Trung Quốc: Cơ quan chống tham nhũng tự điều tra quan chức của chính mình
SOPHIA LAM
Mới đây, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc đã thông báo, ba quan chức cao cấp của nước này đang bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật và luật pháp.”
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) của Trung Cộng cần phải bảo đảm rằng mọi quan chức đều một lòng đi theo đường lối của Đảng, trung thành với lãnh đạo cao nhất của Đảng, và chấp hành điều lệ Đảng. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình lại sử dụng cơ quan này để thanh trừng các đối thủ chính trị của mình nhân danh chiến dịch chống tham nhũng.
Từ ngày 30/05 đến 25/06, CCDI đã điều tra ba quan chức cao cấp: ông Hác Tông Cường (Hao Zongqiang), phó trưởng ban tuyên truyền của Ủy ban Giám sát Quốc gia (NCS), một cơ quan giám sát của CCDI; ông Lưu Nhiên (Liu Ran), phó giám đốc Văn phòng Giám sát và Kiểm tra số Hai của NCS; ông Thôi Ngọc Nam (Cui Yunan), nhà nghiên cứu cao cấp của Văn phòng Thanh tra và Điều tra số Mười Ba.
Ông Lưu đã bị cách chức và khai trừ khỏi Trung Cộng, còn hai quan chức kia vẫn đang bị điều tra “vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật”, theo một thông báo trên trang web chính thức của ủy ban giám sát trung ương.
Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ông vẫn đang thanh trừng các đối thủ chính trị của mình và những người ủng hộ họ qua chiến dịch chống tham nhũng, trước kia là do ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đảm nhiệm.
Ông Lý Hi, tiếng nói quyền lực nhất về chống tham nhũng hiện tại cũng là thân tín của ông Tập, cho biết tại cuộc họp nội bộ hôm 24/02 rằng CCDI sẽ “kiên quyết trấn áp những kẻ hai mặt” và “quyết tâm ngăn chặn bóng tối dưới ánh đèn” theo hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã.
Một số cơ quan truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc gọi ba người đàn ông là “bóng tối dưới ánh đèn” (đăng hạ hắc) – một cách diễn đạt của người Trung Quốc để chỉ một điều gì đó hoặc một tình huống xảy ra ngay trước mắt một người nhưng bị người đó bỏ qua vì còn mải bận tâm đến những vấn đề khác.
Các quan chức kỷ luật khác ở các cấp chính quyền địa phương cũng đang bị điều tra.
Từ ngày 05/05 đến 06/06, bốn quan chức kỷ luật ở Nội Mông đã bị cách chức và bị điều tra – bao gồm ông Mã Phụng Hà (Ma Fengxia), giám đốc Văn phòng Giám sát và Kiểm tra số Ba của ủy ban giám sát Nội Mông; ông Mã Bảo Lâm (Ma Baolin), trưởng đoàn thanh tra kỷ luật khu vực Nội Mông đóng tại Ngân hàng Nội Mông; ông Triệu Quang Huỳnh (Zhao Guangjiong), trưởng đoàn thanh tra kỷ luật khu vực Nội Mông đóng tại Ngân hàng Mông Thương; và ông Dư Dương (Yu Yang), phó giám đốc Văn phòng Giám sát và Kiểm tra số Sáu của ủy ban kỷ luật khu tự trị Nội Mông.
Tất cả các quan chức này đều đang bị điều tra vì “nghi ngờ vi phạm kỷ luật và luật pháp”, theo CCDI.
Ông Lam Thuật (Lan Shu), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng các cố gắng chống tham nhũng của ông Tập ngày càng không hiệu quả, vì Trung Cộng tự đặt mình lên trên luật pháp Trung Quốc, dẫn đến nạn tham nhũng có hệ thống.
Ông nói: “Các quan chức cấp dưới của Trung Cộng bắt chước theo cách làm của cấp trên, phớt lờ luật pháp mà họ cho rằng không áp dụng cho họ.”
“Trung Cộng chống tham nhũng chừng nào thì nạn tham nhũng càng lan rộng trong bộ máy quan chức của đảng này chừng đó,” ông Lam nói, “Đó là lý do Trung Cộng tuyên bố rằng chiến dịch chống tham nhũng của họ ‘luôn trong trạng thái đang tiến hành.’”
“Nạn tham nhũng ở Trung Quốc không thể tiêu tan dưới chế độ tham nhũng có hệ thống của Trung Cộng.”
Nhà quan sát Trung Quốc Vương Hách (Wang He) cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Trước đây ông đã nói với The Epoch Times rằng tệ nạn tham nhũng của Trung Cộng là vấn đề cố hữu trong toàn bộ hệ thống của đảng này, kể cả bộ máy kỷ luật của họ, bởi vì ở Trung Quốc không có cơ chế giám sát hữu hiệu.
“Tham nhũng sẽ không dừng lại chỉ vì một quan chức nào đó bị hạ bệ,” ông Vương nói.
Cơ quan giám sát kỷ luật của Trung Cộng tuyên bố đã điều tra gần 5 triệu quan chức các cấp vì cáo buộc tham nhũng dưới quyền cai trị của ông Tập.
Hồi tháng Mười năm ngoái tại Bắc Kinh, ông Tiêu Bồi (Xiao Pei), phó bí thư CCDI cho biết, trong số 5 triệu quan chức đang bị điều tra, 553 người là quan chức cao cấp của Đảng từ cấp thứ trưởng trở lên, những người được Ủy ban Trung ương Đảng – cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Cộng – trực tiếp chỉ định và bổ nhiệm.