Từ nam châm đến nệm: Trung Quốc tiếp tục bán phá giá
Anders Corr
Tình trạng “công suất dư thừa, cung vượt cầu, và sản xuất quá mức” của Trung Quốc đang ngày càng được chú ý tại Hoa Kỳ. Tất cả những vấn đề này đều có liên kết với nhau.
Bắc Kinh sử dụng trợ cấp để sản xuất nhiều hàng hóa hơn mức thị trường có thể tiêu thụ. Các ví dụ bao gồm xe điện (EV), pin, thép, cobalt, và vi mạch bán dẫn công nghệ thấp. Những hàng hóa này có thể được “bán đổ bán tháo” tại Hoa Kỳ và những nơi khác với giá thấp hơn chi phí sản xuất – điều này có thể khiến các công ty Hoa Kỳ phá sản và nhân viên bị sa thải. Bắc Kinh thường hay làm như vậy một cách có chủ đích.
Việc bán phá giá bị Trung Cộng, cũng như cả hai đảng phái chính trị ở Hoa Thịnh Đốn, tranh cãi và có tính chính trị cao, đến mức trở thành một phần của nhiều chiến dịch tuyên truyền xuyên suốt giống một ván cờ ba bên. Các nhà sản xuất nội địa của Hoa Kỳ nhập cuộc, tìm cách cạnh tranh với các công ty Trung Quốc, gồm cả thông qua việc vận động hành lang để có được trợ cấp và đánh thuế [cao] hàng nhập vào Hoa Kỳ, mà bản thân các biện pháp này chính là phi thị trường. Các công ty của chúng ta lập luận rằng những biện pháp này là hợp lý, vì để chống lại trợ cấp của Trung Quốc, từ đó đưa giá cả trở lại mức lẽ ra nên vậy nếu không bên nào sử dụng các biện pháp phi thị trường. Trong trường hợp này, có thể lập luận rằng hai việc sai tạo nên một việc đúng.
Để vượt qua những lập luận khó hiểu ở cả hai phía, chúng ta có thể đi sâu vào ý nghĩa của việc bán phá giá trong các trường hợp cụ thể. Nam châm, nệm, và pin quang năng gia dụng đều là những ví dụ đã nhận được sự chú ý rộng rãi gần đây.
Ví dụ đơn giản nhất về hàng sản xuất giá rẻ của Trung Quốc khiến công dân Hoa Kỳ mất việc là nệm. Ví dụ, một chiếc nệm Serta Simmons 10 inch cho giường Queen Size cơ bản có thể được mua trên Amazon chỉ 240 USD với giá bình thường [không khuyến mãi]. Trang Amazon lưu ý rằng nguồn gốc của nệm là từ Hoa Kỳ. Tất cả đều tốt.
Nhưng theo một nguồn tin trong ngành do The Wall Street Journal trích dẫn, có thể tìm thấy những chiếc nệm Trung Quốc có kích cỡ tương tự với giá thấp hơn 175 USD. Một số nệm được cho là sản xuất tại Trung Quốc và vận chuyển qua các nước thứ ba như Nam Hàn để tránh thuế nhập cảng của Hoa Kỳ. Những loại khác đến từ các nhà máy ở các nước đồng minh gần đó hoặc có nguồn gốc không rõ ràng.
Nệm Elemuse 10 inch cho giường Queen Size được niêm yết trên Amazon với giá khoảng 150 USD cộng thêm 50 USD cước phí vận chuyển. Nơi xuất xứ của chiếc nệm này được liệt kê là “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”. Còn được gọi là Laos, quốc gia này có chung đường biên giới với Trung Quốc và có quan hệ đồng minh chặt chẽ với Bắc Kinh. Một số nệm Elemuse được liệt kê trên eBay là sản xuất tại Trung Quốc. Trang web Elemuse Baby, nơi bán nệm cho nôi em bé, nêu rằng sản phẩm này thuộc sở hữu của một công ty ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Ở Lào, mức lương trung bình thấp hơn, và tỷ lệ đói nghèo cao hơn nhiều. Vì vậy, nếu chuyển đến Lào để sản xuất nệm, công ty Trung Quốc có thể trả lương thấp hơn và thuế nhập cảng [vào Mỹ] thấp hơn, cũng như kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong khi có khả năng sản xuất ở mức giá thậm chí còn rẻ hơn nệm sản xuất ở Trung Quốc.
