Bản tin đặc biệt

Sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa xã hội ở Mỹ Latinh đang mang lại cho các nhóm khủng bố một nơi trú ngụ

Các chính phủ cực tả hiện đang thống trị hầu hết lục địa này đang thân thiết với Iran và các nhóm khủng bố ủy nhiệm của nước này, trong đó có Hezbollah.

Các nhà phân tích cho biết, phong trào mới mẻ gồm các chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh, cùng với thái độ ngày càng trắng trợn của Tehran đã mang đến cho Iran và các nhóm khủng bố ủy nhiệm của họ một môi trường thuận lợi để giao du với tội phạm có tổ chức, xuyên biên giới mà không bị trừng phạt, và tiến hành nhiều hoạt động trao đổi trực tiếp giữa các quốc gia hơn.

Ông Evan Ellis, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao và là giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, cho biết, “Luôn có một mức độ nhất định, không chỉ các mạng lưới, mà còn cả sự ảnh hưởng của cả Hezbollah và đằng sau Hezbollah, là Iran, trong khu vực.”

“Điều đó làm gia tăng về việc Iran kết giao theo từng quốc gia chủ yếu thông qua những người theo chủ nghĩa dân túy vào giữa những năm 2000, với một nhóm mới gồm những lãnh đạo dân túy cánh tả: ông Hugo Chavez, ông Evo Morales ở Bolivia, và chắc chắn là ông Rafael Correa ở Ecuador, cùng những người khác.”

Một bản đồ mô tả khuynh hướng chính trị của các chính phủ ở Mỹ Latinh. (Ảnh: The Epoch Times)
Một bản đồ mô tả khuynh hướng chính trị của các chính phủ ở Mỹ Latinh. (Ảnh: The Epoch Times)

Phong trào này bao gồm sự xâm nhập mới đây được cho là của đặc vụ Iran và Hezbollah vào vào khu vực này thông qua Venezuela, bằng chứng là một biến cố vào năm 2022, trong đó một chiếc phi cơ bị buộc hạ cánh và bị bắt giữ ở Argentina theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Chiếc phi cơ thuộc sở hữu nhà nước này chở theo 5 công dân Iran. Các quan chức Paraguay và những người khác tuyên bố họ có liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran (Quds Force) mà Hoa Kỳ xác định là một tổ chức khủng bố. Argentina đã phủ nhận tin tức cho rằng các thành viên phi hành đoàn có liên hệ với Quds.

Vụ bắt giữ trùng hợp với sự quay trở lại khu vực này của nhiều người cũng trong số “những người theo chủ nghĩa dân túy” đó, ông Ellis cho biết. “Về căn bản, quý vị đang đưa gián điệp của lực lượng Quds và thành viên liên kết với Hezbollah đến khắp khu vực này.”

“Trong những tháng gần đây, những gì quý vị chứng kiến được là một sự mở rộng mối kết giao đó của Iran với một chuyến đi tới Nicaragua để bàn về các thỏa thuận dầu mỏ. Và gần đây hơn, chuyến đi đến ba nước của Tổng thống [Ebrahim] Raisi, với sự tháp tùng của một số bộ trưởng, trong đó có bộ trưởng quốc phòng, tới Venezuela, cũng như tới Nicaragua và Cuba, mà ở mỗi nước này đều đã ký kết một số thỏa thuận.”

Các mối liên hệ của Iran trong khu vực này đã trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh cuộc chiến Israel-Hamas. Hôm 08/11, hai người được cho là gián điệp Hezbollah đã bị bắt ở Brazil vì sắp xếp các hoạch tấn công vào nước này. Và những cảnh báo về một mối đe dọa khủng bố ở Hoa Kỳ đã gia tăng, đặc biệt là liên quan đến biên giới phía Nam lỏng lẻo của nước này.

Hôm 31/10, Chile và Colombia, cả hai nước đều có chính phủ cánh tả mới đắc cử, đã triệu hồi đại sứ của họ ở Israel và chỉ trích cuộc tấn công của quốc gia Do Thái này vào những kẻ khủng bố Hamas do Iran hậu thuẫn.

