Vũ công Victor Li – chàng trai lịch thiệp, một trí giả tự tại
Đây là lần thứ năm anh Victor Li tham gia Cuộc thi Quốc tế về Múa Cổ điển Trung Hoa của đài truyền hình NTD. Đa số các vũ công cổ điển Trung Hoa xuất sắc nhất đều nhìn nhận rằng đây là sự kiện có tính bước ngoặt quan trọng, một cuộc thi được chủ trì bởi nhiều nghệ sĩ cùng chung mục đích, đưa loại hình nghệ thuật có lịch sử 5,000 năm in dấu trên bản đồ toàn thế giới.
“Tôi không nghĩ rằng mình lại tham gia,” anh Li, một vũ công của Đoàn nghệ thuật Shen Yun (Thần Vận) nổi tiếng chia sẻ. Suy cho cùng thì anh đã là thành viên của vũ đoàn cổ điển Trung Hoa hàng đầu thế giới, và cuộc thi chủ yếu là cơ hội để anh đối diện với chính bản thân mình.
Mục đích chân chính
Anh Li sinh ra ở Thái Lan và lớn lên tại Canada, vậy nên không có nhiều cơ hội tiếp xúc với múa cổ điển cũng như văn hóa truyền thống Trung Hoa. Nhưng anh trai của anh Li đã theo đuổi sự nghiệp múa cổ điển Trung Hoa, và đã gia nhập đoàn nghệ thuật Shen Yun có trụ sở tại New York. Anh Li thường đến Mỹ thăm anh trai; qua những chuyến đi đó, anh bị cuốn hút bởi những động tác nhào lộn đầy mê hoặc và những câu chuyện gây ấn tượng sâu sắc từ các tác phẩm kinh điển của Trung Hoa như “Tây Du Ký” và “Tam Quốc Diễn Nghĩa”.
Chậm rãi nhưng chắc chắn, anh Li dần đắm mình trong những câu chuyện đó, và theo chân anh trai trở thành một vũ công.
“Tôi đã không hình dung được mình sẽ mệt mỏi như thế nào,” anh cười nói. Trước khi thử sức ở trường múa, anh chưa bao giờ tham gia hoạt động thể chất đặc biệt nào, anh Li chia sẻ thêm. Thoạt đầu, nguồn năng lượng cần thiết cho hoạt động hàng ngày của một vũ công (với các vũ điệu, các động tác rướn, và nhiều điệu nhảy) dường như vượt quá sức của anh. Tuy nhiên, các đồng nghiệp vũ công chuyên nghiệp của anh trai anh đã thể hiện thật dễ dàng.
Dần dần theo thời gian, sự nỗ lực và khổ luyện đã giúp anh Li bắt kịp. Các chuyển động trở nên tự nhiên hơn khi sức mạnh và sức bền bỉ gia tăng, và anh sớm hiểu được rằng khiêu vũ không đơn thuần chỉ là về thể chất.
“Lần đầu tiên tham gia cuộc thi, tôi thậm chí còn không vượt qua được vòng sơ tuyển của trường,” anh Li chia sẻ. Thời điểm đó, anh đang học tại Học viện Nghệ thuật Fei Tian (Phi Thiên), trường đào tạo các nghệ sĩ biểu diễn Shen Yun. Khi ấy anh tham gia cuộc thi đơn giản vì đa số các sinh viên đều làm vậy. Anh đã không nghĩ nhiều khi đưa ra quyết định.
Nhưng khi thất bại – “Tôi gần như khóc, tôi chạy ra khỏi rạp hát, thực sự thất vọng,” anh Li nhớ lại.
Thầy giảng dạy của anh đã ngăn anh lại ở hành lang, và chia sẻ những lời khuyên chân thành: “Thất bại là một phần của hành trình, và mọi nghệ sĩ đều phải đối diện với nó.”
Đó là lần đầu tiên anh Li đối diện và tìm ra lý do thất bại của mình. “Tôi đã bắt chước anh trai mình – sao chép toàn bộ,” anh chia sẻ. Anh Li đã nhảy múa giống như anh trai mình, và thậm chí còn chọn nhân vật và kịch bản dự thi tương tự như tác phẩm mà người anh trai đã sử dụng năm trước. Anh Li đã không thực sự suy nghĩ nghiêm túc về mục đích theo đuổi nghệ thuật của bản thân, chưa kết nối những khổ luyện với mục tiêu này. Anh đã cho rằng mình vẫn có thể làm tốt qua các động tác, chứ anh chưa thực sự dành trọn tâm trí của mình cho nó.
Sau lần đó, anh Li có sự chuyển biến lớn. Anh đã cố gắng rất nhiều để học múa cổ điển Trung Hoa và có thể tham gia Shen Yun. Anh luyện tập không chỉ để múa và biểu diễn, mà còn đảm nhận sứ mệnh của Shen Yun “Hồi sinh nền văn minh 5,000 năm của Trung Hoa”, anh chia sẻ. “Văn hóa Trung Hoa đã cải biến con người tôi rất nhiều, nhiều đến nỗi tôi muốn quảng bá điều tốt đẹp ấy, muốn lan tỏa thiện lành đến những người khác.”
Bậc trí giả tự tại
Sự chuyển biến xuất thần của bản thân không biến anh Li thành một vũ công hàng đầu trong một sớm một chiều.
