Xưởng lụa Antico Setificio Fiorentino danh tiếng vùng Florence
Florence là thành phố của những điều bí ẩn. Khi bạn rảo bước dọc những con phố cổ kính, những cánh cổng gỗ lớn mở ra, hiển lộ những trang viên của tu viện, những xưởng thủ công chưa biết đến bao giờ, và những lối vào ngập tràn bích họa. Bạn sẽ luôn tìm thấy những điều mới mẻ để khám phá.
Và cũng vì thế, trong một chiều ngập nắng mùa xuân, tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi tình cờ bắt gặp một trang viên ẩn mình trong những tàng cây nhiệt đới và dàn dây leo ngang dọc đan xen trên các bức tường màu hoàng thổ, dẫn tôi đến với một xưởng lụa lâu đời nhất Âu Châu.
Những cánh cửa đơn sơ mở ra một không gian rộng lớn tắm mình trong ánh sáng mặt trời đổ xuống từ các cửa sổ kính trên mái nhà, tản ra chung quanh khi hắt vào những tấm trướng bảo vệ cho các tấm lụa mỏng manh. Căn phòng đầy ắp máy móc, các thiết bị kết cấu gỗ, và các bộ máy phức tạp tạo lên một giai điệu lặp đi lặp lại vang vọng khắp nơi.
Antico Setificio Fiorentino (ASF) là bí ẩn được lưu giữ tốt nhất tại Florence. Tại công xưởng, họ vẫn sử dụng những máy dệt sợi được chế tạo từ trước thế kỷ 19, trong đó có một chiếc máy do Leonardo da Vinci vĩ đại thiết kế.
Nghề sản xuất lụa được du nhập vào Ý vào khoảng giữa thế kỷ 9 và thế kỷ 11. Theo trang web của ASF, nghệ thuật dệt lụa cuối cùng cũng tìm thấy nơi trú ngụ tự nhiên của nó ở thành phố suy tàn Florence và rồi lại “phát triển thịnh vượng vào thế kỷ 14, đem đến thanh thế cho thành phố này và sự thịnh vượng cho những thương gia.” Lụa Florence đạt đến đỉnh cao vào thời kỳ Medicis trị vì, khoảng giữa thế kỷ 15 và thế kỷ 16.
Lịch sử công ty có viết: “Để chào đón Đại Công tước Cosimo đến Florence, chuyện kể rằng đường phố khắp nơi được phủ lên những tấm thảm thêu quý giá.” Vào khoảng giữa thế kỷ 18, một vài gia đình quý tộc “đã quyết định thành lập một công xưởng duy nhất để gom tụ tất cả những khung dệt, kiểu hoa văn, và vải vóc” mà trước đây được đặt tại tư gia của họ.
Mỗi gia đình đều sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp này, và lụa đã được sản xuất để phục vụ các khách hàng giàu có trên khắp thế giới. Dần dần qua thời gian, gia đình Pucci đã mua toàn bộ cổ phần, trở thành chủ duy nhất của xưởng lụa mãi cho đến khi được Stefano Ricci S.p.A. mua lại năm 2010.
Mặc dù công ty được thành lập vào năm 1786, những khung dệt nguyên thủy của ASF vẫn còn được sử dụng cho đến ngày hôm nay – và đã mai một khá nhiều. Hiện nay, công xưởng có 12 khung dệt: 6 khung dệt thủ công có niên đại từ thế kỷ 18 và sáu khung dệt bán cơ khí có niên đại từ thế kỷ 19.
Nghệ thuật thượng thặng cần có thời gian. Và với những máy dệt thủ công cổ xưa nhất vận hành bằng sức người, trong một ngày làm việc 8 tiếng, một người thợ dệt có thể sản xuất ra 1 yard (0.9 m) lụa có hoa văn, 2 yard gấm kim tuyến, và chỉ khoảng 15 cm vải lampas – loại vải tốt nhất và đắt nhất của công ty. Những loại vải từ thời phục hưng này được dùng để điểm tô những mảng nội thất tinh tế nhất thế giới và may trang phục cho những gia đình quý tộc trong nhiều thế kỷ qua.
Chiếc máy móc sợi dọc độc đáo này, còn gọi là “orditoio”, là một thiết kế của da Vinci được trang bị cho xưởng lụa ở Florence (sợi dọc nghĩa là chiều dài của vải). Trước phát minh của da Vinci, để sản xuất ra 100 thước vải, những người thợ dệt phải cắt và căn chỉnh thủ công rất nhiều sợi chỉ ở cùng độ dài.
