Vũ trụ ảo META – Thảm họa được báo trước?
Kỷ nguyên của Facebook dường như sắp kết thúc khi nhà sáng lập đổi tên công ty thành Meta – với tham vọng mở ra một vũ trụ ảo cho người dùng trải nghiệm, trong bối cảnh mạng xã hội này bị chỉ trích sau hàng loạt bê bối và những vấn đề không thể giải quyết.
Metaverse dường như là quân át chủ bài trong chiến lược phát triển và trải nghiệm mới của Facebook trước nguy cơ thất thế bởi các ứng dụng hấp dẫn người dùng khác như TikTok, Instagram… nhất là khi uy tín và mức tăng trưởng người dùng mạng xã hội này sụt giảm mạnh.
Metaverse là gì và liệu nó có thể giúp Mark duy trì quyền lực thống trị như đã từng trong một thập niên qua? Toan tính thực sự của Mark là gì đằng sau kế hoạch mà ông chủ Facebook mô tả là ‘mục tiêu cuối cùng của công nghệ’ này?
Mark không phải là người đầu tiên nghĩ ra Metaverse
Từ Metaverse được kết hợp từ “Meta” (có nghĩa là “bên ngoài”) với “Verse” (trong Universe – vũ trụ). Do đó, Metaverse mang hàm ý là “bên kia vũ trụ hiện hữu”. Và được sử dụng để mô tả khái niệm chia sẻ các không gian được liên kết với một vũ trụ ảo nhận thức.
Ý tưởng về Vũ trụ ảo được Mark được lấy từ cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Snow Crash” xuất bản năm 1992. Nhà văn Neal Stephenson, người đầu tiên tạo ra thuật ngữ Metaverse (vũ trụ ảo) khi ông mô tả một môi trường kỹ thuật số nơi con người hiện hữu thông qua avatar đại diện, giúp họ di chuyển từ thế giới thực sang ảo nhiều đến mức không còn lằn ranh phân cách giữa hai thế giới này.
Sự phát triển của Internet và Smartphone đã tạo nên một thế giới phẳng với những màn ảnh 2D. Metaverse chính là đích đến tiếp theo – nơi biến mọi thứ 2D thành 3D. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa Facebook và Meta là người dùng sẽ không chỉ NHÌN (như cách chúng ta vẫn tương tác trong các ứng dụng) mà còn CẢM NHẬN, CHIA SẺ không gian, cảm giác trong Metaverse.
Đó là một không gian cho phát minh và sáng chế, cả về mặt công nghệ và xã hội, ở đó các doanh nghiệp, doanh nhân, những người bình thường, thậm chí cả tội phạm có thể tới đó để vui chơi, kiếm tiền, tìm kiếm bạn bè và làm tất cả những gì con người có thể tưởng tượng ra hoặc không thể tưởng tượng ra, tóm lại là thoát khỏi cuộc sống thực của họ. Stephenson cũng mô tả một nền văn hóa phụ của những người chọn duy trì kết nối liên tục với Metaverse bằng cách đeo các thiết bị đầu cuối di động, kính bảo hộ, và các thiết bị khác.
Để hình dung về những gì Mark sắp làm với Meta, tức là với chính chúng ta, thì những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Neal Stephenson chính là chìa khóa. Không phải là một nhà văn tầm thường với những viễn tưởng mộng mơ, Stephenson có tầm ảnh hưởng lớn đến các đại gia công nghệ. Điều kỳ lạ là, hầu hết những gì Stephenson viết đã trở thành hiện thực trong thế giới kỹ thuật số chúng ta sống ngày nay.
Nhà tiên tri công nghệ
Snow Crash xuất hiện trên tạp chí Time trong danh sách 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất mọi thời đại, đưa Stephenson trở thành một nhà văn khoa học viễn tưởng lớn của thập niên 1990. Nhiều kỹ sư, doanh nhân, và chuyên gia máy tính ở Thung lũng Silicon, bao gồm cả Jeff Bezos, Mark Zuckerberg đều xem Snow Crash là tác phẩm tiên tri cho cảnh quan công nghệ ngày nay.
Không chỉ Snow Crash, Stephenson là tác giả của một số tiểu thuyết khoa học được yêu thích nhất trong 30 năm qua. Ông ấy là nguồn cảm hứng cho những người phát minh ra Internet và iPad. Ông là một trong những nhân viên đầu tiên tại Blue Origin, công ty tư nhân về hàng không vũ trụ do Jeff Bezos thành lập. Stephenson đã làm việc với Long Now Foundation để phát triển các ý tưởng khoa học viễn tưởng mà sau này sẽ được ứng dụng vào các đổi mới công nghệ thực tế.
Trong gần ba thập niên, tiểu thuyết của Stephenson đã phản ánh một niềm đam mê đầy ám ảnh với tiền kỹ thuật số, kiến trúc xã hội, và công nghệ của một thế giới ‘hậu chính phủ’ và văn hóa Á Châu. Cuốn sách mới của ông, Fall và Dodge in Hell, theo đuổi những chủ đề thật sự vượt ra ngoài hiện thực đưa ra góc nhìn về tương lai kỹ thuật số, và hơn thế nữa.
