Truyền kỳ về Long tộc và Long mạch Đại Việt Kỳ 1: Truyền kỳ về Rồng và tộc họ nhà Rồng phương Đông
Không như hình tượng một loại quái thú phun lửa trong văn minh phương Tây, Rồng của phương Đông là một loại Thần thú cao quý cai trị thủy giới và là một trong các giống loài mạnh nhất bảo vệ Phật pháp và Thiên Đạo.
Theo những gì được miêu tả trong truyền thuyết, thần thoại và kinh điển, long tộc là gia tộc của loài Rồng phương Đông, gồm có 3 loại tương ứng 3 cảnh giới khác nhau là Phàm long, Thiên long và Thần long. Phàm long là rồng ở cõi người, Thiên long là Rồng sống ở các tầng trời trong Tam giới, và cuối cùng Thần long là bộ phận long tộc cảnh giới chí cao sống ngoài Tam giới.
Long tộc trong cõi người lại phân làm 2 chi là Hải long và Giao long. Do sự tam sao thất bản của các truyền thuyết mà nhiều lúc người ta cho rằng Giao long chính là cá sấu. Thực ra không phải. Giao long là chủng long tộc sống ở vùng nước ngọt như sông hồ. Cả Giao long và Hải long đều có pháp lực thần thông đầy đủ của long tộc.
Trong lịch sử cũng từng nhiều lần ghi lại sự xuất hiện của rồng, như rồng vàng xuất hiện trước thuyền ngự của Lý Thái Tổ mà khai sinh ra kinh thành Thăng Long huyền thoại, rồng vàng ấp trên người Lê Hoàn lúc còn bé, và rồng vàng bảo hộ cho Đinh Bộ Lĩnh khi còn nhỏ, v.v. Ở Trung Quốc năm 1934, còn ghi lại và có hình ảnh rất chi tiết về việc rồng xuất hiện ở Doanh Khẩu; sau khi chết còn lại bộ xương và bộ xương đó hiện đang được Hoàng gia Nhật bảo quản.
Vai trò của long tộc phương Đông
Long tộc có vai trò vô cùng quan trọng trong nền văn minh phương Đông của các nước Đồng Văn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và Việt Nam. Vai trò của long tộc có thể xem là trung gian gần gũi nhất kết nối con người và Thiên thượng, duy trì và tạo ra nền văn minh Thần truyền tại nhân gian ở khu vực phương Đông.
Nhiệm vụ của Long tộc đại thể chia làm 5 phần chính:
- Cai quản thủy giới: Giữ gìn trật tự và sự cân bằng của thế giới dưới sông hồ biển; tiêu diệt các loại thủy quái, yêu ma gây hại cho thủy tộc và cả nhân gian.
- Làm mây tạo mưa, điều hòa khí hậu
- Trấn thủ địa mạch, phù trợ hoàng gia, bảo vệ hoàng tộc, lăng tẩm
- Duy hộ Phật pháp, bảo vệ người tu đạo
- Khai sinh ra các dân tộc thừa kế và phát huy nền văn hóa Thần truyền
Giao long và Hải long chịu trách nhiệm cho khu vực được quản lý trên trần gian. Hàng năm Giao vương và Long vương đều phải lên trời bẩm báo các sự kiện lớn phát sinh trong khu vực họ quản lý và kết quả trong năm qua, rồi nhận sứ mệnh và nhiệm vụ mới mà Thiên thượng giao phó trong năm mới.
Từ Thần long chuyển sinh cho đến Lạc Long Quân và con Rồng cháu Tiên
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Rồng là bảo vệ hoàng gia và hoàng tộc cũng như khai sinh ra các dân tộc thừa kế nền văn hóa Thần truyền. Vì thế Thiên tử lấy Rồng làm biểu tượng cho mình bởi vì long tộc cũng chính là Hoàng tộc. Vì long tộc là trung gian giữa con người và Thần, nên một số long tộc cao tầng sẽ nhận lãnh sứ mệnh chuyển sinh làm người để cai quản trần thế cũng như tạo ra một dân tộc với nhiệm vụ triển hiện nền văn hóa của Thần. Do đó khai tổ của một số dân tộc có nguồn gốc từ long tộc. Ví dụ dễ thấy nhất là dân tộc Trung Hoa và Việt Nam.
Từ thời Thượng cổ, có 3 vị Thần long chuyển sinh làm 3 vị vua đầu tiên của Trung Hoa cổ: Phục Hy, Thần Nông, và Hiên Viên Hoàng Đế. Cả 3 vị vua này đều ít nhất có liên quan đến Rồng và vẫn còn dấu ấn của Rồng, rõ rệt nhất là Phục Hy và Thần Nông.
Quan sát các hình sau:
Dấu ấn long tộc vẫn còn hiện lên rất rõ ở ba vị vua này. Phục Hy và Thần Nông đầu có sừng, lỗ mũi và tai giống loài rồng; hơn nữa trên đầu của Phục Hy (hình 2) vẫn còn rõ rệt hai chiếc sừng và kiểu nhân dạng vẫn còn đặc trưng của long tộc nguyên thủy. Không chỉ có Tam Hoàng, mà trong các đế vương đời sau, trong truyền thuyết Đại Vũ trị thủy (Đại Vũ là vua sau thời Tam Hoàng Ngũ Đế) có thuật lại chuyện Đại Vũ từng hiện nguyên hình là một con rồng vàng để đục núi đả thông con đường Hoàn Viên giữa núi Thái Thất và Thiếu Thất.
Vì thế Thần Nông cũng là Thần long của long tộc chuyển sinh, nhưng Ngài lại có duyên ở phương Nam hơn. Thiên định là dòng tộc của Ngài sẽ khai phá và làm chủ phương Nam. Do đó về sau, Ngài là tổ 3 đời của vua Đế Minh – người sau này lấy nàng Vụ Tiên mà sinh ra Kinh Dương Vương Lộc Tục, cha của Lạc Long Quân Sùng Lãm, khai tổ của dân tộc Rồng Tiên chúng ta.
“Vua Đế Minh là cháu ba đời của Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2897 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ Quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, sinh một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: ‘Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó.’ Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải)”. (Đại Việt sử ký toàn thư)
Vậy là dòng dõi long tộc chuyển sinh ra Thần Nông nơi hạ giới, sau ba đời truyền đến Kinh Dương Vương. Ông lại lấy con gái Động Đình Quân mà sinh ra Lạc Long Quân. Động Đình Quân là vua của Hồ Động Đình, là Vương của loài Giao Long nước ngọt như đã nói ở trên.Thế thì Lạc Long Quân chính là hậu duệ mang huyết thống của Thần long phả hệ Thần Nông chuyển sinh và Giao long Động Đình Hồ, ứng với thiên mệnh mà sinh ra. Thiên mệnh đã định là ngài sẽ trở thành khai tổ của tộc Việt, là vua của long tộc thủ hộ quốc gia này. Thiên mệnh vì đã định Nam Bắc phân chia để trị nên sau khi Ngài lên ngôi một thời gian thì long tộc thuộc hệ Thần Nông ở phía Bắc bị long tộc hệ Hiên Viên Hoàng Đế tiêu diệt, nên nước Văn Lang phía Nam chính là hậu duệ chính thống cuối cùng của long tộc hệ Thần Nông và cai quản phía Nam, đối lập với phương Bắc là vì vậy.
“Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói: “Thiếp vốn là người nước Bắc, ở với vua sinh hạ được trăm con trai; vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình.” Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc; nàng là giống tiên, sống ở trên đất. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ra. Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ; năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên.”
(Lĩnh Nam Chích Quái)