Vì sao văn học lại quan trọng cho một nền giáo dục tốt
Walker Larson
Bạn hãy tưởng tượng lái một chiếc phi cơ mà không có bất kỳ bài thực hành nào, không có bài kiểm tra, không có mô phỏng, không có người hướng dẫn, và cũng không chuẩn bị gì. Chỉ có một mình bạn trong buồng lái giữa đám mây mù và tầm nhìn thì hạn chế. Rất có thể bạn sẽ gặp tai nạn. Để lái phi cơ một cách thành công, bạn cần thực hành các bước động tác nhiều lần, và bạn cần học hỏi từ phi công nhiều kinh nghiệm trước khi bạn tự mình lái lên bầu trời.
Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta muốn có một cuộc sống tốt đẹp, và đó là mục tiêu cuối cùng của giáo dục. Theo nghĩa chân thực nhất, chúng ta cần thực hành và trải qua thực tế nếu chúng ta muốn thành công trong cuộc sống. Rất ít người trong chúng ta có thể thực hiện bất kỳ hành động nào một cách chuyên nghiệp mà không thực hành, và điều đó cũng đúng với việc sống sao cho tốt.
Thể nghiệm cuộc sống qua văn học
Nhưng chúng ta có thể tìm thấy cơ hội “thực hành” cho cuộc sống ở đâu? Làm thế nào trẻ em và người trẻ tuổi có được kinh nghiệm sống khi các em vẫn còn, theo định nghĩa, thiếu kinh nghiệm? Câu trả lời là thông qua văn học chân chính. Thông qua văn học, theo một cách nào đó, bạn có thể có kinh nghiệm về nhiều cuộc đời – những kinh nghiệm hàng thế kỳ của những bộ óc vĩ đại nhất trong nền văn minh này, được truyền lại cho chúng ta thông qua các tác phẩm văn học cổ điển. Nếu giáo dục là để tạo ra những người hạnh phúc và đức hạnh, những người có trí tuệ và sức mạnh để sống tốt, thì văn học có vai trò tối quan trọng.
Hai triết gia nổi tiếng Plato và Aristotle đã nói tất cả nghệ thuật là sự bắt chước. Họa sĩ bắt chước phong cảnh. Nhà điêu khắc bắt chước hình dạng con người. Nhà văn hư cấu bắt chước cuộc sống, và những cuốn tiểu thuyết hay nhất hàm chứa chất liệu của cuộc sống với tất cả sự phức tạp, gian khó, và ánh hào quang của nó. Những nhà văn vĩ đại nhất – những vĩ nhân của nền văn học nhân loại, như: Homer, Dante, Shakespeare, Austen, Dickens và Dostoevsky – là những người có trí tuệ và kinh nghiệm sâu sắc và am hiểu tường tận về bản chất con người, với những đỉnh núi lấp lánh và chiều sâu bóng tối, những người truyền tải trí tuệ thông qua giải trí và phản ánh cuộc sống.
Khi bạn đọc một tác phẩm kinh điển thực sự, bạn tiến vào suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật. Bạn thoát ra khỏi bản thân mình. Và, có lẽ quan trọng nhất, bạn thấy được hậu quả các quyết định của nhân vật đó, cả tốt và xấu, đang diễn ra rõ ràng trước mắt bạn. Do đó, đối với trẻ em, đây có thể là một kiểu thử nghiệm cho các quyết định mà các em sẽ phải đưa ra trong cuộc đời. Được hướng dẫn bởi các hoa tiêu văn học tài giỏi của các thời đại, độc giả trẻ học hỏi được từ cả những sai lầm và chiến thắng của các nhân vật, để họ không phải học những bài học tương tự một cách khó khăn – từ kinh nghiệm xương máu khó tha thứ của bản thân. Văn học đem đến kinh nghiệm cuộc sống mà không có cái giá của sự đau đớn.
Văn học rèn luyện cảm xúc
Mặc dù phần lớn giáo dục (chân chính) tập trung vào việc rèn luyện trí tuệ, nhưng văn học bổ sung khía cạnh thường bị bỏ quên của việc rèn luyện cảm xúc – nghĩa là hình thành trong học sinh thói quen bày tỏ cảm xúc phù hợp với những gì họ gặp phải trong cuộc đời này, những phản ứng phù hợp với lý do chính đáng. Như tiểu thuyết gia C.S. Lewis nói trong tác phẩm “Sự bãi bỏ nhân loại” (The Abolition of Man) của ông rằng:
“Cho đến thời khá hiện đại này, tất cả các giáo viên và thậm chí tất cả mọi người đều tin rằng vũ trụ là thứ mà một số phản ứng cảm xúc nhất định từ phía chúng ta có thể là phù hợp hoặc không phù hợp với nó – tin rằng, trên thực tế, các đối tượng không chỉ đơn thuần nhận được, mà có thể xứng đáng, sự chấp thuận hay không chấp thuận của chúng ta, sự tôn kính của chúng ta, hoặc sự khinh miệt của chúng ta.”
