Trung Cộng không quan tâm đến các vụ vỡ nợ địa ốc
Người mua nhà Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ vỡ nợ của các công ty phát triển địa ốc. Nhiều gia đình gánh chịu tổn thất tài chính lớn quá sức do những căn nhà mà họ mua chưa hoàn thành. Một loạt các biệt thự dân cư ở dạng bán hoàn thành nằm ngay trước văn phòng quận địa phương của Thiên Tân, đô thị ven biển lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc.
Hôm 15/09, người mua nhà đã biểu tình trước văn phòng Quận Khu Mới Binhai, một quận cấp tỉnh và là khu vực mới dành cho các cơ quan cấp nhà nước ở Thiên Tân mà chính phủ từng quảng cáo là một bản sao của những dự án phát triển địa ốc ở Thượng Hải.
Các tấm biển ghi: “Chuyện ở Binhai. Côn đồ là ai? Những ngôi nhà chưa hoàn thành đang ở ngay trước mặt của chính phủ!” Những người mua nhà đồng loạt hét lên: “Các chủ dự án vô lương tâm; hãy trả lại nhà cho tôi!”
Người mua nhà cũng treo một tấm biển trên văn phòng kinh doanh của Trung Tâm Thịnh Vượng Vịnh Binhai (Binhai Bay Fortune Center). Tấm biển viết, “Chủ dự án Fenghua Land vô lương tâm; hãy trả lại nhà của người dân!”
Ông Wang (ẩn danh) là một trong những nạn nhân của việc xây dựng dở dang. Ông cho biết nhà môi giới đã trì hoãn dự án hơn 5 năm. Ông đã nhận được văn bản “Thông báo hoãn bàn giao nhà” hàng năm kể từ khi ông mua căn nhà này cách đây 5 năm, và thông báo cuối cùng cho biết dự án sẽ bị hoãn lại đến ngày 15/09/2021.
Người mua nhà mắc kẹt trong các khoản nợ
Ông Wang nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 21/09 rằng, “Ngày 15/09 năm nay là năm thứ 5 sau khi chúng tôi mua nhà. Người mua nhà không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ quyền lợi của họ trước chính quyền địa phương.”
Tuy nhiên, theo ông Wang, phản ứng của chính quyền địa phương là, “vụ việc vẫn đang được điều tra.”
Ông Cheng (ẩn danh) là một trong những khách hàng giai đoạn đầu trong đợt bán trước của công ty Fenghua Land. Ông đã đầu tư tất cả tiền tiết kiệm của mình và tiền vay từ bạn bè và gia đình để thanh toán khoản trả trước trị giá 186,000 USD vào tháng 09/2016.
Ông Cheng nói với The Epoch Times hôm 22/09 rằng, “Một cửa hàng kinh doanh có giá hơn 310,000 USD. Chúng tôi phải trả khoản vay thế chấp mua nhà hàng tháng là 1,550 USD. Tôi nghĩ khi tòa nhà sẵn sàng vào cuối năm 2017, chúng tôi có thể cho thuê hoặc tự kinh doanh để giảm bớt gánh nặng.”
Tuy nhiên, việc xây dựng đã bị tạm dừng, ngay cả điện và nước cũng không được lắp đặt.
Ông nói: “Chủ dự án nhận thấy rằng sự phát triển của địa phương này sẽ không duy trì được việc bán các bất động sản [nữa], và quyết định dừng việc xây dựng. Họ sẽ không trả lại tiền hoặc hoàn thành việc xây dựng. Chúng tôi đã thắng kiện, nhưng họ sẽ không trả tiền phạt vi phạm hợp đồng.”
Ông Cheng nói rằng nhiều chủ đầu tư Trung Quốc đã không có năng lực hoàn thành dự án nhà, và việc chính quyền “ưa thành tích” đã dẫn đến cái bẫy cho người mua nhà.
