Trước chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường tới Berlin, Epoch Times Tiếng Đức bị yêu cầu ‘không xuất bản bất cứ điều gì xấu về Trung Quốc’
Erik Rusch
BERLIN — Các cuộc hội thảo liên chính phủ giữa Đức và Trung Quốc lần thứ bảy sẽ bắt đầu từ hôm thứ Ba, ngày 20/06 tại Berlin, thủ đô của Đức. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng Ba năm nay, đây là chuyến công du đầu tiên của tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đến một quốc gia ngoại quốc. Tuy nhiên có một số hoạt động kỳ lạ đã diễn ra trước thời gian chuyến công du này bắt đầu.
Áp lực đối với nhân viên đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin dường như là rất lớn, bộ phận báo chí của họ không thể liên lạc được qua điện thoại trong nhiều ngày. Còn ở bộ phận chính trị, khi được hỏi về khả năng tiếp cận kém của bộ phận báo chí, họ nói rằng tất cả mọi người đều đang làm việc rất chăm chỉ để chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường và các bộ trưởng cao cấp khác từ Bắc Kinh.
Công việc cần mẫn của họ có bao gồm việc thực hiện các cuộc gọi đến giám đốc điều hành của hãng truyền thông hải ngoại đã bóc trần và công khai đưa tin về những tội ác của Trung Cộng không?
Theo như điều vừa trải qua mới đây của Giám đốc điều hành tờ Epoch Times Tiếng Đức, cô Trịnh Chí Hồng (Zhihong Zheng), thì câu trả lời dường như là có.
‘Stasi Trung Quốc’ can thiệp
Hôm 14/06, cô Trịnh nhận được một tin nhắn từ anh trai cô ở Hoa lục. Các quan chức Đảng từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật – cơ quan tương tự như Stasi (Bộ An ninh Quốc gia thời Đức Quốc Xã) của Trung Quốc – đã đến gặp anh trai và cha cô tại nhà. Anh trai cô cảnh báo: “Cuối cùng họ có thể gọi cho em. Em đừng nói chuyện với họ nhiều vì họ ghi âm các cuộc điện thoại. Hãy nói với họ ít thôi.”
Ủy ban Chính trị và Pháp luật là Stasi của Trung Quốc. Cơ quan này không báo cáo với chính quyền mà báo cáo trực tiếp với Trung Cộng và được trao nhiều quyền hạn cũng như nguồn lực.
Một lúc sau, chị gái của cô Trịnh, hiện đang sống ở Trung Quốc, đã liên lạc. Chị cô cũng viết rằng cô Trịnh có thể sẽ bị Ủy ban này gọi và nên cẩn thận với những gì cô nói trên điện thoại. Cả hai đều nghĩ việc này có liên quan đến Đại hội Thể thao Á Châu ở Hàng Châu, sẽ diễn ra từ 23/09/2023 đến 08/10/2023.
Một làn sóng các cuộc gọi đã tràn đến sau khi cô Trịnh Chí Hồng, một công dân Đức tại Berlin, trả lời những lời cảnh báo của anh chị mình. Chỉ riêng trong ngày 14/06 đã có 12 cuộc gọi. Điều khó hiểu về việc này là những cuộc gọi đó được thực hiện từ các số điện thoại của chị gái và anh trai cô.
Cô Trịnh đã phản ứng như thế nào? “Vì chi phí cho các cuộc gọi quốc tế [là đắt đỏ] và vì tôi có quá nhiều việc phải làm nên tôi đã không nhận những cuộc gọi đó. Nhưng tôi rất ngạc nhiên về những gì đang diễn ra ở kia.”
Ngày hôm sau đã có 28 cuộc gọi. “Điều đó khiến tôi thấy khả nghi. Các cuộc gọi như vậy là hoàn toàn bất bình thường giữa chúng tôi.”
Nhưng các cuộc gọi qua các số điện thoại bị đánh cắp không phải là điều duy nhất xảy ra. Những tin nhắn kỳ lạ – được cho là từ anh chị em của cô đã được gửi đến. “Bằng cả tiếng Anh nữa. Mặc dù chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa.”
‘Em không nên duy tâm như thế’
Cô nhận được tin nhắn sau từ số điện thoại của anh trai mình:
“Trịnh Chí Hồng, anh gọi cho em nhưng em không bắt máy. Vì lý do nào đó, những người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật đã nói chuyện thân thiện với cha, với hy vọng rằng gia đình mình sẽ gọi cho em.