Cùng ngày, Bolivia đã cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Tel Aviv — hồi tháng Bảy, nước này đã ký một thỏa thuận với Iran để tăng cường “hợp tác quốc phòng và an ninh.” Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iran cho biết các quốc gia Mỹ Latinh chiếm một “vị trí đặc biệt trong quan điểm chiến lược của Iran” và rằng sự hợp tác với Bolivia có thể được nhiều quốc gia hơn trong khu vực làm theo.”

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi xuống phi cơ sau khi hạ cánh xuống Phi trường Quốc tế Simon Bolivar ở Venezuela, hôm 12/06/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi xuống phi cơ sau khi hạ cánh xuống Phi trường Quốc tế Simon Bolivar ở Venezuela, hôm 12/06/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông Carlos Berzaín, cựu bộ trưởng quốc phòng Bolivia và hiện là người đứng đầu Viện Dân chủ Liên Mỹ châu, cho biết từng quốc gia Mỹ Latinh đang được cai trị dưới ‘chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21’ đều “công khai biến thành kẻ thù của Hoa Kỳ — áp dụng luận điệu mà Cuba đã sử dụng gần 65 năm — với những hậu quả nghiêm trọng về chính trị và an ninh.”

Thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” thường được chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa của Venezuela và những nước khác sử dụng để mô tả hệ tư tưởng của họ.

Ông Berzaín cho biết quê hương của ông là một ví dụ về một trong những quốc gia được những người theo chủ nghĩa xã hội giành lại (vào cuối năm 2020) sau một thời gian ngắn nắm quyền của phe đối lập.

“Ngày nay, Bolivia, là một chế độ độc tài, phụ thuộc vào sự lãnh đạo của chế độ độc tài Cuba, và chính sách đối ngoại của nước này cho thấy điều đó,” ông nói với The Epoch Times.

“Họ phục vụ các chế độ độc tài khác như Iran, Nga, và Trung Quốc mà không có lợi ích truyền thống hoặc hợp pháp nào trong kiểu bang giao mà họ duy trì. Những mối quan hệ đó được thành lập dựa trên tham nhũng … dựa trên tình trạng của Bolivia vốn là một nhà nước ma tuý (narco-state), và ủng hộ các tội ác như khủng bố với luận điệu ‘chống chủ nghĩa đế quốc.’”

Nhà phân tích hàng đầu về Iran Emanuele Ottolenghi, một thành viên cao cấp của Tổ chức Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết những mạng lưới khủng bố đã phát triển.

“Ở Brazil, chính phủ đầy cảm tình của ông Luis Ignacio Lula da Silva đã cho phép các mặt trận của Hezbollah và Iran âm thầm mở rộng mà ít có nguy cơ bị nhà chức trách giám sát,” ông Ottolenghi viết trong một bài báo hôm 28/10.

Những người ủng hộ Hezbollah đang xem bài diễn văn trên truyền hình của thủ lĩnh Hassan Nasrallah (không có trong ảnh) tại Beirut, Lebanon, hôm 03/11/2023. (Ảnh: Pahmad Al-Rubaye/AFP qua Getty Images)
Những người ủng hộ Hezbollah đang xem bài diễn văn trên truyền hình của thủ lĩnh Hassan Nasrallah (không có trong ảnh) tại Beirut, Lebanon, hôm 03/11/2023. (Ảnh: Pahmad Al-Rubaye/AFP qua Getty Images)

“Ở Chile — nơi có cộng đồng người gốc Palestine mạnh mẽ và bị cực đoan hóa — các đặc vụ Iran và mạng lưới Hezbollah đã thâm nhập vào chính phủ, truyền thông, và giới học viện, bên cạnh đó họ còn điều hành các mạng lưới tài chính bất hợp pháp.”

Hoạt động lâu dài và rộng khắp của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Mỹ Latinh càng làm gia tăng mối lo ngại về một môi trường chính trị thân thiện.

Nhóm khủng bố Hezbollah đã đóng một vai trò nổi bật trong khu vực này. Các quan chức Hoa Kỳ ước tính Iran cung cấp cho nhóm này số tiền hàng trăm triệu dollar mỗi năm, và cả vũ khí, v.v.

