Probiotics và bệnh nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em
Tiêu thụ probiotic hàng ngày làm giảm đáng kể tỷ lệ và thời gian mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em
Lạm dụng kháng sinh ngày càng phổ biến
Theo các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Y Pennsylvania, các bác sĩ thường xuyên lạm dụng thuốc kháng sinh khi điều trị cho các bệnh nhân phải nằm viện do nhiễm trùng đường hô hấp.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Kiểm soát Nhiễm trùng và Dịch tễ Bệnh viện phát hiện ra rằng các bác sĩ tại hai bệnh viện Pennsylvania đã sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm virus, trong khi ai cũng biết rằng thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus.
Dựa vào bệnh án của 196 bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm virus trong vòng hai năm qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 125 trường hợp, tương đương khoảng 63% số ca, đã được kê đơn điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Nhóm tác giả của nghiên cứu này tỏ ra e ngại về việc sử dụng kháng sinh sai mục đích. Vì việc sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ dẫn đến sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy phác đồ điều trị [bằng kháng sinh] không chỉ không có tác dụng mà còn gây ra các phản ứng bất lợi đối với một số bệnh nhân, chẳng hạn như tiêu chảy do kháng sinh.
Các tác giả nhận thấy nhóm bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh có thời gian nằm viện trung bình lâu hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn so với nhóm không dùng kháng sinh. Do đó họ cho rằng việc sử dụng kháng sinh không mang lại lợi ích lâm sàng cho việc điều trị.
Nghiên cứu này phản ánh thực trạng hiện đang diễn ra tại các bệnh viện, các phòng khám và phòng mạch trên khắp mọi miền đất nước.
Trên thực tế, việc lạm dụng kháng sinh sẽ gây hại cho hệ miễn dịch của cơ thể bởi vì thuốc kháng sinh không chỉ giết chết vi khuẩn có hại mà còn cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể – lợi khuẩn – vốn sinh trưởng trong đường ruột và giúp cơ thể chống lại sự lây nhiễm từ virus, nấm men, nấm mốc và các loại ký sinh trùng.
Probiotics làm giảm tỷ lệ và thời gian mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ
Số lượng vi khuẩn trong cơ thể người nhiều hơn gấp 10 lần so với số lượng tế bào. Hệ tiêu hóa chiếm đến 80% hệ miễn dịch. Và trong số hàng tỷ vi khuẩn tồn tại trong đường tiêu hóa, 15% là có thể gây hại, nhưng 85% còn lại là có lợi cho cơ thể chúng ta.
Giữ cho lợi khuẩn tiếp tục sinh sôi và hoạt động chính là chìa khóa trong việc không chỉ ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mà còn làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian bị bệnh.
Trong một nghiên cứu của Trung Quốc được công bố trên tạp chí Nhi khoa, trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, được điều trị bằng hai loại probiotics có tỷ lệ sốt thấp hơn 63%, giảm ho đến 54% và giảm sổ mũi 44%.
Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh đã giảm xuống 80% và những bệnh nhi được sử dụng probiotics chỉ có triệu chứng trung bình trong 3,4 ngày so với 6.5 ngày ở nhóm giả dược. Kết quả này khiến các tác giả kết luận rằng việc tiêu thụ probiotics hàng ngày làm giảm đáng kể tỷ lệ cũng như thời gian mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em.
Các tác dụng có lợi khác của probiotics
Có hơn 400 chủng vi khuẩn tồn tại trong đường ruột của con người và mỗi người lại một tập hợp các chủng vi khuẩn khác nhau. Không chỉ thuốc kháng sinh mà uống rượu quá mức, căng thẳng quá độ, bệnh tật và độc tố trong cơ thể cũng có thể phá vỡ sự cân bằng giữa các vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển.
Vì vậy, nếu muốn lấy lại cân bằng này, chúng ta cần phải bổ sung lợi khuẩn để tái phục hồi hệ vi sinh vật đường ruột.
Ngoài việc tăng khả năng miễn dịch, probiotics còn được biết đến với nhiều tác dụng khác, bao gồm:
- Kích thích tiêu hóa
- Cải thiện quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng
- Tổng hợp một số loại vitamin
- Điều trị bệnh chàm ở trẻ em
- Giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh
- Phòng ngừa sâu răng và tiêu chảy
- Giảm thiểu nguy cơ ung thư ruột kết và bàng quang
Làm thế nào để bổ sung probiotics từ thực phẩm?
probiotics được tìm thấy trong các thực phẩm bổ sung nhưng cũng có thể xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên. probiotics đã được sử dụng trong nhiều thiên niên kỷ để làm thực phẩm lên men và tạo nên vị chua tự nhiên cho thực phẩm.
Nguồn probiotics phổ biến nhất trong thực phẩm có lẽ là từ sữa chua, phần lớn nhờ vào chiến dịch quảng cáo thành công của các nhà sản xuất sữa. Và trên thực tế, sữa là một nguồn cung cấp probiotics hiệu quả. Sữa trong sữa chua hoạt động như một chất đệm bảo vệ các lợi khuẩn khỏi acid dạ dày để chúng có thể sống sót và di chuyển đến ruột già.
Hơn thế nữa, các lợi khuẩn tự nhiên cũng giúp tăng hoạt tính sinh học của canxi trong sữa chua. Ngay cả những người mắc chứng không dung nạp lactose (một dạng rối loạn tiêu hóa khi tiêu thụ sữa do cơ thể thiếu loại enzym lactase giúp hấp thụ đường lactose có trong sữa) cũng có thể sẽ ít gặp vấn đề về tiêu hóa hơn khi dùng sữa chua lên men tự nhiên.
Khi mua sữa chua, bạn nên chú ý tìm những loại có ghi chú “lợi khuẩn sống có hoạt tính” trên bao bì sản phẩm và các loại thực phẩm hữu cơ khác.
Một số loại thực phẩm lên men tự nhiên khác giúp cung cấp probiotics bao gồm:
- Bắp cải muối chua sauerkraut [món dưa cải truyền thống, đặc sản của ẩm thực Đức]
- Dưa chua và rau củ muối chua
- Kimchi, bắp cải lên men kiểu Hàn Quốc
- Bánh mì bột chua
- Kombucha [trà nấm thủy sâm – một loại thức uống lên men từ nước trà đường], trà xanh hoặc trà đen lên men
- Xì dầu
- Tempeh, một loại thực phẩm lên men làm từ đậu nành hoặc các loại đậu hoặc ngũ cốc khác
- Kefir, một loại đồ uống từ sữa được lên men tương tự như sữa chua
Rất nhiều sản phẩm đóng hộp mới trên thị trường đang quảng cáo về việc có bổ sung thêm probiotics nhưng rất khó để biết những sản phẩm này có hiệu quả như thế nào. Các chủng lợi khuẩn rất nhạy cảm với nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ pH và oxy, và thường cần phải được giữ lạnh.
Tốt nhất, bạn nên sử dụng các loại thực phẩm lên men tự nhiên, chưa qua chế biến để bổ sung probiotics trong chế độ ăn hàng ngày của bạn.
Tâm Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: