Xuất cảng sản phẩm sữa và nông nghiệp Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề
Các quan chức chính phủ và các nhà sản xuất thực phẩm đã đưa ra báo động tuần trước (31/01–06/02) về tình trạng vẫn đang tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, khiến cho nhiều nhà xuất cảng Mỹ không thể đưa sản phẩm của họ sang Á Châu và các thị trường khác.
Ông Andrew Hwang của Cảng Oakland, nơi xuất cảng phần lớn các sản phẩm nông nghiệp ở California, nói với một nhóm các nhà lãnh đạo ngành, cơ quan quản trị nông nghiệp và cảng và các quan chức được bầu tại hội thảo trực tuyến hôm 31/01: “Trở ngại về chuỗi cung ứng chắc chắn đang tạo ra sự tổn thất lâu dài cho thị phần sản phẩm Hoa Kỳ, và tôi nghĩ đó là điều quan trọng mà mọi người cần nhận ra.”
“Đó là khả năng mất vĩnh viễn thị phần khắp thế giới.”
Công ty thực phẩm Leprino có trụ sở tại Denver, một trong những nhà sản xuất pho mát mozzarella và khách hàng mua sữa lớn nhất thế giới, cho biết đơn đặt hàng xuất cảng sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2021.
Ông Mike Durkin, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Thực phẩm Leprino, cho biết tại hội thảo trực tuyến: “Hơn 90% đơn hàng xuất cảng của chúng tôi đã bị hoãn ngày hoặc bị vụt mất trong năm 2021. Vào một năm bình thường, tỷ lệ này chỉ 10%.”
Ông Durkin cho biết các đơn đặt hàng đã bị mất nhiều gấp 17 lần hoặc bị hoãn gần 5 tháng. Công ty cũng buộc phải gửi sản phẩm cho một số khách hàng bằng đường hàng không để tránh bị chậm trễ.
Công ty Thực phẩm Leprino điều hành một nhà máy lớn hơn ở New Mexico; việc mất xuất cảng nông sản đã ảnh hưởng đến các cộng đồng nông thôn.
Dân biểu Yvette Herrell (Cộng Hòa–New Mexico) nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng, “Theo Liên đoàn Cục Nông nghiệp Hoa Kỳ, xuất cảng nông sản đã bị thiệt hại 1.5 tỷ USD do tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến New Mexico, với nhiều trang trại bò sữa, ớt, hồ đào, và hành tây của chúng tôi, cũng như rất nhiều ngành nông nghiệp khác. Giống như hầu hết các vùng nông thôn của Mỹ, Khu vực Bầu cử Thứ hai của New Mexico đã cảm nhận được gánh nặng của đại dịch và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.”
Bà Herrell là một trong những nhà đồng tài trợ cho Đạo luật Cải cách Vận tải biển do Hạ viện Hoa Kỳ thông qua vào tháng 12/2021. Dự luật sửa đổi các chính sách vận tải biển để giúp hàng xuất cảng Hoa Kỳ tăng trưởng và phát triển cũng như thúc đẩy thương mại hai chiều. Thượng viện vẫn chưa biểu quyết về dự luật này.
Bà Herrell cho biết: “Nhiều công ty vận tải đã không tôn trọng cam kết đưa nông sản Mỹ ra ngoại quốc, vi phạm hợp đồng để nhanh chóng gửi lại các container rỗng sang Trung Quốc rồi nhập cảng nhiều hàng hóa giá rẻ hơn từ đối thủ cộng sản của chúng ta.”
Theo đại diện Tòa Bạch Ốc John Porcari, người được tổng thống Mỹ chỉ định năm 2021 làm việc với các cảng để cải thiện các vấn đề khó khăn về chuỗi cung ứng, cho biết xuất cảng ở California đã bị mất 2.1 tỷ USD.
Ông Porcari cho biết tại hội thảo trên web hôm 31/01: “Xuất cảng nông sản đang bị thiệt hại ngay bây giờ. Không thể chấp nhận điều đó được.”
Các cảng của California báo cáo xuất cảng nông sản giảm 9% từ tháng 5 đến tháng 09/2021. Ông Porcari cho biết, xuất cảng hiện giảm 15% tại cảng Long Beach, 18% tại cảng Los Angeles, và 34% tại Oakland.
Theo ông Jonathan Eisen, giám đốc Hội nghị Các nhà cung cấp Dịch vụ Vận tải liên phương thức của Hiệp hội Vận tải đường bộ Hoa Kỳ, lệnh vaccine bắt buộc do liên bang áp đặt, tình trạng thiếu tài xế xe tải, và số lượng khung gầm xe tải hạn chế cũng khiến xuất cảng chậm lại.
Ông Eisen nói: “Chắc chắn là việc các yêu cầu về vaccine đang tạo ra khó khăn.”
Ông cho biết việc tồn đọng container rỗng ở tất cả các cảng cũng đang làm chậm chuỗi cung ứng.
Dân biểu California John Garamendi (D–Northern Calif.), cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải cách vận tải biển. Ông hỏi liệu Nhà Trắng có thể gây thêm áp lực lên các công ty vận tải biển lớn ở Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc – những công ty điều hành phần lớn việc vận chuyển hàng xuất cảng từ các cảng Oakland, Long Beach, và Los Angeles – hay không.
“Đây là một vấn đề thương mại quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt đối với Khu vực của tôi… Liệu chính quyền này có gây áp lực nào lên các quốc gia đó để làm điều đúng đắn cho các nhà xuất cảng hàng hóa Mỹ không? ”
Ông Porcari nói rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các cơ quan khác đã tham gia vào các cuộc đàm phán với các quốc gia khác để “làm rõ những phản đối của Hoa Kỳ”.
Ông Garamendi cho biết đến nay không thấy hiệu quả, vì các container rỗng xuất sang thị trường Á Châu đã tăng từ 40% lên 70% trong năm 2021.
“Vấn đề này là ở đây và ngay lúc này. Các nhà xuất cảng đang mất thị trường của họ. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần sử dụng mọi đòn bẩy hiện có, và đó là gây áp lực lên các công ty vận tải biển.”
Ông cho hay khoảng 6 nông dân hoặc chủ hàng ở Khu vực của ông có thể không vượt qua được năm nay vì họ không thể đưa sản phẩm của mình lên tàu.
“Hãy gây sức ép và làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa những người đó vào Cảng Oakland và có được những container đó.”
Trong tuần 31/01–06/02, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã công bố một chương trình mới tại Cảng Oakland là sẽ dành một khu đất rộng 25 mẫu Anh để các công ty nông nghiệp có thể chất đầy [hàng hóa] vào các container rỗng tại đây. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Tom Vilsack cho biết bộ này sẽ trả 125 USD cho mỗi container.
Tại Los Angeles, cảng này đang làm việc với ngành công nghiệp sữa và các công ty vận tải biển để thành lập Nhóm Công tác về Xuất cảng Sữa nhằm tìm cách hợp lý hóa việc xuất cảng, tăng khả năng vận chuyển bằng đường sắt, và có thể bắt đầu một “làn đường nhanh” cho các tàu đồng ý khởi hành với container đầy hoặc ít container rỗng [không hàng hóa] hơn.