Ông Ottolenghi viết, “Trong nhiều thập niên, Hezbollah đã kiên nhẫn xây dựng một mạng lưới toàn cầu, tham gia vào các hoạt động tài chính bất hợp pháp, và giúp đỡ cho các âm mưu khủng bố.”

Ông cho biết hầu hết các nước trong khu vực không coi Hezbollah là một tổ chức khủng bố, khiến việc giám sát và kiềm chế các hoạt động của tổ chức này trở nên khó khăn hơn.

Ông Ottolenghi cho biết, “Bởi vì trong nhiều thập niên, nhóm này dính líu đến tội phạm có tổ chức — một thành phần quan trọng trong chiến lược tài trợ của Hezbollah — nên họ có mối liên kết sâu rộng với các băng đảng tội phạm địa phương.”

“Những mối liên kết này mang đến sự tiếp cận vũ khí, chất nổ, hàng giả, và nghiêm trọng nhất là các quan chức tham nhũng ở các vị trí chủ chốt tại cơ quan di trú, quan thuế, và cảng nhập cảnh.”

Sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa xã hội ở Mỹ Latinh đang mang lại cho các nhóm khủng bố một nơi trú ngụ

Trong những năm gần đây, một số vụ bắt giữ có liên quan đến Hezbollah đã được thực hiện ở Mỹ Latinh.

Ông Ottolenghi nói: “Năm 2017, cơ quan chức trách Hoa Kỳ đã bắt giữ ông Samer el Debek, một đặc vụ khác của Hezbollah, người mà theo tài liệu tòa án tiết lộ, đã do thám các mục tiêu tiềm năng bao gồm các đại sứ quán Israel và Hoa Kỳ ở Panama, cũng như Kênh đào Panama.”

“Năm 2021, các thành viên Hezbollah đã cố gắng ám sát các công dân Hoa Kỳ và Israel ở Colombia.”

Ông Ottolenghi cho biết, bất chấp một số vụ bắt giữ, hoạt động của Iran và hoạt động của đại diện của Hezbollah vẫn diễn ra trong khu vực và hầu như vẫn “không bị phiền hà.”

Sự đồng lõa và các mối liên kết chặt chẽ

Việc các chính phủ cánh tả Mỹ Latinh tạo thuận tiện cho các hoạt động bất hợp pháp này và việc họ trực tiếp tham gia vào các hoạt động tội phạm với Iran đã được báo cáo rộng rãi.

Các nhân tố nhà nước chủ chốt đã tạo thuận tiện cho hoạt động khủng bố xuyên quốc gia bằng cách cung cấp dịch vụ vận chuyển trên các hãng hàng không quốc doanh cũng như sổ thông hành thật với tên giả cho bọn tội phạm đang bị Interpol truy nã.

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi các thành viên Hezbollah có thể nhận được các loại giấy tờ giả ở Mỹ Latinh một cách nhanh chóng và dễ dàng như vậy,” ông Matthew Levitt đã nêu rõ trong một phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện năm 2013. Vào thời điểm đó, ông Levitt là giám đốc tình báo và chống khủng bố tại Viện Chính sách Cận Đông Hoa Thịnh Đốn.

“Theo tình báo Israel, việc các thành viên Hezbollah sử dụng sổ thông hành như vậy là điều phổ biến, và những loại giấy tờ này được các nhà hoạt động của tổ chức Hezbollah sử dụng trong các chuyến đi khắp thế giới.”

Một hành khách xếp hàng đang cầm sổ thông hành của mình trước khi bay khỏi phi trường quốc tế Chicago O’Hare ở Chicago vào ngày 23/01/2007. (Ảnh: Jeff Hanes/AFP qua Getty Images)
Một hành khách xếp hàng đang cầm sổ thông hành của mình trước khi bay khỏi phi trường quốc tế Chicago O’Hare ở Chicago vào ngày 23/01/2007. (Ảnh: Jeff Hanes/AFP qua Getty Images)

Theo các cựu quan chức Venezuela và các báo cáo tình báo, những người thúc đẩy việc này ở cấp quốc gia bao gồm cựu Tổng thống Hugo Chávez và người kế nhiệm ông, đương kim Tổng thống Nicolás Maduro. Ông Maduro trước đây là Bộ trưởng Ngoại giao.