Vào năm 1995, hơn một thập niên trước khi Bitcoin ra đời, Stephenson đã xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ tư của ông, “The Diamond Age: Or, a Young Lady’s Illustrated Primer”. Trong đó, Stephenson đã mô tả các khái niệm cốt lõi của tiền điện tử nhiều năm trước khi Bitcoin xuất hiện. Stephenson còn tưởng tượng ra những công nghệ giống các ứng dụng nhận dạng giọng nói trí tuệ nhân tạo như iPad và Alexa.
Stephenson đã tạo ra một nền văn hóa công nghệ mà chúng ta đang thực sự sống cùng nó, từ iPad và trợ lý AI đến cuộc đua không gian riêng và cuộc cách mạng thực tế ảo. Stephenson không chỉ đơn thuần là một người mơ mộng về tương lai; ông là một nhà tiên tri của hiện tại, một kiến trúc sư ảo về những ý tưởng tạo lập nên thế giới.
Ý tưởng của Stephenson là internet sẽ là một nơi, một không gian ảo nơi mọi người có thể gặp gỡ và làm bất kỳ điều gì. Internet không chỉ là một công nghệ để cung cấp và tổ chức thông tin; đó là một thế giới hoàn toàn mới tồn tại song song và đi trước thế giới này.
Một trong những tính năng nổi bật nhất của nơi này là nó sẽ cho phép người dùng đổi mới chính mình, trở nên tốt hơn, mạnh mẽ hơn, lạ lẫm hơn bạn trong đời thực. Công dân của Metaverse mang thiết kế của avatar kỹ thuật số trong đó có các nhân vật phong cách mà họ điều khiển.
Điều mà Stephenson đã hiểu trước hầu hết mọi người là: trải nghiệm trực tuyến cho phép sự ẩn danh và thoát khỏi các ràng buộc vật lý, trực tuyến khiến người dùng được tự do làm một người khác với họ trong đời thực.
Đây chính là những gì Mark mô tả về Vũ trụ ảo tương lai!
Không chỉ là công nghệ
Trong vài thập niên kể từ Snow Crash xuất bản, sự tự do, quan điểm về vô chính phủ của Stephenson đã thay đổi thế giới thực, không chỉ trong cách ông dự đoán sự phát triển của Internet và văn hóa trực tuyến, mà còn trong các ứng dụng cụ thể, đặc biệt là liên quan đến thực tế ảo. Năm 2018, Amazon đã phát hành Sumerian, một nền tảng cho sự phát triển của phần mềm AR (Augmented Reality) và VR (Virtual Reality), mà tên của nó được lấy cảm hứng từ Snow Crash.
Metaverse – phát minh của Stephenson không chỉ là một công nghệ, ẩn chứa tiềm năng vô hạn tạo ra một nền văn minh mới. Ông không chỉ xem xét công nghệ sẽ phát triển như thế nào, mà là xã hội sẽ biến đổi như thế nào.
Tác phẩm mới nhất của Stephenson, Fall, diễn ra trong một tương lai tràn ngập thông tin nơi tin tức và mạng xã hội – đã trở nên hỗn loạn một cách khó tin.
Nó bắt đầu bằng một cuộc thám hiểm khoa học giả tưởng về việc kéo dài sự sống thông qua bộ não số hóa, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu tới một nước Mỹ bị phá hủy bởi AR và mạng xã hội, đặt ra vấn đề về quyền riêng tư của một xã hội kết nối vĩnh viễn, cần phải tạm dừng để xem lại vấn đề đạo đức, và kỹ thuật của một thế giới trong đó ý thức của con người có thể được tái lập bằng kỹ thuật số.
Stephenson không đi theo chủ nghĩa lý tưởng. Tiểu thuyết của ông chứa đầy âm mưu, tội phạm, xâm phạm doanh nghiệp, những kẻ lừa đảo, kẻ lập dị, quan chức và chính trị gia.
Stephenson giải thích cách thức một con người đã được biến đổi gene có thể sống sót, tạo ra các chuỗi tiến hóa mới của loài người và nền văn hóa mới của loài người.
Trong Snow Cash, Stephenson còn chỉ ra viễn cảnh những tập đoàn lớn sẽ thống trị nước Mỹ trong tương lai. Và 30 năm sau, các tập đoàn đã đang thực sự hiện thực hóa cơn ác mộng mà Stephenson đã tiên đoán.
Sau tất cả, Stephenson không chỉ kiên định về cách thức mà công nghệ có thể phát triển, mà còn cả với cả sự thay đổi văn hóa, từ tin tức và mạng xã hội và cấu trúc xã hội ở “thế giới bên kia”. Các tác phẩm của Stephenson không chỉ là tiên tri về công nghệ tương lai; nó còn là một thí nghiệm khoa học viễn tưởng về sự phát triển của văn hóa loài người.
Với META, Mark Zuckerberg hiện thực hóa những gì Stephenson tiên tri về Vũ trụ ảo tương lai. Liệu đó sẽ là thiên đường kỹ thuật số hay thảm họa?
Đan Thư