Xây dựng trên nền tảng truyền thống: Bức tranh ‘Cuốn sợi’
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống đem lại cho trái tim
Vẻ đẹp, sự quan tâm và tôn trọng luôn có vị trí quan trọng trong văn hóa truyền thống. Chúng ta có thể tìm kiếm và tìm cách đưa những giá trị này vào tương lai cho các thế hệ mai sau có một nền móng vững chắc để phát triển.
Họa sĩ người Anh sống vào thế kỷ 19, Frederic Leighton, đã truyền cảm hứng để tôi suy nghĩ sâu sắc hơn về truyền thống qua bức tranh “Cuốn sợi” (Winding the Skein).
“Cuốn sợi”
Trong bức tranh “Cuốn sợi” của Leighton, chúng ta thấy có hai nhân vật đang cuốn sợi thành những cuộn tròn. Nhân vật bên trái trông lớn tuổi hơn nhân vật bên phải, cho ta liên tưởng về người mẹ. Chúng ta sẽ gọi nhân vật bên trái là mẹ và bên phải là con gái.
Người mẹ vận trang phục cổ điển giản dị với tông màu trắng và đang ngồi trên băng ghế nhỏ. Bên phải cô là một giỏ các loại sợi màu sắc khác nhau. Cô đang nhìn vào sợi chỉ đỏ giữa hai bàn tay mà cô đang cầm cho con gái mình.
Con gái cô mặc áo trắng váy đỏ, kéo sợi từ tay mẹ và quấn thành cuộn. Dưới chân cô bé là những cuộn thành phẩm, cho ta biết hai mẹ con đã cùng làm việc với nhau được một lúc rồi.
Trên ban công của ngôi nhà, họ làm việc ăn ý như một đội. Có những nấc thang phía sau cô con gái. Cả hai đang làm việc trước phong cảnh biển núi bao la, dưới bầu trời sáng nhiều mây.
Vậy bức tranh này có ý nghĩa gì? Nó đem lại điều gì cho chúng ta ngày nay?
Xây dựng trên nền tảng truyền thống với sự quan tâm và tôn trọng
Là một nghệ sĩ, một trong những điều đầu tiên mà tôi ấn tượng là cái nhìn chăm chú của người mẹ với sợi chỉ mà bà đang cầm. Vẻ mặt của bà biểu thị một mức độ tôn trọng nào đó đối với nghề thủ công, nói cách khác cũng là chuyên môn của bà. Tôi cho rằng bà đã hoặc đang truyền nghề cho con gái mình.
Nó khiến tôi nghĩ rằng sẽ không có sự thành thạo nếu không có sự chuyên tâm và lòng tôn trọng với nghề, bất kể đó là nghề gì. Chúng ta nên thể hiện thái độ này ở nhà và chốn công sở để sống và làm việc với sự chú tâm và tôn trọng đáng có.
Nói như vậy, bức tranh này cũng khiến tôi hiểu rằng không chỉ đối với những ngành nghề thủ công truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà thái độ hay cách suy nghĩ này cũng có thể được truyền đi, và mối quan hệ giữa nghề thủ công và cách tư duy có thể tạo ra điều mà chúng ta gọi là văn hóa. Vậy nên, văn hóa là điều có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sợi chỉ phải chăng là thể hiện của việc truyền tải văn hóa truyền thống? Người mẹ là đại diện cho truyền thống trong trang phục cổ điển, trao truyền sợi chỉ cho con gái. Cô con gái cuốn sợi thành cuộn mà sau này sẽ được dùng để dệt vải.
Vải là một hình thức sáng tạo: Chúng được sử dụng để tạo ra quần áo, khăn bàn, khăn trải giường, v.v. Nếu cô con gái đại diện cho thế hệ trẻ, liệu có phải nguồn gốc của sự sáng tạo của con gái là từ mẹ, tức là truyền thống?
Điều thú vị là chiếc váy của cô con gái có màu của sợi chỉ mà cô đang cuốn, như thể sợi chỉ đó đã được sử dụng vào một thời điểm nào đó để dệt nên chiếc váy mà cô đang mặc. Phải chăng điều đó cho thấy các thế hệ trẻ có thể làm đẹp cho bản thân và nền văn hóa mà họ kế thừa bằng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và thái độ tích cực từ truyền thống?