Hồi năm 2017, ông Misael Lopez, cựu nhân viên đại sứ quán Venezuela ở Iraq, đã công khai lên án một kế hoạch bán sổ thông hành và thị thực của các tác nhân không thuộc đại sứ quán ở Caracas. Ông nói với CNN rằng kế hoạch này đã phổ biến rộng rãi và bị nhà nước trừng phạt.

Ông Lopez đã hợp tác với một cuộc điều tra của CNN để có quyền truy cập vào một tài liệu tình báo cơ mật liên quan đến cựu Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami, qua đó cho thấy những người từ Trung Đông được cấp 173 sổ thông hành và thẻ căn cước Venezuela. Cuộc điều tra cho thấy có cả những người có liên kết với Hezbollah.

Theo một bản tin của New York Times, các cựu quan chức tình báo Venezuela cũng khẳng định ông El Aissami đã tuyển dụng nhân viên cho Hezbollah và làm việc để mở rộng các mạng lưới gián điệp và buôn lậu của tổ chức này ở Mỹ Latinh.

Hồi năm 2021, tờ báo Hayom của Israel đã đăng tải thông tin bị xâm nhập từ Cơ quan Tình báo Phản gián Quân sự của Venezuela rằng chế độ Maduro đang bao che cho các thành viên Hezbollah liên quan đến buôn bán ma túy và vũ khí, rửa tiền, v.v. để tài trợ cho khủng bố.

Tượng trưng cho tầm ảnh hưởng sâu rộng của Iran tại đất nước này, một trung tâm học thuật ở thủ đô Caracas của Venezuela được đặt theo tên chỉ huy Lực lượng Quds Qasem Soleimani — một kẻ khủng bố người Iran bị tiêu diệt ở Baghdad vào năm 2020 theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Vài người đang đi ngang qua bức tranh tường vẽ tướng Iran Qasem Soleimani (trái) bị hạ sát, và cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (phải), tại Caracas, Venezuela, hôm 04/01/2023. (Ảnh: Federico Parra/AFP qua Getty Images)
Vài người đang đi ngang qua bức tranh tường vẽ tướng Iran Qasem Soleimani (trái) bị hạ sát, và cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (phải), tại Caracas, Venezuela, hôm 04/01/2023. (Ảnh: Federico Parra/AFP qua Getty Images)

Theo ông Berzaín, mối bang giao tương tự đang được xây dựng với Bolivia.

“Do vị trí địa chính trị của Bolivia, [Tổng thống Bolivia Luis] Arce đã ký một thỏa thuận quân sự nhằm biến quốc gia này thành căn cứ khủng bố cho Southern Cone,” ông nói, đề cập đến nửa phía nam của Nam Mỹ, bao gồm Chile, Argentina, Uruguay, Paraguay, và một phần của Brazil.

“Đã có những cáo buộc về việc người Iran dùng sổ thông hành Bolivia làm giấy tờ nhận dạng trong một thời gian dài. Sự tham gia của Iran ngày nay rất tích cực và ngày càng tăng,” ông nói.

Ông Berzaín cho biết Tổng thống Arce đang tiếp tục công việc của người cố vấn của ông, cựu tổng thống xã hội chủ nghĩa Evo Morales.

“Ở Bolivia, ông Morales đã cấp các khu vực thương mại cho Iran, cấp phép cho một kênh truyền hình và các hãng truyền thông khác, đồng thời cho phép truyền bá văn hóa và tôn giáo,” ông Berzaín nói. Ông cho biết Trường Bài Đế quốc Alba của Bolivia cũng được thành lập với sự giúp đỡ của ông Rabbani đến từ Iran.

Một kênh tuyên truyền của Iran có tên là “Hispan TV.” được phát sóng bằng tiếng Tây Ban Nha tới nhiều quốc gia trong khu vực này, trong đó có Bolivia, Ecuador, Cuba, Guatemala, Nicaragua, Colombia, và Chile, theo trang web của kênh truyền hình này.

