Tuyên truyền cổ động của Trung Cộng
Phần 1/3: Trung Cộng bắt tay với truyền thông thiên tả của Hoa Kỳ trong chiến dịch tuyên truyền toàn cầu của mình
Để thu phục nhân tâm trong và ngoài nước, Trung Cộng tận dụng rất nhiều công cụ tuyên truyền khác nhau như kênh thông tấn nhà nước, hãng truyền thông thông đồng ở ngoại quốc, văn hóa tự phê phán ở Hoa Kỳ, cũng như tự kiểm duyệt ở ngoại quốc.
Thông qua các công cụ được thúc đẩy bởi các hãng truyền thông xã hội này, Trung Cộng có thể lợi dụng những thiếu sót thực tế hoặc trong tưởng tượng của các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, để thuyết phục người dân Mỹ cũng như các công dân Trung Quốc tin rằng, nền dân chủ phương Tây đang “thất bại” và hệ thống chế độ của Trung Cộng mới là ưu việt.
Mục tiêu tuyên truyền của Trung Cộng là rao giảng về những lợi ích của hệ thống Trung Cộng này, cũng như quan niệm cho rằng sống dưới sự bảo hộ của Trung Cộng là tốt nhất. Người dân Trung Quốc không cần phải khao khát các quyền tự do hay nền dân chủ của phương Tây, vì họ đã được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn so với phần còn lại của thế giới. Những người phương Tây thiên tả đang bị dẫn dắt để tin rằng phương Tây nên học hỏi từ Trung Cộng, áp dụng hệ thống chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc, để đem lại một cuộc sống được cải thiện và bình đẳng hơn cho tất cả công dân của mình.
Trung Cộng duy trì một số kênh thông tin đại chúng ở ngoại quốc, để đóng vai trò như một cơ quan ngôn luận của chính phủ, lặp đi lặp lại những tuyên truyền của Đảng và gây ảnh hưởng đến người phương Tây, cũng như Hoa kiều ở hải ngoại. Một vài trong số này bao gồm Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn cầu và Tinh Đảo Nhật báo (Sing Tao Daily). Ngoại trưởng đương thời Mike Pompeo của Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng, những hãng thông tấn này thuộc quyền sở hữu và kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Cộng, và là một phần của nỗ lực tuyên truyền [của Trung Cộng].
Nhìn chung, các hãng thông tấn nhà nước của Trung Cộng ở hải ngoại đang khai thác những thất bại của các quốc gia dân chủ, đồng thời quảng bá một hình ảnh tích cực của Trung Cộng. Một bài báo của Tân Hoa Xã với nhan đề, “Nền dân chủ Trung Quốc để cho ảo tưởng phương Tây tan thành mây khói”, đã giải thích rằng “nền dân chủ Trung Quốc” ưu việt như thế nào so với nền dân chủ phương Tây. Điều này thật là đáng mỉa mai đối với một quốc gia độc đảng [cho rằng mình] hữu hiệu, nơi mà có rất ít hoặc không có tự do truyền thông, nơi mà công dân không hề bỏ phiếu cho người lãnh đạo của đất nước họ.
Một bài báo khác của Tân Hoa Xã, “Cuộc đàn áp mạnh tay đối với các cuộc biểu tình đã bóc trần tiêu chuẩn kép của Hoa Kỳ về nhân quyền,” trong đó phản đối sự ứng biến của cảnh sát trước cuộc bạo loạn George Floyd. Còn trong khi đó, những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông lại bị bắt vào lúc nửa đêm và các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ thì bị trục xuất khỏi quốc hội. Cùng lúc đó, tại Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ bị đối xử một cách vô nhân đạo nhất, bao gồm cả lao động cưỡng bức, tra tấn, cưỡng bức từ bỏ đức tin, và mổ cướp nội tạng.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu đã đăng một dòng nhan đề như sau, “Trung Quốc thúc giục Taliban trấn áp khủng bố, vì vụ đánh bom gây thương vong tại thủ đô Kabul cho thấy sự thất bại của Hoa Kỳ.” Thời báo Hoàn cầu đã nhanh chóng đưa tin rằng Hoa Kỳ đã thất bại ở Afghanistan, trong khi đó lại tránh đề cập đến thực tế là Trung Cộng đã tổ chức các cuộc hội đàm cao cấp với tổ chức sát nhân Taliban cũng như viện trợ tài chính cho nhiều tổ chức khủng bố, bao gồm cả Ngõa Bang Liên Hợp Quân (UWSA) ở Miến Điện (còn được gọi là Myanmar) và lực lượng theo chủ nghĩa ly khai Naga ở Ấn Độ.
Dòng nhan đề trên Tân Hoa Xã nêu rõ, “Đầu tư của Trung Quốc đem lại hy vọng cho Phi Châu, không phải là một cái bẫy” và “Trung Quốc được ca ngợi vì đã dẫn đầu trong các nỗ lực toàn cầu về giúp đỡ Phi Châu.” Hàm ý ở đây là, việc Trung Cộng can dự vào kinh tế của Phi Châu không chỉ có lợi cho Phi Châu, không hề có bất lợi nào, hơn nữa phần còn lại của thế giới cũng phải ghi nhận và ngợi khen “sự hào phóng” của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế đã gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là Một Vành đai, Một Con đường) là một cái bẫy nợ, khiến các quốc gia mất đi một số quyền tự chủ và quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng của đất nước mình, đồng thời cũng khiến gia tăng nợ vay. Như Sri Lanka chẳng hạn, họ đã mất quyền kiểm soát phi trường và cảng biển lớn nhất của mình. Theo kết quả của việc vay vốn từ BRI, thì tính đến năm 2019, Congo đã nợ Trung Cộng lên đến 38.92% GDP, Djibouti nợ 34.64%, và Angola nợ 18.95%.