Nếu vậy, việc truyền tải vẻ đẹp, sự quan tâm và tôn trọng truyền thống diễn ra như thế nào? Làm thế nào thế hệ trẻ có thể phát huy được vẻ đẹp, sự quan tâm, và trân trọng với những giá trị xưa?
Người mẹ nhìn sợi chỉ với vẻ quan tâm và tôn trọng, điều này biểu hiện cho văn hóa, còn cô con gái thì chăm chú nhìn mẹ. Người mẹ không còn là một đứa trẻ và bây giờ là một chuyên gia trong nghề, hoàn thành vai trò truyền đạt và gìn giữ văn hóa. Nói một cách nào đó, gìn giữ văn hóa là quan tâm đến con gái của mình.
Còn cô con gái đang nhìn mẹ, chắc hẳn hiểu được sự tận tâm của mẹ. Cô bé sẵn sàng học hỏi từ mẹ, tiếp thu trí tuệ và kinh nghiệm mà mẹ có được. Các thế hệ trẻ phải sẵn sàng học hỏi từ những thành công và thất bại của các thế hệ đi trước; các thế hệ trẻ phải sẵn sàng học hỏi từ truyền thống.
Hai thế hệ làm việc phải cùng nhau. Họ phải làm việc rất ăn ý. Họ không chỉ phối hợp hài hòa mà còn hài hòa với cảnh non xanh nước biếc phía sau. Ngay cả sợi chỉ kéo ngang giữa họ cũng hài hòa với thành ban công, dải đất và đường chân trời.
Vẻ đẹp, sự quan tâm, và tôn trọng truyền thống mang lại sự hài hòa giữa các thế hệ và với thiên nhiên. Do đó, cảnh quan thiên nhiên cũng có thể đại diện cho không gian mà thế hệ trẻ sẽ hòa nhập với nền văn hóa mà họ kế thừa.
Điều này không có nghĩa là con gái sẽ chỉ làm theo những gì mẹ dạy; không có nghĩa là thế hệ trẻ sẽ bị kìm hãm sức sáng tạo bởi các quy tắc truyền thống. Thực ra, nền tảng truyền thống cho phép các hình thức thể hiện khác nhau, nên có sự khác biệt trong màu sắc và thiết kế của chiếc váy cô bé đang mặc.
Truyền thống có thể giúp thế hệ trẻ trở nên tốt đẹp hơn, biết quan tâm, và kính trọng hơn thế hệ trước. Phải chăng đây là lý do vì sao có những bậc thang phía sau cô con gái? Dường như cô bé có thể tiếp thu những điều được học từ mẹ, bất cứ lúc nào cũng có thể quay mình và bước lên những bậc thang phía sau cô bé.
Nhưng khi bước lên những bậc thang phía sau, cô bé có thể phải quay lưng lại với mẹ mình, tức là quay lưng với truyền thống.
Nó không có nghĩa là cô bé phủ nhận toàn bộ các giá trị truyền thống, mà có thể rằng trách nhiệm của thế hệ trẻ là bỏ đi những thứ bại hoại. Bởi vì những thứ đã được thực hiện trong một thời gian lâu dài không có nghĩa là không có cách tốt hơn để làm nó.
Vì vậy, tôi có thể tưởng tượng rằng tất cả những gì cô gái cần học là cách cuốn sợi cho đến khi cô tự làm chủ nó. Cô cũng tiếp cận nghề thủ công này với sự cẩn thận và tôn trọng xứng đáng. Và thông qua sự tận tâm và tôn trọng, trên nền tảng truyền thống được truyền lại cho mình, cô xây dựng nên một nền văn hóa thay thế thậm chí còn tốt đẹp hơn.
Cô quay lại và bước lên những bậc thang để đến một nền tảng khác, nơi cô trở thành một người trưởng thành trong chiếc áo trắng và váy đỏ, rồi lại ngồi trên băng ghế để dạy cho con mình một truyền thống mà hy vọng chúng sẽ kế thừa và phát triển.
Nghệ thuật truyền thống thường chứa đựng những biểu tượng tâm linh và những ý nghĩa có thể đã mất trong thời hiện đại. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống đem lại cho trái tim”, chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác từ góc độ nhận thức đạo đức đối với chúng ta ngày nay. Chúng tôi không định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đang tìm kiếm, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình trở thành những con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Tác giả Eric Bess là họa sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện đang học Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).