Ông Berzaín cho biết “các chính phủ hoạt động phục vụ các chế độ độc tài” như Iran, gồm có Mexico dưới thời Tổng thống Andrés Manuel López Obrador, Chile dưới thời Tổng thống Gabriel Boric, Colombia dưới thời Tổng thống Gustavo Petro, và Brazil dưới thời Tổng thống Lula da Silva.

“Phản ứng của họ, bằng tất cả các bằng cớ và lý do, trước các cuộc tấn công khủng bố của Hamas chống lại Israel cho thấy họ đề cao và trung thành với chủ nghĩa khủng bố,” ông Berzaín nói.

Binh lính Bolivia tham gia lễ khánh thành Trường Đặc công Bài Đế quốc Juan Jose Torres ở thị trấn Warnes, phía bắc Santa Cruz de la Sierra, Bolivia, vào ngày 17/08/2016. (Ảnh: Aizar Raldes/AFP qua Getty Images)
Binh lính Bolivia tham gia lễ khánh thành Trường Đặc công Bài Đế quốc Juan Jose Torres ở thị trấn Warnes, phía bắc Santa Cruz de la Sierra, Bolivia, vào ngày 17/08/2016. (Ảnh: Aizar Raldes/AFP qua Getty Images)

Ông Ernesto Araújo, Ngoại trưởng Brazil dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, cho biết: “Iran là một đối tác lâu năm của Venezuela dưới thời ông Chavez và của Bolivia dưới thời ông Morales.”

“Khi một quốc gia mới chuyển sang chủ nghĩa xã hội ma túy, một nhánh của chủ nghĩa xã hội, quốc gia đó sẽ ngay lập tức trở thành một đối tác thân thiết của Iran,” ông Araújo nói với The Epoch Times.

Tại Brazil, có một chiến dịch bắt giữ ông Rabbani, người lúc bấy giờ được coi là kẻ khủng bố hàng đầu của Iran, đã được dự trù nhưng thất bại, theo các nguồn tin chính thức đã từng nói chuyện với tạp chí Veja của Brazil. Khoảng năm 2008 — dưới thời chính phủ Lula da Silva tiền nhiệm — ông Rabbani đang đến thăm Brazil, nhưng cảnh sát liên bang Brazil phải mất quá nhiều thời gian chờ đợi để được cấp phép cho chiến dịch bắt giữ này nên ông Rabbani đã có cơ hội trốn thoát.

Tạp chí này cho hay, ông này có thể đã nhập cảnh vào Brazil sau khi đáp chuyến bay do nhà nước điều hành từ Venezuela với danh sách hành khách mật mang theo giấy tờ giả do Caracas cung cấp. Việc cấp phép cho chiến dịch bắt giữ ông ấy diễn ra muộn màng là do “cuộc thảo luận phức tạp về lợi ích chính trị của việc bắt giữ ông ấy,” trích dẫn từ bản tin của Veja.

Năm 2021, khi Vương quốc Anh xác định Hamas là một tổ chức khủng bố, 20 nghị sĩ Brazil đồng ký vào một bức thư ủng hộ Hamas.

Các nhà lập pháp Brazil tuyên bố rằng “sự phản kháng không phải là khủng bố” và họ cam kết “ủng hộ và đoàn kết” với “sự nghiệp giải phóng” của người Palestine.

Ông Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống Brazil (phải), bắt tay ông Mahmoud Abbas, người đồng cấp Palestine, ở Salvador, Brazil, vào ngày 19/11/2009. (Ảnh: Evaristo Sa/AFP qua Getty Images)
Ông Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống Brazil (phải), bắt tay ông Mahmoud Abbas, người đồng cấp Palestine, ở Salvador, Brazil, vào ngày 19/11/2009. (Ảnh: Evaristo Sa/AFP qua Getty Images)

Mười trong số các nhà lập pháp đã ký tên vào bức thư ủng hộ Hamas đến từ Đảng Công Nhân của Tổng thống Lula da Silva, và hai trong số họ hiện là bộ trưởng trong chính quyền của ông Lula. Những người khác đến từ các đảng cực tả không đóng vai trò chủ chốt trong chính phủ, trong đó cả Đảng Cộng sản Brazil, hiện là một phần của liên minh cầm quyền này.