“Lần thứ hai tham gia cuộc thi, tôi đã bị loại ở vòng sơ khảo,” anh Li nói. Nhưng trong lần thi thứ ba, anh đã giành được giải Đồng, và ở lần thứ tư là giải Bạc. Năm nay, bất kể kết quả thế nào đi nữa sẽ là lần cuối anh tham gia. “Tôi không đặt mục tiêu kiếm giải Vàng hay bất cứ thứ gì; tôi chỉ muốn làm tốt hơn lần trước.”
Sau khi ngừng bắt chước anh trai mình, một trong những thay đổi mà anh Li đã thực hiện là đảm nhận các nhân vật là bậc trí giả. Vì các vũ công phải lựa chọn một vũ đạo để biểu diễn trong cuộc thi, một số chọn mô tả những câu chuyện hoặc nhân vật nổi tiếng, một số khác lại chuyển thể kịch bản do chính họ sáng tác. Anh Li giải thích rằng, nhân vật mà các vũ công nam chọn để diễn tả trong múa cổ điển Trung Hoa phần nhiều thuộc hai loại, võ sĩ hoặc trí giả. Các trí giả là những bậc quân tử hiện thân của các nguyên tắc Nho Giáo. Sự tò mò vô tư và mong muốn theo đuổi trí huệ từ những trí giả này đã lôi cuốn anh Li, và anh đã chọn một nhân vật như vậy cho tác phẩm dự thi năm nay của mình.
“Đó là một câu chuyện tu luyện thú vị,” anh Li giải thích. Nhân vật anh thể hiện là một cung thủ mới nhập môn – bản thân anh Li cũng có sở thích bắn cung – và chàng trai ấy háo hức thử cây cung mới của mình mặc dù kỹ năng còn nhiều hạn chế. Một vị đạo sĩ đi ngang qua quan sát chàng trai; sau đó ông mượn cây cung của chàng rồi nâng cung bắn; kỹ năng vô cùng xuất chúng, và chàng cung thủ đã thỉnh cầu vị đạo sĩ nhận mình làm đệ tử.
“Tôi đã đọc một câu chuyện trước đây có tên là ‘Jichuan Học Bắn Cung’. Câu chuyện đó khiến tôi nhận ra rằng có một nhận thức khác về cách chúng ta tu luyện,” anh Li chia sẻ. “Tích cổ này đã dạy tôi rằng nếu bạn cải biến khía cạnh tinh thần, cải biến tâm trí của bạn, rất nhiều thứ khác cũng chuyển biến theo.”
Trong câu chuyện mà anh Li sáng tác, vị đạo sĩ rốt cuộc cũng đồng ý nhận chàng cung thủ làm đồ đệ, nhưng trước tiên ông dạy chàng thiền định, rồi sau mới truyền thụ cung thuật – điều đó tạo nên sự khác biệt cực lớn. Khả năng tập trung và khả năng nhìn sự vật theo một cách khác giúp chàng cung thủ mới nhập môn tiến bộ nhanh hơn rất nhiều so với việc cả ngày chỉ tập bắn cung. Anh Li chia sẻ rằng hành trình của bản thân anh trong vũ đạo cũng có những điểm tương đồng – tâm trí quyết định hết thảy.
“Nếu tôi có chính niệm, nếu tôi tích cực, điều đó thực sự ảnh hưởng đến thể chất của bản thân tôi,” anh Li chia sẻ. Các vũ công có một lịch trình đòi hỏi khắt khe về thể lực, và nếu tất cả những gì bạn nghĩ đến là sự mệt mỏi, bạn sẽ không cảm thấy gì khác ngoài sự mệt mỏi thường trực trong đầu. Ngược lại, khi bắt đầu một ngày với thái độ tích cực, bạn sẽ cải biến không chỉ bản thân mà cả môi trường chung quanh, dù cho đó là môi trường trong lớp học hay trên sân khấu.
Trên sân khấu, điều khiến anh Li nghĩ đến đầu tiên và đặt tâm nhất là việc đem đến cho khán giả một điều gì đó vừa mang tính giải trí vừa có thể truyền tải thông điệp tốt đẹp. Múa cổ điển Trung Hoa nổi tiếng về tính biểu cảm, tập trung nhiều vào nội tâm của người nghệ sĩ, và biến cảm xúc đó thành những chuyển động. Các vũ công Shen Yun đặc biệt thành thạo trong việc này, bởi họ đã thực hành ý tưởng lấy thân dẫn động tay, lấy hông dẫn động chân, do đó mọi động tác đều bắt nguồn từ trọng tâm của cơ thể. Với phương pháp này, chuyển động của họ đẹp hơn, rõ ràng hơn và biểu cảm hơn trên sân khấu. Những gì anh Li tìm cách thể hiện là một sự thăng hoa toàn diện, và đó có thể là một lý do khiến anh đặc biệt yêu thích những nhân vật trí giả này. “Tôi cố gắng thể hiện sự hòa ái xuất phát tự nội tâm; đó là hình mẫu lý tưởng của tôi về các bậc trí giả Trung Hoa,” anh Li bày tỏ.
“Tôi nghĩ tôi bắt đầu yêu thích vũ đạo sau khi được biểu diễn trên sân khấu,” anh Li chia sẻ. Nếu không có khán giả, thì mọi thứ chỉ đơn thuần là tập luyện và diễn tập. “Trên sân khấu, trước hàng nghìn khán giả, tôi tự nhủ: ‘Chà, mình thực sự đang làm điều gì đó có thể giúp ích và lan tỏa đến khán giả.‘ Khi đó, bạn cảm thụ được rằng mình đang nhảy múa và đang làm một điều gì đó thiện lương, thì điều đó thật sự sẽ tác động đến toàn thế giới.”