chống oxy hóa, chống viêm và kiểm soát histamine tự nhiên. Trong những năm gần đây, loại thảo dược này đã trở thành một phương thuốc tự nhiên ngày càng phổ biến để điều trị dị ứng theo mùa. Một số bác sĩ hiện nay khuyên bạn nên dùng chế phẩm tầm ma đông khô trước khi mùa dị ứng bắt đầu.

Cây tầm ma (Ảnh: Melica/Shutterstock)
Cây tầm ma (Ảnh: Melica/Shutterstock)

Các nghiên cứu cho thấy việc dùng chế phẩm từ cây tầm ma giúp làm giảm các triệu chứng và số lượng bạch cầu ái toan trong bệnh viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu dài hạn hơn về chủ đề này.

Cây hương thảo

Hương thảo là một loại thảo mộc cổ xưa có nguồn gốc từ biển Địa Trung Hải với vô số công dụng chữa bệnh. Hương thảo có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, sát trùng, kháng nấm và dáng hoành, được sử dụng để kích thích hệ tuần hoàn, trợ giúp chức năng não khỏe mạnh và tăng sức đề kháng. Đây là một phương thuốc phổ biến cho chứng đau đầu, cảm lạnh và cúm, mất trí nhớ và thiếu tập trung, lo lắng và trầm cảm. Hương thảo cũng giúp kích thích các nang tóc, có thể trị hói đầu sớm hoặc các trường hợp rụng tóc khác.

Công dụng của hương thảo bao gồm:

  • Cải thiện tuần hoàn máu
  • Bổ trợ hệ miễn dịch
  • Điều trị lo âu và trầm cảm
  • Bổ não

Thân và lá được sử dụng làm thuốc, có thể pha trà hoặc dùng làm tinh dầu.

Cây hương thảo. (Ảnh: CreatoraLab/Shutterstock)
Cây hương thảo. (Ảnh: CreatoraLab/Shutterstock)

Nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng thuyết phục về đặc tính chữa bệnh của cây hương thảo. Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu tại Đại học Brock cho thấy chiết xuất cây hương thảo làm giảm hiệu quả sự kích hoạt tế bào mast gây dị ứng. Đây là một phát hiện quan trọng nhấn mạnh tiềm năng của loại thảo dược này trong việc kiểm soát dị ứng.

Ông Michael Yousef, một nghiên cứu sinh và là tác giả chính của nghiên cứu, đã giải thích tầm quan trọng của những phát hiện trong một bài báo trên trang web của Đại học Brock.

“Chiết xuất hương thảo có tác dụng lớn. Trong nghiên cứu trên, chúng tôi đã có thể chứng minh rằng chiết xuất hương thảo không chỉ làm thay đổi hoạt động của protein trong tế bào mast gây viêm mà còn làm giảm các hóa chất tạo ra các triệu chứng viêm điển hình ở nhiều người bị dị ứng.”

Một thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Experimental Biology and Medicine (Tập san Y học và Sinh học Thử nghiệm) cho thấy chiết xuất cây hương thảo có tác dụng ức chế viêm mũi dị ứng theo mùa ở người. Những người dùng chiết xuất hương thảo đã giảm đáng kể nồng độ bạch cầu trung tính và bạch cầu ái toan trong “dịch rửa mũi.” Đây là các chỉ số được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng.

Dầu hạt đen

Dầu hạt đen, còn được gọi là thì là đen, có nguồn gốc từ hạt của cây thì là đen và là thành phần của các loại thuốc truyền thống trong nhiều thiên nhiên kỷ. Dầu hạt đen có vô vàn các lợi ích, bao gồm khả năng tiêu diệt vi khuẩn mạnh mẽ, đặc tính chống ung thư, bổ trợ sức khỏe gan, bảo vệ da, kích thích mọc tóc, cân bằng cholesterol, và điều trị nhiễm trùng.