Hamas dường như đã để ý đến sự việc này từ phía Brazil. Nhóm này đã ăn mừng cuộc bầu cử Tổng thống Lula da Silva vào cuối năm 2022 và gọi ông là “người đấu tranh cho tự do” trong một thông điệp ủng hộ mà nhóm này công bố.

“Người Iran chắc chắn nhận ra rằng họ được lợi bao nhiêu từ việc liên kết với tội phạm Nam Mỹ — thông qua các chính phủ thân thiện với tội phạm,” Ông Araújo nói.

Hồi tháng Hai, các chiến hạm Iran bị trừng phạt đã cập cảng Rio de Janeiro. Theo Jornal Nacional, một đài truyền hình của Brazil, sau đó, hôm 10/11, một trong những nghi phạm bị điều tra ở Brazil vì sắp xếp các cuộc tấn công khủng bố đã thú nhận được Hezbollah tuyển dụng, nhưng sau đó người này đã được trả tự do.

Diễn đàn São Paulo

Ông Berzaín cho biết có hai kiểu chính thể ở châu Mỹ xuất hiện trong thế kỷ 21, “một chính thể dân chủ và một chính thể độc tài.”

“Chính thể độc tài mưu mô và liên tục tấn công chính thể dân chủ, vốn vẫn thụ động và không có khả năng tự vệ, cho phép các chế độ độc tài tồn tại và bành trướng,” ông ấy nói.

Các cựu chiến binh du kích của FARC đi trên những chiếc xe di chuyển nội bộ tới Bogota để yêu cầu các hiệp định hòa bình phải được tôn trọng, ở Medellin, Colombia, vào ngày 29/10/2020. (Ảnh: Joaquin Sarmiento/AFP qua Getty Images)
Các cựu chiến binh du kích của FARC đi trên những chiếc xe di chuyển nội bộ tới Bogota để yêu cầu các hiệp định hòa bình phải được tôn trọng, ở Medellin, Colombia, vào ngày 29/10/2020. (Ảnh: Joaquin Sarmiento/AFP qua Getty Images)

Một nhóm hoạt động có tên gọi Diễn đàn São Paulo, do ông da Silva của Brazil và ông Fidel Castro của Cuba thành lập vào năm 1990 để thúc đẩy chủ nghĩa xã hội trong khu vực, tập hợp tất cả các nhóm khủng bố ma tuý bao gồm Đảng Công Nhân Brazil, các phong trào xã hội, và các chính quyền.

“Các chế độ thuộc Diễn đàn São Paulo có thể tạo thuận lợi cho hoạt động rửa tiền, các căn cứ tiếp vận gần Hoa Kỳ, sổ thông hành giả, và nhân viên luân chuyển, đồng thời tiếp cận các nguồn lực cần thiết khác cho Hezbollah — cũng như tạo vỏ bọc ngoại giao cho Iran,” ông Araújo nói.

Chiêu trò của Trung Quốc

“Iran đã giữ vai trò dẫn đầu cho Trung Quốc và Nga trong khu vực,” ông Paulo Henrique Araújo, tác giả người Brazil và là nhà nghiên cứu của Diễn đàn São Paulo, nói với The Epoch Times.

Vai trò của Trung Quốc trong việc tạo thuận tiện cho chủ nghĩa khủng bố do Iran hậu thuẫn ngày càng được chú ý sau khi hai nước ký thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm vào năm 2021 và vi phạm các lệnh trừng phạt dầu mỏ. Hôm 08/09, Hoa Kỳ đã thu giữ gần 1 triệu thùng dầu của Iran được cho là đang vận chuyển đến Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh đã cho Venezuela vay hàng tỷ dollar. Venezuela là một điểm quan trọng để Iran thâm nhập vào Mỹ Latinh.

