Từ binh chế đến hình phạt của nhà Đinh
Binh chế
Vua Đinh Tiên Hoàng xuất thân mục đồng, cờ lau mở nước, đã dụng võ mà giá-ngự được các trẻ mục đồng, lại thu-phục được cả anh-hùng hào-kiệt buổi ấy. Cho nên sau khi thày Trần Minh-Công, làm sử quân Bố-hải-khẩu, vua đã đánh tan Ngô Nam-Tấn-vương, Ngô Thiên-Sách vương, rồi sứ quân Phạm Phòng-Át bị thua ở Đỗ-đỗng-giang, phá Nguyễn Thủ-Tiệp ở Tiên-du, đánh bại các sứ-quận khác, xưng mình là Vạn-thắng-vương.
Sau những võ-công oanh-liệt ấy, nhà vua định đô Hoa-lư, xây cung-điện, chế triều-nghi, giao-thiện với nhà Tống, đặt hình-pháp, nhưng không quên một việc là chính-đổn quân-ngũ:
Mùa xuân, tháng hai năm Giáp-tuất, niên-hiệu Thái-bình thứ năm (974) định việc chia quân đội trong nước làm mười đạo, chỉ-huy là quan Thập-đạo tướng-quân: Mối đạo có 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người (1). Theo phép này, quận-đội nếu đều tựu ngũ cả, thì số quân có đến 1.000.000 người. Nhưng, bằng số quân ấy mà phải dùng cả, thì đến mấy vạn người phải lao-phiền. Một nước như nước ta lấy gì cung-ứng cho đủ ? Tất thời ấy, cách “ngụ binh ư nông” chừng đã có lúc hữu sự thì mộ ra, khi vô-sự lại cho lui về điền dã, nên số quân tuy nhiều, nhưng chỉ gọi ra khi hữu-sự thôi.
Đến mùa xuân, năm Ất – hợi, nền-hiệu Thái-bình thứ sáu (975). Lại định cả cách ăn mặc của quân sĩ, người nào cũng có áo giáp, mũ bính đính để phân-biệt.
Cách tổ chức của nhà Đinh, tuy trong thời vua Đinh Tiên-Hoàng tại vị (968 đến 979) không thấy sử chép có sự đánh dẹp gì to tát phải huy-động đến đại-binh, nhưng rất lợi cho sự chống cự với nạn ngoại xâm sau này.
Thì ngay khi Thập-đạo tướng quân Lê-Hoàn (2) được cái duyên “hoàng bào gia thân” (3) đã nhờ được đạo binh tinh nhuệ ấy mà phá tan quân nhà Tổng dưới quyền chỉ-huy của Hầu Nhân-Bảo, Tôn Toàn-Hưng ở những trận Tây-kết, Bạch-đằng, làm cho “Thiên triều” không còn dám dòm ngó phương Nam nữa.
Vì thế, các vua nhà Tiền-Lê, Lý, Trần sau này đều chú trọng việc võ để đi đến những việc phá Khâm-Liêm dưới triều Lý, phà quân Nguyên dưới triều Trần. Cho hay một nước mạnh không phải ở chính-trị mà lại cần phải có sức mạnh về quân-đội nữa.
Một thứ hình phạt ghê gớm !
Trong núi đá thuộc địa-phận làng Yên-hạ, huyện Gia-viễn, tỉnh Ninh-bình ngày nay có một nơi thắng-cảnh, gọi là động Am-tiên, một nơi thờ Phật rất u-tĩnh, Khách du qua viếng cảnh Hoa-lư không khỏi không đến Am-tiên, nhưng không ai ngờ Am-tiên khi xưa là một chỗ ngục thất của nhà Đinh.
Theo sử (4) chép: sau khi bình định các sứ-quận, Vạn-thắng vương lên ngôi Hoàng-đế, đặt tên nước là Đạt-cổ-việt, đóng đô ở Hoa-lư. Năm Mậu thìn (968), vì trong nước sau hồi loạn lạc, trộm cướp còn nhiều, nhà vua sai lập một nơi ngục ở trong hang núi làng Yên-hạ rồi sai nhốt hổ báo vào, hễ kẻ nào phạm tội nặng thì quăng vào đấy cho mãnh thú ăn thịt.
