Ý kiến: Cách tiếp cận của TT Biden với Trung Quốc là sự pha trộn giữa ông Trump và ông Obama
Theo lời trợ lý hàng đầu của Tòa Bạch Ốc về Á Châu, chính sách Trung Quốc của Tổng thống (TT) Joe Biden dường như là sự pha trộn giữa cách tiếp cận cứng rắn của chính phủ thời ông Trump và sự hợp tác của chính phủ thời ông Obama.
“Đó là một sự tổ hợp và pha trộn thú vị – gần như là một hỗn hợp – của các yếu tố từ Tổng thống Obama và Tổng thống Trump,” theo lời ông Kurt Campbell, quan chức cao cấp phụ trách các vấn đề của khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia, diễn thuyết tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Giám đốc điều hành của tạp chí The Wall Street Journal. “Tôi nghĩ rằng trong cách tiếp cận này cũng có chỗ khôn ngoan, mặc dù cũng có một số mâu thuẫn.”
Nội các của ông Biden đã thu nhận một số cựu chiến binh thời ông Obama, gồm cả chính ông Campbell.
Hoa Thịnh Đốn dưới thời TT Biden đã phát tín hiệu sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh về các vấn đề như biến đổi khí hậu và Bắc Hàn, đồng thời giữ tiếng nói lập trường của chính phủ cựu TT Trump về hồ sơ nhân quyền của Trung Cộng, từ việc đàn áp ở Tân Cương và Hồng Kông cho đến hành động gây hấn quân sự với Đài Loan.
Ông Campbell cho biết, “Chúng ta quan tâm đến các lĩnh vực thực tế, rõ ràng – nơi chúng ta có thể làm việc cùng nhau về các vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm.”
Ngoại trưởng Antony Blinken, từng phụng sự trong vai trò cựu thứ trưởng ngoại giao dưới thời ông Obama, đã xác định mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc là một mối quan hệ nhiều mặt gồm cả đối đầu, cạnh tranh, và hợp tác. Ông nói trong buổi phỏng vấn hôm 02/05 với chương trình 60 Minutes của đài CBS rằng, “Mục đích của chúng ta không phải là kiềm chế, kìm hãm, hay phong bế Trung Quốc. Mà đó là duy trì trật tự dựa trên những quy tắc mà Trung Quốc đang đặt ra thách thức.”
Các quan chức của TT Biden nhấn mạnh rằng họ đang làm việc với các đồng minh để chống lại Bắc Kinh. Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt phối hợp với Liên minh Âu Châu, Canada và Anh Quốc đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vụ lạm dụng ở Tân Cương. Bà Katherine Tai, đặc phái viên thương mại mới của Hoa Kỳ, cho biết bà sẽ giữ mức thuế quan thương mại mà ông Trump đã đưa ra với Trung Quốc. Các quan chức chính phủ và các nhà lập pháp đã ủng hộ việc chi mạnh tay vào sản xuất vi mạch bán dẫn để giảm thiểu sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, một chính sách khác được khởi xướng dưới thời chính phủ cựu TT Trump.
“Chúng ta có thể thấy các bước cả tấn công lẫn phòng thủ,” ông Campbell cho biết. Ông nói rằng điều đó bao gồm có việc ‘đầu tư vào một số ngành công nghệ chủ đạo’ và cố gắng “ngăn chặn một số loại hình xâm phạm nhất định trong các lĩnh vực quan trọng mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ vận hành tại Trung Quốc.”
Trong khi Hoa Thịnh Đốn tiếp tục thắt chặt mối quan hệ với Đài Loan, một hòn đảo tự trị dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là [thuộc chủ quyền] của mình, hôm 04/05 ông Campbell đã dừng không còn xác nhận lời hứa rõ ràng của Hoa Kỳ là sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
Trong một cuộc thảo luận cùng ngày do Financial Times tổ chức, ông Campbell cảnh báo rằng sự chuyển đổi sang “chiến lược rõ ràng” sẽ mang lại “những hạn chế đáng kể,” đồng thời nói thêm rằng bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Đài Loan sẽ “mau chóng lan rộng” và “về căn bản gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu theo cách thức mà không ai có thể đoán trước được.”
Ông nói: “Cách tốt nhất để duy trì hòa bình và ổn định là gửi một thông điệp thống nhất liên quan đến ngoại giao, sự đổi mới về quốc phòng và năng lực của chính chúng ta tới giới lãnh đạo Trung Quốc, để họ không phải dự tính các bước đi khiêu khích đầy tham vọng và nguy hiểm trong tương lai.”
Những thách thức từ Trung Cộng là chủ đề của phiên khai mạc kéo dài 90 phút khi nhóm G7 (Group of Seven) họp mặt lần đầu tiên kể từ sau đại dịch.
Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ diễn thuyết trong cuộc họp của G7 rằng Hoa Kỳ muốn chào đón Trung Quốc như “một thành viên không thể thiếu của trật tự quốc tế,” nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc Bắc Kinh có chơi đúng luật hay không.
Quan chức này cho biết, “Có một thực tế là mặc dù chúng ta vừa muốn bảo đảm Trung Quốc chơi đúng luật, nhưng cũng vừa muốn hưởng lợi từ hoạt động kinh tế của Trung Quốc, miễn là họ không đánh cắp quyền IPR [quyền sở hữu trí tuệ] của chúng ta… hay sử dụng công nghệ để xâm nhập vào xã hội của chúng ta như đã chứng kiến với trường hợp của Huawei, 5G.”