Úc: Pin Lithium-Ion gây ra 12,000 vụ cháy mỗi năm tại các cơ sở xử lý chất thải
Crystal-Rose Jones
Các cơ sở tái chế và xử lý chất thải của Úc đang phải đối mặt lên đến 12,000 vụ cháy liên quan đến pin hàng năm, vốn khiến các doanh nghiệp thiệt hại trung bình thêm 400,000 USD (266,726 USD).
Những số liệu thống kê đáng báo động này đã thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế và xử lý chất thải kêu gọi giải quyết vấn đề này tại cuộc họp của các cấp lãnh đạo về Môi trường hôm 21/06.
Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Môi trường liên bang Tanya Plibersek và những bộ trưởng cấp tiểu bang, với mục tiêu giải quyết những lo ngại ngày càng tăng xung quanh pin lithium-ion.
Với việc tích hợp pin lithium-ion rộng rãi trong nhiều mặt hàng, từ điện thoại thông minh và đồng hồ đến máy điện toán xách tay, xe scooter điện, và các loại xe điện, loại pin này đã được quảng cáo là một phần không thể thiếu trong tiến trình chuyển đổi sang một tương lai với mức phát thải ròng bằng không (net-zero) của Úc.
Kết quả khảo sát
Theo cuộc khảo sát vào tháng Sáu của ngành công nghiệp tái chế và xử lý chất thải, chỉ trong năm qua các loại pin lithium-ion bị bỏ đi đã gây ra 3,115 vụ cháy – trung bình mỗi cơ sở [thu gom và xử lý chất thải] đã xảy ra 5.5 vụ cháy.
Cuộc khảo sát được thực hiện tại 576 cơ sở thu gom, xử lý chất thải và tái chế tài nguyên, chiếm khoảng một phần tư tổng số các cơ sở tương tự tại Úc.
Điều này chỉ ra rằng số vụ cháy nói trên cũng chiếm khoảng ¼ tổng số vụ cháy mỗi năm liên quan đến pin trong lĩnh vực này.
“Nói cách khác, ước tính có khoảng 12,000 vụ cháy mỗi năm,” cuộc khảo sát cho biết.
Báo cáo khảo sát ước tính rằng những vụ cháy này đã làm phát sinh thêm chi phí trung bình trên 400,000 USD mỗi năm cho mỗi doanh nghiệp. Chi phí về vấn đề thiệt hại, xây dựng lại, và thay thế là cao nhất (khoảng 174,000 USD), tiếp theo là chi phí bảo hiểm (114,000 USD) và chi phí dọn dẹp (95,000 USD).
Các khoản phí bảo hiểm cũng tăng vọt theo sau các vụ cháy pin, khi các tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp này nói rằng việc bảo hiểm cho xe tải và các nhà máy xử lý chất thải “ngày càng trở nên bất khả thi.”
Hội đồng Tái chế Úc (ACOR) và Hiệp hội Nhà thầu và Các Đơn vị Tái chế Chất thải, cơ quan ủy quyền của cuộc khảo sát này, cho biết: “Cuộc khủng hoảng này đe dọa hoạt động của chúng tôi và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc đưa ra các biện pháp trên toàn chuỗi cung ứng và trợ giúp cho ngành này.”
“Không có phương án ‘xử lý an toàn’ nào có thể được thực hiện một cách toàn diện đối với nhiều mặt hàng có pin rời và pin gắn trong.
“Với hơn 10,000 vụ cháy mỗi năm trên khắp các hệ thống tái chế và xử lý rác thải của Úc, các ngành của chúng tôi không thể chờ đợi được nữa.”
Ngành công nghiệp ‘đang chứng kiến các vụ cháy mỗi ngày’
Mối lo ngại này cũng được bà Gayle Sloan, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Tái chế Tài nguyên và Quản lý Chất thải Úc (WMRR), đưa ra.
Bà mô tả tình hình hiện nay là một cuộc khủng hoảng, lưu ý rằng ngành công nghiệp này đang “chứng kiến các vụ cháy mỗi ngày” ở các loại xe chở rác và cơ sở thu gom chất thải của họ, đặt công nhân và cơ sở hạ tầng vào nguy hiểm.