Tương truyền (5): những đầu lâu, hài-cốt lâu ngày chất đống
trong hang núi. Hết đời Đinh, thứ hình-phạt ghê-gớm ấy tuy đã bỏ thế mà những oan hồn, oán quỉ vẫn còn !. Những người tiều phu qua đấy thường nghe thấy tiếng người than khóc, hổ thét, báo gầm ai cũng kinh hồn táng đởm.
Mãi đến đời Lý, vị cao tăng Nguyễn Minh-Không (6) pháp thuật cao cường, một hôm, vào thăm hang, tụng kinh thuyết pháp, làm cho ma quỉ mất tích. Thế rồi ngài xây bệ thờ Phật, cứ tuần, rằm, mồng một, lại cho đồ-đệ vào hang tụng kinh cho oan hồn siêu thoát, dần dần những dân-cư ở đây cũng vào hang lễ bái.
Xét ra, hình-phạt dùng ác thú không phải chỉ đời nhà Đinh mới có. Gần đây, ở ta cũng còn dùng voi để xử những người đàn-bà độc-ác, lăng-loàn hay dâm loạn. Khi hành hình, người ấy bị voi giẫm chết, hay là tung lên cao bằng vòi mà xé ra. Cho nên ở dân-gian còn những câu: “voi giày voi xé”. Lại có khi nhiều tội-nhân phải đào hố để phên ở trên cho voi giẫm chết nữa.
Đời cổ-thời, ở La-mã, trong hồi cấm đạo Thiên-chúa, các nhà cầm quyền cũng dùng các ác thú như sư-tử để tàn sát những người theo đạo. Những sự thành hình này thường là một trò du-hí của công-chúng. Người ta dẫn tội-nhân đến sân khấu một cái rạp lớn (gọi là arenes) chứa hàng nghìn người xem, rồi họ đem những chuồng sư-tử ra. Mở cửa cho ác thú ra cắn chết kẻ tội-nhân dưới mắt công-chúng đi xem, như xem hát bội.
Tóm lại, hình phạt cũng cần phải có, vì chính-pháp có nghiêm thì trong nước mới hết được kẻ càn bậy. Nhưng lối cực hình bằng cách dùng ác-thú này có thể gọi là một thứ hành-hình rất vô-nhân đạo của những nhà cầm quyền hồi xưa.
TIÊN ĐÀM
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)
1) Khâm định Việt-sử thông giám cương mục: Chính biên, quyển I , tờ 5b: Lịch triều hiến chương, Binh thể chí.
2) Lê Hoàn người làng Ninh-thái (khi trước là Bảo-thái) huyện Thanh-liêm tỉnh Hà-Nam, làm tôi vua nhà Đinh, quan đến Thập-đạo tướng quân, sau lên ngôi là vua Lê Đại-Hành.
3) Năm Canh-thìn (980), binh nhà Tống sang lấn cõi, bà Dương Thái Hậu, mẹ vua Đinh-đế Toàn, khiển quan Thập-đạo tướng-quân Lê-Hoàn đem binh chống cự, quân sĩ theo sự hô-hào của tướng quân là Phạm Cư-Lạng nhất định bỏ vua nhỏ nhà Đinh mà tôn Lê Hoàn làm vua. Bà Dương Thái Hậu vốn có tình riêng với Lê-Hoàn mới sai đem áo hoàng bào mà mặc cho Hoàn tức là vua Đại Hành nhà Tiền Lê – Theo Khâm định Việt sử T.G.C.M. (Coi thêm bài “ Tôi bào chữa cho Dương Thái Hậu của bạn Song-Cối).
4) Khâm định Việt-sử cương mục.
5) Thuật theo tập khảo-cứu và biên tập của hội-đồng Hội Trường yên, năm 1941.