Tuế Triêu Họa: Tao nhã Tết Trung Hoa
Không khí tràn ngập những âm thanh vui nhộn của tiếng pháo nổ, tiếng cười nói khi hàng triệu gia đình cùng tham gia các lễ hội mừng năm mới. Bắt đầu từ ngày đầu tiên trong âm lịch, Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ được tổ chức rộng rãi nhất ở Á Châu. Ngày Tết truyền thống tượng trưng cho hy vọng và thịnh vượng, xua đuổi ma quỷ và đẩy lùi những điều không may.
Tục đốt pháo là để đuổi tà, trong khi những câu đối Tết, tranh thần hộ mệnh, chữ phúc được các gia đình treo trước cửa là để xua đi tai họa. Già trẻ, lớn nhỏ xúng xính những bộ trang phục mới đẹp nhất, thường là màu đỏ, màu của may mắn, và quây quần bên những người thân yêu để thưởng thức những món ăn ngon.
Trong nhiều truyền thống đón Tết Nguyên Đán của người Trung Hoa thời xưa, có một phong tục ít được biết đến, đó là phong tục thưởng lãm tranh năm mới, còn được biết đến với tên gọi là “Tuế Triêu đồ”. Những bức tranh này có nguồn gốc từ các cung đình của triều đại nhà Tống và do các họa sĩ cung đình vẽ cho giới hoàng tộc thưởng thức. Bởi sự thanh nhã và tính biểu cảm cao, Tuế Triêu đồ đã trở thành một truyền thống được lưu truyền qua các triều đại về sau.
Có hai” loại tranh truyền thống dành cho năm mới. Một loại tranh mô tả khung cảnh đón Tết sôi nổi, tượng trưng cho những gì xấu cũ ra đi, nhường chỗ cho cái mới tốt đẹp. Loại còn lại có phần tương tự như tranh tĩnh vật phương Tây; bình bông, bát đựng trái cây và đồ cổ thường được vẽ với biểu tượng là sự may mắn và thịnh vượng. Những tác phẩm nghệ thuật này đem lại cho chúng ta những hiểu biết về giá trị văn hóa và truyền thống Trung Hoa cổ đại.
Đinh Quán Bằng là một họa sĩ cung đình thời Càn Long. Ông nổi tiếng với những bức họa về các nhân vật trong Phật giáo và Đạo giáo, và thường kết hợp các thủ pháp vẽ phối cảnh phương Tây trong các tác phẩm của mình. Bức tranh của ông có tựa đề “Thái Bình Xuân Thị” (Chợ Xuân Thái Bình) được vẽ vào năm 1742 dưới thời Hoàng đế Càn Long, mô tả cảnh hân hoan của người dân vùng quê vui đón tân niên. Người xem có thể thấy các truyền thống và phong tục khác nhau được thể hiện trong tranh, những người đồng hương cúi rạp người để chào nhau, một người bán pháo hoa, một người đang biểu diễn trống. Bóng đổ được vẽ tỉ mỉ càng làm cho bức tranh có hiệu ứng sống động như thật.
Theo truyền thống, vài thế hệ trong một gia đình cùng chung sống trong “Tứ Hợp Viện”, hay còn gọi là nhà sân trong hay gia trang. Những gia trang này có phòng ốc được bố trí vây quanh sân trung tâm ở cả bốn diện. Vào ngày Tết, khoảng sân của mỗi gia đình đều tưng bừng không khí lễ hội và tràn đầy hạnh phúc. Tác phẩm “Tuế Triêu Hoan Khánh” (mừng năm mới) của Dao Văn Hán được vẽ vào thời nhà Thanh, thể hiện khung cảnh một đại gia đình đang đón mừng Tết Nguyên Đán.
Trong bức tranh, một vài lão nhân ngồi ở tiền sảnh, nhàn nhã trò chuyện và ngắm nhìn bọn trẻ đang chơi đùa. Các em nhỏ tham gia vào nhiều trò chơi đón mừng năm mới khác nhau, đốt pháo, đùa nghịch, chơi các trò chơi, hay nô đùa với các con rối bằng lụa. Tất cả mọi người đều vận những trang phục sáng màu, vốn đã thành lệ trong dịp năm mới.
Họa sĩ đặc biệt chú ý đến từng chi tiết. Hình dáng trẻ nhỏ được vẽ rất sinh động và ngây thơ, nhiều màu sắc và thể hiện sự hân hoan. Hai đứa trẻ đang ngồi xổm trên mặt đất, mỉm cười khi đếm một giỏ pháo đủ màu. Một cậu bé áo đỏ đang cầm hương, cẩn thận đến gần mớ pháo trên mặt đất, trong khi cậu bé áo xanh che tai, e dè nhìn với vẻ phấn khích.
Nhìn chiếc lư đang cháy lửa, có thể biết rằng gia đình vừa làm lễ bái Thần linh. Theo phong tục dân gian Trung Hoa, vào ngày 24 tháng 12 âm lịch, các vị Thần sẽ trở về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng. Vì vậy vào ngày này, người dân tổ chức lễ “tiễn Thần”.
Tấm thảm thêu lụa tuyệt đẹp có tựa đề “Tuế Triêu Hoa Điểu Họa” đời nhà Tống thể hiện cách đón mừng năm mới đầy thanh tao. Trong bức tranh, một đôi bìm bịp và một đôi chim trĩ đang vui đùa giữa những cành hoa mận nở rộ. Các tác phẩm nghệ thuật hoa điểu Trung Hoa truyền thống không chỉ mô tả các đối tượng một cách chân thực nhất, mà còn chất chứa những tâm tư và cảm xúc của người họa sĩ. Những chú chim được vẽ theo cặp thường tượng trưng cho sự kết hợp của âm và dương và sự hòa thuận trong gia đình.
Phong tục Tết cổ truyền Trung Hoa thể hiện niềm tin sâu sắc vào Thần linh và Thiên thượng. Thời Trung Quốc cổ đại con người luôn có thái độ khiêm nhường trong cuộc sống; chẳng hạn nếu mùa màng bội thu, họ sẽ đa tạ ơn phù hộ của các vị Thần và vì con người đã làm việc thiện. Người xưa tin rằng có những vị Thần cai quản cuộc sống con người, và tất cả những vị Thần này đều được sùng bái. Vì vậy, một phần quan trọng của nghi lễ đầu năm mới là bày tỏ lòng thành kính và biết ơn các vị Thần đã bảo hộ cho con người.
Bài viết này được đăng lại với sự cho phép của Elite Lifestyle Magazine.