Ba thành phần hoạt tính sinh học chính của dầu hạt đen là:

  • Thymoquinone (có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, giảm đau, hạ sốt, chống ung thư)
  • Thymohydroquinone (có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng histamine, điều hòa miễn dịch và chống ung thư)
  • Thymol (chống viêm, chống oxy hóa, chống tăng lipid máu)

Theo một đánh giá được công bố trên Nutrients (Tập san Dinh dưỡng):

Tác dụng dược lý đa năng của thì là đen và thành phần hoạt tính sinh học chính của nó là thymoquinone (TQ), thể hiện ở khả năng giảm căng thẳng oxy hóa và viêm, tăng miễn dịch, sự sống của tế bào và chuyển hóa năng lượng. Tác dụng này đem lại nhiều lợi ích sức khỏe đa dạng, bao gồm bảo vệ chống lại các rối loạn chuyển hóa, tim mạch, tiêu hóa, gan, thận, hô hấp, sinh sản và thần kinh, ung thư, v.v… Hơn nữa, thì là đen hoạt động như một loại thuốc thải độc, giảm thiểu các độc tính khác nhau và tác dụng phụ do thuốc gây ra.”

Hạt thì là đen và dầu. (Ảnh: Dionisvera/Shutterstock)
Hạt thì là đen và dầu. (Ảnh: Dionisvera/Shutterstock)

Một nghiên cứu được công bố trên Anti-inflammatory and Anti-allergy Agents in Medicinal Chemistry (Tập san Chất Chống viêm và Chống dị ứng trong Hóa dược) đã xem xét việc dùng chiết xuất dầu hạt đen làm thuốc nhỏ mũi để điều trị viêm mũi dị ứng. Những người tham gia được chia thành sáu nhóm – những người có triệu chứng nặng, trung bình hoặc nhẹ – với các nhóm đối chứng tương ứng. Các nhóm thử nghiệm nhận được dầu hạt đen, trong khi nhóm đối chứng nhận được dầu thực phẩm thông thường.

Sau sáu tuần điều trị:

  • Trong nhóm có triệu chứng nặng, 58.3% hết triệu chứng và 25% đã cải thiện.
  • Trong nhóm có triệu chứng vừa phải, 68.7% hết triệu chứng và 25% đã cải thiện.
  • Ở nhóm có triệu chứng nhẹ, 100% hết triệu chứng.

Tổng cộng, 92.1% người dùng dầu hạt đen đã cải thiện các triệu chứng hoặc hết triệu chứng, trong khi sự cải thiện ở nhóm nhóm đối chứng là 30.1%.

Sau khi điều trị tại chỗ bằng dầu hạt đen, khả năng chịu đựng với chất gây dị ứng đã cải thiện 55.2%, có sự khác biệt đáng kể so với 20% ở nhóm đối chứng.

Kết luận

Một số việc khác có thể giúp giảm thiểu dị ứng và các triệu chứng là giữ không gian trong nhà sạch sẽ, thường xuyên thay bộ lọc không khí và chân không, loại bỏ bất kỳ nấm mốc nào trong nhà hoặc nơi làm việc, hạn chế tiếp xúc với cây trồng trong nhà và vật nuôi có thể gây dị ứng và áp dụng cách ăn uống chống viêm.

Dị ứng đi kèm với một danh sách dài các triệu chứng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và gây ra nhiều khó chịu trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc thiên nhiên như trên có thể hữu ích. Nếu bạn đang dùng thuốc, hãy nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng thảo dược hoặc thực phẩm chức năng để bảo đảm rằng không có tương tác.

Emma Suttie, D.Ac, AP thực hiện

Phương Vy biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Emma Suttie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và viết chủ yếu về sức khỏe cho nhiều ấn phẩm trong thập niên qua. Cô hiện là ký giả sức khỏe cho The Epoch Times, cô chuyên viết về Trung y, dinh dưỡng, chấn thương, và y học lối sống.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn