Trung Quốc tặng 1 triệu chai nước băng Tây Tạng cho Maldives
Venus Upadhayaya
Hôm 26/03, chính phủ Maldives thông báo, nước này đã nhận được chuyến hàng viện trợ 1,500 tấn (1.5 triệu lít) nước băng Tây Tạng từ Trung Quốc. Món quà hơn một triệu chai nước này đã được chuyển đến trong bối cảnh mối bang giao song phương ngày càng ấm lên và hai nước mới ký kết một hiệp định hỗ trợ quân sự được ít lâu hồi đầu tháng.
Các chuyên gia đã mô tả việc Trung Quốc viện trợ nước vừa là một chiến thuật ngoại giao vừa là một nỗ lực nhằm chiếm lĩnh thị trường có nhiều nhu cầu nước uống của quốc gia quần đảo này. Nguồn cung cấp nước ngọt ở Maldives – nơi 25% tổng sản phẩm quốc nội đến từ ngành du lịch – rất bấp bênh. Nước mưa và nước ngầm, những nguồn nước tự nhiên duy nhất có sẵn trên quần đảo này, hiện đang cạn kiệt nghiêm trọng.
Hôm 27/03, hãng thông tấn The Edition của Maldives đưa tin cho biết, chủ tịch do Bắc Kinh chỉ định của Khu tự trị Tây Tạng (TAR), ông Nghiêm Kim Hải (Yan Jinhai), năm ngoái đã đến thăm Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu tại thủ đô Male của quốc gia này, đồng thời bày tỏ ý định cung cấp nước cho đảo quốc này.
The Edition cho biết: “Vào thời điểm đó, phái đoàn viếng thăm đã ngỏ ý quyên tặng nước được sản xuất từ băng lấy từ các vùng băng giá, rất sạch, trong, và khoáng chất dồi dào.”
Ông Muizzu được giới truyền thông để ý vì lập trường thân Trung Quốc của mình sau chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng Một. Ông đã ký 20 thỏa thuận với Trung Quốc trong chuyến thăm này. Tin tức về việc Trung Quốc viện trợ nước cho Maldives đã được thảo luận trên mạng xã hội trong bối cảnh đó, thậm chí một số người còn suy đoán rằng loại nước này là để dành riêng ông Muizzu hưởng dụng.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Maldives đã phủ nhận những cáo buộc này trong một tuyên bố, theo The Times of India.
Tuyên bố cho biết: “Chính phủ Maldives đã quyết định sử dụng loại nước này để giúp đỡ các hòn đảo trong trường hợp thiếu nước.”
Ngoại giao nước uống
Trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng thiếu nước uống ở Maldives đã trở nên ngày càng nghiêm trọng và có liên quan trực tiếp đến mực nước biển dâng cao ở quần đảo có độ cao thấp so với mực nước biển này. Nguồn dự trữ nước ngầm của Maldives đang sắp cạn kiệt và nước này phải dựa vào các nhà máy khử muối để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trong bối cảnh bấp bênh đó, một chuyên gia nói với The Epoch Times rằng Trung Cộng đang sử dụng hàng viện trợ nước cho Maldives như một chiến thuật ngoại giao để giành được sự ủng hộ cho các chính sách hà khắc của mình ở Tây Tạng và Tân Cương.
“Trung Quốc [cộng sản] đã hoàn toàn xem thường đạo đức, luật pháp, sự đồng thuận, môi trường và đây là hình ảnh thu nhỏ về hiện trạng của chính Trung Quốc,” ông K. Siddhartha, một tác giả, nhà khoa học nghiên cứu trái đất ở Ấn Độ nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
Maldives đã là trọng tâm của một cuộc đọ sức gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nước láng giềng gần nhất của Maldives. Chuyến hàng viện trợ nước cuối cùng cho Maldives được cả Bắc Kinh và New Delhi cung cấp diễn ra hồi năm 2014 – sau khi một nhà máy lọc nước ở Male bốc cháy, khiến đất nước này không có nước uống.
