Vùng núi cao Thụy Sĩ
TRIBUNE NEWS SERVICE
Tại một ngôi làng trên dãy núi Alps của đất nước Thụy Sĩ, người dân gắn bó với thiên nhiên, với lịch sử của thung lũng nơi họ sinh sống, và những câu chuyện truyền thuyết dân gian nơi ấy càng làm cho lịch sử thêm phần thi vị.
Tôi đã có chuyến đi bộ đường dài cùng với một người dân bản địa có kiến thức sâu sắc về văn hóa và phong cảnh của vùng núi cao này. Tôi đã dành cả một ngày cùng với người bạn của mình là anh Olle, hiện là giáo viên, để khám phá phong cảnh vùng núi Alps xung quanh ngôi nhà của anh ở làng Gimmelwald. Trước khi chúng tôi có thể đi xa hơn, tôi nhận ra chân mình đã phồng rộp lên.
Mở chiếc ba lô của mình ngay trên tảng đá, Olle bảo tôi tháo giày và vớ ra. Trong khi lẩm bẩm rằng cậu không thể tin được làm sao du khách có thể leo lên những ngọn núi này mà không sử dụng giày chuyên dụng, Olle đã đệm thêm một lớp vải da lộn xung quanh các ngón chân mềm của tôi. Trong khi Olle làm vậy, tôi tựa lưng vào một đụn cỏ gồ ghề mọc xuyên qua những lớp đá phiến đầy sỏi.
Chúng tôi tiếp tục đi dọc theo đường mòn trên sườn núi. Cứ vài bước chân là tôi phải dừng lại để tận hưởng quang cảnh tuyệt vời của đỉnh Schilthorn bên phía tay trái và đỉnh Jungfrau ở bên phía tay phải. Olle giảng giải, “Người dân chúng tôi trân trọng thiên nhiên hơn những du khách. Khi có cảnh báo về tuyết lở, chúng tôi sẽ tháo ngay các cabin ở cáp treo xuống, nhưng nhiều du khách vẫn cứ tiếp tục trượt tuyết; vì vậy có rất nhiều tai nạn đã xảy ra. Làng Lauterbrunnen có bản đồ ghi ký hiệu các lá cờ màu đỏ để hiển thị những vùng núi đã có người bị thương và các lá cờ màu đen để hiển thị các vị trí đã có người tử vong.” Chỉ vào vách núi đá cao chót vót của ngọn núi trên thung lũng ngay phía trước chúng tôi, anh nói: “Đỉnh Eiger là tòa núi đen tuyền kia.”
Khi tôi đang nhìn theo chiếc phi cơ trực thăng trông giống một chú ong bắp cày, Olle đã trả lời trước khi tôi kịp hỏi, “Đó là những chuyến bay ngắm cảnh phổ biến nhất ở đây. Mặc dù là chuyến bay cho du khách ngắm cảnh nhưng cũng dùng để giải cứu ở vùng núi này. Trong khi họ chở du khách đi tham quan vòng quanh, họ cũng đồng thời thực tập các nhiệm vụ giải cứu khẩn cấp.”
“Thật sự có những người leo núi tử vong mà vẫn còn treo lơ lửng trên các sợi dây thừng ở đỉnh núi Eiger hay không?” Tôi hỏi.
“Chính xác,” Olle nói. “Thật buồn. Các thi thể đó cuối cùng cũng được tìm thấy. Họ trông giống hệt như lúc còn sống, chỉ có điều là bộ râu nhạt màu hơn. Nhìn vào bộ râu, bạn có thể biết là họ đã sống được bao lâu. Gia đình cần phải nhận dạng họ.”
Thời tiết ở đây có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chỉ mới tháng trước, một cơn bão kéo đến rất nhanh. Trong vòng vài phút, năm người đã thiệt mạng, trong đó có ba người đang leo lên đỉnh Eiger, một người trên đỉnh Mönch, một người đang ở trên không trung – đang chơi dù lượn.
Tôi kể cho Olle về một trải nghiệm buồn thời sinh viên của tôi. Chúng tôi đi bộ đường dài từ ký túc xá lên đỉnh núi Schilthorn với một chiếc túi bằng nhựa, sau đó ngồi trên chiếc túi và trượt xuống dòng sông băng – đúng là một thú vui điên rồ. Là một hướng dẫn viên trẻ tuổi liều lĩnh, tôi dẫn cả nhóm của mình lao xuống núi theo cách thức như thế.