Ông nói: “Có một vị lãnh đạo ở Thiên Tân tin rằng vì ở Thượng Hải có một khu vịnh nên Thiên Tân cũng nên có một khu vịnh. Chính phủ đã mời các nhà phát triển địa ốc đến và hứa hẹn mọi thứ. Ông ấy hứa khu vực vịnh Thiên Tân sẽ hoạt động song song với khu vực vịnh Thượng Hải. Nhưng giờ đây, khu vực vịnh Thiên Tân đã trở thành một vùng đất hoang vắng.”
“Trong 5 năm, công trình này bị bỏ hoang. Công trình nằm ngay bên cạnh cơ quan công quyền, nhưng không ai quan tâm.”
“Chúng tôi đã đến chính quyền quận và giăng một biển ngữ, rồi ủy ban quản trị nói rằng vấn đề sẽ được giải quyết, nhưng thậm chí họ không thể tìm thấy chủ dự án của công trình này.”
Cuộc biểu tình hôm 15/09 diễn ra từ sáng cho đến 4 giờ chiều. Không có hồi đáp từ chính phủ.
Ông Cheng cho biết có một người đàn ông khác, gần 60 tuổi, đang nghĩ đến việc bán căn nhà của mình để trả tiền vay mua nhà vì không có thu nhập khác. Ông ta thậm chí còn nghĩ đến việc gieo mình xuống từ tòa nhà.
Ông Cheng giải thích về hoàn cảnh của chính mình: hiện sống trong một ngôi nhà rộng 430 square feet với hai người con và tiền vay phải trả hàng tháng. Ông nói, “Là một người nhập cư ở Thiên Tân, chúng tôi muốn mua một ngôi nhà và định cư. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để kiếm một số tiền. Hiện tại, bọn trẻ đang ở dưới quê để đi học.”
Các công ty địa ốc sụp đổ
Nhiều người mua nhà Trung Quốc đã thấy mình bị mắc kẹt trong vòng quay của những ngôi nhà dở dang, mà không có bất kỳ giải pháp cứu trợ nào.
Ông Cheng cho biết: “Khi chúng tôi nộp đơn kiện vào năm 2018, chủ đầu tư nói rằng sẽ bàn giao nhà vào năm 2018. Khi khởi kiện vào năm 2019, ông ta nói rằng sẽ bàn giao nhà vào năm 2019. Khi đơn kiện được đệ trình năm 2020, ông ta cho biết sẽ bàn giao nhà vào năm 2021. Công trường không có người; tòa án thậm chí còn không thèm ngó công trình một chút nào, và công trình đã bị trì hoãn vô thời hạn… bây giờ không còn chỗ cho công lý.”
Một phân tích cho thấy, tính đến ngày 20/07, đã có ít nhất 1,100 công ty địa ốc nộp đơn phá sản kể từ năm 2017. Trung bình mỗi ngày có một vụ phá sản trong ngành địa ốc Trung Quốc.
The Epoch Times đã cố gắng liên hệ với Trung Tâm Thịnh Vượng Vịnh Binhai, nhưng điện thoại của họ đã bị ngắt kết nối.
Ông Cheng cho biết các chủ dự án địa ốc ở Trung Quốc vẫn hoạt động kinh doanh theo cách thức sơ khai, đó là: “mua đất, vay tiền, vẽ một miếng bánh lớn để thu hút đầu tư của chính quyền địa phương và bán khi giá tăng. Nếu thị trường xấu, trò chơi kết thúc.”
Ông chỉ ra rằng bản thân ngành địa ốc đang chạy theo lợi nhuận khổng lồ, và khi lợi nhuận biến mất, dự án sẽ bị bỏ rơi: “Các công ty Trung Quốc chẳng quan tâm gì đến uy tín. Chính phủ không làm gì với tình trạng đó… Đây là những gì đang xảy ra ở Thiên Tân, một thành phố tương đối lớn ở Trung Quốc.”