Tuy nhiên, không có sự việc giống vậy nào được ghi nhận vào trước đợt quyên góp tuần này. Thay vào đó, chuyến hàng 90 container nước từ Tây Tạng chỉ được xem như một món quà. Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Maldives, “Chủ tịch Khu tự trị Tây Tạng đã bày tỏ mong muốn quyên góp 1,500 tấn nước uống… trong chuyến thăm chính thức đến nước này hồi tháng Mười Một.”
Diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Male và Bắc Kinh và ngay sau khi một hiệp ước hỗ trợ quân sự vừa được ký kết giữa hai nước, món quà quyên tặng này đã làm dấy lên nhiều phân tích.
Hơn nữa, hiệp ước hỗ trợ quân sự đã diễn ra ngay sau khi quân đội Ấn Độ rút lui khỏi quần đảo này sau lời những lời kêu gọi dai dẳng của ông Muizzu về việc rút quân.
Theo ông Siddhartha, Trung Quốc có một kế hoạch nhiều bước dành cho Maldives, một quốc gia Nam Á có đa số người dân theo Đạo Hồi với dân số chỉ hơn 518,000 người.
“Kiểm soát Maldives như một bức tường thành chống lại Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Bảo đảm… rằng người dân Maldives không thốt ra một lời nào chống lại hành động tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ. Có thêm một trợ lực nữa sẵn sàng cho một hành động tàn bạo khác sẽ xuất hiện trong những năm tới,” ông nói, đề cập đến cuộc đàn áp người Tây Tạng và việc khai thác tài nguyên của Tây Tạng.
Giành được thị trường nước đóng chai cao cấp
Tuy nhiên, một chuyên gia gốc Tây Tạng tin rằng việc Trung Quốc tặng nước “sạch, trong, và khoáng chất dồi dào” cho Maldives cũng là một cách thức để tạo ra một thị trường cho các công ty nước khoáng Trung Quốc, vốn chủ yếu có trụ sở tại Tây Tạng. Nhu cầu về nước uống chất lượng cao của Maldives – không chỉ cho người dân mà còn cho ngành du lịch cao cấp – có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho Trung Quốc.
Bà Dechen Palmo là một nhà nghiên cứu tại Ban Môi trường và Phát triển của Viện Chính sách Tây Tạng (TPI). Bà nói với The Epoch Times rằng TAR đã bắt đầu một sáng kiến gọi là “Chia sẻ các dòng sông của Tây Tạng với thế giới” vào năm 2014 và đã ký hợp đồng với 16 công ty lớn để mở rộng ngành công nghiệp nước đóng chai ở Tây Tạng.
Các báo cáo về ngành công nghiệp nước đóng chai của Trung Quốc có trụ sở ngoài Tây Tạng bắt đầu xuất hiện sau tháng 10/2015, khi chính quyền TAR đề ra một bản kế hoạch 10 năm, “Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp nước uống tự nhiên của Khu tự trị Tây Tạng.”
Theo Tân Hoa Xã, kế hoạch này nhằm phát triển “nước tiêu dùng thuộc phân khúc trung và cao cấp” trong khi “dựa vào các nguồn tài nguyên sinh học cao nguyên, tập trung phát triển nước uống đặc sản cao nguyên.”
Kế hoạch này đặt ra mục tiêu đạt sản lượng 5 triệu tấn vào năm 2020. Bà Palmo, người nghiên cứu về các con sông xuyên biên giới của Tây Tạng, cho biết không có thông tin cụ thể nào về nguồn nước tặng cho Maldives.
“Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Maldives đã nói về thương hiệu nước cao cấp có giá cao của Tây Tạng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng họ đang nói về những chai nước 5100,” bà Palmo nói khi đề cập đến “Tây Tạng 5100” – nhãn hiệu nước khoáng cao cấp do Công ty TNHH Tài nguyên Nước Tây Tạng sản xuất. Trước đây gọi là Công ty TNHH Tài nguyên Nước Tây Tạng 5100, công ty này đã được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông và là công ty đầu tiên của Tây Tạng được niêm yết trên sàn này.
Bà nói, việc tặng nước uống từ các dòng suối trên cao của Tây Tạng có thể là một chiến lược mang lại lợi nhuận tiềm năng khi mở rộng thị trường tại đó.