Trung Quốc đi theo con đường của Nhật Bản những năm 1980? (Phần 1/4)
Ngược dòng về giai đoạn 5 năm sau của thập niên 80, Nhật Bản lúc đó đã trở thành một thế lực tài chính áp đảo và được mệnh danh là mối đe dọa hiện hữu đối với tương lai của Hoa Kỳ. Trong một thời gian ngắn, các nhà đầu tư và các tổ chức từ Nhật Bản dường như mua hết cả Hoa Kỳ. Hiện tượng này khiến cho các nhân vật lỗi lạc nổi tiếng cũng như kín tiếng đều chỉ trích (trong số đó có cố quý ngài Paul Harvey vĩ đại, người đã cảnh báo rằng Nhật Bản mua Hoa Kỳ “bằng tiền của chúng ta”).
Và hiện nay, chúng ta lại thấy sự trỗi dậy tương tự của Trung Quốc, được khá nhiều người xem là mối đe dọa chính đối với Hoa Kỳ. Không giống như Nhật Bản – là “mối đe dọa” tập trung vào bá quyền tài chính, quốc gia bại trận trong Đệ nhị Thế chiến này không có tham vọng bành trướng hoặc quân sự hóa ở bất kỳ nơi đâu – nhưng tham vọng của Trung Quốc lại là một kế hoạch hoàn chỉnh. Chính quyền Trung Quốc không chỉ tìm cách tái thiết lập vinh quang đã mất của một vương triều (ít nhất là ở phần đất của họ trên thế giới này) về phương diện tài chính và kinh tế, mà rõ ràng là họ muốn làm như vậy bằng vũ lực nếu thấy cần thiết.
Một điều oái oăm ở đây là cả hai mối đe dọa này về căn bản đều đã được tạo ra tại Hoa Kỳ.
Mối đe dọa mà Nhật Bản được cho là đại diện từ ba thập niên trước đã không còn nữa. Điều tương tự của chế độ Trung Quốc thì vẫn tồn tại. Và có một khả năng chưa được đánh giá đầy đủ là vào một ngày nào đó, số phận của Trung Quốc có thể giống như Nhật Bản khi xưa.
Với trường hợp của Nhật Bản, lần vinh quang cuối cùng của họ trên thực tế đã được thiết kế đặc biệt bởi một nhóm do Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông James Baker lãnh đạo năm 1985. Trong Thỏa thuận Plaza, ông Baker và những người đồng cấp từ Nhật Bản, Đức, Pháp, và Vương quốc Anh đã chấp thuận kế hoạch làm đồng USD mất giá nặng. Hệ quả đối với Nhật Bản là đồng yên tăng giá nhanh chóng, và đột nhiên, quốc gia này bơi trong tiền; tiền mà họ đã dùng để đầu tư vào Hoa Kỳ và các nơi khác. Trong một thời gian, điều này cũng dẫn đến việc Nhật Bản là nước duy nhất mua Công khố phiếu Hoa Kỳ nhiều nhất.
Đó là một kết cục được tính toán trước, cho đến khi điều đó quay trở lại gây hại cho Hoa Kỳ bằng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào tháng 10/1987. Sự sụp đổ đó chủ yếu là do Nhật Bản đã cố gắng đòi mức lãi suất cao hơn NHIỀU trong nhiều tháng trước khi họ tham gia vào các cuộc đấu giá Công khố phiếu. Kết quả là lãi suất tăng vọt trong hầu hết năm 1987 cuối cùng đã khiến Wall Street sụp đổ.
Các hậu quả khác bao gồm bong bóng khổng lồ về bất động sản, cổ phiếu, và các bong bóng khác ở Nhật Bản, vì cả thế giới muốn đầu tư theo đà lãi suất tăng vọt khi đó. Chúng ta đã biết điều gì xảy ra tiếp theo, là “phần còn lại của câu chuyện”, như ông Harvey nói. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 1989, và kể từ đó chỉ số Nikkei Dow chưa bao giờ lên lại mức gần đỉnh 40,000 điểm. Bong bóng bất động sản thì bắt đầu xẹp hơi vài năm sau đó.
Nhật Bản đã thấm đòn. Từ chính phủ, các ngân hàng, và các nhà đầu tư tư nhân Nhật Bản, họ đều bán đi phần lớn những gì đã mua được ở mọi nơi trong suốt vài năm hoàng kim nhân tạo đó. Nhật Bản nhanh chóng chuyển từ vị thế Vua trên đỉnh cao xuống thành một quốc gia không có đủ phương tiện để bịt các lỗ hổng đột ngột xuất hiện.
Ngày nay, ít nhất trong hoàn cảnh này Nhật Bản vẫn giữ được lợi thế là một trong những quốc gia đồng nhất về văn hóa trên hành tinh. Do đó, họ có sự đồng thuận xã hội đủ lớn để sống với số phận hiện thực sau những ngày tháng sóng gió đó: một nền kinh tế già cỗi, trì trệ, đơn thuần chỉ để sinh tồn – về cả phương diện tài chính hay thực tiễn – nhưng đều là khá cô lập.
Vì mọi người đều có một phần bị thu hút và một phần lo lắng cho Nhật Bản trong những ngày tháng đó, tương tự giống như thế giới đang phải ngạc nhiên với đôi mắt trầm trồ (và mong muốn được tham gia cùng, bất kể có mâu thuẫn về đạo đức trong trường hợp này) trước sự “phát triển” trong thời hiện đại của Trung Quốc; nhưng ít người hiểu rằng những quân cờ domino ở đó đã bắt đầu ngã đổ. Tất nhiên, có một số điểm khác biệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản: nhưng bài toán thì vẫn luôn giống nhau.
Trong phần tiếp theo của đề tài thảo luận này, tôi sẽ nói về cách thức và lý do tại sao Trung Quốc hiện đại đã khởi đầu chủ yếu như là một thuộc địa có thể trục lợi của đa số các tập đoàn và đem lại các quyền lợi cho Hoa Kỳ. Thêm nữa, làm thế nào mà “con quái vật” mới nhất một khi được tạo ra bởi phương Tây, đã tìm cách sử dụng vốn, bí quyết, và nhiều nữa, những thứ mà họ được trao cho hoặc họ đánh cắp để trở thành siêu cường của tương lai.
Và cuối cùng, tôi sẽ mô tả chi tiết ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm như thế nào, điều gì có thể xảy ra tiếp theo, và điều này đã khiến thế giới và cán cân quyền lực toàn cầu trở nên nguy hiểm hơn như thế nào.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Chris Temple đã tạo nên sự khác biệt bằng khả năng độc đáo của mình trong việc khiến người bình thường có thể hiểu được sự phức tạp của thị trường và thế giới của chúng ta, chủ yếu là thông qua bản tin The National Investor. Với hơn 5 thập niên trong thế giới tài chính và đầu tư, bài bình luận của ông đã xuất hiện trên Barron’s, Forbes, Investors’ Digest, cùng các ấn phẩm khác.