Trong khi thừa nhận rằng chiến lược quốc gia của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề thiết kế pin cho đến vấn đề cuối vòng đời của pin là cần có thời gian, bà Sloan nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp tại các điểm thu gom ở tất cả các tiểu bang.
Bà Sloan cho biết trong tuyên bố hôm 20/06: “Các bộ trưởng môi trường của quốc gia phải hành động ngay lập tức để cung cấp giải pháp xử lý an toàn cho tất cả các loại pin.”
“Thực tế là tất cả các vật dụng có pin phải có một quy trình riêng biệt về xử lý an toàn để đưa những vật dụng có pin này ra khỏi thùng rác ven đường, xe vận tải, và các cơ sở không được thiết kế để thu gom các thiết bị có khả năng gây cháy này.”
Bà Sloan cho biết các bộ trưởng cần cung cấp nguồn tài chính cần thiết để bảo đảm việc thu gom an toàn đối với các loại pin.
Bà nói, “Ngành công nghiệp của chúng ta đang tiến nhanh đến thời điểm mà chúng ta không thể bảo đảm cho xe vận tải và cơ sở vật chất của mình, điều đó có nghĩa là các dịch vụ cho cộng đồng sẽ bị đe dọa – và đây là điều mà chúng ta không thể xem nhẹ.”
“Vấn đề không phải là có tiền tài trợ hay không, mà là vấn đề có muốn làm hay không, vì nếu chỉ tính riêng thuế rác thải thôi, thì ngành công nghiệp WARR đã đóng góp hơn 2 tỷ AUD (1.3 tỷ USD) hàng năm cho chính phủ các tiểu bang.
“Điều chúng tôi muốn biết từ các bộ trưởng là tại sao những nhân viên không thể thiếu đó của chúng ta không có quyền được hưởng sự an toàn tại nơi làm việc?”
Bà Sloan cho biết việc giáo dục cộng đồng xung quanh về sự nguy hiểm của pin cũng cần được nhanh chóng giải quyết.
Nguy cơ bị bỏng, phơi nhiễm hóa chất, và tử vong
Khi pin lithium-ion bắt lửa, nhiều loại khí độc hại sẽ được phóng thích, trong đó gồm cả hydro florua có độc tính cao.
Ngộ độc khí hydro florua sẽ làm phá hủy mô da và xương, điều này có thể dẫn đến tình trạng thương tật vĩnh viễn và thậm chí là tử vong.
Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) đã cảnh báo về sự nguy hiểm của pin lithium-ion, và cho rằng nguy cơ gây thương tích thì hiếm gặp nhưng có thể nguy hại đến tính mạng.
Phó Chủ tịch ACCC Catriona Lowe cho biết trong tuyên bố hồi tháng 10/2023, “Chúng tôi lo ngại khi ngày càng có nhiều báo cáo về các vụ cháy pin lithium-ion dẫn đến thiệt hại tài sản và thương tích nghiêm trọng, trong đó có bỏng, phơi nhiễm hóa chất, và hít phải khói.”
Theo ACCC, cho đến nay đã có một người Úc thiệt mạng do cháy pin lithium-ion, trong khi tổ chức chính phủ này đã nhận được 231 báo cáo về an toàn sản phẩm trong 5 năm tính đến năm 2023.
ACCC cho biết loại pin này là “không thể thiếu” để Úc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không nhưng lưu ý rằng việc quản lý là một vấn đề phức tạp.
Những hành động đơn giản như sử dụng lẫn lộn và kết hợp các bộ sạc, để thiết bị sạc quá lâu hoặc để pin gần các vật dụng dễ cháy như đồ nội thất mềm đều có thể làm tăng nguy cơ cháy nổ.
Việc tái chế không đúng cách khiến quốc gia này tốn từ 600 triệu đến 3.1 tỷ AUD mỗi năm do không tận dụng được những vật liệu có giá trị có thể thu hồi từ những sản phẩm bị vứt bỏ đúng cách.
Cuộc khảo sát vào năm 2023 cho thấy gần 40% người Úc không biết làm sao để tiêu hủy đúng cách các loại pin lithium.
Khối lượng pin lithium dự kiến sẽ tăng từ 32,000 tấn lên hơn 100,000 tấn trong thập niên tới do sự phát triển của xe điện và các thiết bị chạy bằng pin khác sắp hết tuổi thọ.