Người ta có thể thấy rằng để cạnh tranh, người Mỹ đang được yêu cầu phải ném trúng một mục tiêu di động. Lợi nhuận từ nệm sản xuất tại Hoa Kỳ thấp đến mức có nguy cơ làm đóng cửa các nhà máy của Simmons tại Hoa Kỳ. Ngay cả với mức thuế 25% đối với hàng nhập cảng từ Trung Quốc, việc thuê nhân công Mỹ với mức lương của người Mỹ hiện là quá tốn kém. Do đó, Simmons phải sa thải nhân công Mỹ. Theo The Journal, Simmons đã cắt giảm khoảng một nửa số nhân viên tại Hoa Kỳ, từ 4,000 xuống còn 2,000, kể từ năm 2018.
Nam châm là một sản phẩm khác mà các nhà sản xuất Trung Quốc được cho là đang gửi đến Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Nam châm Trung Quốc được sử dụng trong các mặt hàng gia dụng thông thường như tai nghe và tivi, đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên tố đất hiếm (REE). Trung Quốc thống lĩnh thị trường REE quốc tế và đã tận dụng sự thống trị đó để cố gắng gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất cảng REE sang Nhật Bản của Trung Quốc vào năm 2010 đã không diễn ra mấy tốt đẹp, vì Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng các chuỗi cung ứng thay thế.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tinh chế khoảng 85% REE toàn cầu, mang lại cho họ lợi thế trong sản xuất thiết bị điện tử. Bắc Kinh cố gắng duy trì lợi thế đó bằng cách định giá REE thấp để ngăn chặn các nhà sản xuất khác có thể thách thức vị thế gần như độc quyền của họ. Ví dụ, theo nhà cung cấp dữ liệu Argus Media, giá của REE, được gọi là neodymium-praseodymium oxide (NdPr), đã rớt từ khoảng 176,000 USD một tấn vào tháng Ba năm 2022 xuống còn khoảng 50,000 USD một tấn như hiện nay. Với mức giá đó, các nhà sản xuất của Hoa Kỳ và Nhật Bản khó có thể thực hiện các khoản đầu tư dài hạn cần thiết để khai thác và tinh chế khoáng sản này. NdPr là nguyên tố có mức lợi nhuận cao nhất trong khai thác REE; vì vậy khi giá của loại vật liệu này thấp, thì rất khó có được lợi nhuận trong nhiều quá trình chế biến REE liên quan khác.
Pin quang năng là một điểm tranh chấp lớn khác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo Reuters, các công ty Trung Quốc đang hoạt động trên đất Hoa Kỳ sẽ sản xuất lượng pin quang năng cung cấp khoảng 20 gigawatt điện mỗi năm vào năm 2025. Đó là khoảng một nửa nhu cầu của Hoa Kỳ. Các nhà máy này được trợ cấp theo Đạo luật Giảm Lạm phát năm 2022 của Hoa Kỳ, hệt như các công ty quang năng Mỹ. Không có lý do chính đáng nào cho việc này. Hoa Kỳ nên tránh trợ cấp cho các công ty từ các chính quyền đối địch có hành vi hung hăng về mặt quân sự, nếu không sẽ có nguy cơ khiến đối thủ đó trở nên mạnh hơn về mặt kinh tế, và do đó, gây ra nhiều rủi ro hơn về mặt quân sự.
Thật không may, Trung Cộng đang theo đuổi chiến lược kinh tế và quân sự hung hăng, làm đảo lộn thị trường toàn cầu bằng trợ cấp và thuế. Để trở lại trạng thái thông thường, khi hai việc sai không tạo nên một việc đúng, thì trước tiên phải yêu cầu Trung Cộng và các đồng minh của họ đảo ngược các chiến lược phi thị trường và quân phiệt. Rồi sau đó, Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta cũng có thể thả lỏng một chút. Và rồi, hai việc đúng sẽ tạo nên một việc đúng. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện điều này.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/cao học khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu, và Á Châu.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.