Vào một ngày kia, thời điểm đó là lúc cuối mùa, khi đang trượt băng trên một khu vực nhỏ hơn một khu trượt băng thông thường, tôi bắt đầu mất kiểm soát và va mạnh thẳng về phía mép đá. Tôi không biết mình nên làm gì, nhưng đồng thời tôi cũng ý thức được rằng mình cần phải làm điều gì đó để có thể dừng lại. Sau một lúc suy xét các lựa chọn, tôi đã cào mạnh bàn tay mình vào trong núi đá băng để phanh lại. Trong chỉ khoảng vài giây, cả bàn tay tôi như bị thiêu đốt, và tôi cuối cùng đã dừng lại được cùng với đôi bàn tay thâm đen, bỏng rát, phồng rộp, và cái mông thì tứa máu.
Cả nhóm bạn tung hô tôi như một anh hùng. Tuy nhiên, trong phòng khám bác sĩ ở làng Mürren, tôi bị mắng là một kẻ khờ dại, một cậu nhóc bị trừng phạt vì tất cả những du khách bất cẩn coi thường sức mạnh của ngọn núi. Vị bác sĩ thậm chí không bận tâm đến việc vệ sinh bàn tay cho tôi. Ông vừa giáo huấn, vừa xịt thứ gì đó lên vết thương, và băng bó lại cho tôi. Tôi đi về sau khi hiểu được rằng những mảnh đất nhỏ của đỉnh Schilthorn đã khảm sâu vào bàn tay tôi và chỉ có thể chảy ra cùng với mủ sau một đợt nhiễm trùng.
Olle gật đầu, đồng ý với quan điểm của vị bác sĩ, cậu ấy nói, “Đó là điều thường xuyên xảy ra.”
Cậu ấy kể cho tôi nghe rằng thậm chí những con bò cũng trở thành nạn nhân của các ngọn núi, khi chúng thỉnh thoảng lang thang trên các vách núi. Các nông dân miền núi dự trù họ sẽ mất một số bò trong các “tai nạn khi đi bộ đường dài”. Ngày nay, các chú bò có trọng lượng nặng gấp đôi so với hàng trăm năm trước đây nhưng cũng chẳng bớt khờ khạo hơn. Nếu một con bị rơi xuống trong khi đang tìm cỏ non để ăn, thì những con khác cũng sẽ đi theo. Những người nông dân đã kể cho con cái họ nghe chuyện rằng ở dãy núi Alps cao vút ngay trên làng Gimmelwald, khi mà hàng tá con bò như đóng phim mạo hiểm lao xuống vách núi và chết như chuột. Trực thăng đã thu hồi xác của những con bò này, đưa chúng ra ngoài. Quả thật rất lãng phí bởi vì để có thể dùng làm thức ăn cho con người, thịt cần phải được rút hết máu ngay lập tức. Do vậy, loại thịt này chỉ thích hợp cho những chú chó.
Về căn bản, Thụy Sĩ hấp dẫn tôi vì những đỉnh núi phủ tuyết trắng và những chiếc thang máy ly kỳ – khiến việc chinh phục các đỉnh núi chỉ còn là vấn đề mua vé. Tuy nhiên, điều khiến tôi muốn quay trở lại là cách nơi đây giữ gìn truyền thống và tôn vinh văn hóa. Đây là một vùng đất mà thiên nhiên vừa hoang sơ vừa có thể dễ dàng tiếp cận, và cũng là nơi mà văn hóa truyền thống tồn tại một cách vững chắc nhất ở từng góc núi xa xôi nhất.
Tác giả Rick Steves (www.ricksteves.com) viết sách hướng dẫn du lịch ở Âu Châu, dẫn chương trình về du lịch trên các kênh truyền hình và phát thanh phổ biến, đồng thời cũng tổ chức các chuyến du lịch ở Âu Châu. Bài viết này được chuyển thể từ quyển sách của ông – Vì Tình Yêu Với Âu Châu. Bạn có thể liên hệ với ông tại [email protected].
©2022 Rick Steves. Được phân phối bởi Tribune Content Agency, LLC.