Tương tự, một bài báo của Thời báo Hoàn Cầu có nhan đề, “Người Ý bị cách ly ca ngợi cuộc chiến chống COVID-19 của chính quyền Trung Quốc,” mô tả lòng biết ơn của người dân Ý đối với Trung Cộng vì đã cứu đất nước của họ trong trận đại dịch, vốn khởi phát từ Trung Quốc. Trung Cộng đã phong tỏa người dân của chính mình, đình chỉ các quyền dân sự và nhân quyền, phá hoại nền kinh tế quốc gia, cũng như làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Ngoài ra, nhiều nhà quan sát tin rằng nguồn gốc của đại dịch này rất có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Do đó, đây là một ví dụ nữa cho thấy Trung Cộng khởi tạo ra một vấn đề – ngược đãi chính người dân của mình và sau đó trên trường quốc tế lại nhận công trạng về mình như một “vị cứu tinh.” Trong khi đó, người dân Ý đang tức giận vì Bắc Kinh đã đăng tải các video và bài đăng trên mạng xã hội [với nội dung] “Grazie China” (Cảm tạ Trung Quốc), được cho là lời cảm ơn sự giúp đỡ [người Ý gửi tới] Trung Quốc trong đại dịch này. Các nhà nghiên cứu của Ý đã xác định rằng một số tài khoản này, vốn giả danh là công dân Ý để bày tỏ lòng biết ơn, thực chất là các dư luận viên của Bắc Kinh – đều là dưới bàn tay của đội quân 50 xu hay còn gọi là “ngũ mao đảng” (các công dân Trung Quốc được trả tiền để đăng tải các nội dung do Trung Cộng chỉ thị).
Tinh Đảo Nhật báo (Sing Tao Daily), có trụ sở tại Hồng Kông, là một hãng thông tấn thân Bắc Kinh nhắm vào Hoa kiều ở hải ngoại. Các bài báo của Tinh Đảo tận dụng cơ hội để ủng hộ quan điểm của Trung Cộng, chẳng hạn như bài báo về một cuộc gặp giữa Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken: “Chiến thư của ông Biden gửi đến ông Tập Cận Bình.” Theo bài báo này, ông Dương nói với ông Blinken rằng, “Tôi không nghĩ rằng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều công nhận các giá trị phổ quát mà Hoa Kỳ tán thành hoặc đồng tình rằng quan điểm của Hoa Kỳ có thể đại diện cho dư luận quốc tế.” Mục tiêu của Trung Cộng là thay thế Hoa Kỳ để trở thành nhà lãnh đạo của thế giới. Một phần của việc đạt được mục tiêu này chính là, thúc đẩy quan điểm rằng thế giới mong muốn được Trung Cộng dẫn dắt chứ không phải Hoa Kỳ.
Vào năm 2019, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), nơi đăng tải những bài báo như “Nền Dân chủ của Hoa Kỳ đã Thất bại,” đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ xem là một tổ chức gián điệp ngoại bang.
Hồi tháng 10/2020, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã chỉ định thêm sáu kênh truyền thông khác của Trung Cộng là phái bộ ngoại quốc, bao gồm Yicai Global, Jiefang Daily, Xinmin Evening News, Social Sciences in China Press, Beijing Review, và Economic Daily, nâng tổng số lên 15 kênh truyền thông của Trung Cộng bị buộc phải đăng ký. Với tư cách là các phái bộ ngoại quốc, những tổ chức này được yêu cầu phải công bố danh sách nhân sự cũng như các tài sản sở hữu của họ cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Không như việc kiểm duyệt các hãng thông tấn ngoại quốc tại Trung Quốc, Hoa Kỳ chưa từng và cũng không hạn chế nội dung mà các hãng thông tấn này cũng như các hãng thông tấn ngoại quốc khác có thể xuất bản. Lập trường của Hoa Kỳ là độc giả được quyền tự do đọc những gì họ muốn, nhưng họ cũng có quyền biết rằng những hãng thông tấn này là một phần trong nỗ lực tuyên truyền của Trung Cộng, chứ không phải là hãng thông tấn độc lập hoặc không thiên lệch.
Năm 2021, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã thêm Tinh Đảo Nhật báo vào danh sách các hãng thông tấn của Trung Cộng phải đăng ký như một phái bộ ngoại quốc. Tinh Đảo tự nhận mình là một công ty tư nhân, tuy nhiên cả chủ sở hữu hiện tại và chủ sở hữu cũ của Tinh Đảo Nhật báo đều từng là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cố vấn cao cấp gồm các thành viên trung thành và có liên hệ mật thiết với Trung Cộng.
Phần 2 sẽ thảo luận về việc làm thế nào mà chiến dịch tuyên truyền toàn cầu của Bắc Kinh lại được công dân và các công ty Hoa Kỳ ủng hộ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế.