Truyện ngắn Leo Tolstoy: Hạt bắp to như quả trứng gà
Epoch Inspired Staff
Loạt bài “Tales of Wisdom” (Những câu chuyện thông thái) của chúng tôi nhấn mạnh những giá trị đạo đức quan trọng và khơi dậy lòng trân trọng đối với những đức hạnh cổ xưa, có thể giúp chúng ta bồi đắp tâm hồn và quay về truyền thống. Chúng tôi hi vọng độc giả sẽ yêu thích loạt bài này.
Câu châm ngôn “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Những người có đức tin và tổ tiên của chúng ta đã dạy rằng những ai giữ gìn đạo đức và truyền thống sẽ tích lũy được nhiều phúc đức không chỉ cho mình mà còn cho con cháu đời sau.
Nếu chúng ta ngẫm nghĩ một chút về những triết lý sâu sắc này, ta có thể nhận ra những điều mà tổ tiên truyền dạy thực sự không hề lỗi thời. Quả thật, nếu mọi người đều quan tâm đến nhau, cư xử có chừng mực và trách nhiệm, cũng như nghĩ cho đến người khác trước khi làm bất cứ điều gì, thế giới của chúng ta có lẽ sẽ tránh được nhiều điều xấu ác đang trỗi dậy trong thời hiện đại.
Câu chuyện sau đây truyền tải một thông điệp đạo đức giống như thế. Câu chuyện được tái bản từ cuốn sách nổi tiếng của tác giả Leo Tolstoy “Twenty-Three Tales” (Hai Mươi Ba Truyện Kể) (1906), do các dịch giả Louise và Aylmer Maude chuyển ngữ và Nhà Xuất Bản Đại Học Oxford phát hành. Xin mời quý vị cùng đọc!
Một ngày nọ, ở một hẻm núi, vài đứa trẻ phát hiện một vật hình dạng trông như hạt bắp, với lằn rãnh ở giữa, nhưng lại to bằng quả trứng gà. Người lữ khách đi ngang qua thấy vật đó, liền mua lại từ tay các em với giá một xu, và mang nó vào thị trấn để bán cho nhà vua như một vật phẩm kỳ lạ.
Nhà vua triệu tập các nhà thông thái và lệnh cho họ tìm hiểu xem đây là thứ gì.
Các nhà thông thái ngẫm nghĩ tới lui nhưng cũng không thể lý giải được đó là gì. Đến một ngày nọ, khi vật này được đặt nằm trên bậu cửa sổ, một con gà mái bay tới và mổ cho đến khi để lại một lỗ thủng trên đó, và rồi mọi người mới phát hiện đó chính là một hạt bắp. Các nhà thông thái đến bẩm với nhà vua:
“Bẩm đức vua, đây là một hạt bắp.”
Lúc này nhà vua hết sức kinh ngạc; Ngài lệnh cho các học giả uyên bác tìm hiểu xem loài bắp này được trồng ở đâu và khi nào. Các nhà thông thái lại nghiền ngẫm, tra cứu trong sách vở, nhưng cũng không tìm thấy gì. Thế nên, họ lại diện kiến nhà vua và thưa rằng:
“Bẩm đức vua, chúng thần không có câu trả lời cho ngài. Trong sách của chúng thần không có nhắc về loài bắp này. Có thể ngài phải hỏi những người nông dân, có lẽ một số người đã từng nghe tổ tiên của họ kể về hạt bắp lớn như vậy được trồng ở đâu và khi nào.”
Thế là đức vua truyền lệnh triệu tập một lão nông. Những người hầu đã tìm được một người như vậy và dẫn ông đến diện kiến nhà vua. Lão nông đã già yếu và còng lưng, da nhợt nhạt, răng móm mém, chỉ có thể bước đi khập khiễng trên hai cây nạng. Đức vua đưa ông xem hạt bắp, nhưng ông lão gần như không nhìn thấy gì. Lão cố gắng cầm lấy hạt bắp và cảm nhận bằng đôi tay. Nhà vua hỏi: “Này lão nông, ông có thể nói cho ta biết loại bắp này được trồng ở đâu không? Ông có từng mua hay gieo loại hạt này trên cánh đồng của mình chưa?
Ông lão lảng tai đến nỗi hầu như không nghe thấy lời của vua, phải cố gắng lắm ông mới hiểu được.
“Chưa, thưa đức vua” ông cuối cùng cũng trả lời, “Tôi chưa từng gieo hay gặt loại hạt nào giống thế này trên cánh đồng của mình, cũng chưa từng mua nó. Khi chúng tôi mua bắp, hạt bắp luôn nhỏ như bây giờ. Tuy nhiên, bệ hạ có thể hỏi cha của tôi. Có thể ông ấy từng nghe về nơi trồng loại hạt này.”
Thế là nhà vua cho triệu kiến cha của lão nông, và ông cụ được đưa đến trước mặt nhà cua. Ông bước đi với một cái nạng. Nhà vua lại cho ông xem hạt bắp. Với đôi mắt còn sáng, ông lão liền nhìn kỹ hạt bắp. Rồi nhà vua hỏi:
“Ông lão, ông có thể nói cho ta biết loại bắp như thế này được trồng ở đâu không? Và ông có bao giờ mua, hay gieo loại hạt nào thế này trên cánh đồng của ông không?
Dẫu thính lực khá yếu, ông cụ vẫn nghe rõ hơn người con trai của mình.
“Chưa từng, thưa đức vua,” ông cụ đáp “Tôi chưa bao giờ gieo hay thu hoạch loại bắp như thế này trên cánh đồng nhà mình. Nói về mua, tôi cũng chưa từng mua hạt nào như thế, vì vào thời của tôi, người ta chưa sử dụng tiền. Mọi người đều tự trồng bắp, và khi có nhu cầu gì, chúng tôi chia sẻ cho nhau. Tôi không biết loại bắp này mọc ở đâu. Mặc dù bắp của chúng tôi lớn hơn và cho ra nhiều bột bắp hơn loại hiện nay, nhưng tôi cũng chưa bao giờ thấy loại bắp nào như thế này. Tuy nhiên, tôi từng nghe cha kể rằng vào thời của ông, bắp cho hạt lớn hơn và nhiều bột hơn thời của tôi. Tốt hơn bệ hạ nên hỏi ông ấy.”
Vì thế, nhà vua lại triệu kiến cha của ông cụ nông dân. Họ cũng tìm và đưa ông đến diện kiến nhà vua. Ông cụ bước đi nhẹ nhàng mà cần không dùng nạng: Mắt ông sáng tinh anh, tai ông nghe rất rõ, ông nói năng rành mạch. Khi nhà vua đưa hạt bắp cho ông, ông cụ ngắm nhìn và lật qua lật lại trong lòng bàn tay.
“Lâu lắm rồi tôi mới thấy lại hạt bắp đẹp như thế này,” ông cụ nói. Rồi ông cắn một miếng và nếm thử, “Chính là loại hạt đó,” ông nói thêm.
“Ông cụ, xin hãy nói cho ta biết,” nhà vua hỏi, “Loại bắp này được trồng ở đâu và khi nào vậy? Cụ đã từng mua hay gieo loại bắp nào tương tự trên cánh đồng của cụ chưa?”
Và ông cụ trả lời: “Bẩm đức vua, bắp như thế này mọc khắp nơi vào thời của tôi. Loại bắp này là thức ăn chính của tôi khi còn trẻ, và tôi cũng san sẻ nó với người khác. Chúng tôi đã dùng loại hạt này để trồng, thu hoạch và đập lấy hạt.”
Và nhà vua hỏi: “Ông cụ, hãy nói ta biết ông mua chúng ở đâu, hay ông tự trồng chúng?”
Ông cụ mỉm cười trả lời, “Vào thời của tôi, không ai nghĩ đến chuyện tội lỗi như mua hay bán miếng ăn; và chúng tôi không biết gì về tiền. Mỗi người đều tự trồng bắp đủ cho mình ăn.”
“Ông cụ, vậy hãy nói cho ta biết,” nhà vua hỏi, “Cánh đồng nhà ông ở đâu, và ông đã trồng loại bắp này ở đâu vậy?”
Cụ ông trả lời: “Cánh đồng nhà tôi là đất Trời ban. Bất cứ nơi nào tôi cày xới, đó là cánh đồng của tôi. Đất đai là tài sản chung. Đó không phải là thứ mà con người có thể coi là của mình. Chỉ có sức lao động mới có thể được nhìn nhận là của riêng.
“Trả lời cho ta thêm hai câu hỏi nữa,” đức vua hỏi. “Câu hỏi đầu tiên là, vì sao ngày trước đất đai lại sinh ra những hạt bắp to đến thế, mà hiện nay không có nữa? Và câu hỏi thứ hai là, tại sao cháu trai của ông phải đi bằng hai chiếc nạng, con trai của ông thì dùng một chiếc, còn ông chẳng cần cây nạng nào? Mắt của ông vẫn sáng, hàm răng chắc khỏe, và giọng nói dõng dạc và êm tai. Làm sao những chuyện này có thể xảy ra được?
Và ông cụ trả lời:
“Mọi thứ như hiện nay, là vì con người đã không còn sống dựa vào sức lao động của mình, và phải lệ thuộc vào sức lao động của người khác. Thời xưa, con người sống thuận theo luật lệ của Trời. Họ có những thứ thuộc về mình, và không thèm muốn những gì người khác làm ra.”