TT Biden ký dự luật ủy quyền FISA thành luật
Samantha Flom và Joseph Lord
Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký đạo luật để tái ủy quyền một luật giám sát gây tranh cãi của Hoa Kỳ. Luật này đã vấp phải sự chỉ trích vì lo ngại rằng chương trình này sẽ được sử dụng để rà soát dữ liệu cá nhân của người Mỹ.
Hôm 20/04, Tòa Bạch Ốc loan báo rằng TT Biden đã ký H.R. 7888, hay “Đạo luật Cải tổ Tình báo và Bảo vệ Nước Mỹ,” thành luật, mở rộng và sửa đổi Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA).
Thượng viện đã thông qua dự luật này trong cuộc bỏ phiếu với 60 phiếu thuận và 34 phiếu chống kết thúc ngay sau nửa đêm 19/04. Tiếp đó, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đưa ra tuyên bố ca ngợi việc thông qua dự luật, gọi FISA là “một trong những công cụ tình báo quan trọng nhất của Hoa Kỳ” và ông khẳng định rằng Tổng thống sẽ “nhanh chóng” ký ban hành dự luật.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau những bất đồng kéo dài về chương trình giám sát gây tranh cãi khiến lãnh đạo Thượng viện phải cố gắng đạt được thỏa thuận về các quy tắc tranh luận và sửa đổi.
Các nhà lập pháp đã bỏ phiếu về một loạt sửa đổi nhằm đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ quyền tự do dân sự.
Tuy nhiên, không có biện pháp bảo vệ nào trong số này đã được Thượng viện – kể cả sửa đổi của Thượng nghị sĩ (TNS) Dick Durbin (Dân Chủ–Illinois) bắt buộc phải có một trát lệnh để có thể tìm kiếm dữ liệu của người Mỹ theo Mục 702 và một sửa đổi khác của TNS Rand Paul (Cộng Hòa–Kentucky) để cấm cơ quan chấp pháp liên bang thực hiện việc mua dữ liệu của người Mỹ từ các nhà môi giới bên thứ ba.
Nguyên nhân một phần là do các thượng nghị sĩ muốn bảo đảm việc ủy quyền không bị hết hiệu lực, vì cuộc biểu quyết bắt đầu chưa đầy bốn tiếng trước khi hết hạn.
TNS Mark Warner (Dân Chủ–Virginia), người đứng đầu Ủy ban Tình báo Thượng viện, đã kêu gọi các nhà lập pháp khác khi bắt đầu loạt bỏ phiếu phản đối tất cả các sửa đổi, trong bối cảnh các sửa đổi sẽ khiến Quốc hội không thể tái ủy quyền cho chương trình này trước khi chương trình hết hạn, bởi vì bất kỳ sửa đổi nào cũng sẽ cần phải được ủy quyền qua cuộc bỏ phiếu của Hạ viện.
Ông Paul, người đi đầu trong việc ủng hộ thực hiện các thay đổi đối với chương trình này, đã phản bác lại, “Chúng ta đã có năm năm để làm việc này,” cho rằng những người ủng hộ Mục 702 đã đợi đến phút chót để tái ủy quyền chương trình nhằm buộc dự luật không kèm sửa đổi phải được thông qua.
Các nhà phê bình cho rằng việc dự luật được tái ủy quyền một cách nhanh chóng là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia.
“Các mối đe dọa đối với an ninh Mỹ đang phát ra tín hiệu báo động,” Lãnh đạo Thiểu số Mitch McConnell (Cộng Hòa–Kentucky) cho biết. “Các địch thủ của chúng ta vẫn có ý định gieo rắc hỗn loạn và bạo lực, và cuộc bỏ phiếu để trả đạo luật quan trọng này trở lại Hạ viện hôm nay là cuộc bỏ phiếu giúp công việc của những địch thủ đó trở nên dễ dàng hơn. Thượng viện không được để Mục 702 mất hiệu lực.”
TNS Roger Marshall (Cộng Hòa–Kansas) đã bày tỏ sự thất vọng về tiến trình bỏ phiếu cho dự luật, một tiến trình mà bất kỳ sửa đổi nào của Thượng viện cũng hầu như không thể được thông qua.
Trước lần thông qua cuối cùng, ông dự đoán rằng không có sửa đổi nào – kể cả sửa đổi của ông – sẽ được thông qua do tính chất của cuộc bỏ phiếu vào phút cuối này.
Ông nói với The Epoch Times rằng mục tiêu thực sự của cuộc bỏ phiếu đêm khuya là để bảo đảm rằng các thượng nghị sĩ sẽ có mặt vào ngày hôm sau để bỏ phiếu về gói viện trợ ngoại quốc trị giá 95 tỷ USD kế tiếp sau đó.
‘Một sự mở rộng đáng kể và nguy hiểm’
Mục 702 của FISA cho phép các cơ quan tình báo tiến hành giám sát không cần trát lệnh đối với người ngoại quốc ở hải ngoại. Nhưng việc FBI lạm dụng tràn lan công cụ này để theo dõi công dân Hoa Kỳ đã khiến những người ở cả hai bên của các quan điểm chính trị gióng lên hồi chuông cảnh báo.
TNS Ron Wyden (Dân Chủ–Oregon), đã lên tiếng phản đối dự luật, mô tả đây là “sự mở rộng rất đáng kể và nguy hiểm” đối với các cơ quan giám sát không cần trát lệnh của chính phủ liên bang.
Ông lưu ý, một điều khoản của dự luật mở rộng danh sách các nhà cung cấp dịch vụ điện tử mà chính phủ liên bang có thể buộc phải cung cấp thông tin liên lạc của các công dân Hoa Kỳ bị nghi ngờ đã liên lạc với các đối tượng ngoại quốc.
“Quý vị không cần phải thay đổi các quy tắc nhắm mục tiêu để đe dọa quyền riêng tư của người Mỹ,” ông Wyden nói. “Nếu chính phủ cho rằng các mục tiêu ngoại quốc của họ đang liên lạc với người dân ở Hoa Kỳ, thì họ có thể truy cập ngay vào nguồn này – WiFi, đường dây điện thoại, máy chủ, máy chủ truyền hoặc lưu trữ những thông tin liên lạc đó.”
TNS Josh Hawley (Cộng Hòa–Minnesota) có cùng mối lo ngại như vậy, cảnh báo trong bài đăng trên X rằng dự luật sẽ “biến các chủ nhà và thợ sửa máy điện toán thành gián điệp.”
Trong bài diễn văn tại phòng họp Thượng viện, TNS Mike Lee (Cộng Hòa–Utah) lập luận rằng dự luật này, thay vì cải tổ FISA, lại mở rộng FISA hơn.
Ông Lee nói, “Trên thực tế, [dự luật] cho phép mở rộng hoạt động giám sát lớn nhất trên đất Hoa Kỳ kể từ khi Đạo luật PATRIOT được thông qua.”
Ông Lee nói, “Các hành vi vi phạm Tu chính án thứ Tư nghiêm trọng đối với công dân Hoa Kỳ sẽ gia tăng đáng kể nếu dự luật này được thông qua thành luật như hiện nay.”
Trong bài đăng trên X, ông Paul than thở về việc thông qua dự luật ủy quyền mà không được sửa đổi.
“Một lần nữa Thượng viện được yêu cầu xem xét câu hỏi: liệu có thể cho đi quyền tự do để đổi lấy an ninh không? Và thật đáng buồn là đa số Thượng nghị sĩ đã đồng ý, điều đó có thể xảy ra,” ông Paul viết.