Tác giả Lewis tiếp tục than thở về sự trỗi dậy của cái mà ông gọi là “những người đàn ông không có ngực” – những người mà cảm xúc của họ chưa phù hợp với lý trí để phản ứng với thế giới một cách lành mạnh.
Chúng ta cần “những người đàn ông có cơ bắp ngực” hơn bao giờ hết – không phải những người đa cảm, những người tìm kiếm cảm xúc vì cảm xúc, mà là những người có trái tim cao quý và được thăng hoa nhờ tiếp xúc với những tầm nhìn về vẻ đẹp và sự thật sâu sắc, được lưu giữ trong các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Chúng ta cần những người phản ứng theo bản năng đối với điều ác bằng cách phản đối nó và đối với điều thiện bằng cách khao khát nó.
Trong tác phẩm “Politics” (Chính trị luận), khi bàn về một nền giáo dục lý tưởng, triết gia Aristote nói, “Đức hạnh gồm có niềm hân hoan, yêu, ghét đúng cách và đúng chỗ, cho nên, không có gì đáng cho ta quan tâm hơn là tích lũy, rèn luyện được khả năng phán đoán đúng đắn, cũng như cảm nhận được sự hân hoan trong những hành động tao nhã và tâm hồn cao thượng.”
Aristotle giải thích rằng việc trau dồi “sự hân hoan trong những hành động cao nhã và tâm hồn cao thượng” có thể đạt được thông qua âm nhạc. Ông chỉ ra rằng một số loại âm nhạc nhất định có thể rèn luyện cảm xúc của chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy can đảm, tràn đầy hy vọng, v.v., và “thói quen về cảm giác hài lòng hay đau khổ khi nhìn ngắm những biểu tượng không khác gì với cảm xúc khi nhìn ngắm thực tế.”
Khoa học hiện đại xác nhận tuyên bố của Aristotle rằng nghệ thuật – bao gồm âm nhạc hoặc văn học – có thể hình thành cảm xúc để khỏe mạnh. Khoa học đã cho thấy rằng đọc tiểu thuyết văn học thực sự cải thiện sự đồng cảm trong mỗi con người. Như vậy, văn học luôn giúp chúng ta biết được cảm giác như thế nào khi đặt bản thân vào vị trí của người khác.
Niềm đam mê văn học
Văn học thu hút trọn vẹn chúng ta, từ tâm trí, cảm xúc, trí tưởng tượng, trí nhớ, và các giác quan. Như nhà thơ William Wordsworth nói về sức mạnh của thơ ca, “đối tượng của thơ ca là sự thật sống động… đi vào trái tim bởi niềm đam mê.”
Vì gắn kết rất nhiều khả năng của con người cùng một lúc, văn thơ có sức mạnh trong việc dạy con người lẽ phải theo cách mà không thứ gì khác có thể làm được. Văn thơ là một cách giúp con người hiểu thế nào là trung thực về phương diện lý thuyết. Văn thơ cũng là một cách giúp con người nhìn nhận ra điều đó, sống cùng với nó theo theo một cách nào đó, như nhân vật Penelope trong sử thi “Odyssey”. Văn học cũng có thể giúp giáo dục con người rằng là sát nhân là sai trái và chủ nghĩa hư vô dẫn đến tuyệt vọng. Thông qua văn học, con người cũng thể nghiệm được những hậu quả sâu sắc và giằng co về tâm lý, đạo đức, gia đình, và pháp lý của các nhân vật trong các tác phẩm, chẳng hạn như Raskolnikov trong tiểu thuyết “Tội ác và sự trừng phạt”.
Văn học là sự thật được thể hiện, sự thật được làm sống động, và sự thật được khắc sâu trong tâm. Đó chẳng phải là những gì chúng ta mong muốn có được trong giáo dục con cái – sự thật sẽ không chỉ là dữ kiện các em ghi nhớ, đó còn là thực tiễn mà các em trải qua một cách sống động và có ý nghĩa? Liệu có một hình thức giáo dục nào tốt hơn hình thức này không?
Văn học chân chính còn hơn cả vậy. Thông qua việc mô phỏng hiện thực đầy nghệ thuật, văn học thu hút sự quan tâm của độc giả đến những điều dễ bị bỏ sót, những điều độc giả cho rằng đã biết, phản ánh những điều đó theo cách mới lạ, và hé mở vẻ đẹp của sự dung dị. Thật vậy, một tác phẩm văn học lớn giúp độc giả mở rộng tầm mắt để nhìn thấy những điều vĩ đại, cũng như giúp ta nghe được những âm thanh vang vọng vô tận thông qua cuộc sống “bình thường” – qua đó với sự nhanh nhạy của cảm xúc, độc giả nhận ra rằng những điều đó không tầm thường chút nào, thay vào đó là điều rất đẹp, bí ẩn, và huyền diệu.