Máy móc sợi dọc có một khung hình trụ gỗ lớn giúp dàn tất cả sợi chỉ trong một không gian nhỏ mà vẫn giữ được độ căng. Khi quay, chiếc máy trông như một ống chỉ lớn, quấn từng vòng chỉ quanh bề mặt ngoài của nó – một chiếc máy khổng lồ nhưng khi xoay tròn lại vừa thanh vừa mạnh.
Danh họa Da Vinci là một người ham tìm hiểu; ông là chuyên gia giải quyết vấn đề, một nhà thông thái tường tận các lĩnh vực mỹ thuật, điêu khắc, khoa học, kỹ thuật, kiến trúc và giải phẫu học. Chiếc máy móc sợi dọc rất được ASF nâng niu này được tạo ra vào khoảng những năm 1600 dựa trên thiết kế nguyên bản của Da Vinci.
Vải Jacquard được sản xuất với sự trợ giúp của một chiếc máy được phát minh năm 1804; chiếc máy này được xem là vật tiền thân quan trọng của máy tính hiện đại. Nó sử dụng một loạt những tấm thẻ đục lỗ – lắp thành một hàng dài với những lỗ trống và những phần lỗ đã được gắn đầy nhằm định hướng sợi chỉ lên và xuống để tạo những họa tiết nổi và chìm cho những mẫu hoa văn phức tạp.
Hiện nay, chiếc máy này đã có phiên bản điều khiển vi tính; tuy nhiên, ASF vẫn sử dụng những tấm thẻ đục lỗ này và luôn soạn tay cho từng tấm thẻ. Trước khi máy dệt vải Jacquard ra đời, người thợ dệt phải đứng lên phần cao nhất của khung dệt, kéo sợi dây lên xuống để thiết kế hoa văn và con thoi thì chạy qua lại giữa các sợi chỉ.
Lụa của ASF đã được sử dụng để phục chế bức tranh Tribuna ở Phòng trưng bày Uffizi tại Florence, và trang trí nội thất của Villa Doria Pamphili ở Rome. Trong công trình khôi phục Cung điện Hoàng gia Đan Mạch ở Copenhagen và Lâu đài Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, người ta cũng sử dụng lụa ASF.
Vào năm 1999, hai căn phòng trong điện Kremlin được trang hoàng lại với sự giúp sức của những nghệ nhân đến từ Florence; tất cả vải vóc được sử dụng đều là loại do ASF sản xuất. Những chiếc ghế bọc nhung với ngôi sao Điện Kremlin in nổi – ống trụ nung nóng được sử dụng để in nổi lên vải nhằm làm ra thiết kế này vẫn còn nằm tại góc xưởng lụa ngày nay. Công cuộc phục chế mất đến hai năm, và tất cả những người thợ thủ công đến từ Florence đều được cả thế giới kính nể như những nghệ nhân kỳ tài bậc nhất.
Briza Datti làm việc ở vị trí thiết kế nội thất tại ASF trong năm nay; nhiệm vụ của Datti là giúp khách hàng chọn ra những chất liệu vải phù hợp cho các dự án của họ.
“Setificio là một nơi đặc biệt, thu hút rất nhiều người đến tham quan; công xưởng vẫn luôn như thế từ thời đầu mở cửa. Vua nước Ý đã đến đây mua vải, cả những gia đình quý tộc – đây không phải là địa danh nổi tiếng, rất nhiều người không biết đến sự tồn tại của nơi đây. Tuy nhiên đây vẫn là nơi thu hút rất nhiều nhân vật lẫy lừng trên thế giới, và trong xã hội hiện đại này, vẫn như thế – mới đây thôi ông Jeff Bezos đã đến đây. Một địa danh độc nhất vô nhị, dù nằm tại trung tâm thành phố nhưng nhiều cư dân Florence vẫn không biết sự tồn tại của nó; nơi đây luôn là một điều bí ẩn, và bạn không thể nhìn thấy từ bên ngoài. Và điều này lại là một điều tốt, vì sự bí ẩn giúp bảo vệ nơi đây,” cô Briza Datti cho biết.
Cô dẫn tôi đi quanh công xưởng và giải thích các công đoạn từ kén tằm cho đến thành phẩm, tôi cảm giác như mình được tiết lộ một bí ẩn cổ xưa theo cách những người thợ dệt lụa thì thầm truyền tai nhau qua hàng trăm năm.