Nguyện vọng chính là em không tham gia hoặc tổ chức các cuộc quy tụ và sự kiện tuyên truyền công cộng tại Đức trong tháng này. Cha và hai anh chị của em thực sự hy vọng rằng em sẽ sống tốt hơn khi ở hải ngoại. Nhưng có một số điều thì em không nên cực đoan.
Gia đình biết rằng ý định ban đầu của em là tốt, rằng em muốn những điều tốt đẹp cho đất nước chúng ta. Nhưng em không thể làm nhiều thứ theo cách em nghĩ được đâu. Và em cũng không nên duy tâm như vậy. Nếu em thực sự muốn có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa cho tổ quốc của mình, thì có nhiều phương pháp và cách thức tốt hơn. Bất kỳ cách thức cực đoan nào cũng sẽ không giúp ích gì và sẽ gây hại cho em và những người khác.
Em chắc chắn là đứa trẻ thông minh lanh lợi nhất trong gia đình chúng ta. Em là niềm tự hào của nhà ta. Cha cũng đã có tuổi rồi. Và 20 năm qua, gia đình chúng ta luôn muốn gặp nhau. Mọi người đều nhớ em.”
‘Em không nên xuất bản bất cứ điều gì xấu về Trung Quốc’
Sau đó, cô nhận được một tin nhắn bằng tiếng Anh gửi đến từ số điện thoại của chị gái cô:
“Em Chí Hồng, Thủ tướng Trung Quốc sẽ đến thăm Đức từ ngày 18 đến 23/06. Trong thời gian này, em nhất định phải thận trọng. Trong mọi trường hợp, em không nên đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về Trung Quốc.
Và em không nên xuất bản bất cứ điều gì xấu về Trung Quốc. Điều này tốt cho em cũng như cho mọi người trong gia đình. Làm như thế sẽ giúp tránh được việc nhân viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật đến thăm nhà chúng ta thường xuyên. Các nhân viên Ủy ban chỉ là đang làm công việc của họ mà thôi. Đây là một nhiệm vụ để bảo đảm ổn định và an ninh. Nhiệm vụ này là từ cấp trên truyền xuống và truyền qua tất cả các cấp chính quyền cho đến cuối cùng là Ủy ban địa phương.
Nếu thực hiện không tốt nhiệm vụ này hoặc để xảy ra sai sót thì họ cũng phải chịu trách nhiệm. Và sau đó họ sẽ có vấn đề. Đó là lý do vì sao họ liên tục đến thăm bố và anh chị. Họ đối xử với tất cả chúng ta rất lịch sự và cũng rất thân thiện. Chúng ta nên thực sự hiểu cho công việc của họ. Giờ đây, em nên lắng nghe gia đình và không phải lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào ý kiến hay công việc của em.
Cuối cùng chị chúc em và gia đình em sức khỏe, hạnh phúc. Chị hy vọng rằng một ngày nào đó cả gia đình chúng ta có thể đoàn tụ.”
‘Họ đang cố bịt miệng tôi’
Đối với giám đốc điều hành của Epoch Times Tiếng Đức, thì giờ đây mọi chuyện đã rõ: Họ muốn bịt miệng cô trước chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Cô nói: “Diễn biến trước mắt cho tôi thấy rõ một điều rằng, với tư cách là hãng truyền thông, chúng tôi đang thực hiện công việc quan trọng về mặt đưa tin trung thực trong những năm gần đây.”
Lẽ ra cô ‘không nên’ công khai chỉ trích cũng như đưa tin trung thực về Trung Quốc. Rõ ràng là chuyến thăm cấp quốc gia này rất nhạy cảm. Nền kinh tế Trung Quốc đang thụt lùi, và áp lực chính trị xã hội lên giới lãnh đạo Trung Cộng đang ngày càng tăng do những căng thẳng và khủng hoảng tại quốc gia này. Và sự chỉ trích giới lãnh đạo nhà nước ở Bắc Kinh cũng đang gia tăng trong số những người dân Trung Quốc.
