3 liệu pháp tự nhiên và an toàn chữa dị ứng và viêm mũi dị ứng
Dị ứng có thể rất khó điều trị, nhất là khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng quanh năm. Thật may là vẫn có những lựa chọn an toàn và tự nhiên thay cho các loại thuốc nhiều tác dụng phụ.
Dị ứng là phản ứng miễn dịch từ bình thường trở nên quá mức khi có một tác nhân bên ngoài nào đó xâm nhập vào cơ thể. Các phản ứng lành mạnh và tự nhiên này sẽ loại bỏ tác nhân gây hại. Điều bất thường là phản ứng này trở nên quá mức đối với một tác nhân vốn không phải là mối đe dọa, như cỏ, cà chua hoặc lông vũ.
Thông thường, hệ thống miễn dịch suy yếu sẽ tạo ra môi trường cho dị ứng phát triển. Cơ thể cho rằng mình dễ bị lây nhiễm và ngay lập tức sẽ khởi động một cuộc phòng thủ để chống lại bất kỳ kẻ xâm lược nào bị phát hiện. Phản ứng thái quá này [của hệ miễn dịch] là cách cơ thể ngăn chặn khủng hoảng về lâu dài.
Nếu bạn bị dị ứng không khí thì các tình trạng như đau đầu, hắt hơi liên tục, nghẹt mũi và mệt mỏi là những người bạn đồng hành thường xuyên trong vài tháng mỗi năm.
Viêm mũi dị ứng là một chứng rối loạn đi kèm các triệu chứng hắt hơi, ngứa họng và mắt, đau đầu do viêm xoang và đôi khi ho. Viêm mũi dị ứng có thể do các loại phấn hoa khác nhau, tùy theo mùa gây ra: phấn hoa của cây vào mùa xuân, phấn hoa của cỏ dại vào mùa hè và phấn hoa của cỏ phấn hương vào mùa thu. Vật nuôi, nấm mốc, bụi và khói thuốc lá cũng là những chất gây dị ứng phổ biến trong gia đình.
Đối với những người bị dị ứng quanh năm thì mỗi ngày sẽ là một vòng luẩn quẩn những triệu chứng khó chịu mà thường chỉ giảm tạm thời bởi các loại thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi mạnh. Tuy nhiên, các loại thuốc này có tác dụng phụ còn khó chịu hơn các triệu chứng ban đầu.
Chúng tôi giới thiệu ba liệu pháp giải dị ứng từ thiên nhiên, an toàn và hiệu quả như sau:
Liệu pháp 1. Lá tầm ma – thuốc kháng histamine tự nhiên
Cây tầm ma có khoảng 500 loài phân bố rộng khắp thế giới, chủ yếu ở vùng nhiệt đới, mặc dù có một số loài xuất hiện rộng rãi ở vùng khí hậu ôn đới. Trong hơn thập kỷ qua, các bác sĩ thảo dược đã đồng ý rằng lá cây tầm ma có hiệu quả điều trị các triệu chứng dị ứng. Mặc dù các cuộc khảo sát vẫn còn sơ bộ nhưng các nghiên cứu khoa học vẫn tiếp tục phát hiện ra những đặc tính chống viêm của cây tầm ma, cho thấy cây tầm ma có tác dụng chống dị ứng.
Nghiên cứu đã chỉ ra ít nhất một chất trong số các thành phần hoạt tính của lá tầm ma, chính là bioflavonoid. Mặc dù các chuyên gia khác cho rằng đó là các polysaccharide đặc trưng và một số khác là lectin.
Cần lưu ý rằng cây tầm ma sẽ mất khả năng chống dị ứng nếu không được thu hoạch và chế biến đúng cách. Hãy tìm sản phẩm dạng bột chất lượng cao đã được sấy lạnh hoặc được chế biến đặc biệt để giữ lại các hoạt chất. Quá trình này tốn nhiều chi phí hơn, vì vậy đừng để bị hàng nhái rẻ tiền đánh lừa bạn.
Sử dụng tầm ma thay cho thuốc kháng histamine để ngăn chặn sự khó chịu. Nhiều người sử dụng tới 3,000mg bột lá tầm ma/ngày, vốn được chế biến dưới dạng viên nang để giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng tạm thời và các phản ứng dị ứng khác, bao gồm cả dị ứng động vật. Các triệu chứng thường có dấu hiệu cải thiện trong vòng 15 phút và hiệu quả kéo dài trong khoảng 4 tiếng.
Liệu pháp 2. Cây bơ gai giảm viêm mũi dị ứng
Bơ gai tự hào có chiếc lá khổng lồ với đường kính gần 92cm, đây có lẽ là chiếc lá lớn nhất trong các loài thực vật Âu Châu, cái tên này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là “petasos”—một chiếc mũ mà những người chăn cừu thường đội. Văn hóa dân gian kể rằng các nông dân đã ngẫu hứng sử dụng những chiếc lá tươi khổng lồ để làm mũ.
Lá và rễ cây bơ gai được đặc biệt sử dụng trong các trường hợp đau cơ trơn cấp tính, chẳng hạn như đau ở đường tiết niệu, nhất là sỏi đường tiết niệu. Đặc tính này cũng hữu ích đối với các bệnh rối loạn hô hấp liên quan đến ho và hen suyễn.
Một nghiên cứu của Thụy Sĩ cho thấy những người bị dị ứng theo mùa điều trị bằng chiết xuất bơ gai (Petasites hybridus) đã giảm triệu chứng, hiệu quả tương đương với những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng histamine Zyrtec (cetirizine).
Thông thường, các chất bổ sung bơ gai được tiêu chuẩn hóa, để mỗi viên nang chứa tối thiểu 7.5mg petasin và isopetasin. Người lớn thường dùng 50–100mg, uống 2 lần/ngày cùng với bữa ăn.
Liệu pháp 3. Chất quercetin chống hen suyễn
Hành và tỏi là những loại thảo mộc chống dị ứng tuyệt vời, đặc biệt là với bệnh hen suyễn. Trong y học cổ truyền của Ấn Độ cổ (Ayurveda) tỏi được sử dụng trong một số trường hợp hen suyễn. Một nghiên cứu năm 2008 đã phát hiện hành và tỏi chứa flavonoid là quercetin, có khả năng ức chế đáng kể các phản ứng hen suyễn. Bài báo gần đây của Nam Hàn cho thấy chất flavonoid chứa hoạt tính chống hen suyễn, tương tự như thuốc trị hen suyễn là cromolyn sodium và dexamethasone. Cả hành và tỏi cũng ức chế một loại enzyme là lipoxygenase vốn tạo ra một chất hóa học gây viêm.
Quercetin có mặt trên thị trường dưới dạng thực phẩm bổ sung. Nhiều người cảm thấy dễ chịu hơn khi dùng 2,000 mg quercetin mỗi ngày.
Dị ứng | ||
Liệu pháp | Dạng bào chế | Liều dùng |
Cây tầm ma | Dạng bột chứa trong viên con nhộng | 3,000mg/ngày |
Cây bơ gai | Hàm lượng tiêu chuẩn là 7,5mg gồm petasin và isopetasin/viên nang | 50-100mg, 2 lần/ngày cùng bữa ăn |
Quercetin | Viên nang | 2,000mg/ngày |
Được đăng lại từ GreenMedInfo.com
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times