Một người đàn ông ở Tehran cầm tờ báo địa phương đưa tin về thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia do Trung Quốc làm trung gian nhằm khôi phục các mối bang giao, được ký kết tại Bắc Kinh vào ngày hôm trước, hôm 11/03/2023. (Ảnh: Atta Kenare/AFP qua Getty Images)
Một người đàn ông ở Tehran cầm tờ báo địa phương đưa tin về thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia do Trung Quốc làm trung gian nhằm khôi phục các mối bang giao, được ký kết tại Bắc Kinh vào ngày hôm trước, hôm 11/03/2023. (Ảnh: Atta Kenare/AFP qua Getty Images)

Hồi năm 2020, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã truy tố 15 người gồm cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của Venezuela vì một “âm mưu khủng bố ma túy” nhằm làm cho ma tuý tràn ngập khắp Hoa Kỳ.

Theo các bản tin và tài liệu của tòa án, việc ủng hộ chủ nghĩa độc tài và hoạt động tội phạm nhằm tạo ra tình trạng hỗn loạn và thu hút sự chú ý của Hoa Thịnh Đốn là một phần trong chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ Latinh.

Hồi năm 2021, trình bày trước Quốc hội, cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Nam, Đô đốc Craig Faller, cho biết rằng, Trung Quốc, Nga, và Iran “tích cực tìm cách tận dụng các nền dân chủ non trẻ, yếu kém ở khu vực này và tìm cách khai thác các nguồn tài nguyên của khu vực cũng như sự thân cận với Hoa Kỳ.”

Thiếu tướng Evan Pettus cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đã “đặt mình vào vị thế chiến lược” trong khu vực.

Trong một bài báo do Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân Hoa Kỳ phát hành hôm 50/10, ông đã viết rằng, hiện nay, Bắc Kinh có “một mức độ ảnh hưởng đáng kể đối với khu vực này, do đó gây nguy hiểm cho chủ quyền dân chủ và lợi ích của Hoa Kỳ.”

Theo ông Paulo Henrique, Trung Quốc, Nga, và Iran, phối hợp với các chính quyền cánh tả ở Nam Mỹ, chủ định là “khiến cho các tổ chức [đa phương] trở thành bất hợp pháp và thay thế các tổ chức này. Và đầu tiên là OAS. Họ muốn hủy bỏ OAS và thay thế bằng CELAC.”

Cảnh sát đi phía sau một người biểu tình gần Khách sạn Grand ở Vienna, nơi các nhà ngoại giao của EU, Trung Quốc, Nga, và Iran hội đàm, vào ngày 06/04/2021. (Ảnh: Oe Klamar/AFP qua Getty Images)
Cảnh sát đi phía sau một người biểu tình gần Khách sạn Grand ở Vienna, nơi các nhà ngoại giao của EU, Trung Quốc, Nga, và Iran hội đàm, vào ngày 06/04/2021. (Ảnh: Oe Klamar/AFP qua Getty Images)

CELAC, Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, là một khối gồm 33 quốc gia thành viên trong khu vực. Tổ chức này được thành lập ở Venezuela với sự tham gia rộng rãi của các bên thuộc Diễn đàn São Paulo.

Cựu Tổng thống Bolsonaro đã đình chỉ sự tham gia của Brazil vào CELAC, tuy nhiên Tổng thống da Silva đã cho tái gia nhập sau khi trở lại nắm quyền trong năm nay.

“Trong cuộc họp CELAC năm 2021 ở Mexico, quý vị đã chào mừng ông Maduro và Trung Quốc được đón tiếp với tư cách là khách mời danh dự — quốc gia thực sự có ảnh hưởng đến các nỗ lực chính trị, tư tưởng, kinh tế, ngoại giao, và các nỗ lực khác, thay vì Hoa Kỳ,” ông Paulo Henrique nói.

Năm nay, Trung Quốc, Brazil, và Nga đã nỗ lực đưa Iran vào làn sóng các quốc gia mới tham gia BRICS, một tổ chức trước đây được coi là một nhóm lỏng lẻo và chủ yếu là các nước đang phát triển về kinh tế, nhưng đã trở thành một liên minh địa chính trị mạnh mẽ hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ.

Theo bài bình luận được công bố trên trang web của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Hoa Kỳ, việc gia nhập BRICS sẽ mang lại cho Iran “tính hợp pháp ngày càng tăng” và “giao thương nhiều hơn với các nền kinh tế đang phát triển.”

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription