Trung Quốc: Các quan chức lúng túng vì sự mâu thuẫn của hai vị lãnh đạo hàng đầu
JUSTIN ZHANG
Sự bất đồng giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Mặc dầu nền kinh tế Trung Quốc hiện đang bất ổn và có rủi ro lớn, nhưng ông Tập kiên quyết thúc đẩy chính sách “zero-COVID” bằng mọi giá, trong khi ông Lý kêu gọi ổn định nền kinh tế bằng mọi giá.
Theo các hãng thông tấn Trung Quốc, hôm 25/05, ông Lý đã triệu tập một hội nghị truyền hình và điện thoại toàn quốc về kinh tế, có sự tham dự của 100,000 quan chức cộng sản Trung Quốc địa phương trên khắp đất nước, với chủ đề “ổn định nền kinh tế ở cấp độ vĩ mô và ổn định việc làm”.
Tại hội nghị, ông Lý thừa nhận rằng tình hình kinh tế hiện tại tệ hại hơn so với năm 2020 khi đại dịch bùng phát. “Hồi tháng Ba và tháng Tư, các chỉ số như việc làm, sản xuất công nghiệp, tiêu thụ điện, vận tải hàng hóa, và các chỉ số khác đã giảm đáng kể. Ở một số khía cạnh, những khó khăn [mà chúng ta phải đối mặt] hiện nay, ở một mức độ nào đó, thậm chí còn lớn hơn khi nền kinh tế bị tổn thương do dịch bệnh nghiêm trọng năm 2020.”
Ông Lý cũng tuyên bố rằng nền kinh tế Trung Quốc đã đi chệch hướng, và trọng tâm của hội nghị là “thúc đẩy nền kinh tế trở lại đường hướng bình thường”. Tuy nhiên, ông đã không đề cập một chút nào đến chính sách “zero-COVID” của ông Tập trong bài diễn thuyết của mình.
Các chuyên gia đưa ra các quan điểm khác nhau
Những nhận xét ngầm chỉ trích nói trên được nhiều chuyên gia về Trung Quốc ở hải ngoại xem là lời chỉ trích và thách thức công khai đối với ông Tập; điều này có thể cho thấy rằng ông Tập đã mất quyền lực thực sự và có thể bị ông Lý thay thế.
Hôm 26/05, ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một chuyên gia về chính trị và kinh tế của Trung Quốc, nói trên kênh của mình rằng việc ông Lý tổ chức một hội nghị kinh tế toàn quốc với 100,000 người tham dự cho thấy ông ấy đã bắt đầu chi phối công việc này, và ông Tập đã trở thành một nhân vật chuyển tiếp mất đi quyền lực.
Cũng có mặt tại hội nghị còn có ông Hàn Chính (Han Zheng), Phó Thủ tướng Thường trực Ủy ban Chính trị Trung Cộng; và các Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan), Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), và Lưu Hạc (Liu He), những người có cấp bậc đứng sau ông Hàn Chính. Nhưng đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí cũng tham dự hội nghị. Hai nhân vật này đã thu hút sự chú ý từ các nhà phân tích bên ngoài vì họ đều đại diện cho quân đội và hệ thống công an – “nòng súng” và “sức mạnh ngòi bút” của Trung Cộng.
Theo phân tích của ông Trần Phá Không, điều này có nghĩa là quân đội Trung Quốc và hệ thống công an đã chọn đứng về phía ông Lý Khắc Cường.
Tuy nhiên, ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một chuyên gia về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng, ngược lại, hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham dự của 100,000 quan chức địa phương chỉ đơn giản tiết lộ rằng địa vị của ông Lý rất mong manh. Ông Chương tin rằng ông Lý phải liên lạc trực tiếp với các quan chức địa phương bởi vì ông ấy đã không thể làm cho các chỉ thị của mình được truyền đạt một cách hiệu quả.
Trong một bản tin hôm 26/05 của Bloomberg, tám quan chức địa phương cao cấp nói với hãng thông tấn này với điều kiện giấu tên rằng những chỉ thị trái ngược nhau từ ông Tập và ông Lý đang “dẫn đến tình trạng tê liệt trong nội bộ một quốc gia thường được ca ngợi là thi hành nhanh chóng các mệnh lệnh từ cấp trên.”
Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với sự bất ổn lớn
Các biện pháp kiểm soát đại dịch hà khắc của Trung Quốc đã khiến nền kinh tế quốc gia này ngập trong tình trạng đại hỗn loạn.
Theo Cục Thống kê Quốc gia của Trung Cộng, trong bốn tháng đầu năm nay, lợi nhuận của các ngành và các doanh nghiệp trên quy mô được chỉ định đã giảm 8.5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận của lĩnh vực sản xuất giảm 22.4%, và tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc tăng lên 6.1%. Do các số liệu chính thức của Trung Cộng thiếu độ tin cậy, nên tỷ lệ thất nghiệp thực tế có thể cao hơn nhiều.
Hiệu suất tổng thể của 100 công ty bất động sản hàng đầu của Trung Quốc đã giảm hơn 50%, và tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng giảm 11.1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy hàng xuất cảng của Trung Quốc có xu hướng thu hẹp, và vốn hải ngoại đã chảy ra với số lượng lớn.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, tổng giá trị hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc trong tháng Tư là 273.62 tỷ USD, giảm 0.9% so với tháng trước.
Gần đây, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) báo cáo rằng trong tháng Ba năm nay, tính cả trái phiếu và cổ phiếu, thì dòng vốn hải ngoại chảy ra khỏi Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục 17.5 tỷ USD.