Số ca tử vong do sa sút trí tuệ gia tăng trong mùa hè Covid
Số ca tử vong do sa sút trí tuệ trong mùa hè năm 2020 cao hơn gần 20 phần trăm so với số ca tử vong do sa sút trí tuệ trong thời gian đó những năm trước và có bốn nguyên nhân có thể đưa đến kết cục đáng buồn này.
Ước tính có khoảng 61.000 người chết có chứng mất trí nhớ trong mùa hè năm nay, cao hơn số liệu thông thường hàng năm là 11.000 người. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Politico, ông Robert Anderson, trưởng bộ phận thống kê tỷ lệ tử vong tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết: “Có điều gì đó không ổn, có điều gì đó đang xảy ra và nó cần được giải quyết. Điều này rất bất thường.”
Là một bác sĩ lão khoa, tôi thấy thống kê này đáng buồn nhưng không gây sốc. Tôi chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ trong trung tâm khám chữa bệnh của mình. Tôi tận mắt chứng kiến sự cô lập do đại dịch gây ra đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào, cho dù họ ở nhà một mình, sống với người chăm sóc hay trong các trung tâm dưỡng lão.
Giải mã các số liệu thống kê là một thách thức. Tuy nhiên có nhiều yếu tố đã góp phần gây ra những ca tử vong do mất trí nhớ trong đại dịch. Đây là bốn trong số các yếu tố:
1. Cách ly xã hội
Gián cách xã hội — hoặc cách xa nhau ít nhất sáu feet, đeo khẩu trang và tránh đám đông — là một cách đã được chứng minh để giảm nguy cơ Covid-19, đặc biệt là ở những người bị nhiễm trùng nhưng không có triệu chứng. Nhưng gián cách xã hội khác với cô lập cách ly xã hội, dẫn đến cảm giác xa cách với cộng đồng. Cô lập xã hội, về cơ bản là ít hoặc không tiếp xúc với người khác. Trong thời gian đại dịch, việc thăm nom của những người thân trong gia đình hoặc bạn bè bị buộc phải hạn chế. Tuy nhiên, tiếp xúc xã hội là việc cần thiết với cuộc sống của những người cao niên mắc chứng sa sút trí tuệ.
Cách ly xã hội là một trong những nguy cơ dẫn đến kết cục sức khỏe kém, đặc biệt là với người lớn tuổi. Và ở Hoa Kỳ, 28 phần trăm những người trên 65 tuổi (13,8 triệu) sống một mình. Những người lớn tuổi bị cô lập với xã hội không chỉ mất trí nhớ mà còn mắc các bệnh nền như bệnh tim, huyết áp cao, trầm cảm, suy giảm nhận thức và có tỉ lệ tử vong cao hơn.
2. Sự kiệt sức của những người chăm sóc
Việc chăm sóc một thành viên gia đình mắc chứng sa sút trí tuệ quả thực vất vả. Chứng kiến sự suy sụp của người thân cũng thực sự khó khăn; đặc biệt là việc chăm sóc cá nhân lại càng khó khăn hơn.
Và trong Covid-19, những người chăm sóc cũng bị cách ly; và họ dễ rơi vào kiệt sức. Bệnh nhân sa sút trí tuệ muốn được chăm sóc tốt cũng cần có người chăm sóc tốt. Trường hợp người chăm sóc kiệt sức cũng dẫn đến chất lượng chăm sóc bị giảm sút.
3. Ít được tiếp cận với chăm sóc y tế
Mùa hè Covid năm nay, trên khắp Hoa Kỳ, các bệnh viện và phòng khám có ít người đến hơn. Nhiều người đã phải bỏ lỡ những lần khám bệnh và điều trị các bệnh mãn tính. Khám bệnh tư vấn qua điện thoại có thể giúp cho những bệnh nhân khác, nhưng không hoàn toàn tốt đối với những người bị sa sút trí tuệ. Các cơ quan và nhóm tình nguyện có sẵn trong nhiều cộng đồng để hỗ trợ những người cao niên cần tiếp cận với công nghệ nhưng vẫn không thể bao phủ hết.
4. Lựa chọn ở nhà trong những trường hợp lẽ ra phải nhập viện
Vì Covid-19 mà một số bệnh nhân đã chọn ở nhà trong những trường hợp lẽ ra phải nhập viện điều trị. Họ đã tự đưa ra quyết định rằng triệu chứng này hay vấn đề kia không đáng phải mạo hiểm khi rời khỏi nhà.
Vài lời khuyên
Sa sút trí tuệ là một tình trạng bệnh lý phức tạp không có thuốc chữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể làm gì để giúp cuộc sống của bệnh nhân tốt hơn, ngay cả trong Covid-19.
Nếu bạn biết ai đó bị sa sút trí tuệ, cho dù họ sống ở nhà hay trong các trung tâm chăm sóc, hãy cho họ được thăm khám; trực tiếp cũng được, tư vấn qua điện thoại cũng được; miễn là họ được thăm khám sớm nhất có thể.
Hãy thường xuyên kiểm tra người chăm sóc; gọi điện cho người chăm sóc để trò chuyện với họ và quan trọng nhất là lắng nghe những câu chuyện của họ.
Nếu bạn là người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ lớn tuổi, hãy liên lạc với cơ sở y tế để được tư vấn nếu thấy có vấn đề với bệnh nhân.
Và nếu bạn chính là người sa sút trí tuệ, hãy trò chuyện thường xuyên với những người thân yêu của mình, với bác sĩ của mình. Có thể đôi khi những cuộc trò chuyện như vậy không thoải mái, nhưng cần thiết.
Theo Laurie Archbald-Pannone – phó giáo sư y khoa và lão khoa tại Đại học Virginia. Bài báo này được xuất bản lần đầu trên The Conversation.