Trung Quốc muốn ‘phát triển sức mạnh’, nhắm mục tiêu vào đảo Guam
Theo các chuyên gia, chế độ cộng sản Trung Quốc cố gắng loại Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và phát triển sức mạnh ra ngoài biên giới. Họ nói rằng lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ sẽ là trung tâm của bất kỳ xung đột Mỹ–Trung nào.
“Mục tiêu của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương không phải là điều bí mật,” bà Patty-Jane Geller, một nhà phân tích chính sách của Quỹ Di sản, cho biết.
“Chúng tôi biết rằng Bắc Kinh đang theo đuổi một thế trận quân sự khiến Hoa Kỳ không thể hoạt động được ở các vùng lân cận nhất của Trung Quốc, và điều đó cũng sẽ cho phép Bắc Kinh phát triển sức mạnh vượt ra các bờ biển của nước này.”
Bà Geller đã đưa ra các bình luận trên trong một cuộc hội thảo do Viện Hudson – một viện nghiên cứu chính sách ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn – tổ chức. Hội thảo đã khảo sát tỉ mỉ tầm quan trọng chiến lược liên tục của Guam, phần lãnh thổ cực tây của Hoa Kỳ và là một trung tâm then chốt cho sự phát triển sức mạnh của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương.
Guam nằm ở Chuỗi đảo thứ hai, trải dài từ phía đông Nhật Bản xuống Biển Philippine tới Borneo, và được xem có tầm quan trọng sống còn để ngăn chặn Trung Cộng cố gắng xâm lược Đài Loan tự quản.
Bởi vị trí và tầm quan trọng sống còn của vùng lãnh thổ này trong chiến lược địa chính trị của Hoa Kỳ, nên có vẻ như Guam là mục tiêu hàng đầu cho sự xâm lược quân sự của Trung Quốc trong trường hợp có một vụ xung đột, và nằm trong tầm bắn của một vài oanh tạc cơ và hệ thống hỏa tiễn Trung Quốc.
Bởi vậy, việc củng cố hệ thống phòng thủ của Guam đã trở thành ưu tiên hàng đầu của quân đội Hoa Kỳ – hiện đang nỗ lực thiết lập một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn thường trực ở đây trước năm 2026, và đã từng khai triển hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Iron Dome trên lãnh thổ này như một biện pháp tạm thời.
Tuy nhiên, bà Geller nói rằng có thể cần phải rút ngắn mốc thời gian trên bởi vì lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã thề sẽ thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.
Bà nói rằng Hoa Kỳ có ít thời gian quý báu để suy ngẫm thêm về loại chiến lược mà quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng, hoặc hiệu quả chiến đấu của họ ra sao. Đây là một chủ đề được suy đoán nhiều vì thực tế là Quân đội Trung Quốc đã không tham gia vào một cuộc chiến chính thức nào kể từ năm 1979.
“Chúng ta không muốn đợi đến khi có chiến tranh mới biết được quân đội Trung Quốc sẽ hoạt động ra sao, chiến đấu như thế nào,” bà Geller nói. “Tôi nghĩ chúng ta cần sẵn sàng ngay bây giờ.”
“Hoa Kỳ cần tiếp tục chuẩn bị cho cuộc chiến mà chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đang hứng thú theo đuổi.”
Để đạt mục tiêu đó, ông Bryan Clark, thành viên cao cấp của Viện Hudson, cho rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ cần bảo đảm Guam được bảo vệ thỏa đáng mà không biến nơi đây thành mấu chốt cho chiến thắng quân sự của Hoa Kỳ.
“Nếu chúng ta dồn hết mọi nguồn lực vào Guam, chúng ta sẽ tự khiến bản thân trở nên quá dễ bị tấn công bởi vì Guam không thể phòng thủ được trước số lượng vũ khí mà Trung Quốc có thể ném vào hòn đảo này,” ông Clark cho biết.
Ông Clark nói thêm rằng, nếu Hoa Kỳ muốn thành công, họ cần làm xói mòn khả năng lập kế hoạch của Trung Cộng nhằm gây ảnh hưởng xấu đến vị trí thống trị quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời phá vỡ khả năng hỗ trợ quân đội của họ.
Với suy nghĩ này, ông cho rằng khả năng của Hoa Kỳ trong việc gây bất ổn và bất ngờ trong giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc và giảm thiểu khả năng tập trung hỏa lực vào một mục tiêu trung tâm của họ là rất quan trọng cho các nỗ lực răn đe của Hoa Kỳ.
“Chúng ta gặp thách thức này khi chúng ta là đội khách, họ là đội chủ nhà, và chúng ta đang chơi trên sân của họ,” ông Clark chia sẻ về một xung đột tiềm năng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Do đó, họ có thể lên kế hoạch cho các thứ ở một mức độ mà có lẽ chúng ta không làm được bởi vì, với tư cách một lực lượng viễn chinh, chúng ta phải linh hoạt hơn và mang theo mình mọi thứ hậu cần và bảo vệ.”