Còn ở châu Âu, Bắc Kinh cũng đang bị chỉ trích, chẳng hạn như vì lập trường đối với Nga trong cuộc chiến Ukraine và các hành vi vi phạm nhân quyền đối với tù nhân lương tâm và người dân tộc thiểu số. Chính sách giám sát và đàn áp người dân trên phạm vi rộng – hiện cũng áp dụng cho cả Hồng Kông – là điều được biết đến rộng rãi. Ngoài ra, các cuộc tập trận và yêu sách nhắm vào Đài Loan đang dẫn đến thái độ thận trọng. Việc các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang tác động mạnh đến Bắc Kinh cũng là một thực tế.
Tất cả những điều này đều ‘không nên’ được truyền đạt: “Trung Cộng luôn theo sát chúng tôi khi chúng tôi bóc trần nhiều hành động tàn ác khác nhau mà chế độ cộng sản này đã làm và báo cho xã hội phương Tây biết về những hành động đó.”
Điều quan trọng đối với tương lai của nước Đức là chúng ta tự định ra cho mình vị trí nào. Điều này chỉ có thể thực hiện được với “việc đưa tin một cách dũng cảm, không sợ hãi trước sự uy hiếp và các thủ đoạn bất công.”
Giám đốc điều hành của chúng tôi nói rõ ràng: “Chừng nào các vi phạm nhân quyền như thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc chưa chấm dứt, thì chúng tôi sẽ đưa tin và giải thích cho xã hội phương Tây về những tội ác có hệ thống này của chế độ cộng sản.”
Chính phủ Đức trong tình thế tiến thoái lưỡng nan
Bắc Kinh hy vọng sẽ có thể thuyết phục được châu Âu mở rộng hợp tác “quan hệ đối tác” và đạt được lợi ích kinh tế song phương.
Tuy nhiên, Đức lại phản hồi bằng các tín hiệu mâu thuẫn tới Trung Quốc. Những tiếng nói chỉ trích chế độ cộng sản này cũng đang gia tăng trong chính phủ liên bang.
Bản chiến lược An ninh Quốc gia được trình bày gần đây tuyên bố: Đức xem Trung Quốc như là một “đối tác, đối thủ cạnh tranh, và đối thủ có hệ thống.” Trong đó, “các yếu tố đối thủ có hệ thống và đối thủ cạnh tranh đã gia tăng trong những năm gần đây.” Bắc Kinh liên tục hành động trái với “các lợi ích và giá trị của chúng ta.” Ổn định khu vực và an ninh quốc tế đang ngày càng trở nên căng thẳng và nhân quyền thì bị xem thường: “Trung Quốc sử dụng lợi thế kinh tế của mình một cách có chủ đích để đạt được các mục tiêu chính trị.”
Nhưng mặt khác, bản chiến lược cũng tuyên bố: “Đồng thời, Trung Quốc vẫn là một đối tác không thể thiếu trong giải quyết những thách thức và khủng hoảng toàn cầu cấp bách nhất.” Thị trường hấp dẫn hứa hẹn lợi nhuận cao, và sự phụ thuộc vào sản xuất giá rẻ của Trung Quốc mà Đức tự gây ra cho chính mình dường như đã đẩy quốc gia này vào tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chính phủ vẫn chưa tìm ra được lối thoát rõ ràng nào.
Trung Cộng gây áp lực lên Hoa kiều
Cô Trịnh Chí Hồng rời Trung Quốc vào năm 1996 để học luật ở Đức. Tại Đức, cô bắt đầu tập luyện môn khí công Phật gia Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị đàn áp chính trị tại Trung Quốc. Cô bắt đầu làm việc cho Epoch Times Tiếng Đức từ năm 2004 khi tờ báo được thành lập.
Kể từ đó, các cán bộ Đảng từ Ủy ban Chính trị Pháp luật thường đến gõ cửa gia đình cô ở Trung Quốc. Ủy ban này được thành lập nhằm nhắm đến người dân Trung Quốc ở đại lục, và phòng 610 khét tiếng được thành lập để chuyên đàn áp Pháp Luân Công cũng nằm dưới sự chỉ thị của Ủy ban này.
Thông qua thành viên gia đình để gây áp lực lên những Hoa kiều “gây rắc rối” là một phương thức phổ biến được Trung Cộng sử dụng. Mục đích là để bịt miệng họ. Mối quan hệ gia đình thường bị lợi dụng để dụ những người Trung Quốc không được Đảng ưa thích trở về Trung Quốc – để sau đó có thể bỏ tù họ.